Đại Kỷ Nguyên

Đại án “thông thiên” trong Cách mạng Văn hóa

Ảnh: Trăm năm chân tướng

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Trong thời kỳ 10 năm Cách mạng Văn hóa, có rất nhiều cái gọi là “vụ án lớn” và “vụ án trọng yếu”. Trong số đó, có vụ “tập đoàn phản cách mạng trọng đại âm mưu hãm hại Giang Thanh” oan thấu trời xanh.

Tuy nhiên, sau khi Cách mạng Văn hóa kéo dài 10 năm kết thúc, ĐCSTQ đã tuyên bố rằng đây là một vụ án giả oan sai, đồng thời bình phản cho tất cả những người bị buộc tội oan.

Vậy chính xác thì chuyện gì đang xảy ra với vụ án “tập đoàn phản cách mạng trọng đại âm mưu hãm hại Giang Thanh” này? Truy ngược nguồn gốc, nó có liên quan đến một người anh trai cùng cha khác mẹ của Giang Thanh, Lý Can Khanh.

Hôm nay, dựa trên “Tiểu sử Giang Thanh” của Diệp Vĩnh Liệt và các tài liệu khác, chúng tôi sẽ kể với các bạn về những gì đã xảy ra trong vụ án oan thấu trời xảy ra trong Cách mạng Văn hóa.

Anh trai của Giang Thanh

Cha của Giang Thanh tên là Lý Đức Văn, là một thợ mộc ở huyện Chư Thành, tỉnh Sơn Đông. Ông có một tiệm mộc, lấy một người vợ, sinh ra hai con trai và một con gái tên là Lý Can Khanh, con gái tên là Lý Vân Lộ, còn có một người con trai khác mà tung tích vẫn chưa được biết.

Khi ông ở tuổi bốn mươi, người vợ đầu tiên của Lý Văn Đức qua đời, ông lại cười bà Vương. Bà Vương sinh ra Lý Vân Hạc (sau đổi tên thành Giang Thanh). Năm đó, Lý Can Khanh 13 tuổi, Lý Vân Lộ 10 tuổi.

Khi Giang Thanh biết nhớ, thì anh trai và chị gái đã ra ngoài kiếm sống. Sau đó, Giang Thanh đến Tế Nam, Thanh Đảo, Thượng Hải, Tây An và Diên An. Tại Diên An, Giang Thanh 24 tuổi kết hôn với lãnh đạo ĐCSTQ 45 tuổi Mao Trạch Đông. Khi đó, bất chấp chiến tranh, Giang Thanh vẫn duy trì liên lạc không thường xuyên với anh chị ruột.

Cuối tháng 11 năm 1948, Giang Thanh bất ngờ nhận được một bức điện từ anh trai Lý Can Khanh, nói rằng mẹ đã qua đời. Giang Thanh đề xuất với Mao Trạch Đông, muốn đến Tế Nam để dự tang lễ.

Đương thời, ĐCSTQ đã chiếm lĩnh Tế Nam. Mao đồng ý cùng Giang Thanh về dự đám tang và nhờ vệ sĩ Lý Ngân Kiều và những người khác đi theo hộ tống. Trong đám tang này, Giang Thanh không thể gặp mẹ lần cuối, mà chỉ có thể đến thăm mộ mẹ. Sau đó, Giang Thanh tham dự đám cưới của anh trai Lý Can Khanh, và tìm đến chị gái Lý Vân Lộ, người đã đưa Giang Thanh đến Thiên Tân một năm.

Lệnh của Bộ trưởng Bộ Công an

Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949, vợ của Mao Trạch Đông là Giang Thanh trở thành đệ nhất phu nhân của ĐCSTQ.

Từ năm 1949 đến năm 1959, bộ trưởng Công an La Thụy Khanh chịu trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho Mao Trạch Đông, và là “cận vệ lớn” thường xuyên tháp tùng Mao.

