Đột nhiên, cơ trưởng và cơ phó phát hiện, mỗi bên của máy bay chở khách xuất hiện một máy bay chiến đấu. Ngay sau đó, hai chiến đấu cơ trong tình huống không báo trước, đã nổ súng tấn công máy bay chở khách. Động cơ số 1 và số 4 và thùng nhiên liệu của máy bay chở khách bị bắn, lập tức bốc cháy, ngọn lửa nhanh chóng lan sang thân máy bay.
Xin chào quý vị độc giả, hoan nghênh quý vị đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!
Ngày 23/7/1954, một chiếc máy bay chở khách DC-4 Skymaster của Cathay Pacific Airways đã bị hai máy bay quân sự của ĐCSTQ bắn hạ khi đang trên đường từ Bangkok, Thái Lan về Hồng Kông, khiến 10 người thiệt mạng và 8 người bị thương.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hồng Kông, một máy bay dân sự bị máy bay quân sự bắn hạ. Tại sao nó xảy ra?
Trong tập này, chúng tôi sẽ khôi phục lại sự thật của vụ việc, dựa trên báo cáo điều tra về vụ tai nạn hàng không quốc tế, hồi ký của cựu Tư lệnh Không quân Trung Quốc Mã Ninh, và ý kiến của các chuyên gia có liên quan.
Bị bắn hạ
Vào ngày 23/7/1954, chiếc máy bay chở khách Hồng Kông này cất cánh từ Singapore, dừng lại ở Bangkok, Thái Lan và bay về phía Sân bay Khải Đức (Kai Tak) của Hồng Kông. Lúc 8:40 sáng, máy bay đã ở ngoài biển khơi cách đảo Hải Nam 20 dặm, bay ở độ cao 9.000 feet. Lúc đó, thời tiết tốt, tầm nhìn cao độ.
Đột nhiên, cơ trưởng và cơ phó phát hiện, mỗi bên của máy bay chở khách xuất hiện một máy bay chiến đấu. Ngay sau đó, hai chiến đấu cơ trong tình huống không báo trước, đã tấn công máy bay chở khách. Động cơ số 1 và số 4 và thùng nhiên liệu của máy bay chở khách bị bắn, lập tức bốc cháy, ngọn lửa nhanh chóng lan sang thân máy bay.
Vụ nổ súng bất ngờ này đã gây ra sự hỗn loạn trong cabin. Cửa sổ cabin bị vỡ, thân máy bay xuất hiện những lỗ lớn, khói thuốc súng tràn ngập trong không khí, một tiếp viên trên máy bay chở khách bị bắn chết tại chỗ. Một số thiết bị trong buồng lái bị hư hỏng, cơ phó và một thợ máy trên máy bay đã mạo hiểm chạy ra đuôi máy bay để phát áo phao và chăn cho hành khách.
Bộ liên lạc vô tuyến trên máy bay chở khách ngay lập tức phát tín hiệu cấp cứu theo mệnh lệnh của cơ trưởng, và liên tục lặp lại tín hiệu này trước khi máy bay lao xuống biển. Cơ trưởng đã không ngừng thực hiện các động tác né tránh giữa hai máy bay chiến đấu, và nhanh chóng bổ nhào từ độ cao 9.000 feet.
Chiếc máy bay chở khách bị mất bánh đà đuôi, cánh trước, mãi cho đến khi nó hạ độ cao xuống dưới 1.000 feet, hai chiến đấu cơ mới ngừng tấn công. Sau đó, chiếc máy bay chở khách đã hạ cánh khẩn cấp thành công trên biển với tốc độ 160 hải lý/giờ, tương đương khoảng 296 km/h, nhưng cánh và đuôi bên phải đã bị gãy trong quá trình hạ cánh khẩn cấp.
Một số người sống sót đã nhanh chóng rời khỏi đống đổ nát của chiếc máy bay đang chìm. Cơ trưởng và cơ phó, sau khi xác nhận rằng hai chiến đấu cơ đã rời đi, mới leo lên xuồng cứu sinh bơm hơi và giải cứu những người còn lại.
Quá trình giải cứu
Sau khi Sân bay Khải Đức của Hồng Kông nhận được tín hiệu cấp cứu, đã ngay lập tức thông báo cho đài kiểm soát không lưu của Sân bay Bạch Vân Quảng Châu qua đài phát thanh, nói rằng một chiếc máy bay chở khách của Hồng Kông đã rơi xuống biển gần đảo Hải Nam, và chính quyền Hồng Kông thuộc Anh sẽ cử máy bay quân sự đến giải cứu nó.
