Đại Kỷ Nguyên

Con rể nghèo bị bố vợ sỉ nhục, trái lại bỗng trở nên giàu có

Tiền đến tiền đi thường là khó lường bất định. (Shirley/Fotolia)

Con rể nhà nghèo bị bố vợ sỉ nhục, tính tự vẫn mà không chết, làm sao bỗng trở nên giàu có?

Vào thời nhà Thanh, ở một thôn làng nào đó ở Nam Hương, huyện Thạch Môn, có một thôn dân tên là Hạ Khai Cơ, ông cố nội của chàng từng giữ làm quan to vào thời nhà Minh. Tuy nhiên, thế hệ của Hạ Khai Cơ, gia cảnh đã suy bại, ngôi nhà lớn xưa kia đã sụp đổ, chỉ còn lại khu vườn bỏ hoang, ẩn dưới đó là vài gian nhà thấp.

Hạ Khai Cơ mưu sinh bằng nghề nông, tự lực nuôi thân, chàng kết hôn với con gái của cậu ruột, nhạc phụ tên là Cao Lân Chiêu, sống ở một thôn trang khác. Cao Lân Chiêu ban đầu gia cảnh cũng nghèo nàn, nhưng sau đó bắt đầu nghiệp buôn bán, trở thành một phú gia trong làng. Ông thường kinh thị sự bần hàn của con rể, coi thường anh chàng, cũng từ chối tiếp tế cho họ.

Một mùa thu năm nọ, có một trận lũ lớn, ruộng đồng ngập nước, không có thu hoạch, Hạ Khai Cơ cuộc sống vô cùng khó khăn, bếp núc thường xuyên lạnh lẽo. Đến cuối năm, lượng người đến đòi nợ đã phá cả cổng rào. Vợ chàng bảo chồng đến nhà bố vợ vay ít tiền để trả nợ, và mua một ít đồ ăn Tết. Hạ Khai Cơ biết rằng sự việc sẽ không có kết quả, nhưng vì không còn cách nào khác, chàng vẫn rắn rỏi lên đường.

Khi đến nhà nhạc phụ, thấy ông đang bàn bạc với một người khác về việc mua bán ruộng đất, hai bên thương lượng, bàn luận rất lâu, mãi đến chiều người đàn ông mới chịu rời đi. Ngay khi Hạ Khai Cơ vừa mở miệng, Cao Lân Chiêu đã liên tục trách mắng con rể thậm tệ, ác ngôn đối đáp. Hạ Khai Cơ nhẫn nhục chẳng dám nói thêm một lời, không mượn được tiền đành phải nhanh chóng về nhà. Lúc này trời đã tối, vừa đến gần cửa nhà thì bất ngờ ngã quỵ xuống đất. Quả là, nhà dột gặp mưa đêm, thuyền trễ gặp gió lớn, trong tâm nghĩ đã gần cuối năm, mà không còn con đường nào để sinh tồn, lại bị bố chồng sỉ nhục một cách tàn nhẫn, thà chết quách đi cho rồi.

Phía sau căn nhà nơi họ ở có một cái ao, lúc này, Hạ Khai Cơ không bước vào nhà, mà bước đến cái ao sau nhà rồi nhảy xuống, định tự vẫn. Lúc này đang là mùa đông, nước trong ao rất cạn, chỉ đến thắt lưng, chàng đột nhiên cảm thấy trong bùn có vật gì cứng cứng chạm vào lòng bàn chân, đau đến không chịu nổi, nên chàng cúi xuống sờ soạng, tìm thấy một thỏi bạc lớn, sau đó chàng tiếp tục mò mẫm xung quanh, lớn lớn nhỏ nhỏ, những thỏi bạc ở khắp mọi nơi, Hạ Khai Cơ mừng muốn khóc, nhanh chóng leo lên bờ, gõ cửa vào nhà và kể với vợ.

Hai vợ chồng mò bạc suốt đêm trong ao, mò được vô số. (Sơ đồ) (Liệu Tố Trinh/The Epoch Times)

Hai vợ chồng mò vàng bạc suốt đêm dưới ao, mò được vô số. Ngày hôm sau, chàng rửa mấy thỏi bạc nhỏ cho sạch bùn, giả vờ nói là mượn tiền của bố vợ để trả những khoản nợ. Sau đó, mỗi đêm họ lại xuống ao mò bạc, phải mất hơn mười ngày mới mò hết số bạc, ước tính khoảng hơn 10 vạn lượng, trong đó vàng chiếm khoảng ba phần, bạc chiếm khoảng bảy phần. Họ đào hầm trong nhà, gom hết số vàng bạc giấu vào trong. Nhưng vì lo lắng trước sự tò mò nghi hoặc của người khác, nên họ chưa bao giờ dám tỏ ra khác biệt.