Vào mùa xuân năm 1959, tại Hội nghị Công tác Công an Cục Hoa Đông tổ chức ở Thượng Hải, chỉ thị của bộ trưởng Bộ Công an La Thụy Khanh được truyền đạt: “Ai tiếp cận với Mao chủ tịch, thì phải làm rõ tình huống của họ.” La Thụy Khanh cũng hỏi sở trưởng Sở Công an tỉnh Sơn Đông Trương Quốc Phong: “Cậu có rõ về tình huống của Lý Can Khanh không?” Trương Quốc Phong trả lời: “Không rõ.”

Trên thực tế, ngay từ năm 1953, Cục Công an Bộ Đường sắt đã cử người đến điều tra Lý Can Khanh, nhưng vì ông ta là anh trai của Giang Thanh, nên họ không đi sâu vào chi tiết.

Chẳng bao lâu, Trương Quốc Phong đã tới Bắc Kinh để tham dự “Hội nghị công tác an ninh toàn quốc”. Bộ Công an giao cho Sở Công an tỉnh Sơn Đông một nhiệm vụ đặc biệt, điều tra “thành tích lịch sử và hiện tại của nhân viên Cục Đường sắt Tế Nam Lý Can Khanh”. Bộ trưởng Công an La Thụy Khanh đã chỉ đạo Dương Kỳ Thanh, thứ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm việc này.

Nguyên lai, Giang Thanh đã đưa chị gái Lý Vân Lộ vào Trung Nam Hải, bây giờ lại muốn đưa anh trai Lý Can Khanh vào Trung Nam Hải.

Điều tra của Sở Công an tỉnh Sơn Đông

Ngày 25 tháng 7 năm 1959, Sở Công an tỉnh Sơn Đông thành lập “Đội điều tra Lý Can Khanh”, do Trương Quốc Phong, sở trưởng Sở Công an tỉnh Sơn Đông, phụ trách. Các thành viên của đội này bao gồm Vương Mậu Thanh, phó trưởng Cơ quan Công an Cục Đường sắt Tế Nam, Khúc Hòa Quân, phó trưởng khoa thứ nhất, khoa viên Sử Điện An và những người khác.

Sau hơn một tháng điều tra và thu thập chứng cứ, tổ chuyên án đã 3 lần sửa lại dự thảo, viết tài liệu điều tra về Lý Can Khanh và nộp cho Bộ Công an. Sau khi nhận được, thứ trưởng Bộ Công an Dương Kỳ Thanh đã ngay lập tức báo cáo với Bộ trưởng La Thụy Khanh.

Nội dung chính của tài liệu điều tra này như sau:

Lý Can Khanh sinh ngày 13 tháng 3 năm 1901 tại Đông Quan, huyện Chư Thành, tỉnh Sơn Đông, theo học các trường tư thục trong vài năm.

Từ tháng 4 năm 1921 đến tháng 3 năm 1923, ông giữ chức vụ “sư da” (văn thư) trong Tiểu đoàn 2, Đại đội 8, Trung đoàn 93, Lữ đoàn 47, dưới sự chỉ huy của tài phiệt Trương Tông Xương. Trong thời Nhật ngụy và Quốc dân đảng, ông giữ chức vụ cảnh sát trưởng, thanh tra, cục viên, tổ viên tổ phòng gian Đường sắt Tân Phổ.

Năm 1939, dưới sự chỉ huy của đặc vụ đội hiến binh Nhật Bản, Lý Can Khanh đã hai lần viết thư cho Giang Thanh, lúc đó đã kết hôn với Mao Trạch Đông ở Diên An, xúi giục Giang Thanh làm phản.

Theo lời khai của Mễ Thụy Thịnh, một tù nhân thuộc Lữ đoàn 1 của Đội cải cách lao động số 2 ở Sơn Đông, vào cuối năm 1945, Lý Can Khanh về nhà riêng ở số 6, phố Lâm Dương Nam, Tế Nam và “mượn” một khẩu súng lục hiệu Vương Hổ.