Đài kiểm soát của sân bay Bạch Vân Quảng Châu trả lời: Chỉ có phi thuyền Sunderland của chính quyền Hồng Kông thuộc Anh mới được phép đến hiện trường, nếu máy bay quân sự của các nước khác đi vào không phận Trung Quốc sẽ bị Không quân Trung Quốc bắn hạ, mà không đưa ra cảnh báo tối hậu.
Phi thuyền Sunderland của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh là chiếc đầu tiên đến hiện trường máy bay rơi. Tuy nhiên, do gió to, biển động, sóng cao tới 15 feet nên phi thuyền không thể hạ cánh sau 2 giờ bay vòng quanh.
Đồng thời lúc đó, bất chấp lời cảnh báo của ĐCSTQ, Hoa Kỳ nhất quyết cử máy bay đến hiện trường để giải cứu người.
Phi đội Tìm kiếm và Cứu nạn số 31 của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ tại Căn cứ Clark ở Philippines đã điều động một máy bay đổ bộ SA-16 đến hiện trường vụ tai nạn vào khoảng 1 giờ chiều.
Thuyền trưởng Jack Woodyard bay vòng quanh khu vực xảy ra tai nạn trong nửa giờ, hạ cánh mạo hiểm gần đảo Đại Châu ở Hải Nam, nơi sóng nhỏ hơn một chút, rồi lướt hai dặm trong sóng lớn, giải cứu tất cả những người sống sót.
Sau đó, chiếc SA-16 cất cánh với sự hỗ trợ của động cơ phản lực, đến Sân bay Khải Đức của Hồng Kông lúc 5:30 chiều.Những người được giải cứu ngay lập tức được đưa đến Bệnh viện Cửu Long (Kowloon) Hồng Kông.
Tham gia cứu nạn còn có: một máy bay tuần tra hàng hải do Pháp gửi từ Đà Nẵng, Việt Nam, gần nơi xảy ra sự cố nhất; hai máy bay vận tải quân sự, hai máy bay chiến đấu và một thủy phi cơ từ Vương quốc Anh; tám máy bay trên tàu sân bay từ Hoa Kỳ, và một thủy phi cơ Cathay Pacific.
Tình huống thương vong
Vậy con số thương vong cụ thể của những người trên máy bay thì sao?
Trong số 5 thành viên phi hành đoàn, cơ trưởng, cơ phó và một tiếp viên sống sót, trong khi một nhân viên điều hành đài phát thanh và một tiếp viên khác đã thiệt mạng.
Trong số 13 hành khách, 5 người sống sót và 8 người thiệt mạng. Trong số đó, một gia đình người Mỹ gồm 5 người, một người cha 34 tuổi, một cậu con trai 2 tuổi và một cậu con trai 4 tuổi đã thiệt mạng, trong khi vợ và cô con gái 6 tuổi của anh sống sót.
Một nhân viên dân sự của quân đội Hoa Kỳ đóng quân tại Nhật Bản đã bị bắn và bị thương ở chân, nhưng anh vẫn sống sót; một công dân Anh khác và một Hoa kiều ở Thái Lan sống sót.
Các nạn nhân khác là: vợ của Lãnh sự Anh tại Indonesia vào thời điểm đó, một sinh viên đại học Hồng Kông 18 tuổi, một người đàn ông Trung Quốc tên Đái Đình Tường, công nhân bảo trì máy móc của Cathay Pacific Airways; một cư dân Macau khác bị gãy chân và chảy máu trong, sau khi được cứu, ông đã chết trên đường trở về Hồng Kông.
Xử trí của ĐCSTQ
Vào thời điểm đó, Hồng Kông vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Anh, và Vương quốc Anh là một trong số ít các quốc gia phương Tây công nhận chính phủ ĐCSTQ. Cổ đông lớn nhất của Cathay Pacific là công ty Swire Pacific của Anh. Trong bối cảnh như vậy, tại sao máy bay quân sự của ĐCSTQ lại tấn công máy bay của Cathay Pacific?
Ba ngày sau vụ việc, vào ngày 26/7/1954, Chương Hán Phu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, được lệnh xin lỗi chính phủ Anh, nói rằng ông ta rất tiếc về sự cố “bắn nhầm”, và giải thích: Tại vùng biển phía nam cảng Du Lâm, Tam Á, hai máy bay chiến đấu của ĐCSTQ hộ tống một tàu từ Liên Xô và các nước Đông Âu, trong quá trình tuần tra, phát hiện một chiếc máy bay lớn, chỉ huy mặt đất đã ra lệnh cho hai phi công lập tức điều tra tình hình, hai phi công chiến đấu cơ đã sai lầm cho rằng chiếc máy bay chở khách là máy bay ném bom của Quốc Dân đảng, và tự ý bắn hạ nó. Vụ việc hoàn toàn là ngoại ý.
