Nhân sinh vốn ngắn ngủi như ánh chớp giữa hư không. Mỗi người ta gặp trên đường đời đều chính là nhân duyên tiền định. Có người ghi khắc ảnh hình trong trái tim ta, có người chỉ bước qua mà không để lại dấu vết gì. Nhưng dù là ai, bạn cũng hãy nên cảm ân và trân trọng. Bởi một lẽ rằng: “Cao sơn lưu thuỷ, tri kỷ khó tìm”…
1. Người tri kỷ
Cổ nhân nói: “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu. Thoại bất đầu cơ bán cú đa” (Rượu gặp bạn hiền ngàn chén ít. Lời không hợp ý nửa câu nhiều). Ở đời, tìm được một tri kỷ có thể thấu hiểu mình chính là niềm vui lớn nhất. Giữa chốn hồng trần bon chen lầm lũi này, có được một tri âm cùng chia sớt ngọt ngào, san sẻ niềm đau thực là quá khó.
Đỗ Phủ kém Lý Bạch 11 tuổi, hai người gặp gỡ một lần ở thành Lạc Dương mà kết thành bạn vong niên. Sau này khi ly biệt, cách trở phương trời, lại nghe tin Lý Bạch qua đời, Đỗ Phủ thương khóc mà làm bài “Mộng Lý Bạch“. Ông viết:
“Cố nhân nhập ngã mộng
Minh ngã trường tương ức
Quân kim tại la võng
Hà dĩ hữu vũ dực
Khủng phi bình sinh hồn
Lộ viễn bất khả trắc
Hồn lai phong lâm thanh
Hồn phản quan tái bắc
Lạc nguyệt mãn ốc lương
Do nghi chiếu nhan sắc“
Dịch nghĩa: Cố nhân bước vào trong mộng, biết là ta đang nhớ nhung bạn đã bao lâu. Bạn ở nơi giam cầm làm sao có cánh mà thoát khỏi? Biết rằng hồn bạn lâu nay không như ý nhưng đường sá xa cách chẳng biết phải làm sao. Hồn về đây giữa rừng phong xanh ngát. Hồn lại trở về chốn quan ải xa xăm. Ánh trăng rơi đầy nhà. Còn ngờ như đang chiếu soi trên gương mặt bạn.
Tri kỷ thực sự là người có thể cùng bạn đi đến cùng trời cuối đất nghênh đón gió sương. Đã là tri kỷ của nhau thì không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, chỉ cần có một tấm chân tình để rung động đất trời. Được gặp gỡ nhau, đi cùng nhau một đoạn đường đời và được làm điều gì đó cùng nhau vốn không phải là chuyện ngẫu nhiên vậy.
Mối lương duyên của con người ta không phải chỉ trong một đời này mà đã được Tạo hoá an bài từ muôn nghìn ức kiếp trước. Một mối duyên như thế chẳng đáng để trân quý hay sao? Vì vậy, hãy luôn nâng niu, gìn giữ người tri kỷ của mình. Họ mới chính là bến đỗ bình yên, là nơi neo đậu tâm hồn cho bạn giữa chốn trần ai này.
2. Người nói thẳng
Nhiều người không thích nghe lời nói thẳng, chân thành, nhất là khi những lời ấy động vào đúng tư tâm của họ, chạm thẳng vào điểm yếu của họ. Nhưng từ một tầng cao hơn mà xét thì đó là tâm lý rất tiêu cực. Người ta không phải bậc thánh, không thể tránh những lúc mắc sai lầm, thực thi công việc không tốt. Nếu lại không được nghe những lời nói chân thành thì khẳng định họ sẽ lạc lối.
Người trung trực, thẳng thắn, biểu hiện đầu tiên chính là biết và dám nói thẳng. Lời họ nói thực sự không dễ nghe, có khi như là lời cảnh tỉnh, có lúc lại giống là lời chỉ trích. Ai nghe rồi cũng phải nóng đầu, bốc hoả. Nhưng có câu “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng“. Nếu không có những lời cay đắng như thế, chắc chắn bạn không thể thức tỉnh. Một chiếc “gậy bổng hát” giáng xuống đầu chắc chắn là có lợi ích hơn ngàn lời khen nịnh, dù cho nó thực sự rất đau.
