Nhà vật lý thiên tài Thúc Tinh Bắc từng được đào tạo chuyên môn sâu tại Đại học California, San Francisco, Đại học Edinburgh, Đại học Cambridge và Viện Công nghệ Massachusetts, được mệnh danh là “tài tử đệ nhất thiên hạ”. ĐCSTQ muốn phát triển ông thành đảng viên, nhưng ông đã cự tuyệt gia nhập ĐCSTQ. Những gì ông đã phải trải qua dưới triều đại đỏ chính là lý do tốt nhất.
Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!
Năm 1979, tên lửa xuyên lục địa đầu tiên của Trung Quốc cần tính toán thời hạn tối ưu để tiếp thu và trục vớt hộp dữ liệu đầu đạn nhưng chưa tìm được chuyên gia tương quan. Vào thời điểm cực kỳ then chốt, có người đã tiến cử một ông lão 72 tuổi, bên trên đã phân bổ 1 triệu nhân dân tệ cho mục đích này. Nhưng ông lão không cần tiền, chỉ với một cây bút, một chồng giấy và một chiếc máy vi tính, ông đã hoàn thành nhiệm vụ một cách chuẩn xác.
Ông lão này là Thúc Tinh Bắc, một nhà vật lý thiên tài, nhà nghiên cứu của Sở Hải dương số 1, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc. Đối với một người có tầm ảnh hưởng như vậy, lãnh đạo Sở Hải dương nhất tâm muốn “phát triển” Thúc Tinh Bắc thành đảng viên ĐCSTQ, nhưng Thúc Tinh Bắc luôn cự tuyệt. Vì sao như vậy? Hôm nay, chúng tôi sẽ dựa trên “Đương án Thúc Tinh Bắc” và các tài liệu khác, nói về nguyên nhân đằng sau nó.
Cuộc đời huy hoàng tại Trung Hoa Dân Quốc
Thúc Tinh Bắc sinh năm 1907, người huyện Hàn Giang, tỉnh Giang Tô. Ông học tiểu học, trung học cơ sở và đại học vào thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, sau đó được nhận vào Khoa Vật lý trường Đại học Baker ở Kansas, Mỹ vào năm 1926. Không lâu sau đó, ông chuyển vào Đại học California, San Francisco. Năm 19 tuổi, ông xuất bản bài báo đầu tiên “Quy luật mới về cự ly hành tinh và tốc độ quỹ đạo”.
Vào tháng 10 năm 1928, Thúc Tinh Bắc được các bạn cùng lớp giới thiệu đến Đại học Edinburgh ở Anh, nơi ông theo học với nhà vật lý học lý luận nổi tiếng E. T. Whittaker và tiến sĩ C. G. Darwin, nhận học vị thạc sĩ chỉ sau hơn một năm. Vào tháng 2 năm 1930, được sự giới thiệu của tiến sĩ Whittaker và Darwin, ông vào Đại học Cambridge và theo học nhà vật lý học thiên thể lý luận nổi tiếng, tiến sĩ Sir Arthur Stanley Eddington.
Vào tháng 8 năm 1930, tiến sĩ Eddington tiến cử Thúc Tinh Bắc làm nghiên cứu sinh và trợ giảng tại Viện Công nghệ Massachusetts ở Mỹ, theo học nhà toán học trứ danh, giáo sư D. J. Struik. Chỉ trong một năm, Thúc Tinh Bắc đã nhận học vị Thạc sĩ Lý học. Tháng 9 năm 1931, Thúc Tinh Bắc trở về Trung Quốc để kết hôn theo lệnh của mẹ, và không bao giờ xuất ngoại nữa. Ông giảng dạy ở một số trường đại học và cuối cùng dừng chân tại Đại học Chiết Giang. Gần 20 năm dạy học tại Đại học Chiết Giang là khoảng thời gian huy hoàng nhất trong cuộc đời Thúc Tinh Bắc.
Năm 1937, nhà vật lý đoạt giải Nobel người Đan Mạch Bohr được mời đến thăm Đại học Chiết Giang. Sau khi Bohr trở về nước, không ngừng có các giáo viên và sinh viên Trung Quốc viết thư cho ông, thỉnh giáo ông làm sao để học vật lý, làm sao để ra nước ngoài du học. Bohr hồi ứng và nói, các bạn có những nhà vật lý đẳng cấp hàng đầu thế giới như Thúc Tinh Bắc, nên không cần phải sang châu Âu lưu học nữa.
