Đại Kỷ Nguyên

Đại bại ở núi Đại Biệt, vết nhơ khó rửa của đại quân Lưu Đặng

Ảnh: Trăm năm chân tướng - ET

“Cuộc nhảy ngàn dặm vào dãy núi Đại Biệt” luôn được ĐCSTQ ca tụng là một thành tựu lịch sử to lớn trong cuộc nội chiến Quốc – Cộng. Nhưng điều này có đúng không? Quân đội không có lương thực, quần áo, Lưu và Đặng tranh cãi kịch liệt, Mao Trạch Đông phải sai người khẩn trương đến điều đình… Còn sự thật lịch sử nào khác bị che đậy? 

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Vào những năm 1980, khi nhà văn Trung Quốc Trương Hùng Văn đang phỏng vấn những lão cán bộ hiểu biết về nội tình lịch sử quân sự của ĐCSTQ, một cán bộ kỳ cựu đã kể cho ông nghe về một đoạn sự kiện trong quá khứ từ năm 1947 đến năm 1948 khi Lưu Bá Thừa và Đặng Tiểu Bình chuyển sang chiến đấu ở dãy núi trong khi Đặng Tiểu Bình cực lực ủng hộ chủ trương của Mao Trạch Đông.

Vị lão cán bộ này nói: “Lưu Đặng lao đầu vào dãy núi Đại Biệt…. Đối với việc tiến quân, Lưu Bá Thừa bất đồng ý kiến cực lớn, còn Đặng Tiểu Bình thì cực lực ủng hộ chủ trương của Mao Trạch Đông.”

“Sau giai đoạn kiên trì dãy núi Đại Biệt, giữa Lưu Bá Thừa và Đặng Tiểu Bình ngày càng thủy hỏa bất dung. Lưu không thể chịu đựng được việc quân đội ngày một bị thu nhỏ, gần như không có năng lực chiến đấu, nên đã đề xuất rời khỏi dãy núi Đại Biệt. Đặng Tiểu Bình cường điệu việc kiên trì phương châm của Trung ương. Khi hai người cãi nhau, Lưu Bá Thừa đề xuất chia quân: mỗi người dẫn một đội ngũ hành động, tự mình rời dãy núi Đại Biệt, đi về phía Tây Hà Nam; Đặng Tiểu Bình vẫn kiên trì ở lại núi Đại Biệt. Ý kiến phản ánh đến Trung ương, Mao Trạch Đông đành phải đồng ý. Kết quả chứng minh ý kiến của Lưu là chính xác, Đặng Tiểu Bình sau đó cũng buộc phải thoái xuất.”

Tại sao Lưu và Đặng lại cãi vã, chia quân và cuối cùng rút khỏi dãy núi Đại Biệt? Điều này bắt đầu với việc “Lưu và Đặng lao đầu vào dãy núi Đại Biệt”.

Việc “lao đầu vào dãy núi Đại Biệt” này được gọi là “bước nhảy ngàn dặm vào dãy núi Đại Biệt”. ĐCSTQ luôn ca tụng sự việc này là một chiến công lịch sử to lớn trong cuộc nội chiến giữa Quốc Dân đảng và Cộng sản đảng. Nhưng đây có phải là lịch sử có chân thực?

Hôm nay, dựa trên những thông tin như “Đại quân ‘Lưu Đặng’ trùng trùng nghi vấn lịch sử”, chúng tôi sẽ phục nguyên chân tướng lịch sử cho các bạn.

Quyết sách của Mao, Lưu và Đặng tiến về Trung Nguyên

Năm 1947, cuộc nội chiến giữa Quốc Dân đảng và Cộng sản đảng bước sang năm thứ hai. Các cuộc tấn công của quân đội quốc gia vào quân đội cộng sản chủ yếu tập trung ở phía bắc Thiểm Tây và Sơn Đông.