Ngày xưa, mỗi vị hoàng đế đều đặt ra một chức quan gọi là: Gián nghị đại phu, chuyên can gián, nói lời thẳng thắn, góp ý cho những quyết sách của hoàng đế. Thời nhà Đường, Nguỵ Trưng được Đường Thái Tông phong làm Gián nghị đại phu vì tính tình cương trực, quyết đoán của mình. Ông đã đưa ra tổng cộng hơn 200 lời khuyên can, góp ý thẳng thắn với Đường Thái Tông, nhiều lần khiến nhà vua phải đỏ mặt, tía tai vì giận.
Thế nhưng, Nguỵ Trưng vẫn không vì sợ mạo phạm thánh giá, vì nể nang chút thể diện mà ngừng can gián. Hễ vua làm sai điều gì là ông đều can ngăn đến cùng. Đường Thái Tông cũng là một vị minh quân, dù đôi khi không kìm nổi cơn giận (là hoàng đế ai chẳng có sĩ diện cao ngất) nhưng vẫn nhận xét rằng: “Người tận tâm tận lực, thẳng thắn khuyên can, làm an quốc gia, lợi dân chúng, làm rạng rỡ công nghiệp của Trẫm, được coi là đạo của thiên hạ, chỉ có Ngụy Trưng“.
Nhưng ngày nay, tìm được một người không sợ mất lòng mà dám thẳng thắn khuyên can là điều không dễ. Con người hiện đại thường cố gắng sống khôn khéo, sống sao cho khỏi mất lòng nhau. Trên đời, tìm được một lời nói thật thực sự rất khó khăn. Bởi thế, hãy luôn trân trọng một người bạn chân thành, trung thực và thẳng thắn.
3. Đối thủ có thực lực
Nghe thì có vẻ không hợp lý lắm nhưng đúng là ở đời tìm ra được một đối thủ xứng tầm cũng là một điều thống khoái. Trong tiểu thuyết, Kim Dung có mô tả một nhân vật tên là Độc Cô Cầu Bại. Đó vốn không phải là tên thật của ông ta mà ý tứ chính là: Cô độc một mình tìm đối thủ để mong được bại trận. Kiếm thuật của Độc Cô Cầu Bại quá cao siêu, người đời không ai địch nổi. Nhưng cũng bởi thế mà ông ta một đời cô quạnh sống với con chim điêu rồi chết trong buồn bã.
Đương nhiên chúng ta không quá ám ảnh với chuyện ấy như Độc Cô Cầu Bại. Nhưng bạn hãy thử nghĩ mà xem, nếu có một đối thủ xứng tầm để so tài cao thấp ta sẽ có một lực thúc đẩy nỗ lực không ngừng, hoàn thiện không ngừng. Và điều ấy là tốt cho chính chúng ta.
Đối thủ không có nghĩa là kẻ thù, càng không có nghĩa là phải cùng ta tranh đoạt một phen, thừa sống thiếu chết. Đối thủ đôi khi lại chính là tri âm, tri kỷ. Bởi người hiểu chúng ta nhất chính là đối thủ của ta, người vì ta mà tồn tại cũng chính là họ.
Thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng 6 lần ra Kỳ Sơn hòng phục hưng Hán thất chẳng may gặp phải đối thủ cực kỳ khó chịu là Tư Mã Ý. Đánh nhau bao nhiêu trận, so tài bấy nhiêu phen, phút cuối cùng Gia Cát Lượng ngửa mặt lên trời, thở dài mà than rằng: “Tư Mã Ý chính là kẻ hiểu ta nhất vậy!”.
Bạn có muốn trở thành một Độc Cô Cầu Bại hay không?
Thực là:
Tri kỷ như rượu quý
Say lúc nào chẳng hay
Video: 3 loại người nên tránh, 3 kiểu bạn nhất định phải kết giao