Đại Kỷ Nguyên

Đại học Harvard: ‘Trường đảng thứ hai của ĐCSTQ’ và virus Trung Cộng?

Chuyện Harvard - "Trường đảng thứ hai của ĐCSTQ" và virus Trung Cộng

Ảnh chụp màn hình Bostonmagazine.

Ngày 24/3, hiệu trưởng Đại học Harvard là Lawrence Bacow cùng vợ là Adele Bacow được chẩn đoán nhiễm virus Trung Cộng. Được biết 20 năm qua, Harvard đã đào tạo hàng ngàn quan chức cho đảng, chính phủ và quân đội của Trung Quốc, biến ngôi trường nổi tiếng này trở thành “trường đảng thứ hai” của ĐCSTQ.

Ngày 24/3, sau khi được chẩn đoán nhiễm “viêm phổi Trung Cộng”, hiệu trưởng Đại học Harvard là Lawrence Bacow đã gửi thư cho các giảng viên và sinh viên toàn trường. Bức thư ngay sau đó cũng được lan truyền trên mạng internet.

Trong thư, ông Bacow viết: “Không ai có thể biết được rằng vài tuần tiếp theo chúng tôi sẽ phải đối mặt với điều gì. Nhưng, ai nấy đều hiểu rõ rằng virus COVID-19 sẽ khảo nghiệm sự thiện lương và khẳng khái của chúng ta trong thời khắc hoạn nạn, đồng thời để chúng ta vượt qua cả tự ngã và lợi ích của bản thân. Nhiệm vụ hiện giờ là hãy đem nhân phẩm và hành vi tốt đẹp nhất của mình vào thế giới phức tạp và đầy mê hoặc này. Nguyện cho trí huệ và sự từ bi luôn đồng hành cùng chúng ta”.

Ngày 24/3, hiệu trưởng Đại học Harvard là Lawrence Bacow cùng vợ là Adele Bacow được chẩn đoán nhiễm virus Trung Cộng. Từ nhiều năm nay, Harvard được coi là “trường đảng thứ hai” của ĐCSTQ, vậy nên câu chuyện của ông bà Bacow đã thu hút sự chú ý của dư luận. Được biết 20 năm qua kể từ 1998, ngôi trường nổi tiếng này đã đào tạo hàng ngàn quan chức cho đảng, chính phủ và quân đội của Trung Quốc. 

Tỷ phú Tiêu Kiến Hoa đầu tư 10 triệu USD vào Harvard

Sau khi tỷ phú Trung Quốc Tiêu Kiến Hoa mất tích, Tạp chí Phố Wall đã tiến hành một loạt các cuộc điều tra và kiểm tra hàng trăm hồ sơ cùng một số tài liệu, từ đó phát hiện ba khoản giao dịch với số tiền tương đối lớn, một trong số đó là quyên tặng cho Harvard. 

Năm 2014, ông Tiêu Kiến Hoa đã đề xuất trao tặng cho trung tâm Ash trực thuộc Học viện Kennedy của Harvard với số tiền 20 triệu USD. Sau đó ông Tiêu đề xuất để một bên thứ ba đứng ra quyên tặng, điều này khiến Harvard do dự vì nguồn gốc số tiền làm họ thấy bất an. 

Đây là điều đáng chú ý ở Hoa Kỳ, nếu người tài trợ chỉ thuần túy là doanh nhân và khoản tiền quyên tặng là tình nguyện thì không có gì đáng nói. Nhưng khi thông qua bên thứ ba thì người ta sẽ không biết số tiền này đến từ ai, nếu liên quan đến ĐCSTQ hay những quốc gia và tổ chức mà Hoa Kỳ cấm xuất khẩu kỹ thuật công nghệ thì sẽ rất phiền phức. Mấu chốt chính là ở đó. 

Trung tâm Ash của Harvard chưa bao giờ đề cập đến khoản quyên tặng của ông Tiêu. Tuy nhiên, Tạp chí Phố Wall đã phát hiện rằng vào năm 2014, Harvard có thể đã nhận được món quà quý trị giá 10 triệu USD từ công ty Gia Thái Tân Hưng, ước tính số tiền quyên tặng cuối cùng là 10 triệu, hoặc họ sẽ nhận được 10 triệu vào mùa xuân năm 2014.

