Cho đến tận bây giờ, cha vẫn không quên ánh mắt con nhìn cha khi ấy. Nó như muốn nói với cha rằng: “Tại sao cha mình lại có thể thực dụng như vậy?”.
Con gái yêu quý của cha!
Vì con đi học rồi lại đi làm xa gia đình nên mấy hôm trước cha đến thăm con, con đưa bạn trai con về ra mắt cha rồi nói: “Cha, con muốn được gả cho anh ấy”. Nhưng sau đó cha không đồng ý, nguyên nhân bởi cậu ấy quá “nghèo”. Cha không đồng ý gả con cho cậu ấy vì cậu ấy có 4 cái nghèo mà cha không thể chấp nhận.
Cho đến tận bây giờ, cha vẫn không quên ánh mắt con nhìn cha khi ấy. Nó như muốn nói với cha rằng: “Tại sao cha mình lại có thể thực dụng như vậy?”. Cha không có cách nào giải thích được cho con lúc đó, trên đời này còn có điều gì buồn hơn chuyện bị con gái yêu của mình hiểu nhầm?
Nghèo có thể ảnh hưởng đến thần kinh con người, áp lực lên tâm hồn, nó khiến con người ta hiểu sâu sắc hơn về nỗi thống khổ. Nó làm con mất đi sự tôn nghiêm của mình, đây không phải là chuyện gì tốt đẹp cả. Nghèo, điều đáng sợ nhất không phải là nghèo tiền mà là nghèo tư tưởng, nghèo ý chí, nó khiến bản thân nhìn không thấy tương lai.
Có lẽ nghe cha nói đến đây con sẽ hỏi: “Nghèo không phải là không có tiền sao?”. Không phải vậy, trong mắt cha, anh ta có 4 cái nghèo.
1. Nghèo ý chí
Hôm đó, khi cha đối diện với hai người, cha nhìn thấy cậu ấy đứng bên cạnh con, hai mắt nhấp nháy, có đôi chút thiếu tự tin, không đủ dũng khí. Khi cha hỏi cậu ấy về dự định tương lai hai đứa, cậu ấy hoàn toàn không có phương hướng. Cậu ấy đáp hiện tại không có tiền không có xe và cũng chẳng có nhà, sợ cha không thích.
Nói một câu chân tình, không phải vì cậu ấy không có tiền nên cha không thích, mà là cậu ấy không có ý chí kiếm tiền mới khiến cha không thích. Con hỏi cha, một người giàu có và một người xuất thân bần nông, cha chọn ai? Cha nói cho con hay, điều đó không nhất định, con đừng vội không tin. Nghèo thì đã làm sao? Ai mà không từ nghèo khó trước, giàu có sau? Người ta nói: nghèo khó sinh quý tử, cha không tán đồng câu nói này cho lắm. Nghèo không phải vì xuất thân nghèo mà là nghèo tư duy, thiếu lý tưởng. Khi còn trẻ đã có tư tưởng sống cuộc sống kham khổ thì làm sao mà giàu cho được?
Mọi người đều hướng tới một tình yêu thuần khiết, nhưng khi quay về cuộc sống hiện tại con không thể cả đời cùng cậu ta ăn cơm quán, đọc sách thư viện, đi du lịch nghèo và đêm ngủ khách sạn rẻ tiền. Cuối cùng thì tụi con cũng cần đối diện với cuộc sống, cậu ta không thể bảo hộ, che chở cho con, thậm chí ngay cả ý chí sống cũng không có, vậy thử hỏi người làm cha như cha đây sao có thể yên tâm mà gả con cho cậu ấy?
Đàn ông không sợ nghèo, chỉ sợ cả đời cam tâm chịu khổ.
2. Nghèo tư tưởng
Đàn ông vốn dĩ trưởng thành muộn hơn phụ nữ, con lại là đứa con gái hiểu chuyện sớm hơn người khác. Cha thực sự không dám tưởng tượng cảnh hai đứa ở bên nhau! Con nói cậu ấy thích chơi điện tử, vốn dĩ nó cũng chẳng ảnh hưởng gì, tuy nhiên thích chơi mấy cũng không thể đi làm về vứt đồ ở đó rồi không làm bất cứ việc gì phụ gia đình, lại còn phải khiến người khác cơm bưng nước rót.
