Người ta nói đời người chỉ như một cái chớp mắt, vừa hư ảo vừa vội vàng, đã vậy nếu ta không dùng tâm thái tĩnh tại mà sống thì sẽ bị cuốn đi, lại cũng trở thành bị động trong chính cuộc đời của mình.
Bình tĩnh để nhìn thấu đúng sai, được mất
Cuộc sống ngày nay là một cuộc cạnh tranh khốc liệt, chúng ta bị cuốn theo nhịp sối hối hả và nảy sinh những khao khát mạnh mẽ về vật chất, từ đó tạo nên những áp lực vô hình cho chính bản thân mình.
Khi lúc nào cũng cảm thấy cần phải nôn nóng, vội vã thì dẫn đến làm việc gì cũng vội vàng, mất bình tĩnh.
Tĩnh tâm mới có thể nhìn xa, nhìn rộng, mới thanh thản, thanh thản mới có thể làm được việc, làm được việc mới có thể thành công. Giữ gìn sự tĩnh tại trong tâm hồn là một quá trình theo đuổi sự cân bằng, tạo ra sự hài hòa, tích lũy dần dần thành một cảnh giới sâu rộng.
Bình tĩnh mới có thể duy trì một tinh thần minh mẫn, tính toán được sâu xa, hội đủ tinh tế để phân biệt được mất, đúng sai, để tuân theo quy luật của vạn vật.
Bình tĩnh mới có thể thờ ơ với danh lợi, cân bằng tâm trí, không vì tiến lui mà phiền toái, bị sỉ nhục cũng không thất kinh, uất hận.
Bình tĩnh mới có thể đạt được những mục tiêu cao xa, cũng từ đó dũng cảm từ bỏ danh lợi, theo đuổi sự xuất chúng, cao – không kiêu ngạo mình là nhất, thấp – không tự ti từ bỏ.
Bình tĩnh mới có được một tinh thần lành mạnh, mới hiểu được vinh nhục không nên để trong tâm.
Tĩnh tại để nuôi dưỡng trí tuệ
Nuôi dưỡng một chút bình tâm trong tâm hồn, khi gặp chuyện, chúng ta không bối rối, giải quyết sự việc một cách nhẹ nhàng.
Bản thân, không cẩu thả, không kiêu ngạo, không tự ti, không thiên vị, tĩnh tâm để mọi thứ đến một cách tự nhiên.
Sống một cuộc sống đầy cảm hứng, thanh bình, khám phá con người thật bên trong chính bản thân mình. Sống những ngày tháng bình thường trong tĩnh lặng lại mang đến cho cuộc sống những màu sắc tuyệt vời.
Bình tĩnh là một loại khí chất, một loại tu luyện, cũng là một loại trí tuệ.
Gia Cát Lượng viết thư cho con trai ông nói:
“Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức. Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi”.
Đây là kinh nghiệm của cuộc đời Gia Cát Lượng, thưởng thức sự bình thản, bình tĩnh – nói thì dễ, làm mới khó.
Từ xưa đến nay, những nhà hiền triết cũng là con người, nhưng càng gặp phải những sự việc kinh thiên động địa thì tâm họ vẫn bình lặng như nước, bình tĩnh đối mặt.
Bất động tâm để được là chính mình
Có rất nhiều người, sống vì sự đánh giá của người khác, chết một cách thụ động và đối mặt với cuộc sống bằng sự e dè ánh nhìn của người khác.
Còn một số khác thì lựa chọn con đường của riêng mình và kiên quyết đi theo con đường đó dù người khác có nói gì đi chăng nữa, họ vẫn quyết tâm đến cùng dựa trên sự phân biệt đúng sai chứ không phải cố chấp vào cách nghĩ của bản thân. Những người đó mới là những người có khả năng thành công cao nhất.
Trần Kế Nho, thời nhà Minh, Trung Quốc từng nói: “Bị sỉ nhục không bàng hoàng, hãy nhìn những bông hoa nở rồi tàn. Đi ở vô hình giống như những đám mây trên trời”.
Mất đi sự bối rối và lo lắng, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn.
Sự bình tĩnh có thể phản ánh thời gian tu dưỡng đạo đức của một con người. Nếu người đó đã tu dưỡng trong một thời gian dài thì đứng trước biến cố lớn cũng không biến động, việc gì cũng cầm lên được buông xuống được.
Sự im lặng không có nghĩa là yếu đuối.
Có một câu nói rất hay rằng, trong một xã hội bốc đồng, người im lặng là người chiến thắng. Thêm một chút bình tĩnh là cho bản thân mình một bầu trời quang đãng. Vạn vật nhờ tĩnh khí mà tự đắc, nhân sinh nhờ tĩnh tại mà được dài lâu.
Ngọc Linh
Theo Secretchina