Đại Kỷ Nguyên

Tâm sự nàng dâu Tây: Điều tôi học được từ bố, mẹ, và chồng

Tôi không phải là cô gái mắt xanh, da trắng, tóc vàng. Nhưng vì người ta vẫn hay ví những nàng dâu hậu đậu vụng về và ngờ nghệch trong chuyện nữ công gia chánh là “dâu Tây”, nên tôi cũng đành gọi mình như thế vậy.

Trước khi về nhà chồng, tôi luôn thấy thấp thỏm lo âu. Tôi sợ mọi người sẽ chê mình “làm gì cũng lóng nga lóng ngóng”, và “chẳng được tích sự gì” như lời ba má tôi vẫn nói. Nhưng bố, mẹ, và chồng lại đón nhận tôi theo cách hoàn toàn ngược lại, không một lời phàn nàn, cũng không một lần giáo huấn, mà lại khiến tôi xúc động tự đáy lòng.

Yêu con dâu như con đẻ

Hôm ấy là chiều 30 Tết, hai mẹ con tôi cùng chuẩn bị đồ ăn trong bếp. Mẹ bảo tôi làm thịt con gà, còn mẹ thì sắp mâm cỗ cúng tất niên. Tôi không nghĩ gì nhiều, cứ thế vô tư chặt rời cổ gà ra để cho vừa nồi luộc. Đến khi vớt thịt ra mẹ mới giật mình: “Con gà cúng tất niên sao lại đứt lìa cổ thế này?”. Lúc ấy tim tôi như trống đập. Nếu là ở nhà, chắc hẳn tôi sẽ bị ba má mắng cho một trận té tát tơi bời. Nhưng mẹ lại chẳng trách nửa lời, cũng không cho đó là lỗi lầm gì nghiêm trọng. Trong lúc tôi đang “lo sốt vó” không biết làm thế nào, thì mẹ đã nhanh trí gắn mấy cây tăm vào cho cổ gà liền lại. Mâm cỗ cúng tất niên nhờ có bàn tay mẹ mà trở nên đẹp mắt, và câu chuyện về cái cổ gà năm ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp của hai mẹ con tôi.

Đến năm thứ hai tôi trổ tài làm mứt Tết. Vì ở quê mẹ trồng rất nhiều loại rau củ sạch, nên tôi hứng khởi bê nguyên một rổ cà rốt ra làm mứt. Tôi lên mạng tìm công thức, đọc đi đọc lại đến thuộc nằm lòng rồi mới dám xắn tay vào bếp. Ấy vậy mà vẫn thất bại. Nhìn từng miếng mứt quăn queo lại cháy xém, tôi tự trách mình đã lãng phí không biết bao nhiêu đường và cà rốt của mẹ. Vậy mà mẹ chỉ nói rằng: “Con mới tập lần đầu thì chỉ nên làm một ít thôi để thử… Mẹ thấy tiếc công sức con bỏ ra cả một buổi tối rồi đến tận đêm khuya mà lại không thành”.

Câu nói của mẹ khiến tôi suy nghĩ suốt cả ngày hôm đó: Cùng là một mẻ mứt hỏng, nếu với tôi đó là ‘phí hoài rau củ’ và ‘hậu đậu vụng về chẳng nên cơm cháo gì’, thì đối với mẹ lại là ‘mất mát bao nhiêu cũng không quan trọng bằng con của mẹ’. Mẹ chẳng tiếc tiền, chẳng tiếc của, cũng chẳng bận tâm đến những thứ vật chất nhỏ nhen tầm thường, mà chỉ thương cho con cái của mẹ phải nhọc lòng nhọc sức. Chưa cần nói đến một từ “thương”, nhưng cách mẹ thể hiện đã khiến tôi xúc động vô cùng.

Mẹ từng nói một câu khi tôi mới chân ướt chân ráo về nhà chồng – lúc đó tôi chưa dám tin nhưng giờ đã hoàn toàn bị thuyết phục – rằng: “Với mẹ, con dâu cũng như con đẻ”. Đó là khi mẹ tận tình chăm sóc khi tôi mới sinh cháu đầu lòng, hay khi mẹ ‘mắng’ tôi vì cái tội không chịu ăn uống điều độ mà vẫn khiến tôi thấy vô cùng ấm áp, vô cùng yêu thương… Mẹ, cứ hết lòng như thế, chân tình như thế, đã khiến tảng băng trong tôi tan chảy, và tôi không còn nghĩ mình là “con dâu” mà chỉ muốn trở về làm con gái mẹ.

Và tôi nhận ra một lẽ tất nhiên rằng: Khi mẹ chồng coi con dâu như con đẻ, thì tự khắc con dâu cũng sẽ coi mẹ chồng là mẹ đẻ của mình.

Yêu, là yêu trọn cuộc đời

Bố chồng tôi cũng nóng tính như ba tôi, nhưng ông lại có một thứ làm lu mờ hết thảy mọi khuyết điểm, đó là: Nặng tình nặng nghĩa, hết lòng vì vợ vì con.

Bố mẹ chồng tôi kết hôn đến nay cũng gần năm chục năm rồi, vậy mà không một lần cãi cọ, không một lần bất hòa với nhau. Mặc dù tôi chưa bao giờ nghe thấy bố nói với mẹ một từ “yêu”, lần hiếm hoi duy nhất là chỉ một câu này: “Ừ, thì bố cũng quý mẹ mày đấy chứ”, nhưng cứ nhìn vào cách ông bà cư xử với nhau, bình dị từ tốn, đạm bạc như nước giếng ao làng… là đủ thấy ân nghĩa vợ chồng sâu nặng thế nào.

Hàng ngày, bố kê chiếc bàn ra sân để sửa chữa bất cứ chiếc quạt hay nồi cơm điện nào mà láng giềng mang tới. Còn mẹ thì quán xuyến việc nhà, dẫu trồng rau hay nuôi cá thì vẫn đảm bảo đến giờ là có mâm cơm dọn ra cho ông. Ông lấy việc sửa chữa làm thú vui, còn bà lấy việc chăm sóc ông làm hạnh phúc. Hai ông bà, xa nhau một ngày là thấy nhớ, nên mỗi lần lên thành phố thăm cháu, dù nhớ con nhớ cháu đến rứt ruột thì ông hay bà đều không thể ở lại quá ba ngày. Ông nói: “Bố phải về, chứ để mẹ mày ở nhà một mình buồn lắm”. Còn bà nói: “Mẹ không về thì lấy ai nấu cơm cho bố mày ăn?”.

Thời trẻ, bố là kỹ sư điện của một công ty trên Hà Nội, công tác xa nhà nhưng cuối tuần nào bố cũng thu xếp về thăm vợ con. Lúc ấy mẹ ở quê vừa phải chăm sóc đàn con, vừa phải cày cấy rất vất vả. Bố vì thương mẹ mà đã bỏ việc cơ quan đạp xe gần trăm cây số, chỉ để về gặt giúp mẹ dăm sào lúa… Đến lúc đồng nghiệp phải đích thân đến tận ruộng gọi về, ông mới chịu quay lại làm việc. Những câu chuyện tương tự như thế vẫn luôn được mọi người kể lại cho đến tận bây giờ, khiến tôi không khỏi ngưỡng mộ tình vợ chồng son sắt ấy.

Hôm ấy chỉ có hai vợ chồng tôi về thăm ông bà. Trong câu chuyện vui quanh mâm cơm, bố tình cờ kể về khoản tiết kiệm ông dành riêng tặng bà. Bố nói: “Giờ bố có lương hưu nên mẹ chúng mày không còn phải vất vả làm kinh tế như ngày xưa. Trồng mấy luống rau, nuôi vài con gà cho vui cửa vui nhà là được rồi, chứ không cần nghĩ đến chuyện kiếm tiền nữa. Bố còn sống ngày nào thì mẹ còn sướng ngày ấy. Chứ mai này ngộ nhỡ bố đi trước… Cho dù chúng bây có hiếu kính với mẹ thế nào đi nữa, thì vẫn không gì bằng việc mẹ có khoản tiền riêng, không bị phụ thuộc vào đứa nào. Nên chỗ này là tài khoản tiết kiệm bố để dành riêng cho mẹ con, tài khoản ấy bất di bất dịch, dù thế nào cũng không được đụng đến…”.

Tôi vẫn biết rằng bố thương vợ thương con, nhưng lời tâm sự trên lại khiến tôi không khỏi bất ngờ. Vợ chồng sống hết lòng vì nhau, nhường nhịn nhau, hy sinh vì nhau… tôi đã nghe kể khá nhiều. Nhưng lo cho nửa kia của mình đến tận khi đã lìa đời, thì dường như chỉ có trong tiểu thuyết. Yêu đến nhường nào, mà có thể lo lắng chu toàn cho bạn đời như thế? Yêu đến nhường nào, mà giữa gia cảnh đề huề và tiện nghi vật chất đủ đầy ấy, lại không ngừng trăn trở về bạn đời cho tới tận giây phút cuối cùng?

Ngẫm lại ‘tình yêu thời bố mẹ chúng ta’, tôi lại thấy mọi ngôn từ hoa mỹ hay câu chuyện lãng mạn đều không thể sánh với một tấm chân tình đơn sơ, dung dị.

(Ảnh minh họa: ngoisao.net)

Đã yêu thì phải nhẫn, đã yêu thì phải dung thứ khoan hòa

Giờ hãy nói về tổ ấm nhỏ của tôi. Trong nhà, nếu như tôi là người hội tụ đủ mọi thứ xấu: vụng về, hậu đậu, lại thêm cái tính nóng nảy và hay cáu gắt mỗi khi không vừa ý… thì chồng tôi lại có thứ bảo bối tuyệt vời để chế ngự: Đó là ‘nhẫn nại’ và ‘khoan hòa’.

Và anh đã dùng chính sự nhẫn nại và khoan hòa ấy để tạo ra những điều kỳ diệu trong gia đình bé nhỏ của tôi, thay đổi cách tôi nhìn nhận về “làm mẹ”. Ví dụ thì nhiều lắm, nhưng chỉ xin kể ra đây một mẩu chuyện nho nhỏ.

Con gái tôi năm nay lên 3 tuổi. Bé rất ngoan, chỉ có điều hay nghịch ngợm và thêm cái tật mút ngón tay. Tôi rất phiền lòng vì tật xấu đó, và đã làm mọi cách để con thay đổi: từ quát mắng và dọa nạt, chuyển sang dán băng dính hay bôi dầu gió vào tay, khiến con bé mỗi lần nhìn thấy lọ dầu là khóc thét lên. Ấy thế nhưng, bé vẫn không bỏ được tật xấu của mình.

Chồng tôi thấy vậy, anh bèn rủ con cùng chơi. Anh không quát nạt, cũng cưỡng ép con bé phải làm theo ý mình giống như tôi, mà chỉ đơn giản ngồi kể chuyện. Câu chuyện cũng hết sức đơn giản: từ chuyện bạn mèo mút tay bị cún con lắc đầu không cho chơi cùng, cho đến chuyện bạn gấu mút tay bị con sâu chui vào bụng… hết thảy đều xoay quanh chủ đề “mút tay” ấy. Con bé cứ tròn mắt ngồi nghe chăm chú, thỉnh thoảng lại “ồ”, “à” lên thích thú. Sau một tuần kiên trì như vậy, con gái tôi không chỉ bỏ hẳn thói quen xấu, mà còn thích thú kể lại câu chuyện bạn gấu mút tay cho ông bà nghe.

Là một người cha, nhưng anh lại cho tôi thấy làm mẹ là như thế nào: Yêu thương con trẻ thì cần phải nhẫn nại, dạy trẻ thì cần phải khoan dung.

Điều tôi học được từ bố, mẹ, và chồng

Bạn thấy đó, tôi chỉ là một “nàng dâu Tây” với trăm ngàn thiếu sót, trăm sự vụng về. Nhưng nhờ đức thiện của mẹ mà tôi học được cách yêu thương, tự phá tan tảng băng ngăn cách giữa mẹ chồng và nàng dâu. Cũng nhờ sự chân thành của bố mà tôi biết trân trọng cái nghĩa phu thê, thấy tin yêu và trân quý người bạn đời bên cạnh mình. Và cũng nhờ sự nhẫn nại của chồng mà tôi học được cách bao dung và lý trí khi làm mẹ.

Tôi trộm nghĩ rằng: Ngay cả một nàng dâu có nhiều khiếm khuyết nhất cũng sẽ vì đức Thiện, đức Chân, và đức Nhẫn của gia đình mà thay đổi để tu dưỡng bản thân mình. Vậy thì trăm ngàn nàng dâu tài đức trong thiên hạ, có lẽ chỉ lo rằng chúng ta có đủ Thiện, đủ Chân, và đủ Nhẫn để cảm hóa đối phương hay không, chứ không cần lo tìm thứ thần dược chữa căn bệnh bất hòa giữa nàng dâu và nhà chồng…

Quỳnh Như

Exit mobile version