Đương thời, Trung Quốc có môi trường học thuật tương đối tự do, Đại học Chiết Giang có một hiệu trưởng khai minh, ông Trúc Khả Trinh. Thúc Tinh Bắc, người lớn lên trong môi trường học thuật ở Mỹ và Châu Âu, như cá gặp nước. Ông và một nhà vật lý học danh tiếng khác, giáo sư Vương Cam Xương, sau này trở thành nguyên huân của “hai quả bom, một vệ tinh” của Trung Quốc, thường tranh biện các vấn đề học thuật, từ đó không ngừng nảy ra những tia tư tưởng, kết xuất không ít thành quả khoa học trọng yếu. Họ cũng bồi dưỡng Lý Chính Đạo, Ngô Kiện Hùng và một nhóm nhân tài tinh anh, sau này trở nên nổi tiếng trong giới vật lý thế giới.
Giáo sư Vương Cam Xương cho biết: “Thúc Tinh Bắc có kinh nghiệm giảng dạy phong phú. Tôi rất ngưỡng mộ phương pháp giảng dạy của anh ấy. Anh ấy không sử dụng tài liệu hay viết giáo trình, thường thường kết hợp với những sự vật gặp trong cuộc sống thường ngày để giảng giải những khái niệm, nguyên lý mới bằng thứ ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, giải thích phi thường thấu triệt, học sinh rất thích nghe bài giảng của anh ấy, đó là điểm mà vô luận thế nào, tôi cũng không thể học được.”
Khi đó Thúc Tinh Bắc là người tự đắc, tràn đầy hùng tâm, cho dù có ai khen ông là “thiên tài đệ nhất thiên hạ”, ông cũng vui vẻ, không tự khiêm, cũng không cảm thấy quá lời, trong tâm ông chính là vốn có cảm giác như vậy. Ông nói: “Tôi 28 tuổi đã thành giáo sư nổi tiếng, tự có đại tài, hận không thể sánh vai cùng các nhà khoa học trên toàn thế giới.”
Viện sĩ Trình Khai Giáp, học trò của Thúc Tinh Bắc và là nguyên huân của “hai quả bom, một vệ tinh”, cho biết: “Thiên phú vật lý của Thúc Tinh Bắc là không ai bì kịp. Trong não ông ấy có cực nhiều tư tưởng và niệm đầu với trí lực phi thường. Những tư tưởng và niệm đầu đó, nếu nắm bắt được và nghiên cứu thấu đáo, thì rất có khả năng có thể kết xuất ra những thành quả chấn động thế giới.” Thế nhưng, sự tình như vậy đã không xảy ra. Từ năm 1949 khi ĐCSTQ kiến chính, cho đến năm 1983 khi ông qua đời, trong suốt 34 năm đó, đại đa số thời gian của Thúc Tinh Bắc là dùng để vượt qua những quan ải chỉnh trị của ĐCSTQ.
Vòng phê phán đầu tiên
Năm 1950, trong cuộc vận động cải tạo tư tưởng trong giới trí thức tại Đại học Chiết Giang, Thúc Tinh Bắc kiên quyết không viết cuốn “tự truyện” hạ nhục nhân cách và tôn nghiêm của mình, vì lý do này, ông bị bao vây tấn công suốt ba tháng, nhưng không khuất phục.
Sau đó, Tô Bộ Thanh, hiệu trưởng và nhà toán học của Đại học Chiết Giang, do bị vu cáo, bị phê đấu và vũ nhục, đã sẵn sàng lấy cái chết để kháng nghị. Sau khi Thúc Tinh Bắc biết chuyện, ông vô cùng phẫn nộ, đích thân đi tìm cán bộ để lý luận, kết quả là Tô Bộ Thanh được giải thoát, nhưng Thúc Tinh Bắc vì tội “ẩu đả cán bộ cách mạng, kháng cự cuộc vận động” mà trở thành đối tượng trọng điểm trong cuộc đấu tranh phê phán của Đại học Chiết Giang.
Vòng phê phán thứ hai
Năm 1952, Thúc Tinh Bắc được điều đến Đại học Sơn Đông làm giáo sư.
Hoa Cương, hiệu trưởng Đại học Sơn Đông, là một nhà lý luận chủ nghĩa Mác, ông ta luôn theo sát hình thế, luôn “giảng chính trị”. Thúc Tinh Bắc phản ứng mạnh mẽ điều này, ông nói: “Học sinh không phải là chính trị gia, trường đại học không phải là trường đảng. Ai muốn làm chính trị gia thì nên vào trường chuyên môn bồi dưỡng chính trị gia.”
Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, nó thực hành chính sách ngoại giao “một chiều” đối với Liên Xô. Thúc Tinh Bắc nói: “Trình độ khoa học của Liên Xô tương đối kém, không có một tạp chí vật lý nào. Khoa học toàn là sao chép từ người Đức, hầu hết các nhà khoa học đều là hạng hai. Sở dĩ Liên Xô kém cỏi như vậy, là vì hội nghị quá nhiều, học tập chính trị quá nhiều.”
Ông tin rằng tất yếu phải hướng đến các quốc gia tiên tiến nhất để học tập. Ông từng công khai nói rằng, người dân ở các nước tư bản được tự do ngôn luận, không tham gia học tập chính trị, các cuộc họp có thể tùy ý không đến dự, nói lời sai, thậm chí mạ người cũng không có người đấu lại, mà tự do là bảo chương của phát triển khoa học, là nhân tố căn bản của văn hóa phồn thịnh.
Vào nửa cuối năm 1954, Thúc Tinh Bắc vì phản đối “chủ nghĩa Mác-Lê trước tiên” của Hoa Cương, ủng hộ “khoa học tự nhiên trước tiên”, chống lại chủ trương “học tập Liên Xô toàn diện”, mà bị liệt vào đối tượng phê đấu trọng điểm.
Vòng phê phán thứ ba
Năm 1955, Mao Trạch Đông phát động vận động phê phán “Tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong”, sau đó triển khai “vận động thanh trừng phản cách mạng”. Sau khi Đại học Sơn Đông tiến hành điều tra lại các “phần tử trí thức cũ”, họ đã lật lại những vấn đề lịch sử của Thúc Tinh Bắc.
Có người báo cáo rằng từ năm 1944 đến năm 1945, ông làm việc trong Lớp huấn luyện nhân viên Viễn thông Kỳ Giang và Phòng Kỹ thuật số 2 Bộ Tư lệnh Quân Chính phủ Quốc dân đảng, ông bị nghi ngờ là phản cách mạng lớn. Vì thế, ông bị liệt vào trọng điểm tiến hành phê đấu.
Thúc BắcTinh lần thứ 3 hứng chịu cơn bão đại phê phán, bị phê thành “đặc vụ cấp cao”, “phần tử phản cách mạng lịch sử” v.v. Vợ và con trai ông cũng bị phê đấu.
Bị gắn nhãn “cực hữu phái”
Năm 1957, Mao Trạch Đông kêu gọi phần tử trí thức giúp đảng chỉnh phong, yêu cầu mọi người “tri vô bất ngôn, ngôn vô bất tận”, hãy nói hết những gì mình biết, và đảm bảo rằng “người nói vô tội, người nghe được cảnh giới”.
Tháng 5 cùng năm, Thúc Tinh Bắc được mời tham dự hội nghị công tác tuyên truyền của Tỉnh ủy Sơn Đông để “giúp đảng đề xuất ý kiến”. Tiêu đề bài phát biểu của ông là “Dùng sinh mạng duy hộ sự tôn nghiêm của hiến pháp”. Ông phát biểu tổng cộng hơn 30 phút, bị gián đoạn hơn 20 lần bởi những tràng pháo tay không ngớt của khán giả. Ông phản đối “nhân trị”, chủ trương “pháp trị”, cuối cùng, ông dùng bốn câu thơ để tổng kết quan điểm của mình:
Sinh mệnh thành khả quý
Ái tình giá canh cao
Nhược vi hiến pháp cố
Lưỡng giả giai khả phao!
Ý tứ bài thơ là sinh mạng thực đáng trân quý, ái tình còn quý hơn, nhưng nếu hiến pháp bị vi phạm, thì cả hai thứ trên đều bị chà đạp.
Nhưng chẳng bao lâu, Mao Trạch Đông liền lật mặt, “giúp đảng chỉnh phong” quay ngắt 180 độ, biến thành “vận động phản hữu”. Ngôn luận của Thúc Tinh Bắc bị dán nhãn ngôn luận của “phái hữu”. Trong thời gian đó, ông bình quân mỗi ngày bị phê đấu một lần, cuối cùng bị đả thành “phần tử cực hữu”.
Bị dán nhãn “Phần tử phản cách mạng”
Từ năm 1950 đến năm 1957, Thúc Tinh Bắc đã nhiều lần bị phê đấu trong các cuộc vận động chính trị khác nhau của ĐCSTQ, nhưng ông luôn bất phục. Đến năm 1958, ĐCSTQ tất toán nợ cũ nợ mới với ông, dán nhãn ông là “phần tử phản cách mạng” với sự phê chuẩn của tiểu tổ túc phản gồm 10 thành viên Trung ương.