Vào thời điểm đó, do gián điệp của ĐCSTQ ẩn nấp trong các bộ phận chủ chốt của quân đội Trung Hoa Dân Quốc đã báo cáo kế hoạch tác chiến của quân đội quốc gia cho Mao Trạch Đông, nên quân đội của ĐCSTQ tương đối thuận lợi ở hai địa phương này.

Vì vậy, Mao Trạch Đông quyết định, tại vùng binh lực trống trải giữa bắc Thiểm Tây và Sơn Đông, nơi quân đội quốc gia đang tấn công trọng điểm, quân do Lưu Bá Thừa, tư lệnh quân dã chiến Tấn Ký Lỗ Dự, và chính ủy Đặng Tiểu Bình chỉ huy, để tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu, tiến quân hướng vào Trung Nguyên, đánh vào dãy núi Đại Biệt chỗ giao giới giữa ba tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy. Sau đó, dựa vào địa thế có lợi của dãy núi Đại Biệt, uy hiếp Nam Kinh, thủ đô của Trung Hoa Dân Quốc và các khu vực xung quanh Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, Vũ Hán và những nơi khác.

Sau khi Mao đưa ra quyết sách này, đến tháng 8 năm 1947, hình thế chiến trường xuất hiện bất lợi cho quân Lưu Đặng. Tưởng Giới Thạch huy động 8 sư đoàn được tổ chức lại và 18 lữ đoàn với khoảng 14 vạn quân Quốc quân, xuất phát từ Hà Trạch, Viên Khẩu, Gia Tường và các nơi khác, tiến hành tấn công liên hợp vào quân Lưu Đặng.

Ngày 7 tháng 8, Lưu Bá Thừa quyết định kết thúc việc nghỉ ngơi, tổ chức lại quân đội trước thời hạn, thừa lúc Quốc quân phối hợp tấn công vẫn chưa hoàn thành, ông ta dẫn 4 đạo quân 12 vạn người từ tây nam Sơn Đông vượt sông Hoàng Hà, bắt đầu tiến vào dãy núi Đại Biệt.

Vào ngày 27 tháng 8, quân Lưu Đặng đã đến dãy núi Đại Biệt. Họ phải mất hơn một tháng để di chuyển về phía bắc dãy núi Đại Biệt, hơn một tháng về phía nam và hơn hai tháng để chiếm được các thành phố, chiếm lĩnh rất nhiều địa phương.

Tuy nhiên, ngay khi Quốc quân truy đuổi đến nơi, những địa phương mà quân Lưu Đặng đã chiếm lĩnh lại nhanh chóng bị mất.

Tại sao như vậy?

Vấn đề về quân sự

Các chuyên gia từ Trung Quốc đại lục phân tích rằng trong cuộc hành quân về phía nam của Lưu và Đặng, phương hướng và lực lượng chủ công luôn tập trung vào phương diện trấn thành, lấy quân chính quy để đối phó với bộ đội địa phương của Quốc dân đảng, tiêu hao thời gian và tinh lực, chưa thể thâm nhập nông thôn và kiến thiết căn cứ địa, xác lập chỗ đứng.

Trong những tháng đầu tiên khi quân Lưu Đặng thâm nhập vào dãy núi Đại Biệt, các trận đánh không phải đều tốt, ngoại trừ chiến dịch chiếm Trương Gia Điếm và chiến dịch Cao Sơn Phổ, đại đa số trận đánh đều tiêu hao lực lượng.

Sau này Lưu Bá Thừa nhớ lại: Vào tháng 9 ở Thương Thành, Quang Sơn, “ba lần tác chiến đều không đủ lý tưởng, địch chưa bị tiêu diệt hoàn toàn… Ngoài ra, quần chúng chưa được phát động, chính quyền chưa được kiến lập, mọi người phải tự mình đi kiếm lương thực, người bị thương phải tự mình lết, đánh xong cũng không có thời gian và nơi nào khả dĩ để nghỉ ngơi. Vì thế, một số bộ đội nhất thời biểu hiện hiện tượng mệt mỏi và lơi lỏng kỷ luật. Có một số cán bộ e ngại chiến đấu, bỏ lỡ một số cơ hội tiêu diệt địch”.

Vấn đề về chính trị

Theo Lý Hữu Cửu, bí thư tỉnh ủy kiêm chính ủy phân khu 4 Hồ Bắc và Hà Nam đương thời, Lưu Thiếu Kỳ, bí thư Ban công tác trung ương, đã yêu cầu: Quân đội cộng sản tiến vào dãy núi Đại Biệt phải hoàn thành cải cách ruộng đất ở “khu vực mới” trong vòng sáu tháng.

Khi Đặng Tiểu Bình đi ngang qua trận chiến Cao Sơn Phố, Lý Hữu Cửu đã hỏi Đặng: Cải cách ruộng đất thực hiện trong thời gian ngắn như vậy, e là làm không thấu, có phần giả dối, làm sao đây? Đặng trả lời, nói: Chỉ cần cậu đầu não thanh tỉnh, liền có thể biến giả thành thật. Đây là chỉ thị của Ban công tác Trung ương, cần phải kiên quyết chấp hành.

Kết quả là cuộc cải cách ruộng đất do Lưu và Đặng thực hiện ở dãy núi Đại Biệt không những không thu hút được sự ủng hộ của quần chúng nông dân, mà còn kích phát sự phản kháng liều mạng của địa chủ. Trái lại, Quốc quân truy tiễu quân Lưu Đặng lại nhận được sự ủng hộ tự giác của giới địa chủ.

Theo các tài liệu chính thức, Đặng Tiểu Bình sau này không thể không viết bản kiểm điểm về việc này, nói rằng: “Do những sai lầm nghiêm trọng mà chúng ta đã mắc phải ở khu vực mới trước đây, chúng ta đã thoát ly quần chúng, tự cô lập mình, gây ra nhiều khó khăn trong sự nghiệp chiến đấu với địch và xác lập căn cứ.”

Đặng Tiểu Bình cũng đề cập đến vấn đề xâm phạm trung nông và công thương nghiệp, không kiến lập được chính quyền mới hiệu quả, đánh thổ hào, chia tiền tài cũng tạo thành khó khăn trong việc tiếp tế cho quân đội. Tất cả những sai lầm này cuối cùng hợp thành một kết quả: họ đã khiến những thành viên của giai cấp thống trị cũ càng kiên ngạnh đứng về phía Quốc quân, mà không tạo nền tảng chính trị vững chắc cho bản thân họ.

Lưu và Đặng buộc phải chia quân để tự cứu

Do quân của Lưu và Đặng một mình thâm nhập, không có hậu cần kịp thời đầy đủ, cộng với việc tác chiến thường xuyên liên tục, tác chiến lao khổ, tác chiến vùng núi, nên tiêu hao nhân lực và trang thiết bị vô cùng lớn.

Lương thực không đủ nuôi quân, nhiều binh sĩ cơm không đủ ăn, họ chỉ có thể ăn rau luộc, lá cây và thậm chí cả vỏ cây. Quần áo cũng là một vấn đề rất lớn: vào mùa đông, quân trang mang về từ địa khu Tấn Ký Lỗ Dự bị hư hỏng, nhưng nguồn cung cấp bông vải không đủ, nhiều binh sĩ ăn mặc như ăn xin.

Đại đa số quân của Lưu và Đặng đến từ địa khu Hoa Bắc, không quen với thủy thổ của dãy núi Đại Biệt ở phương nam. Rất nhiều người mắc các bệnh như sốt rét, đột lạnh đột sốt, nôn mửa và tiêu chảy, đột nhiên nhiều người ốm đau, vấn đề hao tổn phi chiến đấu thập phần nghiêm trọng.

Khi tình hình trở nên tồi tệ nhất, ngay cả Lưu và Đặng cũng chỉ có thể dẫn đầu một trung đoàn chiến đấu tứ xứ ở dãy núi Đại Biệt. Họ mất hơn một nửa quân số, từ 12 vạn người khi nam tiến, cuối cùng chỉ còn lại 6 vạn người.

Đến tháng 3 năm 1948, trong tình huống liên tục bị đánh thụ động, Lưu và Đặng tranh cãi kịch liệt về vấn đề ở lại hay rời khỏi dãy núi Đại Biệt, dẫn đến tình huống Lưu và Đặng chia quân.

“Nhảy một ngàn dặm vào dãy núi Đại Biệt”? Hoang ngôn và sự thật

Lịch sử ĐCSTQ nói rằng, quân đội của Lưu và Đặng đã “nhảy một ngàn dặm vào dãy núi Đại Biệt”, giải khốn cho Mao Trạch Đông ở bắc Thiểm Tây.

Sự thật lịch sử là: quân của Lưu và Đặng chưa bao giờ điều chuyển được bất kỳ binh lực nào của quân đội quốc gia khỏi bắc Thiểm Tây.

Vị lão cán bộ mà chúng tôi đề cập ở phần đầu, người biết rõ nội tình lịch sử quân sự của ĐCSTQ, đã tiết lộ với nhà văn Trương Hùng Văn: “Quân đội của chúng ta đã ra vào núi Đại Biệt nhiều lần trong lịch sử. Dân nghèo người ít, không cách nào khiến đại binh đoàn đặt chân bén rễ ở đó, Tưởng Giới Thạch căn bản không thèm điều động quân tinh nhuệ đi tấn công.”

Trái lại, quân của Trần Canh và Tạ Phú Trị đã vượt sông Hoàng Hà vào cuối tháng 8 năm 1947, gây thiệt hại nặng nề cho Quân đội Quốc gia, tạo thành mối đe dọa thực chất cho Tây An, buộc Tư lệnh Chiến trường số 1 của Quân đội Quốc gia Hồ Tông Nam phải chuyển quân từ bắc Thiểm Tây đến để tăng cường phòng thủ, nhờ đó làm giảm mật độ và cường độ cuộc tấn công của Quân đội Quốc gia bắc Thiểm Tây vào Quân đội Cộng sản.

Lịch sử ĐCSTQ cũng nói rằng quân đội của Lưu và Đặng đã nhảy vào dãy núi Đại Biệt và phát huy vai trò ngăn chặn chiến lược trong việc điều động binh lực địch ở Trung Nguyên.

Sự thật lịch sử là Tưởng Giới Thạch không sử dụng quân tinh nhuệ  đích hệ của mình mà ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và tướng Quảng Tây Bạch Sùng Hy chịu trách nhiệm quét sạch quân Cộng sản ở dãy núi Đại Biệt.

Sự sắp xếp cụ thể của Bạch Sùng Hy là: “Áp sát quân đội cộng sản ở dãy núi Đại Biệt từ đông nam đến tây bắc ở các khu vực giữa Hoàng An, Tuyên Hoa Điếm, Bạch Quế viên và đỉnh Tiểu Giới, đồng thời bao vây và tiêu diệt chủ lực hoặc một trong những lực lượng chủ lực của địch…… Mục đích chủ yếu là giải trừ mối đe dọa đối với Nam Kinh và Vũ Hán, đảm bảo giao thông trên sông Trường Giang và ngăn chặn quân đội Cộng sản vượt sông.

“Sư đoàn 48, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 28 (Quân đội Quốc gia) tiến lên theo lịch trình đã định, không chạm trán với Quân Giải phóng trên đường đi, đến phòng tuyến Diệp Gia Tập, Kim Gia Trại, Anh Sơn, Tiển Mã Phán và Hy Thủy.”