Con là đứa ưa thích đọc sách, lại thông minh; từ nhỏ, mỗi lần tham gia tụ tập cùng các cô chú con đều có thể dễ dàng hòa nhập cùng mọi người. Ai cũng nói “Đứa trẻ này thật lanh lợi”. Nhưng hôm đó, người đàn ông mà con chọn ngồi trước mắt cha, nói thực lòng một câu, cậu ấy là người đầu óc trống rỗng. Trong khi đó, sợi dây gắn kết hôn nhân chắc chắn nhất không phải là con cái hay tiền bạc mà là sự trưởng thành của hai tâm hồn.
Cha vẫn nhớ ngày con sinh ra, những đứa trẻ thông thường đều khóc mà chào đời, riêng con lại khẽ mở miệng cười. Con là cô gái từ nhỏ đã thích được vui tươi, đi đến đâu cũng được người yêu thích, cũng là tâm điểm cho mọi người vui vẻ, cha hy vọng con cả đời này mãi được như vậy.
3. Nghèo nhân cách
Gia đình cậu ấy kêu cậu ấy về nhà sửa nhà, con cũng về theo, con kể cả nhà cậu ấy đều thích chơi đánh mạt chược. Cha vừa nghe đến đó đã biết nguyên nhân cậu ấy nghèo tư duy là từ đâu ra.
Có câu: gia đình có nhân cách còn hơn cả trường đại học danh giá. Với kinh nghiệm hơn 40 năm của cha, cha thấy rằng gia đình là nơi ảnh hưởng cuộc đời của con cái nhiều nhất, nó ảnh hưởng tới nhân cách, tư duy và đến cả tương lai của con cái. Nguyên nhân là nhận thức và giáo dục là hai yếu tố cải biến con người chúng ta, đặc biệt là khi chúng ta còn nhỏ.
4. Nghèo kinh tế
Cha biết gia đình cậu ấy điều kiện không tốt, điều đó không có sao. Thời đại ngày nay cho chúng ta rất nhiều cơ hội, điều chúng ta cần chính là nỗ lực. Chỉ cần các con làm người có chí hướng nhất định sẽ thành công.
Con kể gia đình cậu ấy nói sau khi kết hôn con không nên đi làm nữa mà ở nhà sinh con chăm chồng. Tuy nhiên con thử nghĩ lại xem, gia đình cậu ấy chẳng phải đại phú gia vì sao lại có cái suy nghĩ thâm căn cố đế như vậy?
Phận làm cha như cha đây, từ nhỏ tới lớn cha đã đưa con tới trường, tốn biết bao nhiêu tiền của cho con học ngoại ngữ, học đàn cầm, học khiêu vũ. Cha không cầu con phải làm chuyện gì kinh thiên động địa nhưng cha thực sự không muốn nhìn thấy con và cháu ngoại tương lai của cha phải xa rời cuộc sống muôn màu muôn vẻ vì cái lối tư duy hẹp hòi như vậy. Sống một cuộc sống như vậy thà rằng cha để con không lấy chồng.
Cha không phải người thực dụng, chỉ mong sao con có được một cuộc sống tốt. Đây là 4 cái “nghèo” của cậu ấy, nó là lý do cha không đồng ý. Khi con còn nhỏ, mọi người hỏi con sau này sẽ lấy người như thế nào? Con trả lời sẽ gả cho người giống như cha đây. Mặc dù cha không mang lại cuộc sống quá sang giàu cho mẹ của con, bà ấy theo cha cũng đã chịu nhiều vất vả, nhưng cha và mẹ luôn trân quý nhau vì nhân cách, vì ý chí vươn lên. Giờ đây, cha cũng mong con gái của cha được gả cho một chàng trai “giàu” nhân cách và ý chí.
Cả một đời cha, sướng cũng nhiều, khổ cũng không ít, thành công và thất bại, tất cả đều nếm đủ cả. Nói một câu từ tận đáy lòng, dẫu ngày mai có chết cha cũng không có gì luyến tiếc, điều duy nhất chỉ có con.
Tâm sự một người cha.
Theo cmoney.tw
Minh Vũ biên dịch