Thời nhà Thanh, một học giả là Đổng Hàm đã ghi lại rất nhiều câu chuyện người thật việc thật mà ông được mắt thấy tai nghe trong cuốn sách có tên gọi Tam Phong Thức Lược.
Hồi ấy, ở Phúc Kiến có một người tên là Vương Mệnh Nhạc từng lên kinh thành ứng thí. Trên đường đi gặp mưa to gió lớn, anh phải vào trú tạm ở một ngôi nhà tranh gần đó. Khi gõ cửa xin vào, chủ nhà hỏi tên và nghe danh đây là người họ Vương thì vô cùng kinh ngạc. Thì ra, tối qua gia chủ vừa mơ một giấc mơ, trong mộng thấy có vị Thần hiện lên nói: “Ngày mai Vương trạng nguyên sẽ đến nhà, ngươi hãy đón tiếp cho chu đáo”. Quả nhiên ngày hôm sau đã có một người họ Vương trên đường ứng thí ghé vào xin ngủ nhờ. Chủ nhà thấy vậy vô cùng vui mừng, cho rằng giấc mơ tối qua đã ứng nghiệm nên tiếp đón anh rất mực tận tình.
Đến ngày hôm sau mưa vẫn rất to, chủ nhà khuyên Vương Mệnh Nhạc chờ trời tạnh hẳn rồi hãy đi nên anh đành ở lại thêm. Vị chủ nhà này có một người con gái chưa lấy chồng, sau khi nghe cha kể về giấc mơ, lại thấy chàng Vương vẻ ngoài đạo mạo nên nàng đã đem lòng nhớ thương. Chủ nhà sau khi xem xét đã đề cập vấn đề thành thân, mong hai người nhanh chóng kết hôn, đồng thời kể lại giấc mơ trạng nguyên kia cho anh nghe. Chàng Vương vô cùng vui mừng, đồng ý khi được ghi tên trên bảng vàng sẽ lập tức cưới tiểu thư.
Sau khi thi xong, bài làm của Vương Mệnh Nhạc tài hoa hơn người, quả nhiên đã được xếp hạng thứ nhất, nhưng khi bài thi của anh chuẩn bị chuyển đến tay vua thì đột nhiên lại bị rách làm đôi. Cuối cùng giám khảo đành phải lấy bài tốt thứ hai trình lên hoàng thượng, kết quả Vương Mệnh Nhạc chỉ đỗ Nhị giáp.
Hôm đó, Vương Mệnh Nhạc cũng mơ thấy Thần linh hiện lên nói rằng vì anh có tình ý với con gái chủ nhà nên bị tước danh trạng nguyên, chỉ có thể đạt mức thấp hơn. Sau khi kết quả được công bố, chàng Vương thấy mình đạt được mức đúng như trong mơ đã nói.
Tác giả Đổng Hàm viết trong phần “Quan hữu định số” của Tam Phong Thức Lược quyển hai rằng, ở Ngạc Thành có một cụ già, khi còn trẻ đã chuẩn bị sẵn cho mình một chiếc quan tài. Lý do là bởi ông thường xuyên nằm mơ thấy một người mặc quan phục triều đình nằm trong đó. Sau này, Cao Tô Môn tới nước Sở làm quan thì đột nhiên lâm bạo bệnh qua đời, gia nhân bèn hỏi mua lại chiếc quan tài đó của ông.
Cụ già nói: “Tiểu dân không dám từ chối, chỉ mong được tận mắt nhìn Cao Công một lần”. Khi vừa vào xem, quả nhiên đúng là người mà cụ già đã mơ thấy, xem ra chiếc quan tài này đã có số mệnh của nó.
Trong cuốn sách cổ đời Nam Tống cũng ghi rằng, vào một mùa xuân nọ, huyện Kiến Xương ở Nam Thành mưa lớn liên tục nhiều ngày dẫn tới nước sông dâng cao, ngư dân lũ lượt ra bờ sông thả lưới bắt cá. Một người đánh cá tên Dương Thọ Tử quăng lưới ở Chi Cảng Chương Sơn, khi kéo lưới anh không làm cách nào kéo lên được, suýt chút nữa còn bị kéo xuống sông, may có ba người khác tới giúp đỡ. Sau đó họ phát hiện trong lưới có một con cá rất to, ước chừng 50 cân, bật nhảy rất mạnh ở trong lưới.
Dương Thọ Tử đột nhiên phát hiện trên đầu con cá có dòng chữ màu đỏ tươi, nhưng cả bốn người kéo cá đều không biết chữ. May thay đúng lúc ấy có một người đi qua, đọc được đó là ba câu dự ngôn: “Vượt qua ba cửa ải, bốn sóng lớn, cuối cùng sẽ bị khuất phục trước Dương Thọ Tử”. Trong thôn có rất nhiều người họ Dương, nhưng duy chỉ có Dương Thọ Tử là người bắt được cá.
Quả thực, vạn sự trên thế gian đều đã có an bài, hết thảy đều đã được sắp đặt.
Theo Secretchina
Quỳnh Chi biên dịch
Video: Cầu thủ Ngọc Anh: “Quả bóng số phận trong sân vận động lớn cuộc đời!
Có thể bạn quan tâm:
- ‘Tâm thiện là vàng kim’ – Thiện lương là bùa hộ mệnh tốt nhất của con người
- Bức họa chấn động trong Kinh Thánh: Đâu là kết cục cuối cùng của sinh mệnh?
- Âm đức là gì? Vì sao tích âm đức thì có thể thay đổi vận mệnh?
- Đời người: Gặp gỡ là định mệnh, vui buồn cứ tuỳ duyên
- Phong vân mạn đàm (Kỳ 24): Tin vào mệnh Trời có phải là tiêu cực phó mặc cuộc đời?