Nói cách khác, Bạch Sùng Hy chỉ huy động tại chỗ ba sư đoàn được tổ chức lại và tiến hành một chiến dịch đẩy ngang từ đông nam sang tây bắc, đẩy quân Lưu Đặng ra khỏi dãy núi Đại Biệt.

Lịch sử ĐCSTQ cũng nói rằng quân Lưu Đặng tiến vào dãy núi Đại Biệt và đóng vai trò đắc lực trong việc hỗ trợ quân Cộng sản ở những nơi khác.

Sự thật lịch sử là sau khi đội quân đơn độc của Lưu và Đặng tiến vào dãy núi Đại Biệt, họ liên tục bị quân đội quốc gia truy đánh, càng đến giai đoạn sau họ ngày càng bị động, cuối cùng họ trở thành đối tượng mà quân đội cộng sản ở những nơi khác phải giúp đỡ.

Ví dụ, Quân khu Tấn Ký Lỗ Dự ra lệnh cho đạo quân thứ 10 và 12 tiến về phía nam đến dãy núi Đại Biệt để giải vây cho Lưu và Đặng; đạo quân thứ 11 và đạo quân thứ 10 của Quân dã chiến Hoa Đông được lệnh hộ tống những tân binh được tuyển dụng và trở về từ Quân khu Tấn Ký Lỗ Dự cũng như các sĩ quan, binh lính đã bình phục vết thương và bệnh tật, mang theo một lượng lớn đạn dược, thuốc men và tiền bạc đến dãy núi Đại Biệt để giải cứu Lưu và Đặng.

Một ví dụ khác, Mao Trạch Đông không thể không huy động một phần quân của Trần, Tạ và quân dã chiến Hoa Đông tiến vào miền nam Dự (Hà Nam) để tác chiến, sau khi đánh bại Quốc dân đảng và tổ chức lại bộ chỉ huy quân sự của Sư đoàn 3 của Lý Thiết, mới đảo ngược được một chút thế bất lợi của quân Lưu và Đặng.

Ngoài ra, lịch sử ĐCSTQ ghi rằng đại quân của Lưu và Đặng “nhảy một ngàn dặm vào dãy núi Đại Biệt”, đánh dấu sự khởi đầu của quân đội ĐCSTQ chuyển từ phòng thủ chiến lược sang phản công chiến lược.

Sự thật lịch sử là hơn hai tháng trước khi Lưu và Đặng dẫn quân tiến về phía nam, ngày 13 tháng 5 năm 1947, Quân đội Liên minh Dân chủ Đông Bắc do Lâm Bưu chỉ huy đã phát động một cuộc phản công chiến lược. Đến ngày 15/3/1948, Quân dã chiến Đông Bắc mở cuộc tấn công mùa đông và chiếm gần như toàn bộ vùng Đông Bắc.

Ở cuối dãy núi Đại Biệt, mâu thuẫn giữa Lưu Bá Thừa và Đặng Tiểu Bình ngày càng căng thẳng, đến mức Mao Trạch Đông phải cử Trần Nghị, tư lệnh Quân dã chiến Hoa Đông, đến hòa giải.

Cuốn sách “Nguyên soái Trần Nghị trong tâm trí cựu chiến binh” nói rất cụ thể về tình huống này: Năm 1948, trước khi Trần Nghị được điều động từ Quân dã chiến Hoa Đông sang Quân dã chiến miền Trung, Mao Trạch Đông đã nói với ông: Khi hai người Tứ Xuyên cãi nhau, cậu, một người Tứ Xuyên, hãy đi thuyết phục.

ĐCSTQ yêu cầu quân của Lưu và Đặng tiến đến dãy núi Đại Biệt, nhưng không đạt được mục tiêu chiến lược nào đặt ra ban đầu. Không những vậy, đại quân 12 vạn ra đi, nhưng chỉ có 6 vạn trở về. Đây là “bước tiến vượt trội” hay là “thất bại” trên dãy núi Đại Biệt?

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version