Chương Hán Phu cũng cho biết sẽ bồi thường cho các bên liên quan.
Sau đó, ĐCSTQ đã trả cho Cathay Pacific và thân nhân của những người đã khuất tổng cộng 367.000 bảng Anh tiền bồi thường.
Triệu Húc, phi công trưởng của Trung đoàn 85 thuộc Sư đoàn 29 của Lực lượng Không quân ĐCSTQ, đã bị kết án 1 năm tù; Hàn Quang Vinh, phi công phụ, đã bị kết án 1 tháng tù; phó sư trưởng Tào Chấn Bang bị kỷ luật.
Vào ngày 26/7/1954, Quân ủy Trung ương ĐCSTQ đã ban hành chỉ thị về “Các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ chủ quyền lãnh hải và hộ tống”, nêu rõ rằng, khi lực lượng biển và không quân của ĐCSTQ đang tuần tra trên biển hoặc hộ tống tàu, họ không được chủ động tấn công bất kỳ máy bay hoặc tàu chiến nước ngoài nào, chỉ khi xác nhận rõ ràng rằng đó là chiến đấu cơ, tàu chiến của Quốc Dân đảng thù địch với các mục tiêu hộ tống (tàu buôn hoặc tàu chở dầu) của ĐCSTQ, mới cho phép phản kích. Không quân ĐCSTQ nên tuân thủ các quy định về tự do hàng hải trên biển.
Ngày 30/7, Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân ĐCSTQ đã thông báo tới toàn quân về sự cố “bắn nhầm” một máy bay dân dụng Hồng Kông, yêu cầu đúc rút bài học giáo huấn, và chấp hành nghiêm túc các quy định liên quan.
Phản ứng của Anh-Mỹ
Anh và Mỹ cũng có phản ứng đối với vụ việc này.
Vào ngày 24/7/1954, Đại biện lâm thời đầu tiên của Vương quốc Anh tại Trung Quốc, Đỗ Duy Liêm, người mới nhậm chức được 17 ngày, đã gửi công hàm cho ĐCSTQ về vụ bắn rơi máy bay của Hồng Kông, chỉ trích ĐCSTQ bắn hạ chiếc máy bay dân dụng vô tội.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Dulles đã đưa ra một tuyên bố lên án cường liệt hành vi dã man của ĐCSTQ. Ngày 24/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Wilson thông báo, để giải cứu chiếc máy bay dân dụng, hai nhóm tác chiến tàu sân bay là USS Philippine Sea và USS Hornet sẽ được điều động tiếp cận đảo Hải Nam.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ra tuyên bố: Nếu quân đội Mỹ bị uy hiếp, sẽ không ngần ngại phản công.
Sau đó, Mỹ và Anh tiếp tục tìm kiếm cứu nạn tại vùng biển nơi máy bay chở khách bị rơi, ĐCSTQ cũng cử máy bay và tàu chiến đến tìm kiếm cứu nạn. Trong giai đoạn này, máy bay quân sự của Mỹ đã đụng độ với máy bay quân sự của ĐCSTQ, hai máy bay quân sự của ĐCSTQ đã bị quân đội Mỹ bắn rơi, và hai phi công ĐCSTQ đã thiệt mạng.
Nguyên nhân của vụ tai nạn trên không
Bi kịch liên tiếp phát sinh, nhưng trong sự cố ban đầu, ĐCSTQ đã không giải thích được một câu hỏi: Tại sao chiếc máy bay dân dụng của Hồng Kông lại bị coi là máy bay ném bom của Trung Hoa Dân Quốc? Trên thực tế, điều này có liên quan đến việc triển khai cái gọi là “giải phóng Đài Loan” của ĐCSTQ.
Tháng 7/1953, Hiệp định đình chiến Triều Tiên được ký kết. Mao Trạch Đông cho rằng Chiến tranh Triều Tiên đã tạm thời đi đến hồi kết, đã đến lúc giải quyết vấn đề Đài Loan. Sau đó, ĐCSTQ đẩy mạnh triển khai “giải phóng Đài Loan”.