Bản thân Lý Can Khanh cũng thú nhận: Vào tháng 10 năm 1945, Mễ Thụy Thịnh đưa cho ông ta khẩu súng lục số 3 tự chế. Ông ta chơi súng lục được vài ngày, thì bị Lý Can Thần, phụ tá của Đội 15 của Tổng đội Hành động Quốc dân đảng Sơn Đông, lấy đi.

Lý Thiên Thanh còn có tội trộm cắp và tham ô:

Năm 1948, ông ta lấy trộm hai túi bột mì từ căng tin nhà ga, trị giá 65 vạn nhân dân tệ cũ (tiền cũ, tương đương 65 nhân dân tệ mới);

Năm 1951, khi còn là quản lý công ngụ Tế Thiết, ông ta đã biển thủ gạo, bột mì và trứng từ căng tin, tổng số tiền là 390 vạn nhân dân tệ cũ;

Vào tháng 6 năm 1951, ông ta làm giả giấy tờ và biển thủ 8 vạn nhân dân tệ cũ. Vào tháng 7, ông ta mua dưa chua tại căn hộ dịch vụ đầu máy, được lại quả 5 vạn nhân dân tệ cũ.

Lý Can Khanh tuy đã học tập và giáo dục qua các phong trào chính trị trước đây nhưng giác ngộ chưa cao, chuyển biến không nhanh, ngày thường không tham gia học tập gì, họp hành cũng không muốn tham dự, thái độ công tác không tích cực, đi làm thì chỉ bận đun nước uống trà, công tác tại cơ quan công an thời gian dài, nhưng thường về nhà vào giờ công.

Vì tham ô, Lý Can Khanh bị xử tội trong vận động “tam phản” do Mao Trạch Đông phát động.

Vào tháng 10 năm 1959, Giang Thanh nhận được một lá thư từ anh trai Lý Can Khanh, nói rằng có người đang điều tra lịch sử của mình. Kết luận điều tra của Sở Công an tỉnh Sơn Đông cuối cùng đã khiến nỗ lực của Giang Thanh nhằm đưa Lý Can Khanh vào Trung Nam Hải thất bại, Giang Thanh từ đó tâm sinh hận.

Để bảo vệ anh trai mình (thực ra bà ta không muốn chuyện của anh ảnh hưởng đến tương lai chính trị của mình), Giang Thanh chỉ có thể kể khổ với Mao Trạch Đông, yêu cầu Mao gặp anh trai mình khi đi Tế Nam.

Ngày 26 tháng 10 năm 1959, Mao Trạch Đông gặp Luis Carlos, tổng bí thư Đảng Cộng sản Brazil, trên chuyến tàu đặc biệt gần sân bay ngoại ô phía Tây dưới chân núi Bạch Mã ở Tế Nam. Sau đó, Mao gặp anh trai của Giang Thanh, Lý Can Khanh trong vài phút. Cuộc tiếp kiến của Mao khiến Lý Can Khanh cảm thấy nhẹ nhõm.

Sự trả thù của Giang Thanh trong Cách mạng Văn hóa

Thời thế biến đổi. Trong Cách mạng Văn hóa, Giang Thanh trở thành phó lãnh đạo thứ nhất của tiểu Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, trên thực tế, là đại lý của Mao Trạch Đông trong tiểu Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương.

Cựu bộ trưởng Công an La Thụy Khanh bị đả thành một trong những thành viên của “Tập đoàn phản đảng Bành, La, Lục, Dương”, tập đoàn phản đảng đầu tiên bị đả đảo sau khi Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông bùng phát.

Khi La Thụy Khanh còn là bộ trưởng Bộ Công an, ông đã hai lần được lệnh điều tra vụ việc bức thư nặc danh tố cáo những mối tình phong lưu và tình huống phản biến của Giang Thanh khi còn là một diễn viên ở Thượng Hải vào những năm 1930, ông hiểu tương đối rõ về quá khứ của Giang Thanh. 

Khi đó, những tài liệu tai tiếng của Giang Thanh ở Thượng Hải, trong đó có nhiều bức ảnh, đều được lưu giữ tại Bộ Công an.