Vào ngày 15 tháng 10 năm 1958, Pháp viện quận Thị Nam của thành phố Thanh Đảo kết án ông “ba năm quản chế” vì phạm “tội phản cách mạng”.
Sau đó, Thúc Tinh Bắc bị áp giải đến Hồ chứa Nguyệt Tử Khẩu ở Thanh Đảo để cải tạo lao động. Khi đó, ông chỉ có 20 nhân dân tệ mỗi tháng cho sinh hoạt phí, vợ không có thu nhập, 7 đứa con đều bị liên lụy, bị buộc phải giải ngũ, thất nghiệp, thất học, cả nhà sinh sống cực kỳ khó khăn. Nhất ngôn nhất hành của ông đều bị giám sát, bị phê phán như cơm bữa.
Sau khi công trình Nguyệt Tử Khẩu hoàn thành, ông bị phân công dọn dẹp nhà vệ sinh tại Trường Cao đẳng Y tế Thanh Đảo, một thời gian được giao chế tác tiêu bản thi thể. Cuối năm 1961, Thúc Tinh Bắc khôi phục được một chiếc máy điện tâm đồ bị hư hỏng lâu ngày ở Đại học Y Thanh Đảo, sau đó, khi dụng cụ ở các bệnh viện lớn ở Thanh Đảo bị hỏng, tất cả đều đến nhờ ông sửa chữa. Ông đã nỗ lực “cải tạo” với hy vọng sớm ngày được “gỡ nhãn”.
Tuy nhiên, khi trường Cao đẳng Y tế Thanh Đảo tổ chức đại hội “gỡ nhãn” vào năm 1962, Thúc Tinh Bắc lại không có tên trong danh sách. Sau chuyện này mới biết “cái nhãn” của ông là nằm trong tay tiểu tổ túc phản 10 người của Trung ương. Kể từ đó, sau nhiều năm giám sát cải tạo, duệ khí của ông dần hao mòn. Ông biến trở nên hạ thấp đầu quy phục, không ngừng phản tỉnh, tranh thủ cơ hội ghi điểm.
Được trở lại giang hồ khi đầu đã bạc
Bước ngoặt trong vận mệnh của Thúc Tinh Bắc xảy ra vào năm 1972, và người thúc đẩy bước ngoặt này là học trò của ông, Lý Chính Đạo.
Vào tháng 10 năm 1972, Lý Chính Đạo, người đoạt giải Nobel về vật lý đã nhập tịch Hoa Kỳ, nhận lời mời đến thăm Trung Quốc. Chu Ân Lai, khi đó là thủ tướng ĐCSTQ, hy vọng ông sẽ giới thiệu một số chuyên gia hải ngoại đến Trung Quốc giảng dạy, để giải quyết vấn đề “đứt gãy” nhân tài Trung Quốc.
Lý Chính Đạo không kiêng dè mà nói thẳng: “Rất nhiều giáo viên cũ của tôi, thành tích khoa học của họ không kém gì các nhà khoa học nổi tiếng nước ngoài, nhưng các ônh lại không dùng họ, chẳng hạn như tiên sinh Thúc Tinh Bắc, giáo sư của tôi.”
Vì quan hệ của Lý Chính Đạo, vào năm 1974, Thúc Tinh Bắc cuối cùng đã được gỡ bỏ nhãn hiệu “phần tử phản cách mạng” và “phái cực hữu”.
Ngày 6 tháng 4 năm 1978, Thúc Tinh Bắc được chuyển đến Sở nghiên cứu số 1 của Cục Hải dương Quốc gia. Thúc Tinh Bắc, người đã bị tước quyền giảng dạy và nghiên cứu khoa học chính thường trong suốt 23 năm, cuối cùng đã trở lại tuyến đầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nhưng lúc này ông đã hơn bảy mươi tuổi, tuy phấn lực cống hiến, nhưng ngày tháng của ông không còn nhiều. Vào ngày 30 tháng 10 năm 1983, Thúc Tinh Bắc qua đời vì bạo bệnh chỉ 5 năm sau khi ông trở lại làm việc.
Với thiên phú và năng lực của Thúc Tinh Bắc, nếu ở các nước Âu Mỹ, có lẽ ông đã trở thành nhà vật lý hàng đầu thế giới. Thật không may, dưới sự thống trị của ĐCSTQ, ông hết lần này đến lần khác bị chỉnh trị, chịu đựng sự vũ nhục và tra tấn. Các bạn khán giả, sau khi hiểu được cuộc đời bi thảm của ông, chắc hẳn các bạn không khó để lý giải tại sao ông lại từ chối gia nhập ĐCSTQ.
- Trọn bộ Trăm năm chân tướng!
Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch