Đại Kỷ Nguyên

Công tử phú hào chu du hoàn cầu, gió cuốn lạc vào tiên giới dưới đáy biển

Lanna lệnh cho tì nữ mang ra một chiếc thuyền nhỏ và đặt nó ở ngoài cửa, Nhiếp quân bước lên thuyền, theo thuyền nhỏ nổi lên, bồng bềnh trên mặt nước. (Lý Ngôn / Epoch Times)

Nhiếp quân cảm thấy chóng mặt và ngất đi một lúc. Khi tỉnh dậy, chàng phát hiện mình đang ở một thế giới khác, sơn thanh thủy bích, chàng hoàn toàn không biết bản thân mình đang ở dưới biển… 

Thời kỳ Thanh triều, có một công tử phú hào tên là Nhiếp Thụy Đồ tại Kim Lăng. Chàng thích đọc sách, thích đàm luận về kinh tế và đặc biệt thích ngành thủy lợi. Tuy xuất thân trong một gia đình giàu có, nhưng chàng không phải là loại công tử bột nhàn rỗi. Chàng mơ ước được đi du lịch vòng quanh thế giới, và với gia tài hùng hậu của mình, chàng quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực. Năm đó, chàng mang theo bốn người phiên dịch và lên đường. Khi con tàu lớn du hành đến Thái Bình Dương, chàng bị sóng gió cuốn đi, đến một thế giới kỳ lạ, gặp lại mỹ nhân phương Tây mà chàng đã kết giao ở nhân gian…

Nhiếp Thụy Đồ, tự Thạc Sĩ, là một tú tài ở huyện Thượng Nguyên. Nhiếp gia tổ được biết đến là gia tộc giàu có ở Kim Lăng, đến thời Nhiếp quân (tức chàng Nhiếp Thụy Đồ) thì càng là hào phú một phương. Nhưng Nhiếp quân không giỏi mưu tính làm ăn, mọi việc đều phó thác cho đại lý khác. Chàng ngoài việc đọc sách tác văn, đối với chuyện tài sản trong gia đình ít khi quan tâm. Nhiếp quân có đôi tai cực thính, thậm chí có thể nghe thấy âm thanh đám đánh nhau từ cách xa hàng chục dặm. Vì vậy, người ta gọi chàng là “Tú tài ba tai”.

Nhiếp quân thường thích nói về kinh tế, và đặc biệt lưu tâm đến trị thủy. Phàm là sách về thủy lợi cổ kim, chàng đều đã đọc qua. Nhiếp quân tuy xuất sinh trong gia đình cự phú, nhưng là người có hoài bão lớn, thường ngẫm nghĩ muốn xuất ngoại mạn du. Đương thời, quốc gia chú trọng ngoại giao, có vị sứ thần phụng mệnh ra nước ngoài, Nhiếp quân đã thân chinh đi thăm hỏi, muốn được một lần đồng hành cùng sứ thần. Tuy sứ thần ra mặt tiếp kiến chàng, nhưng cuối cùng từ chối khéo léo, đuổi chàng đi.

Vì ý định đi cùng sứ thần không thành, Nhiếp quân dứt khoát dốc tiền trong túi ra mua một con tàu du lịch lớn để ra nước ngoài. Chàng chuẩn bị đầy đủ vật tư và hành lý, mang theo mình bốn người phiên dịch, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Nhật, nên không gặp trở ngại gì trong giao tiếp. Đến nơi nào, người ta cũng đều thấy sự hào hoa của chàng, cho rằng chàng là danh gia vọng tộc, cao quan hiển tước của triều đình, tranh nhau nghênh tiếp, tặng tống những lễ vật quý hiếm.

Nhiếp quân phong lưu hào sảng, thanh danh của chàng ngày một lớn dần, mỗi lần đi đến đâu cũng có báo chí đăng tin chàng trước một ngày. Kết quả là ngay khi chàng vừa đến một địa điểm nào đó, người dân toàn thành đổ ra đường chào đón nồng nhiệt, thậm chí còn đứng bên đường ngả mũ tỏ lòng kính trọng. Đoàn người chào đón kéo dài mấy dặm, ngay cả sứ thần triều đình cũng không có được vinh hạnh như vậy.

Nhiếp quân đã đến thăm hơn một chục quốc gia ở Châu Âu, đặc biệt yêu thích phong cảnh sơn thủy của Thụy Sĩ. Có một nữ sinh ở Thụy Sĩ tên là Lanna, không chỉ vô cùng thông minh mà còn có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành.

Một ngày nọ, khi Lanna nhìn thấy Nhiếp quân, nàng cảm thấy như một người bạn cũ, như thể nàng đã biết chàng từ rất lâu rồi. Vì vậy, liền mời chàng vào nhà. Lanna tuy không có tước vị, nhưng so với Nhiếp quân còn giàu có hơn, trong nhà có không ít bảo vật quý hiếm từ Trung Quốc. Sau khi hỏi han, Nhiếp quân mới biết nguyên lai đó là những bảo vật trong nội cung được tàng trữ sau khi nước Pháp phế truất nữ hoàng. Trước khi Nữ hoàng Pháp bỏ trốn, bà đã cất giữ rất nhiều vật phẩm trong nhà.

Lanna đã chọn một số bảo vật để tặng cho Nhiếp quân. Bảo vật trân quý như vậy, Nhiếp quân không dám nhận. Nhưng Lanna nói, được gặp chàng đã là việc hiếm có trên đời, lại là vàng ngọc ý hợp tâm đầu, một chút vật nhỏ mọn này làm sao có thể khiến chàng xấu hổ? Nói rồi kiên quyết nhét bảo vật vào tay áo chàng.

Sau khi lưu lại mười ngày, Nhiếp quân lên xe, bỏ lại Thụy Sĩ và Lanna. Nhiếp quân theo du thuyền lớn đi từ London đến New York. Khi con tàu khổng lồ đang băng qua Thái Bình Dương, một trận cuồng phong bất ngờ thổi tới, lúc đó Nhiếp quân đang lên tháp lái để quan sát, chàng đã bị cuồng phong cuốn vào sóng biển.

Nhiếp quân cảm thấy chóng mặt và ngất đi một lúc. Khi tỉnh dậy, chàng phát hiện mình đang ở một thế giới khác, sơn thanh thủy bích, chàng hoàn toàn không biết bản thân mình đang ở dưới biển. Chàng vô cùng kinh ngạc, vừa rồi vẫn đang ở trên du thuyền, công phu nào khiến chàng một chốc đã đến được đây? Cảm giác như mộng huyễn. Chàng tiến bước về phía trước khoảng ba bốn dặm, cảm giác xung quanh tiếng chim hót và hương hoa thơm ngát, đến đâu cũng là hoa thơm cỏ lạ, trong tâm suy đoán, nơi này không phải là thế gian cõi người.

Vì đói nên chàng đã hái hai ba quả đào để ăn. Vị đào ngọt và thơm lừng, thấm vào tận đáy lòng, một người giàu có như Nhiếp quân cũng chưa từng nếm qua. Nhiếp quân cũng nếm thử một loại rễ hương thảo dọc đường, bên trong trắng như tuyết, hương vị ngọt ngào, trong khoảnh khắc cảm giác tinh thần tươi sáng. Nhiếp quân biết đây không phải là phàm thảo, liền nhổ hơn 10 gốc rồi bọc chúng trong khăn.

Tiếp tục tiến lên phía trước, chàng nhìn thấy một vài túp lều tranh. Sau khi cửa mở, hai nha hoàn (nàng hầu) bước ra đón chàng. Cả hai đều trang điểm kiểu Trung Quốc. Nhiếp quân thỉnh cầu họ chỉ đường để chàng về nhà. Một lúc sau, một bà lão bước ra. Nhiếp quân hỏi bà, chàng định đến New York, nhưng không biết làm thế nào mà chàng lại đến được đây. Bà lão không biết địa danh nơi chàng đang nói đến, nhưng nói: “Ở đây có một mỹ nhân phương Tây mới đến, cậu có thể hỏi nàng ấy.”

Nha hoàn dẫn Nhiếp quân đến lầu phía Tây ở hậu đường. Có một mỹ nữ đứng một mình trên lầu. Nhiếp quân bước vào, hóa ra đó là Lanna. Hai người lại tương kiến, cảm thấy vô cùng kinh ngạc.

Hóa ra Lanna đã bất cẩn trượt chân rơi xuống nước khi nàng đến Scotland. Chủ nhân ở đây thấy nàng mất mạng khi còn trẻ, nên cho nàng vào đây hưởng phúc.

Lanna tò mò hỏi Nhiếp quân, chàng đang ở nhân gian, vì sao lại đến nơi đây? Nhiếp quân liền kể lại những gì đã xảy ra trên biển. Nhân duyên tế hội, hai người ở nhân gian lại tương ngộ nơi tiên cảnh. Có lẽ điều này đã được an bài như vậy. Lanna thỉnh cầu Nhiếp quân dạy nàng văn tự Trung Hoa. Nhiếp quân nói: “Có gì khó đâu. Được tương tụ với nàng thế này, hẳn là chết còn hơn sống.”

Nhiếp quân đã cư ngụ ở thế giới kỳ lạ này trong thời gian dài. Một ngày, chàng tình cờ đến cạnh cổng lớn, đột nhiên nghe thấy tiếng sóng biển sôi sục, bước ra ngoài cửa, chàng nhìn thấy nước biển dựng đứng như bức tường thành, hoàn toàn không có đường tiến. Nhiếp quân vội vã tiến đến nói với Lanna: “Nơi này sẽ gặp đại kiếp nạn, sẽ trở thành một đại dương rộng lớn.”

Lanna cười nói: “Chúc mừng chàng. Từ nay chàng có thể bước ra khỏi đáy biển, trở lại nhân gian một lần nữa. Chúng ta hai người sắp biệt ly, không thể không nói lời tiễn biệt từ tận đáy lòng.” Nói xong nàng sai đầu bếp đi chuẩn bị yến tiệc. 

Trong bữa tiệc, Lanna mang một ly rượu đến bên Nhiếp quân, nâng ly chúc mừng và cảm ơn chàng đã dạy Hoa ngữ cho mình trong những năm qua. Trước khi chia tay, nàng đã viết một hai vần thơ nhỏ để đưa tiễn Nhiếp quân lên đường, rồi Lanna gảy đàn và hát:

“Mặt Trời mọc đằng đông, Mặt Trăng sinh đằng tây, Ngày và Đêm xuất rồi tàn mà chẳng được gặp nhau, tình hằng cổ mà cuối cùng mê lạc. Ta thở dài về đường nhân sinh dài rộng, mà buồn vì thọ mệnh của chồng chưa hết. Mây và bèo được hội tụ là hạnh ngộ hiếm thấy, nhưng biệt ly thì dài, bên nhau thì ngắn, sao khỏi thê lương trong tâm. Biết việc ly hợp là duyên số, đừng nhắc mãi chuyện đã qua. Tặng chàng họa tưởng [mái chèo có khắc tranh], tiễn chàng đến Tiền Khê, từ nay cách nhau vạn lý…”

Sau bài hát, Lanna đã khóc, không thể kiềm chế bản thân. Nhiếp quân đã an ủi nàng. Lanna hạ lệnh cho tỳ nữ lấy ra một chiếc thuyền nhỏ và đặt nó ngoài cửa, để Nhiếp quân ngồi trên đó. Ngoài ra còn có bốn hoặc năm thùng da xếp chồng lên nhau bên cạnh, bên trong chứa nhiều bảo vật quý hiếm.

Lanna hỏi Nhiếp quân, liệu bảo vật được trao cho chàng ở nhân gian có còn ở đó không? Nhiếp quân lấy nó ra khỏi tay áo, và Lanna chỉ vào một trong những hạt màu đen và nói rằng đó là viên ngọc Tích Thủy châu của Long Cung, và hạt màu vàng kia là Định Phong châu của Đâu Suất cung. Mang hai viên ngọc này xuống biển có thể đi trên mặt biển như đi trên mặt đất. Vừa dứt lời thì sóng to gió lớn nổi lên, Lanna nhanh chóng vào nhà đóng cổng lớn lại, Nhiếp quân ngồi trên thuyền không kìm được nước mắt mà khóc.

Duyên phận đẹp đẽ giữa hai người kết thúc bằng sự ra đi của Nhiếp quân. Chàng chìm nổi theo con thuyền. Đang lênh đênh trên đại dương, trong lúc vô ý duỗi chân chạm phải thứ gì đó, khi nhặt lấy thì thấy đó là bánh táo, chàng cảm thán Lanna thật thông minh và chu đáo. Nhiếp quân vì thế mà được cứu khỏi cơn đói.

Sau ba ngày đêm, Nhiếp quân trôi đến Sạ Phổ, Chiết Giang, và nhìn thấy ánh đèn từ hàng nghìn ngôi nhà, vô cùng náo nhiệt. Sau khi cập bến, chàng gọi người đến giúp mang hành lý. Con thuyền nhỏ cũng tự hành rời đi.

Đương thời một thương gia họ Hồ được biết Nhiếp quân đã trở về, mang theo một kho báu nên đã đến gõ cửa thỉnh kiến. Nhiếp quân cho ông ấy xem một viên kim cương, to như mắt rồng, sáng lấp lánh. Thương gia họ Hồ đã hỏi và được biết nó trị giá 40 vạn lượng vàng. Vì vậy, ông nói: “Giá nào đối với nó cũng không đắt, nhưng thứ này chỉ ở hoàng cung Pháp mới có, ngài lấy nó từ đâu?” Nhiếp quân nói, “Bảo vật của Trung Quốc đã chảy ra hải ngoại, lẽ nào bảo vật của nội cung nước Pháp lại không thể lạc vào tay tôi?” Thương gia họ Hồ thỉnh cầu hạ giá.

Nhiếp quân nói, “Sơn Đông hiện đang chờ cứu tế thiên tai. Nếu ngài lấy 30 vạn lượng vàng cứu tế người dân ở đó, tôi có thể tặng nó cho ngài.” Họ Hồ sẵn sàng đồng ý. Người dân thời đó đều nói rằng Nhiếp quân nghĩa cử cao cả hiếm có trên đời. (Theo “Tùng ẩn mạn lục”)

Tống Bảo Lam chỉnh lý, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version