Ngay khi La Thụy Khanh bị lật đổ, Giang Thanh tin rằng đã đến lúc  trả thù La Thụy Khanh và tất cả những người trong hệ thống công an biết thông tin chi tiết về bà ta. Hầu như tất cả các quan chức trong hệ thống công an tham gia điều tra bức thư nặc danh đều bị bắt giam để thẩm tra; các nhân viên công an điều tra anh trai bà ta cũng không có lối thoát.

Vào ngày 25 tháng 4 năm 1968, Vương Hiệu Vũ, chủ nhiệm Ủy ban Cách mạng tỉnh Sơn Đông, đã có chuyến đi đặc biệt tới Bắc Kinh để báo cáo với các thành viên của tiểu Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương về cuộc điều tra anh trai Giang Thanh của Sở Công an tỉnh Sơn Đông. Những người tham dự cuộc họp bao gồm: Giang Thanh, Trần Bá Đạt, Ngô Pháp Hiến, Diệp Quần, Khương Sinh, v.v.

Lúc này Giang Thanh đang dưới một người trên trăm triệu người, quan lớn khẩu khí cũng lớn. Bà ta mắng chửi những người trong Sở Công an Sơn Đông đang điều tra anh trai mình là “một nhóm nhỏ phần tử phản cách mạng”, nói với giọng đầy nước mắt: “Anh trai tôi, Lý Can Khanh trước đây rất khổ, vì để kiếm sống, mà phải làm cảnh sát trong xã hội cũ, họ tiến hành bức hại anh tôi, bức hại tôi, thực chất là bức hại Mao chủ tịch của chúng ta!”

Trần Bá Đạt, tổ trưởng tiểu Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, cho biết đây là: “án tập đoàn phản cách mạng trọng đại âm mưu hãm hại Giang Thanh”. “Vấn đề điều tra Lý Can Khanh từ Sơn Đông cho thấy Bộ Công an ban đầu là hai bộ công an, một là của trung ương, một là Bộ Công an ngầm do Lưu Đặng Bành La đứng đầu, trên cấu kết với Lưu Đặng Bành La, dưới đi đến khắp mọi miền đất nước. Đây là hắc tuyến vừa thô vừa dài này phải được đào ra, công kiểm pháp nhất định phải bị đập tan hoàn toàn!”

Trần Bá Đạt cũng chỉ thị trong báo cáo của Ủy ban Cách mạng tỉnh Sơn Đông: “Hãy để Ngô Pháp Hiến xử lý chi tiết.” Ngô Pháp Hiến là phó tham mưu trưởng quân đội ĐCSTQ đương thời, và là thành viên của Ủy ban Hội nghị Cách mạng Văn hóa Trung ương. .

Sáu người bị áp giải về Bắc Kinh

Chiều ngày 29 tháng 4 năm 1968, một chiếc máy bay dân dụng IL-14 hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Tây Giao Tế Nam. Ngay sau đó, một nhóm tù nhân được áp giải vào cabin. Họ là: Khúc Hòa Quân, trưởng cơ quan Công an Cục Đường sắt Tế Nam, Vu Kiệt, trưởng cơ quan cảnh vệ Sở Công an tỉnh Sơn Đông, và Trần Kính Ba, trưởng cơ quan Truyền thông tỉnh Sơn Đông.

Đêm hôm đó, chiếc máy bay đặc biệt lại hạ cánh và đưa Lý Bỉnh Chính, sở trưởng Sở Công an tỉnh Sơn Đông, Vương Mậu Thanh, phó trưởng cơ quan Công an Đường sắt Tế Nam, và Sử Điện An, trưởng bộ phận an ninh của Cục Đường sắt Tế Nam. 

Sáu người này đều là quan chức công an tham gia điều tra anh trai của Giang Thanh. Họ bị tra tấn dã man ở Bắc Kinh để bức cung.

