Bộ tiểu thuyết nổi tiếng Trung Quốc Tây Du Ký có ghi chép lại rằng, trên thiên đình có 4 cửa lớn, theo thứ tự là Đông Thiên Môn, Nam Thiên Môn, Tây Thiên Môn và Bắc Thiên Môn. Từ Nam Thiên Môn đi vào phía sau chính là lăng tiêu bảo điện của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Nam Thiên Môn do tứ đại Thiên Vương canh giữ. Còn tại Linh Sơn, nơi mà Phật Như Lai cư ngụ do tứ đại Kim Cương canh giữ. Vì thế, bước vào cửa Thiên Môn chính là tiến vào Thiên Đình hoặc Thiên Quốc hay cửa vào Thiên giới, nơi bước vào thế giới của các vị Thần.
Vậy thì người nào có thể tiến vào cửa Thiên Đình? Trong “Định Am Tục Tập. Quý Nhâm Chi Tế Thai Quan” thời Đại Thanh có viết: “Nhân chi sơ, thiên hạ thông, nhân thượng thông, đán thượng thiên, tịch thượng thiên, Thiên Dữ Nhân, Đán hữu ngữ, tịch hữu ngữ”. Ý nói rằng, lúc ban đầu khi Thần mới tạo ra con người, giữa trời và đất có sự tương hỗ vô cùng mật thiết với nhau, thế giới của Thần và thế giới con người đều có thể tương thông. Người dưới mặt đất có thể lên trên trời thông qua cây thang trời, đồng thời cũng có thể qua đó từ trời mà xuống đất. Tuy nhiên, năm tháng trôi qua, lòng người đã không còn thuần tịnh như thuở khai sơ nữa, con người ngày càng ham muốn vào những truy cầu vật chất, đam mê dục vọng, đạo đức suy đồi khiến nhân tâm tha hóa.
Đến thời Hoàng đế Chuyên Húc, ông đã phái Trùng, Lê hai hạ thần cắt đứt con thường thông thiên ấy, đoạn tuyệt lối đi duy nhất liên đới giữa nhân giới và thần giới. Kể từ đó, không một ai có thể lên thiên thượng được nữa, ngoại trừ những người có phẩm chất đạo đức cao phi thường, chính là những người chân tu Phật Pháp, sau khi tu luyện viên mãn trở thành thần tiên thì cổng trời sẽ tự động rộng mở để nghênh đón họ trở về Thiên Quốc.
Trong sử sách cũng từng ghi chép lại:
Theo “Sử Ký”: “Hiên Viên Hoàng Đế là tổ tông khai sáng ra dân tộc Trung Hoa, ông cũng là một người tu luyện. Ở dưới chân núi Kiều Sơn, ông đã đúc một cái đỉnh, rất nhanh, trong nháy mắt đã xong. Bỗng nhiên một con Hoàng Long từ trên trời giáng xuống, Hoàng Đế cùng hơn 70 vị cận thần bên ông cùng nhau nhảy lên lưng rồng, Hoàng Long đưa họ về trời giữa thanh thiên bạch nhật. Con đường tu luyện của ông được coi là công thành viên mãn.
“Liệt Tiên Truyện bổ sung” chép rằng, thời Xuân Thu – Chiến Quốc có câu chuyện con gái Tần Mục Công là Lộng Ngọc cùng Tiêu Sử tu luyện thành Tiên. Nàng Lộng Ngọc thông minh, tinh khôi rất thích thổi sáo, Tần Mục Công đã xây dựng cho cô con gái một “sân khấu” phượng hoàng lộ thiên. Mỗi đêm, dưới ánh trăng sáng ngần, Lộng Ngọc lại thổi bài hát “Phượng hoàng hót”. Âm thanh tao nhã vang xa đã thu hút chàng thiếu niên Tiêu Sử. Tiêu Sử và Lộng Ngọc rất tâm đầu ý hợp. Sau khi kết duyên vợ chồng, hai người đã tới Hoa Sơn để tu hành. Đến ngày viên mãn, cả hai đều được trở về Thiên Đình. Lúc đó, cổng trời lại rộng mở nghênh đón hai vị thần tiên.
Trong “Tục Tiên Truyện – Kim Khả Ký Truyện” còn ghi chép: “Kim Khả Ký người Tân La là tiến sĩ Tân Cống triều Đường, tính tình trầm tĩnh, yêu thích đạo thuật, không mê đắm cuộc sống xa hoa, đôi khi còn chịu phục luyện hình, thậm chí lấy điều đó làm vui mừng. Sau khi thi đậu tiến sĩ, ông đã tới Chung Nam Sơn tu hành. Sau đó 3 năm, ông trở lại vùng đất Trung Thổ, rồi lại quay về Chung Nam Sơn tiếp tục tu luyện. Đến năm thứ 11 Đường Tuyên Tông, Tân Cống nói rằng ông sẽ thăng thiên vào ngày 25 tháng 2 năm sau. Vào một ngày mùa xuân cảnh sắc tươi đẹp, hoa cỏ rực rỡ tràn đầy nhựa sống, bỗng trên bầu trời xuất hiện những đám mây ngũ sắc, hạc tiên hót, phượng hoàng trắng bay lượn, cờ bay phấp phới đầy trời, sau đó, cổng trời khai mở, Kim Khả Ký thăng thiên bay về trời trong sự chứng kiến đầy ngỡ ngàng và thán phục của các đại thần trong triều cũng như các kẻ sĩ trí thức.