Bản tin miêu tả, Gia Thái Tân Hưng ủng hộ cho một dự án quản lý do ông Tiêu Kiến Hoa đề xuất. Những nhân viên nghiên cứu trong dự án bao gồm quan chức chính phủ Trung Quốc và một quan chức cao cấp của ngân hàng do Minh Thiên Hệ kiểm soát. Nói đơn giản, Tiêu Kiến Hoa thông qua Gia Thái Tân Hưng quyên tặng 10 triệu USD cho Havard để đào tạo các quan chức cao cấp của ĐCSTQ. 

CNN đưa tin vụ tỷ phú Tiêu Kiến Hoa bị bắt giữ (ảnh chụp màn hình Youtube).

Bên trong còn có một tầng quan hệ khác: Thứ nhất, Gia Thái Tân Hưng chính là JT Capital Management, một công ty tập đoàn do quân đội Trung Quốc kiểm soát. Khoản tiền này rốt cuộc do Tiêu Kiến Hoa lấy danh nghĩa Gia Thái Tân Hưng quyên tặng, hay do công ty tập đoàn của ĐCSTQ? Điều này cho đến nay vẫn chưa được làm rõ. 

Thứ hai, Học viện Kennedy của Harvard bắt đầu đào tạo quan chức cao cấp cho ĐCSTQ vào năm 1998. Đây được coi là trường đảng thứ hai của Trung Quốc. Từ 1998 đến nay, Harvard đã trở thành “lò đào tạo” của hàng ngàn quan chức đảng, chính quyền và quân đội của ĐCSTQ. 

Năm 2001, Học viện Kennedy cùng với Đại học Thanh Hoa và Ủy ban Cải cách Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã phối hợp tổ chức khóa đào tạo cao cấp mang tên “quản lý công cộng Trung Quốc”. Thực tế, chương trình đào tạo chủ yếu của Harvard chính là môn học này. Mỗi năm ĐCSTQ chọn khoảng 60 quan chức cấp trung ương và địa phương đến Harvard tham gia khóa đào tạo về chương trình quản lý công cộng. 

Tập đoàn bán hàng đa cấp Amway

Vậy ai là nhà tài trợ cho khóa đào tạo này? Đó là Amway – một tập đoàn bán hàng đa cấp. Đối với Amway, đây là hành vi đầu tư dài hạn, bởi vì họ đã tài trợ cho rất nhiều lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ cả hiện nay và trong tương lai. Rõ ràng Amway mong muốn thiết lập mối quan hệ dài hạn với ĐCSTQ để giành được nhiều lợi thế ở thị trường Hoa lục.

Hình thức bán hàng đa cấp vốn bị nghiêm cấm tại Trung Quốc, tuy nhiên Amway lại có thể tồn tại hợp pháp tại đây dưới danh nghĩa bán hàng trực tiếp. Điều này không có nghĩa là “tôi cho ông cái này thì ông phải đưa lại tôi cái kia”, không có hợp đồng thỏa thuận nhưng trong tâm cần phải rõ ràng. 

Tới Hoa Kỳ “bồi dưỡng”, đằng sau là Mặt trận Thống nhất hay BTC Trung ương?

Khi quyên tặng số tiền trên, Tiêu Kiến Hoa có quyền chỉ định đào tạo quan chức ĐCSTQ và những quan chức cao cấp bên cạnh mình. Vậy nên, họ Tiêu có thể kinh doanh từ những quan chức cao cấp này, giống như hình thức ‘găng tay trắng’: Chỉ cần ngồi yên mà kiếm tiền, lại có thể thiết lập quan hệ với quan chức của đảng. Vì vậy, cho dù số tiền quyên tặng là của cá nhân thì ông Tiêu vẫn được bù lại nhiều hơn nữa. 

Vậy ông Tiêu được bù lại như thế nào? Rất đơn giản, với ĐCSTQ thì chỉ cần một chút ưu đãi trong kinh doanh là có thể kiếm được hàng chục triệu thậm chí hàng trăm triệu. Đó không phải là xét từ góc độ tài trợ, mà thực tế chính là “miễn sao ông mang lại lợi ích cho đảng thì việc kinh doanh của ông cũng có lợi”. Đây chính là điều chúng ta cần suy ngẫm. 

Xét từ quan điểm của ĐCSTQ, điều này cũng mang lại lợi ích trong nhiều phương diện. Thử nghĩ xem, một quan chức được cử đi đào tạo, chi phí ấy đến từ đâu? Trong bộ máy chính quyền tất nhiên cần phải bồi dưỡng nhân tài, vậy mà đảng không mất tiền lại vừa có được nhân tài, thật là lợi đủ đường. 

Một lợi thế khác là phúc lợi của quan chức. Tới Hoa Kỳ đào tạo, thử hỏi có bao nhiêu quan chức thực sự tới để học? Các quan chức cấp cao đã luống tuổi, tiếng Anh hầu như không biết, đi học cũng là điều quá muộn. Cho dù được giảng dạy bằng tiếng Trung thì thực tế cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, chủ yếu là đi chơi một chuyến. Đây là một hình thức đãi ngộ biến tướng của Trung Quốc.

Lợi ích cuối cùng là mở rộng ảnh hưởng của ĐCSTQ trên thế giới, đặc biệt sức ảnh hưởng của một số tổ chức học thuật. Điểm này có thể được quy cho phạm vi của Mặt trận Thống nhất. Nhưng việc này không phải do Mặt trận Thống nhất tổ chức, mà thực tế phía sau là Ban Tổ chức Trung ương, vì đào tạo cán bộ là vấn đề của Ban Tổ chức Trung ương, nhưng ít nhất về tính chất thì vấn đề là có ý nghĩa của Mặt trận Thống nhất. 

Học viện Kennedy của Harvard: Ít nhất 200 công việc giảng dạy có liên quan tới Trung Quốc 

Học viện Kennedy không chỉ có ý nghĩa học thuật mà còn mang tính chính trị bên trong. Đây là một trong những cơ sở giúp Harvard thiết lập quan hệ với các nhà lãnh đạo tương lai của ĐCSTQ. Nói riêng về kinh tế, ngày càng nhiều nhà giàu ở Trung Quốc và Hồng Kông quyên tặng tiền giúp Harvard thu được rất nhiều lợi ích. Đây là một tổ chức tư nhân nên việc quyên tặng của giới tài phiệt đương nhiên đóng vai trò quan trọng. 

Tại Harvard có ít nhất 200 công việc giảng dạy là liên quan tới Trung Quốc. Bạn thử nghĩ xem, đây là vấn đề bát cơm manh áo của rất nhiều người, hơn nữa hạng mục này thực sự có thể đóng góp cho Harvard một khoản thu lớn. Nói cách khác, ngoài tiền quyên góp cho dự án thì còn dùng để quyên góp về kinh tế cho nhiều khoản mục khác. 

Một số nhân sĩ Tây phương lầm tưởng rằng chương trình đào tạo dành cho các quan chức ĐCSTQ có thể khiến Trung Quốc chấp nhận các giá trị phổ quát của phương Tây, cuối cùng sẽ thúc đẩy quá trình dân chủ hóa ở Trung Quốc. Nhưng 20 năm kinh nghiệm cho thấy, đây chỉ là mong muốn quá xa vời.

Nhiều trường đại học nổi tiếng ở phương Tây cũng đào tạo quan chức cho ĐCSTQ 

Ngoài Harvard còn có rất nhiều trường đại học nổi tiếng khác ở phương Tây đang đào tạo quan chức cho ĐCSTQ. Theo tiết lộ của Phoenix Weekly, số quan chức được Trung Quốc cử đi đào tạo là hơn 100.000 người. Đây là con số khổng lồ, vượt quá số lưu học sinh được nhà nước của bất kỳ quốc gia nào cử đi đào tạo. Qua đây cũng có thể nhìn thấy sự quan liêu của ĐCSTQ, nghĩa là sau khi đào tạo, những quan chức này sẽ không đi theo con đường dân chủ hóa.  

Lý do là gì? ĐCSTQ là một hệ thống hoàn chỉnh, một tập đoàn tà ác. Các quan chức sau khi được đào tạo rồi, thì khi quay về hệ thống quan liêu của mình họ lập tức phải thay đổi tư duy để hòa nhập vào hệ thống đó. Hành vi cần phù hợp với hệ thống đó, nếu không sẽ lập tức bị đào thải. Mục đích ban đầu cử đi đào tạo là để họ có thể leo lên vị trí cao hơn, chứ sao có thể để bản thân tiếp thu tri thức phương Tây để đến nỗi bị đào thải khỏi hệ thống của chính mình? 

ĐCSTQ có một bộ ngụy biện rất hoàn chỉnh. Cho dù có người bị ảnh hưởng bởi các quan niệm phương Tây, thì sau khi quay lại đơn vị của mình họ cũng sẽ nhanh chóng bị “tẩy não” như ban đầu. Đây là vấn đề rất đơn giản với ĐCSTQ. 

Trên thực tế đã có khá nhiều quan chức coi du học là cơ hội du lịch và tận hưởng. Nghĩa là, về cơ bản việc học chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, không đi sâu vào xã hội Mỹ, trong khi mức độ tẩy não và văn hóa đảng của những người này nghiêm trọng hơn nhiều so với sự ảnh hưởng từ môi trường và xã hội Tây phương. Ngay cả dân chúng hay du học sinh nếu sống lâu trong môi trường đảng, thì dù có xuất ngoại bao nhiêu năm vẫn khó có thể thoát khỏi tư duy văn hóa đảng, nữa là các quan chức trưởng thành trong tổ chức đó. 

Các khóa đào tạo ở ngoại quốc chủ yếu là về tầng kỹ thuật và quản lý. Harvard cũng sẽ không đào tạo về cấp độ tư tưởng và hình thái chính trị, vì mục đích chính của họ là xây dựng quan hệ với Trung Quốc, nên tất nhiên sẽ không áp đặt các giá trị phổ quát cho giới quan chức đảng. 

Mặt khác, ảnh hưởng của ĐCSTQ với các trường đại học tại Mỹ lớn hơn nhiều so với ảnh hưởng của các trường đại học tới quan chức. Đặc biệt là ảnh hưởng về tự do học thuật, hầu hết các trường đại học nhận đào tạo quan chức cho ĐCSTQ sẽ mất quyền tự do nghiên cứu về các vấn đề chính trị của Trung Quốc. Tất nhiên không chỉ là đào tạo, ĐCSTQ còn áp dụng nhiều thủ đoạn để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, ví dụ, ĐCSTQ đã thiết lập các viện Khổng Tử, quỹ nghiên cứu và các trung tâm nghiên cứu tại quốc gia sở tại. 

Harvard – Mặt trận Thống nhất của Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng

Việc Harvard trở thành “trường đảng thứ hai” của ĐCSTQ liên quan trực tiếp đến quyền lực của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. 

Đài Á Châu Tự Do cho biết, bắt đầu từ giữa tháng 10/1997, tạp chí của Đại học Harvard đã bàn luận sôi nổi về chuyến viếng thăm của lãnh đạo ĐCSTQ khi ấy là Giang Trạch Dân. Trong bức thư của một sinh viên gửi tới tổng biên tập tạp chí có đoạn: “Mời một kẻ mưu sát tới Harvard, động cơ rất có thể là vì Harvard là nơi truyền thụ tri thức, những người từng tới đây đều có được thu hoạch. Nhưng chúng tôi tin rằng, sau khi rời khỏi Harvard ông ta sẽ chẳng khác gì so với trước khi đặt chân vào Harvard”.

Câu này mang ý trào phúng về cuộc đàn áp học sinh và sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989 do Giang Trạch Dân chỉ đạo. Với tính cách ngoan cố của mình, ông Giang sẽ không thấy xấu hổ về quá khứ của bản thân trước tác phong dân chủ và tự do của Harvard.

Cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân luôn làm ra vẻ ưu tú trước mặt quan khách nước ngoài. Ví dụ về chuyến thăm tới Harvard thuyết trình vào năm 1997, mặc dù rất nhiều người phản đối vì thư mời không phải đến từ Đại học Harvard, mà là từ một tổ chức bên dưới Harvard, nhưng như đã nói, với cương vị là nguyên thủ quốc gia thì có lẽ ông Giang không nên chấp nhận lời mời như vậy. Nhưng ông Giang không quan tâm, và vẫn tới cho bằng được. Ông Giang cũng thiết lập quan hệ cá nhân với lãnh đạo Harvard, và luôn thích thể hiện bản thân là người giỏi giang trước mặt quan khách nước ngoài. 

Mặt khác, vào thời điểm đó còn có trào lưu đánh bóng tên tuổi, các tầng lớp đều muốn đánh bóng tên tuổi bằng nhiều hình thức khác nhau: Quan chức theo học tại các trường đại học ngoại quốc để nổi danh, thật giả không cần biết. Cậu ấm cô chiêu có gia thế cũng xuất ngoại du học để nổi danh, sau khi trở về sẽ có nhiều cơ hội thăng quan tiến chức. Tình huống này không phải là hiếm tại thời điểm đó, ví dụ khóa đào tạo của ĐCSTQ tại Singapore thực chất là kế hoạch đỏ của Tăng Khánh Hồng. Vì vậy, chiến lược này mang đậm dấu ấn của hai cựu lãnh đạo ĐCSTQ là Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. 

Theo Hoành Hà, Secretchina
Kiên Định biên dịch

Video: Lịch sử che giấu tội ác của chính quyền Trung Quốc

Exit mobile version