Mãi đến năm sau, ruộng lúa và tơ tằm trên đồng đều được thu hoạch, Hạ Khai Cơ được ăn no mặc ấm, không còn rách rưới, mặt mũi tái nhợt gầy gò như trước, bố vợ Cao Lân Chiêu mới lại đối đãi tử tế với con rể. Một năm sau, vợ của Hạ Khai Cơ trở về nhà mẹ đẻ và sống ở đó một thời gian. Hạ Khai Cơ đến nhà nhạc phụ nhạc mẫu để thăm vợ, muốn đưa vợ về. Anh chàng đi đi lại lại trong tiền sảnh nhà nhạc phụ, liên tục dùng ngón tay đo độ dày của những cây cột trong sân.

Cao Lân Chiêu thấy kỳ lạ, bèn hỏi con rể đang làm gì vậy. Hạ Khai Cơ nói: “Nhà con xem ra sắp sập rồi, con muốn mô phỏng ngôi nhà của cha để xây một ngôi nhà mới.” Cao Lân Chiêu cười to và nói: “Chúng mày ăn cơm đủ bữa, liền suy nghĩ huyễn hoặc, mày đang nói mộng hả?”

Vợ của Hạ Khai Cơ tình cờ ở gần đó, bèn nói với cha: “Nếu con rể của cha thực sự có thể xây một ngôi nhà mới, thì cha sẽ nói gì?” Cao Lân Chiêu trả lời: “Nếu chồng mày thực sự có thể xây một ngôi nhà mới, vậy thì tiền công và tiền lương xây nhà bao nhiêu, tao sẽ trả toàn bộ.” Kỳ thực, ông ấy nghĩ hai vợ chồng họ thậm chí chẳng đủ khả năng mua vật liệu xây nhà. Vợ chồng Hạ Khai Cơ sau đó đã đồng ý với Cao Lân Chiêu về chuyện tiền công và tiền ăn cho thợ. Cao Lân Chiêu nói: “Cứ làm đi, tao sẽ không bao giờ thất hứa.”

Nhà họ Hạ quả nhiên sau đó sập xuống, nhưng nền móng vẫn còn, sau khi về nhà, họ bắt đầu khởi công xây dựng, mua vật liệu, thuê công nhân, ngôi nhà mới cao lớn mấy chục gian nhanh chóng được xây dựng, cực kỳ kiên cố và tỉ mỉ. Khi Cao Lân Chiêu nhìn thấy, mặc dù không tình nguyện, nhưng vẫn phải nuốt giận đưa tiền cho con một số tiền lớn, là vì bản thân ông đã đề xuất trước như vậy.

Khi Hạ Khai Cơ đang động thổ và khởi công xây dựng, một đêm nọ, chàng chợt mơ thấy một ông già râu trắng đội mũ gạc đen, mặc áo choàng đỏ, nói với chàng rằng tảng đá hình hoa mẫu đơn làm móng phía sau nhà không thể để người ta tự ý di chuyển. Sau khi chàng tỉnh dậy, cảm thấy rất kỳ quái, đến đêm liền tự mình đi di chuyển tảng đá, liền phát hiện phía dưới đá có bốn chiếc bình sứ chứa đầy vàng bạc, nguyên là ông cố cao tổ của chàng đã hiển linh báo cho biết, nên chàng lại thu được hơn mười vạn lượng vàng bạc.

Hạ Khai Cơ nghĩ rằng, việc bản thân từ bần hạn đột nhiên thành phú quý, là nhờ vào sự phù hộ của Thiên thượng. Tục ngữ có câu: “Thiên hạ lôi công, địa hạ cữu công”, mối quan hệ giữa cậu và cháu là chí thân chí thiết, làm sao có thể khiến cậu giận được. Nếu lúc đó bố vợ chịu cho anh chàng vay một ít tiền, thì anh chàng sẽ không bao giờ nhảy xuống ao rồi mò được thỏi vàng thỏi bạc, vì vậy sự giàu có này là gián tiếp nhờ vào bố vợ. Nghĩ vậy, anh chàng tính toán xem rốt cuộc bố vợ đã đưa cho mình bao nhiêu tiền, cuối cùng trả lại ông thay vì lấy. Từ đó về sau, hai nhà chung sống hạnh phúc, tận lực hành thiện, thuê thầy dạy dỗ con trai, con trai họ thi trúng cử nhân một khóa nào đó thời Khang Hy, cháu của họ cũng thi đỗ khoa cử, làm quan triều đại kế tiếp.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version