Đại Kỷ Nguyên

Có thứ tình yêu chẳng đáng một xu, hà tất phải níu giữ?

Có những người dẫu sa cơ lỡ vận vẫn ung dung bình thản, lại có những người vừa mới đặt chân vào đầm lầy cuộc sống đã không thể nào thoát ra được. Lòng người phiền não không phải do ngoại cảnh, mà là vì không nhận thức được những đạo lý giản đơn này.

Người thông minh luôn tập trung chú ý vào việc của mình

Xưa, dân nước Chu thường dùng bông để làm áo giáp. Một người tên là Công Tức Kỵ thấy cách làm này quá nhiều hạn chế, bèn nói với Chu quân rằng: “Nếu thay bông bằng dây thừng thì áo giáp sẽ bền chắc hơn”.

Chu quân thấy có lý, bèn làm theo ý kiến của Công Tức Kỵ. Sau đó Công Tức Kỵ dặn người nhà hãy chế tạo thật nhiều dây thừng. Chẳng bao lâu sau, có người gièm pha nói rằng sở dĩ Công Tức Kỵ đề xuất dùng dây thừng làm áo giáp là bởi nhà ông ta chuyên chế tạo dây thừng.

Chu quân không vui, lại hạ lệnh không dùng dây thừng làm áo giáp nữa.

Sách Lã Thị Xuân Thu bình luận rằng: Nếu dây thừng thực sự khiến áo giáp bền chắc hơn, vậy thì Công Tức Kỵ chế tạo dây thừng có phương hại gì đâu? Ông ta có chế tạo dây thừng hay không thì đều không tổn hại đến ai, bởi rõ ràng trọng điểm ở đây là dùng dây thừng có lợi ích hay không, chứ không phải là Công Tức Kỵ sẽ có lợi ích hay không.

Trong cuộc sống vẫn luôn xảy ra những sự tình tương tự. Khi thấy một người làm việc tốt, thay vì nghĩ rằng: ‘Họ làm điều ấy có gì tốt hay không’, chúng ta lại nghi ngờ: ‘Anh ta làm như thế nhất định là đang mưu cầu lợi ích cho bản thân rồi’.

Vì quá ghen tức khi ai đó nhận được lợi ích nên chúng ta chỉ tập trung sự chú ý lên thân người khác, mà hoàn toàn quên mất rằng bản thân mình cần phải làm gì, nên có mục tiêu gì trong cuộc sống. Quả đúng như câu ngạn ngữ: “Chỉ biết chăm chăm nhìn xem vườn hoa nhà người ta đã nở chưa, mà để mặc vườn hoa nhà mình mọc đầy cỏ dại”.

Nhiều khi vì quá ghen tức khi ai đó nhận được lợi ích chúng ta lại quên mất rằng bản thân mình cần phải làm gì. (Ảnh: wenlc.com)

Côn trùng mùa hè không thể nói chuyện băng tuyết, hà tất phải tranh luận?

Trong tác phẩm Nam Hoa Kinh – thiên Thu Thủy, Trang Tử kể câu chuyện về con ếch và con ba ba:

Con ếch ở trong giếng cạn nói với con ba ba ở biển Đông rằng: “Hãy nhìn xem, tôi thật là sung sướng! Tôi nhảy lên trên giàn giếng rồi nghỉ trong bờ tường lở. Khi xuống nước thì khép nách, nghểnh mõm; lúc lê bùn thì ngập gót, ngủm chân. Nhìn lại, các giống cua, bọ gậy, nòng nọc… chả giống nào sướng như tôi cả. Này anh ba ba, sao anh chẳng xuống đây mà tận hưởng?”.

Con ba ba bèn kể chuyện cho con ếch rằng: “Nhà tôi ở biển Đông, xa nghìn dặm không đủ để so sánh bề rộng, cao nghìn thước không đủ để tính bề sâu. Đời vua Vũ, mười năm chín lần lụt, mà nước vẫn không nhiều thêm lên. Đời vua Thang, tám năm bảy lần hạn, mà bờ chẳng vì thế cạn bớt. Ấy cái vui lớn ở biển Đông là thế!”.

Con ếch dưới giếng cạn nghe nói thế, thấm thót giật mình, bâng khuâng mà tự bẽn lẽn.

