Đại Kỷ Nguyên

Đại thần không nghe lệnh hoàng đế, nhưng được ca ngợi là “báu vật quốc gia”

Ảnh chụp màn hình minh họa bìa sách Chinese painting and its audiences của Craig Clunas.

Đại thần của triều Bắc Ngụy, Trung Quốc dám can đảm chống lại hoàng đế. Khi hoàng thượng muốn săn bắn, ông gửi đến những con ngựa gầy ốm, hoàng thượng muốn xe cộ, ông lại trì hoãn không cung cấp. Vậy mà, hoàng đế còn ca ngợi ông: “Ta có bề tôi như vậy, quả là kho báu của quốc gia”.

Cổ Bật là người trung hậu, cẩn thận, hiền lành chính trực. Ông đã từng yêu cầu Hoàng đế Thác Bạt Đảo giảm một nửa diện tích vườn ngự uyển của Hoàng gia để chia cho dân nghèo.

Khi Cổ Bật vào cung tâu với hoàng đế ý định của mình, Thác Bạt Đảo đang cùng Lưu Thụ chơi cờ vây. Cổ Bật ngồi chờ hồi lâu vẫn không có cơ hội nói chuyện. Ông bỗng nhảy dựng lên, túm tóc Lưu Thụ, kéo ông này xuống, túm lấy tai và đánh ông ta. Cổ Bật nói: “Triều đình quản lý không tốt, thật sự là tội của ngươi đó!”.

Thác Bạt Đảo kinh ngạc, đặt quân cờ xuống và nói: “Không nghe khanh tấu mới là lỗi của trẫm, Lưu Thụ có lỗi gì, mau thả hắn ra”. Cổ Bật liền đem những điều ông muốn đề xuất nói ra và được hoàng đế hoàn toàn đồng ý. Cổ Bật nói: “Thân là bề tôi, thần lại thô lỗ tới mức độ này, tội của thần quả thực quá lớn”. Nói xong ra khỏi cung điện, tới nha môn, cởi mũ quan, đi chân trần thỉnh xin xử phạt.

Thác Bạt Đảo cho triệu ông vào cung, nói rằng: “Ta nghe nói việc xây dựng đàn tế dẫu chân đi khập khiễng cũng phải thành tâm đi làm; làm xong rồi, cần phải ăn mặc chỉnh tề lễ bái, Thần linh sẽ ban phúc lành cho người đó. Nhưng nhà ngươi có tội tình gì? Hãy khoác áo đội mũ mang giày vào, đi làm tốt những việc nhà ngươi cần làm. Nếu có lợi cho quốc gia, thuận tiện cho muôn dân, thì hãy tận sức mà làm, không phải lo lắng chi cả”.

Ảnh minh họa chụp màn hình Epochtimes.

Một lần, Thác Bạt Đảo tới Hà Tây săn bắn, nhưng thượng thư yêu cầu Cổ Bật ở lại trong thành. Hoàng đế hạ chiếu yêu cầu Cổ Bật chuẩn bị những con ngựa cường tráng cho kỵ binh săn thú nhưng ông chỉ cung cấp những con ngựa gầy yếu. Hoàng đế tức giận thốt lên: “Nô lệ đầu bút này dám giảm bớt chiếu lệnh của ta. Khi trở về, trước hết ta sẽ cho tên nô tài này một trận!”. (Đầu của Cổ Bật trông dáng dấp rất nhọn, nên hoàng đế thường ví đầu ông với đầu ngọn bút).

Thuộc hạ của Cổ Bật rất sợ hãi, sợ bị liên lụy và bị giết. Cổ Bật nói: “Thân là con người, không thể để cho chủ nhân chìm đắm vào du ngoạn săn bắn, cái này là lỗi nhỏ. Nếu như không phòng ngừa, quốc gia xuất hiện bất trắc, khiến đất nước thiếu vật tư để quân đội sử dụng, cái lỗi này mới là lớn. Bây giờ dân du mục đang thời vượng, kẻ gian kẻ cướp phương Nam còn chưa bị tiêu diệt, ta đem ngựa béo khỏe cho quân đội, và những con người gầy yếu để săn bắn, đây là tính toán lâu dài vì quốc gia. Dù có bị xử tử cũng quan trọng gì đâu? Huống chi hết thảy những việc này là do ta làm, các ngươi không cần lo lắng!”.

Sau khi nghe điều này, Thác Bạt Đảo xúc động nói: “Bề tôi như vậy, quả là báu vật quốc gia”, ban thưởng cho Cổ Bật một bộ lễ phục, 2 con ngựa và 10 con nai.

Một lần khác, Thác Bạt Đảo lại đến núi bắc săn thú và bắt được hàng ngàn con nai sừng tấm. Hoàng đế ban sắc lệnh cho thượng thư, phái ra 500 cỗ xe tới vận chuyển nai. Người đưa chiếu thư đi rồi, Thác Bạt Đảo mới nói với tướng sĩ: “Đầu bút (ý nói Cổ Bật) nhất định sẽ không cho ta nhiều xe như vậy, các ngươi cũng có thể sử dụng ngựa để vận chuyển chúng”. Sau đó, hoàng đế trở lại cung điện.

Hoàng đế mới đi được hơn 100 dặm đã nhận được tấu đơn của Cổ Bật: “Mùa thu này bông lúa cụp, sắc vàng óng ả, đậu và dâu dại đầy đồng; heo rừng nai rừng thi nhau trộm, chim đại nhạn mổ ăn; lại thêm gió thổi mưa rơi, như vậy sớm muộn thì hao tổn cũng chênh lệch 3 lần. Vậy xin hoãn việc chuyển nai để mau chóng vận chuyển lương thực đã thu hoạch cho xong”. Thác Bạt Đảo thấy vậy thốt lên: “Quả nhiên như ta nói vậy, đầu bút có thể gọi là trụ cột quốc gia rồi”.

Theo Epochtimes
Ngọc Mai (biên dịch)

Video xem thêm: [LIVE ON DKN] Các nhà ngoại giao ‘chiến binh sói’ của Trung Quốc

Xem thêm:

Exit mobile version