Cổng trời rộng mở mỗi khi một người nơi thế gian tu thành viên mãn, tuy nhiên cũng có một số thời điểm đặc biệt cổng trời cũng mở.
Truyền thuyết kể rằng, ngày 7 tháng 6 âm lịch là ngày “cổng trời mở”, vào ngày này, Ngọc Hoàng sẽ cho mở cổng Thiên Đình, tiếp đón Thần tiên khắp nơi về hội tụ chúc mừng. Còn ở dưới nhân gian, người người thờ cúng khấn bái ông trời ban phúc cho muôn dân.
Trong “Minh Thư – Tư Thiên Chí” ghi chép rằng: Tháng 2 năm đầu tiên Hoằng Trị (vua Hiếu Tông thời Minh), cổng trời khai mở tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, người ta thấy hàng trăm vạn người ngựa cùng những vật lạ từ dưới theo nhau lên trời”.
Theo “Chí Sự Kỷ huyện Yết Dương” thời vua Càn Long: “Vào mùa hè Bính Ngọ, ngày 8 tháng 4, năm thứ 5 Khang Hi, trên không trung xuất hiện một kẽ hở màu đỏ, khí trắng từ dưới mặt đất xung lên hướng về phía kẽ hở ấy, âm thanh thì ồn ào giống như tiếng người”.
Cuốn 26, “Hồ Bắc Thông Ký” có viết: “Năm thứ 10 Thuận Trị, người Tương Dương thấy cổng trời khai mở, ánh sáng chói rực rỡ, trong không trung xuất hiện 2 lá cờ vàng dài vài trượng tung bay phấp phới, trên đó thấy loáng thoáng dòng chữ “Chí Mộ Nãi Diệt”.
Vào Thế Kỷ 20, cũng có người tận mắt nhìn thấy cổng trời rộng mở. Năm 2002, trên website Minh Huệ có đăng tải một bài viết của một người tu luyện, kể rằng người này rất tinh thông thuật số, thiên văn địa lý, anh kể về một trải nghiệm của ông ngoại mình: “Năm 1924, vào một đêm trăng sáng, trong khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, còn ông ngoại vẫn mãi không ngủ được, ông ra sân đứng ngắm trăng, một lúc sau, hiện tượng lạ xuất hiện. Đầu tiên, ông nhìn thấy 3 ngôi sao ở gần mặt trăng di động, tiếp đến là 2 cánh cổng lớn như hai phiến quạt kim quang lấp lánh hiện lên rồi từ từ mở ra, bên trong là những lâu đài đình các cùng cảnh tượng các Thiên binh Thiên tướng mặc áo giáp đánh xe mây, còn có cả các thiên nữ bay lượn…Tất cả khung cảnh khiến ông ngoại đứng ngây người không nói lên lời”.
Nghe nói, Nam Thiên Môn 60 năm mới mở một lần, số người nhìn thấy vô cùng ít ỏi, chỉ những ai thực sự may mắn, có cơ duyên, có phúc thì mới có thể thấy.
Năm 2015, website Minh Huệ có ghi chép một câu chuyện về một người nhìn thấy cổng trời khai mở. Khi đó là mùa hè năm 1971, tác giả từ thành phố trở về vùng quê miền núi thăm người thân. Trên đường quay lại, vì xe buýt chỉ có một chuyến một ngày, do đó, từ sơn thôn tác giả phải xuất phát lúc 3 giờ sáng khi trời còn phủ bóng đêm, đi bộ ven đường núi khoảng 2 giờ đồng hồ mới ra tới đường cao tốc để bắt xe. Vì đường xá xa xôi, nên cha của tác giả muốn đưa anh ấy ra bến xe buýt. Hai cha con đi bộ được khoảng 1 giờ đồng hồ thì trời đột nhiên bừng sáng, mây trắng từ trên trời xanh hạ xuống đám cây tùng bên sườn núi, hoa cỏ ven đường, và trên cả những con suối nhỏ. Khoảng hơn 10 giây sau, ánh sáng biến mất, bầu trời trở lại bóng tối, mọi thứ diễn ra trong tĩnh lặng không một tiếng động. Vừa hoàn hồn với cảnh tượng ly kỳ, cha anh nói: “Đây chính là hiện tượng cổng trời mở”. Trải qua câu chuyện có thật được tận mắt chứng kiến này đã trở thành cơ duyên khiến cả hai cha con sau này đã bước vào tu luyện Phật Pháp.
Trong dự ngôn “Mai Hoa Thi” của nhà tiên tri Thiệu Ung thời Bắc Tống từng hé hộ: “Đãng đãng thiên môn vạn cổ khai, kỷ nhân quy khứ kỷ nhân lai”. Nghĩa là: Cánh cổng trời vĩ đại từ vạn cổ tới nay mới khai mở. Biết bao nhiêu người tới nhân gian, biết bao nhiêu người có thể trở về?
Như vậy có thể thấy, trong lịch sử Cổng Trời khai mở là để nghênh đón con người tu luyện viên mãn trở về Thiên Thượng, nhưng đôi khi cũng là để cho người thế gian được chứng kiến thế giới Thần tiên là thực sự tồn tại, tăng thêm niềm tin tín ngưỡng của nhân loại đối với Thần Phật, từ đó mà nâng cao đạo đức, sống thiện lương, chân thành, cuối cùng có thể bước trên con đường tu hành trở về Thiên quốc.
Theo Dũng Thư, Văn Tư Mẫn/ Sound Of Hope
Tâm Thanh biên dịch