Ngày 23/7/1954, Mao Trạch Đông gửi điện tín cho Thủ tướng ĐCSTQ Chu Ân Lai đang đàm phán ở Geneva: “Để phá vỡ liên minh quân sự và chính trị giữa Hoa Kỳ và Tưởng Giới Thạch, khẩu hiệu ‘giải phóng Đài Loan’ phải được nâng lên tầm toàn quốc và thế giới”.
Cùng ngày, “Nhân dân Nhật báo” đã đăng một bài xã luận tiêu đề “Nhất định phải giải phóng Đài Loan”, tuyên bố rằng “không đạt mục tiêu, quyết không ngừng nghỉ”.
Vào ngày Mao Trạch Đông điện báo cho Chu Ân Lai và “Nhân dân Nhật báo” đăng bài xã luận, Lực lượng Không quân ĐCSTQ đã “bắn nhầm” một máy bay chở khách của Hồng Kông trên vùng biển quốc tế.
Đương thời, công tác triển khai quân sự và chuẩn bị cho “giải phóng Đài Loan” của ĐCSTQ chủ yếu được tiến hành dọc theo bờ biển phía đông.
Mã Ninh, người sau này giữ chức Tư lệnh Không quân ĐCSTQ, đương thời là sư trưởng Sư đoàn 20 của Lực lượng Không quân ĐCSTQ. Lời giải thích của ông ta về nguyên nhân của vụ tai nạn là: Do hai phi công “mới chuyển từ vùng duyên hải phía đông lên, bộ đội chưa có thời gian tiến hành giáo dục về hoàn cảnh chiến trường, luật pháp, thông lệ quốc tế và các quy định chính sách khác, nên họ tiếp tục sử dụng tố pháp chấp hành nhiệm vụ ở vùng biển của Thượng Hải, Ninh Ba để chấp hành nhiệm vụ. Ở những nơi này, chỉ cần họ gặp một chiếc máy bay là bắn, bởi vì nếu đó không là máy bay Đài Loan thì là máy bay Mỹ. Sau khi họ đuổi kịp, Triệu Húc, người vừa là cơ trưởng vừa là chủ nhiệm bắn, ngay lập tức ra lệnh: ‘Tấn công!’ Sau khi máy bay vận tải bị bắn trúng, đã nhanh chóng rơi xuống biển.”
Tuy nhiên, khi chưa có mệnh lệnh của thượng cấp, liệu hai phi công có dám chủ trương tự tác trên vùng biển quốc tế, bắn liên hoàn vào một máy bay không phải của ĐCSTQ?
Tiến sĩ Vương Hữu Quần, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ và Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, tin rằng sự cố máy bay quân sự của ĐCSTQ bắn hạ máy bay chở khách của hàng không dân dụng Hồng Kông là một sự cố vô cùng nghiêm trọng. ĐCSTQ đã phạm ít nhất năm sai lầm: Thứ nhất, không nên tiến hành các cuộc tấn công vào các máy bay dân dụng; Thứ hai, không nên tiến hành các cuộc tấn công vào các máy bay dân dụng trên vùng biển quốc tế; Thứ ba, không nên tiếp tục tấn công các máy bay dân dụng trong tình huống không có bất kỳ phản công bắn trả; Thứ tư, không nên biết máy bay rơi xuống biển mà không tích cực cứu nạn; Thứ năm, không nên ngăn cản máy bay nước khác đi cứu người.
Tuy nhiên, những điều không nên xảy ra đều đã xảy ra. Tại sao?
Sau vụ việc, ĐCSTQ đổ lỗi cho hai phi công. Nhưng Vương Hữu Quần tin rằng vào năm 1954, giữa ĐCSTQ với nước ngoài và Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan không có phát sinh chiến tranh, hoàn cảnh tổng thể là hòa bình. Trong tình huống như vậy, hai phi công khi không có mệnh lệnh của thượng cấp, không thể dám nổ súng dữ dội vào chiếc máy bay dân dụng.
- Từ vua vùng Đông Bắc đến phần tử phản đảng: Bí ẩn về cái chết của Cao Cương
- Mười năm chính biến không ngừng, câu chuyện nội bộ của thế lực chống Tập
Xét từ lịch sử luôn tìm kiếm con dê thế tội của ĐCSTQ khi xảy ra sự cố, và lời xin lỗi, bồi thường và chỉ thị của Quân ủy Trung ương ĐCSTQ sau vụ việc, thì vấn đề có thể không chỉ ở hai phi công, mà có lẽ ở cấp độ cao hơn.
Mời quý vị xem video gốc tại đây.
- Trọn bộ Trăm Năm Chân Tướng
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch