Đại Kỷ Nguyên

Cuộc sống hiện đại, cuộc sống lạnh lùng, bạn có còn biết lắng nghe những lời than thở?

Bạn và tôi, chúng ta cùng ngồi trên chuyến tàu tốc hành trên cao, mặt lạnh lùng, vô cảm chúi đầu xuống những chiếc Iphone, hoặc Ipad mà không còn có một nụ cười. Một cuộc sống dường như bứt khỏi mặt đất. Một cuộc sống dường như từ chối cộng đồng. Bạn đam mê với những tai nghe trên tai với tiếng động của tiếng nhạc, tiếng phim, tiếng súng trong game… Bạn không còn biết lắng nghe những điều than thở và sự mong đợi…

Ngày xưa thì thầm với cỏ với cây

Ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần bà tôi hái lá trầu không, bà thường nói thầm với lá: “Hôm nay cho bà xin 3 cái nhá”, hoặc “Hôm nay cho bà 5 cái nhá”. Quanh năm ngày tháng bà vẫn làm vậy, như thể là nó đang lắng nghe bà nói. Đến mùa rét, bà lại lấy một miếng vải xô buộc vòng quanh khóm của nó để nó khỏi bị lạnh. Tôi thấy cái cây run rẩy trong tay bà như thể nó sắp rơi lệ trước tình thương ấm áp miên man ấy.

Quanh năm ngày tháng bà vẫn làm vậy, như thể là nó đang lắng nghe giọng bà nói. (Ảnh: Sưu tầm)

Không cô phụ lòng người chăm sóc, cây trầu không của bà lúc nào cũng tốt tươi và um tùm lá. Cứ như thế, bà tôi chăm vườn cây, hoa và quả trước nhà. Bàn tay nhuốm mầu thời gian gày guộc nhăn nheo của bà mang đầy yêu thương vào ký ức tuổi thơ của tôi.

Lớn lên với cây khế ngọt ngào đầu ngõ, cây sưa vững chãi trước phong ba, với vườn hoa cúc vàng trước cửa lóng lánh hạt sương đêm mỗi sáng khi tôi đi học. Lớn lên cùng tiếng ầu ơ của bà mỗi trưa hè oi ả, giữa cái mênh mang tiếng ve hối hả gọi hè.

Hình ảnh của bà ngồi nhai trầu và miệng nói vài câu vu vơ với cái lũ chim chóc và ong bướm như thể chúng là bạn. Ký ức về bà tôi như một cuộn phim dang dở của cái thuở xa xưa ấy, cái thời mà người ta sống cùng với thiên nhiên có một sự giao hòa tương ái và kính trọng. Thiên nhiên cũng ban cho một khí hậu ôn hòa bốn mùa âm dương dung hợp, giúp cho con người và vạn vật có một cuộc sống phong phú.

Ngày nay lạnh lùng đang tâm đốn trộm….

Cây sưa trước cửa nhà bị đốn hạ trong một đêm giông bão bập bùng. Rõ là tôi nghe trong cái ào ạt ấy tiếng gọi vô vọng của ai đó. Tiếng vùng vẫy quằn quại, tiếng đổ rạp mà trong mơ màng tôi không cảm ứng được một sự sống đã lìa đời.

Sáng hôm sau, khi bà mở cửa, ào vào trong tâm thức của bà là sự trống trơn trước ngõ. Đâu rồi màu xanh dịu mát, đâu rồi tiếng gió lao xao, chỉ còn trơ lại cái gốc với những vết cắt vội vàng nham nhở, những chiếc lá vương vãi tả tơi.

Cây sưa đầu ngõ nhà tôi, nơi bà đã từng thuyết phục để mọi người không đóng những cái đinh vào thân cây, đêm qua, sau một trận mưa lớn, đã bị người ta chặt trộm. Cây sưa đột ngột trở thành hàng quý hiếm giá bạc tỷ khiến cho lòng tham của ai đó vượt qua cả sự liêm sỉ, vượt qua cả tự ngã để phạm vào cánh cửa vô sinh.