Con ếch kia ở dưới giếng cạn, nó chỉ coi chiếc giếng của mình là độc nhất, nào hay rằng biển cả còn mênh mông và vĩ đại đến vô cùng? Tương tự như thế, con sâu kia chỉ sống qua ba tháng hè, nó chỉ biết đến cái nóng nực oi ả của mùa hạ, nào ngờ rằng trên đời còn có một thứ gọi là giá rét mùa đông?

Con người cũng vậy, giữa trời đất bao la khôn cùng, nhân loại chỉ giống như viên đá nhỏ trên đồi, như cái cây nhỏ trong rừng, như giọt nước nhỏ nơi sông suối, chẳng phải là quá ư bé nhỏ, quá ư kém cỏi đó sao? Trí tuệ con người là hữu hạn, làm sao lý giải nổi những thứ nằm ngoài phạm vi hiểu biết của mình.

Người không biết cứ tưởng rằng mình biết, nên mới có chuyện khi ai đó chỉ ra chân lý cho anh ta, anh ta không những không tiếp nhận, mà còn kịch liệt phản đối những gì ngoài phạm vi tri thức của mình. Cho dù có đem tài hùng biện mà thuyết phục anh ta thì cũng không cách nào khiến anh ta minh bạch được.

Trí tuệ của chúng ta thật nhỏ bé giữa trời đất bao la khôn cùng. (Ảnh pixabay.com)

Có tình yêu không đáng một xu, hà tất phải lưu giữ?

Xưa kia ở nước Trịnh, Liệt Tử sống rất nghèo khổ, có khi đói khát không có gì mà ăn uống.

Có người nói với vua Tử Dương của nước Trịnh rằng: “Liệt Tử là một người cao thượng, nay ở nước của ngài mà phải bần cùng, thì chẳng hoá ra nhà vua không biết quý chuộng người giỏi ư?”.

Tử Dương nghe nói vậy, bèn sai sứ giả đem đến cho Liệt Tử vài chục xe thóc. Liệt Tử ra yết kiến sứ giả, vái hai vái cảm tạ, nhưng xin từ chối không nhận. Sứ giả đi rồi, vợ Liệt Tử rất bực tức nói rằng: “Thiếp nghe vợ con những bậc đạo đức cao thượng đều được an nhàn vui vẻ, nay vợ con tiên sinh túng đói, vua đưa cho tiên sinh thóc gạo, tiên sinh lại từ. Thế chẳng phải là số mệnh xui ra vậy hay sao?”.

Liệt Tử cười, bảo vợ rằng: “Không phải là chính vua ban thóc cho ta, mà là nghe có người nói mới ban thóc cho ta. Vậy nếu sau này có người gièm pha, tất vua cũng sẽ nghe lời mà bắt tội ta mà thôi. Vì thế mà ta không nhận thóc”.

Nhân tình thế thái cũng cùng một đạo lý như vậy: Có người yêu mến bạn vì chính con người bạn, nhưng lại có người yêu mến bạn vì ngoại hình, vì của cải, vì địa vị, hay vì thấy người khác đều yêu bạn nên họ a dua làm theo.

Yêu mến bạn vì ngoại hình, thì khi bạn không còn trẻ đẹp, tình cảm ấy cũng tự khắc tiêu tan. Yêu mến bạn vì của cải, thì khi sa cơ lỡ vận, tình cảm ấy cũng bỗng dưng nguội lạnh. Yêu mến bạn vì địa vị, thì khi biến cố xảy đến, tình cảm ấy cũng theo gió bay đi. Yêu mến bạn vì trào lưu xu thế, thì khi lòng người biến đổi, tình cảm của họ cũng theo đó mà dao động.

Những gì của bạn hôm nay được coi là ưu điểm và mọi người ca ngợi, có lẽ mai này khi trào lưu thay đổi, hoa hồng trắng lại trở thành cơm nguội. Như thế, tình cảm người ta dành cho bạn không phải là chân thành xuất phát từ nội tâm, mà chỉ là một chút biểu hiện rất nông cạn hời hợt, có thể tan biến bất cứ lúc nào.

Nói tóm lại, một người mà thông qua yếu tố bên ngoài để yêu bạn, chấp nhận bạn, thì tình yêu của người đó đã bị ngăn cách bởi một tấm kính, không đáng vui mừng, càng không đáng đau lòng.

Nam Phương

Exit mobile version