Hai người bị tra tấn đến chết

Tối ngày 29 tháng 4 năm 1968, Trương Quốc Phong, sở trưởng Sở Công an tỉnh Sơn Đông, đang vào bệnh viện để điều trị vì căn bệnh ung thư dạ dày và cơn đau không chịu nổi, đã bị bắt đi “cách ly thẩm tra” ở Bắc Kinh, nhưng lại bị quân tạo phản chuyển đến bệnh viện cải tạo lao động Quách Điếm xa xôi và đơn sơ, bị đột kích bức cung. Ngày 30 tháng 6 năm 1968, Trương Quốc Phong qua đời chỉ sau hai tháng bị quân tạo phản giam giữ thẩm tra.

Một ngày trước khi Trương Quốc Phong qua đời, cô con gái thứ hai Tinh Lộ loay hoay tìm đến phòng bệnh, nhìn thấy cha, vốn là một người đàn ông cao lớn, đang bị bệnh tật và bất công hành hạ, giờ như một khúc gỗ khô nằm thiếp thiếp, cô bi thương khóc không thành tiếng.

Sau cái chết của Trương Quốc Phong, ông vẫn bị chụp mũ “thủ phạm của án âm mưu phản cách mạng trọng đại” và “phần tử phản cách mạng”.

Những năm sau đó, vợ và con gái lớn của Trương Quốc Phong lần lượt qua đời vì bệnh tật, “gia đình phản cách mạng” bị người khác hãm hại và ghẻ lạnh này rơi vào thảm cảnh gia phá nhân vong.

Ngoài 6 quan chức và Trương Quốc Phong bị bắt ở Bắc Kinh, Diệp Mậu Lâm, chủ nhiệm Văn phòng Công an tỉnh Sơn Đông, cũng bị gán mác “phản cách mạng” và bị tống vào tù chỉ vì nghe báo cáo điều tra Lý Can Khánh. Diệp Mậu Lân ra vào giám ngục, ở trong ngục với thân đầy trọng bệnh, sau khi ra tù đã qua đời sau chưa đầy 3 tháng.

Vụ án này còn liên quan đến 39 quan chức công an khác cùng người nhà và con cái của họ.

Kết luận

Sau Cách mạng Văn hóa kéo dài 10 năm, ĐCSTQ đã lật ngược toàn bộ trách nhiệm về “tập đoàn phản cách mạng trọng đại âm mưu hãm hại Giang Thanh” thành “tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh”.

Trên thực tế, sau khi Cách mạng Văn hóa nổ ra, Mao Trạch Đông lo lắng nhất về chính biến. Để loại bỏ khả năng chính biến, trước tiên Mao đã thực hiện một loạt thay đổi lớn trong Bộ Công an và Văn phòng Công an thành phố Bắc Kinh. Hầu như tất cả các bộ trưởng, thứ trưởng của Bộ Công an cũ, gần như tất cả các cục trưởng, phó cục trưởng của Sở Công an Bắc Kinh, toàn bộ đều bị lật đổ.

Vào ngày 23 tháng 7 năm 1967, Tạ Phú Trị, bộ trưởng Bộ Công an đương thời của ĐCSTQ, đã nói với Lý Chấn, thứ trưởng Bộ Công an, và Thi Nghĩa Chi, chủ nhiệm Cục Chính trị Bộ Công an: “Mao Chủ tịch nói: ‘Khi nghe thấy những lời ‘Đập tan công, kiểm, pháp, tôi rất vui.’ Các bạn phải nói toạc ra câu này. Tôi đã nghe chủ tịch nói về việc đập tan công, kiểm, pháp, không đến mười thì cũng đến bảy, tám lần.”

Kể từ đó, xuất hiện làn sóng đập tan công an, kiểm sát và cơ quan thực thi pháp luật trên toàn quốc.

Giang Thanh lợi dụng lời nói của Mao Trạch Đông, và lợi dụng thế lực của Mao cho bà ta làm phó tổ trưởng tiểu Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, giúp bà ta báo thù riêng. Nếu không có sự hỗ trợ của Mao Trạch Đông, Giang Thanh sẽ không thể tạo ra cơn sóng lớn nào.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version