Tôi hiểu trái tim già nua đã từng trải qua nhiều sóng gió, cái cây như là một phần trong cuộc đời ấy, nó bỗng dưng biến mất khiến tim bà thổn thức. Nhìn trong khóe mắt bà một nỗi buồn trào dâng thăm thẳm. Tôi không dám đối diện với cái nhìn ấy, không biết là “ai đó” kia cũng đã từng có một người bà, và chắc cũng từng được nghe những tiếng à ơi thiêm thiếp giấc nồng, về “Cái Vạc, cái Nông…” trong câu hát ru thuở hàn vi xa xôi ấy. Sao nỡ lấy đi của bà tôi một phần kỷ niệm xanh tươi êm đềm?

Trong tiếng nói chuyện thì thầm với cỏ cây của bà, là yêu thương sâu đậm được gieo đầy vào ký ức tuổi thơ tôi. (Ảnh: Bình An/anvietnam.wordpress.com)

Ngẫm về cái gốc của con người

Không phải tôi cần kỷ niệm, không phải tôi ưa hoài cổ, nhưng nhìn cái gốc cây còn lại trên vỉa hè chồi lên sụt xuống kia, có lẽ nó đã run rẩy và đau đớn với tiếng kêu câm nín, đã khiến tôi suy nghĩ về cái gốc của con người. Cái gốc ấy đã tạo nên những bậc Thánh nhân trong lịch sử và những quốc gia trường tồn vững mạnh thì đều lấy đạo đức làm căn bản.

Và bà tôi, phải chăng là thế hệ cuối cùng bảo tồn sự thuần phác, nhân hậu và lòng kính ngưỡng đối với Thần Phật. Nếu mất gốc, nó sẽ là sự trống rỗng, là một sa mạc không tình thương và được lấp đầy bởi bạo lực và hận thù. Bạn tìm được gì ở cuối con đường nhân sinh? Bệnh tật hay khổ đau?

Bạn và tôi, chúng ta cùng ngồi trên chuyến tàu tốc hành trên cao, mặt lạnh lùng, vô cảm chúi đầu xuống những chiếc Iphone, hoặc Ipad mà không còn có một nụ cười. Một cuộc sống mà dường như đã tách khỏi cộng đồng. Một cuộc sống mà dường đã bứt khỏi lòng đất. Bạn đam mê với những dây rợ loằng ngoằng trên tai với những tiếng động của súng ống game online, của tiếng nhạc, tiếng phim, tiếng trò chuyện online. Còn ngoài kia những điều lặng im đang chờ đợi bạn lắng nghe…

Thế giới không còn lương tâm, tựa như con đường dẫn tới hủy diệt

Dường như chúng ta đang lạc bước vào một thế giới xa lạ, ở đó không có cây xanh. Người ta đã đốn hạ đi hàng loạt và ngạo nghễ với những thiết bị làm dịu mát bằng khoa học điện tử. Ở đó người ta không còn có sự tương giao ấm áp tình người, chỉ có những cơn bão cát quét qua thành phố…, chỉ nghe thấy được tiếng khóc thét lặng của trẻ con… Và người lớn câm lặng, khuất nhục, bất lực cam chịu trước sự hoành hành của cái ác.

(Ảnh: Sara Clavis)

Tột cùng của cái ác là sự hủy diệt. Nhân loại sẽ chết nếu để cái ác len lỏi và chế ngự.

Hãy dùng thiện niệm, từ tâm để hóa giải. Hãy biết tha thứ và nghĩ về tác hại hành vi mà chúng ta làm sẽ gây đau khổ và tổn thương cho người khác.

Cơ hội dành cho người biết dừng lại. Đừng phạm sai lầm để sự dằn vặt theo đuổi quãng đời còn lại.

Vì người hạnh phúc không phải là người giàu có. Mà là người có tâm hồn thanh thản và hết thảy đều bao dung.

Tâm Thanh 

Xem thêm:

Exit mobile version