Ngày của Cha bắt nguồn từ Hoa Kỳ vào Chủ nhật thứ ba hàng tuần trong tháng 6, mọi người bày tỏ lòng biết ơn và lời chúc phúc tới những người cha của mình bằng nhiều cách khác nhau vào ngày này.
Tuy nhiên, nguồn gốc của Ngày của Cha lại là một câu chuyện thương cảm và đáng suy ngẫm. Câu chuyện này không ngừng nhắc nhở chúng ta phải kịp thời báo hiếu, đừng để sau khi cha mẹ qua đời mới hối hận. Đúng như câu nói “Con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không thể đợi” khiến người ta vô cùng xót xa. Vì vậy, ghi nhớ bài học sâu sắc này chính là ý nghĩa lớn nhất của Ngày của Cha.
Câu chuyện buồn đằng sau Ngày của Cha
Ngày của Cha đầu tiên trên thế giới ra đời ở Mỹ vào năm 1910 và được đề xướng bởi bà Bruce Dodd (Sonora Louise Smart Dodd). Mẹ của bà Dodd qua đời khi sinh con, để lại sáu đứa con còn thơ ấu. Cha bà, cụ William Smart, từng tham gia Nội chiến, vừa phải trải qua khổ nạn của chiến tranh, lại đột ngột mất đi người vợ, nội tâm thống khổ đau đớn khó có thể tưởng tượng.
Nhưng cụ Smart không tái hôn. Thay vào đó, cụ đảm nhận nhiệm vụ quan trọng là một mình nuôi nấng và giáo dục sáu đứa con tại một trang trại nông thôn ở phía đông bang Washington. Bà Dodd là cô con gái duy nhất trong gia đình, và bà có thể hiểu được sự vất vả gian khổ của cha mình, tận mắt chứng kiến cha lao động vất vả cả ngày, đêm về nhà vừa phải chăm con, vừa bận rộn với công việc nhà, cụ đã chịu đựng như vậy suốt mấy chục năm.
Không ngờ, khi các con lớn lên, nghĩ rằng cuối cùng cha cũng có thể trút bỏ gánh nặng và tận hưởng tuổi già, thì cụ lại đột ngột qua đời sau nhiều năm làm việc quá sức. Bọn trẻ tràn ngập sự tiếc nuối. Bi thương biết bao khi người con muốn phụng dưỡng cha, nhưng cha lại không còn bên cạnh nữa!
Sau khi cụ Smart qua đời, bà Dodd rất nhớ cha, bà hồi tưởng lại rằng tình yêu và sự vất vả gian nan khi cha bà một mình nuôi dạy các con không kém gì bất kỳ người mẹ nào, nên bà đã đem tâm sự của mình nói với một mục sư, hy vọng có một ngày đặc biệt, để kỷ niệm những người cha vĩ đại toàn thiên hạ. Ý tưởng của bà đã được mục sư tán thành, và được giáo hội cũng như chính quyền bang ủng hộ. Vào ngày 19 tháng 6 năm 1910, lễ kỷ niệm Ngày của Cha đầu tiên trên thế giới được tổ chức tại Spokane, Washington, nơi bà Dodd sinh sống.
Tuy nhiên, phải đến năm 1972, tổng thống Mỹ Richard Nixon mới ký văn bản chính thức chỉ định ngày Chủ nhật thứ ba trong tháng 6 là Ngày của Cha trên khắp nước Mỹ, và Ngày của Cha đã trở thành ngày kỷ niệm vĩnh cửu ở Mỹ.
Việc khuyến khích lễ hội này có thể nói là thể hiện lòng hiếu thảo của bà Dodd đối với cha mình, nhằm an ủi linh hồn cha ở thiên đường, bày tỏ lòng kính trọng, yêu thương, và biết ơn sâu sắc đối với cha mình. Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta cần phải báo hiếu kịp thời, vì thời gian sẽ không đợi chúng ta.
Trên thực tế, giáo huấn này đã xuất hiện vào thời Khổng Tử, và đó là câu chuyện mà Khổng Tử đã đích thân trải qua. Cũng chính câu chuyện này đã để lại câu danh ngôn thiên cổ: “Tử dục dưỡng nhi thân bất đợi”, tức là, con cái muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không đợi được nữa.
Cao Ngư rời xa cha mẹ, hối hận cũng đã muộn
“Hàn Thi Ngoại Truyện Tập 9” ghi lại câu chuyện về một người đàn ông tên là Cao Ngư ở thời Xuân Thu, vì không thể phụng dưỡng cha mẹ kịp thời mà bi thương đến chết.
Một ngày nọ, Khổng Tử đang đi dạo cùng các học trò của mình thì chợt nghe thấy một tiếng khóc. Khổng Tử rất buồn nói: “Đi nhanh đi! Đi nhanh lên! Phía trước có hiền nhân.” Đến đó xem, hóa ra đó là Cao Ngư. Anh chàng mặc quần áo vải thô, tay cầm kiếm, khóc lóc bên đường, thập phần bi thương.
Khổng Tử xuống xe hỏi: “Trông cậu không giống là đang có tang sự, vì sao lại khóc bi thống thế này?”
Cao Ngư đáp: “Tôi trong đời đã mắc phải ba sai lầm lớn: Thời còn trẻ, vì công danh mà nhất tâm cầu học, chu du liệt quốc, bỏ lại cha mẹ ở phía sau, không tận tâm phụng dưỡng họ, đây là một sai lầm lớn; Lý tưởng quá cao, không quen với hiện thực chính trị, vì vậy mà không đi phụng sự quân vương, đây là sai lầm lớn thứ hai; Với bạn hữu giao tình thâm hậu, chỉ vì việc nhỏ mà tuyệt giao, đây là sai lầm lớn thứ ba. Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, con trẻ muốn tận hiếu tâm, nhưng cha mẹ đã không còn đợi trên đời nữa. Cái đã ra đi mà không thể trở lại được chính là năm tháng; Thứ đã chết không thể tái kiến chính là cha mẹ. Tôi hiện tại muốn nói lời cáo biệt với tiên sinh.”
Không lâu sau, người này vì bi thương hối hận, tinh lực suy kiệt mà qua đời.
Khổng Tử dạy các đệ tử: “Mọi người hãy coi đây như một lời cảnh báo. Kinh nghiệm này đáng được ghi nhớ.” Chẳng bao lâu, mười ba đệ tử từ biệt Khổng Tử và trở về nhà, quyết tâm phụng sự cha mẹ thật tốt.
Câu chuyện nhắc nhở chúng ta rằng việc theo đuổi danh lợi thực ra không quan trọng. Bài học xa cha mẹ phải được ghi nhớ kỹ càng. Vì thế người xưa dạy: “Cha mẹ còn sống, thì chớ đi xa”.
Tử Lộ phụng dưỡng cha mẹ, không chút tiếc nuối
Tử Lộ là một trong mười đại đệ tử của Khổng Tử, nhưng ông hoàn toàn tương phản, ông tuyệt đối không rời xa cha mẹ vì tiền đồ và công danh của mình, mỗi ngày đều túc trực bên cạnh cha mẹ, mãi cho đến lúc cha mẹ qua đời, ông mới bái Khổng Tử làm thầy. Ông là một trong những nhân vật trong truyện “Nhị thập tứ hiếu” của Trung Quốc.
Tử Lộ là người nước Lỗ vào thời Xuân Thu, rất hiếu thảo với cha mẹ. Trước khi làm đệ tử Khổng Tử, gia đình ông rất nghèo, ông thường ăn rau rừng để thỏa cơn đói, rất khó kiếm được cơm ăn. Tử Lộ lo lắng sức khỏe của cha mẹ sẽ bị tổn hại, thân thể sẽ ngày càng trở nên yếu hơn, nên ông cam nguyện lao khổ, quyết tâm đi kiếm củi, đổi củi lấy gạo.
Để cha mẹ được ăn cơm, ông phải đi xa hàng trăm dặm để kiếm củi mua gạo, rồi cõng gạo chạy về nhà. Hàng trăm dặm là một chặng đường rất dài, một, hai lần thì một người bình thường có thể làm được, nhưng nếu trường kỳ nhiều năm như vậy, thì cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, Tử Lộ rất cam lòng. Dù trời lạnh hay nóng, dù trời gió hay mưa, ông vẫn luôn chạy hàng trăm dặm mang gạo về nhà.
Vì ngày nào cũng có thể cho bố mẹ ăn cơm, nên dù cuộc sống khó khăn, nhưng Tử Lộ cảm thấy an tâm, thoải mái, nên trong lòng rất vui vẻ.
Ông kiên trì theo cách này cho đến khi cha mẹ ông đều qua đời, sau đó Tử Lỗ đến Khúc Phụ, kinh thành của nước Lỗ, bái Khổng Tử làm thầy của mình. Ông chưa bao giờ phàn nàn rằng bố mẹ đã ảnh hưởng đến tiền đồ của mình. Thay vào đó, khi cảnh ngộ đã trở nên tốt hơn, ông lại cảm thấy buồn vì bố mẹ không còn trên đời.
Vào năm 496 trước Công nguyên, Khổng Tử đến nước Sở khi cùng một nhóm đệ tử du hành khắp nơi. Sở Chiêu Vương rất ngưỡng mộ Khổng Tử, sai người mang đến những lễ vật hậu hĩnh, tặng cho các thầy trò Khổng Tử hơn một trăm chiếc xe, mười nghìn bát thóc, đồng thời mời Khổng Tử đến Dĩnh Thành, quốc đô của nước Sở.
Tử Lộ thấy vậy thở dài nói với Khổng Tử: “Ngày xưa, khi ở nhà phụng dưỡng cha mẹ, tôi thường chỉ có rau ăn, phải đi xa hàng trăm dặm kiếm củi đổi lấy gạo. Sau khi cha mẹ qua đời, tôi mới đến thầy cầu học, hiện tại cùng thầy chu du liệt quốc, Sở Vương đã tặng cho hơn trăm xe, vạn bát thóc, hiện tại tôi có muốn ăn rau rừng kiếm củi đổi cơm gạo cho cha mẹ cũng không thể được nữa rồi.”
Ý tứ là nói cuộc sống hiện tại dù có tốt đến mấy cũng không hạnh phúc bằng được tận hiếu với cha mẹ lúc còn sống, dù lúc đó vất vả nghèo khó thế nào, vẫn rất hạnh phúc.
Khổng Tử nghe xong khen ngợi rằng: “Khi cha mẹ còn sống, cậu đã hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, có thể nói đó là lòng hiếu thảo lớn nhất rồi; Sau khi cha mẹ qua đời, cậu luôn có thể thương nhớ họ, đó là một người con đại hiếu rồi!”
Vì vậy, đạo hiếu là ở tấm lòng. Nếu hàng ngày có thể phụng dưỡng và bầu bạn với cha mẹ, thì từng giọt từng giọt hiếu tâm ấy có giá trị hơn ngàn vạn tài phú.
Tử Lộ tuy không thể khiến cha mẹ có cuộc sống sung túc, nhưng sống trong thanh bần, ông vẫn làm được tận hiếu với cha mẹ, điều này khiến cha mẹ ông rất vui mừng. Vì thế, việc hiếu kính cha mẹ không liên quan đến giàu nghèo, mỗi một chút quan tâm đều đặc biệt quý giá. (Truyện trích từ “Khổng Tử gia ngữ – Chí tư”)
Kết luận
Trên đời này, chỉ có cha mẹ mới có thể phó xuất cho chúng ta một cách vô điều kiện. Người cha vĩ đại đằng sau Ngày của Cha thực sự đại biểu cho cả cha và mẹ. Một mình ông gánh hết trách nhiệm của cha mẹ, cống hiến cả cuộc đời, diễn giải một cách hoàn hảo sự cực nhọc và vĩ đại của bậc làm cha mẹ trong thiên hạ. Ân dưỡng dục, nghĩa dạy dỗ đó, làm sao có thể quên? Nếu ngay cả cha mẹ yêu thương của mình cũng không biết cảm ân, hiếu kính, nhớ thương, người như vậy, còn có thể tử tế với ai được? Còn có chút thiện tâm nào nữa?
Dù thời đại đã thay đổi, chúng ta không cách nào có thể hiếu kính với cha mẹ được như Tử Lộ, nhưng chúng ta có thể tận lực yêu thương cha mẹ còn sống, thường xuyên chào hỏi, báo hiếu kịp thời, và luôn biết ơn. Đây chính là ý nghĩa lớn nhất của việc tạo ra Ngày của Cha. Chỉ bày tỏ lời chúc phúc và sự quan tâm trong ngày lễ thôi là chưa đủ.
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch