Đại Kỷ Nguyên

Đằng sau những món hời nhỏ là cái giá rất đắt

Đằng sau những món hời là cái giá rất đắt

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Món hời cũng giống như hạt vừng rơi xuống đất, có người vì nhặt nó mà không tiếc vứt đi quả dưa hấu trên tay.

Những thứ rẻ tiền chỉ khiến ta cảm thấy sảng khoái trong khoảnh khắc, sau đó đều là phiền não. Những thứ đắt đỏ chỉ khiến ta cảm thấy đau lòng trong chốc lát, còn phía sau đều là tận hưởng. 

Đằng sau món hời là một thiệt hại lớn

Bởi tiết trời thay đổi nên Hạ An cũng muốn thay đổi thời trang theo mùa, cô quyết định sắm sửa thêm mấy bộ công sở đẳng cấp. Nhưng những bộ đồ có thương hiệu trong trung tâm mua sắm lại vô cùng đắt đỏ, vậy nên cô bèn nảy ra một sáng kiến…

Ở trung tâm mua sắm, Hạ An tìm kiếm những bộ trang phục mà cô yêu thích, khi đã ướm thử vừa vặn rồi, cô liền ghi lại nhãn hiệu và kiểu mẫu sản phẩm, sau đó lên mạng tìm mua bộ đồ giá rẻ cùng loại như vậy. Giá một bộ trong trung tâm mua sắm có thể cho phép cô đặt mua bốn, năm bộ cùng loại trên mạng. Hạ An nhất thời hưng phấn liền mua cả chục bộ, nhưng thật không ngờ, bao nhiêu vui sướng, bao nhiêu mong mỏi của cô đều vỡ tan như bọt nước.

Trang phục trên mạng nếu so với sản phẩm được bày bán ở cửa hàng, về hình mẫu và chất lượng đều có sự chênh lệch rất xa. Quần áo trưng bày trên tượng người mẫu so với thực tế là khác biệt một trời một vực, có những bộ vừa mới mặc đã sứt chỉ hoặc bay màu, khoác lên người cảm thấy như đang mặc thứ đồ rẻ tiền vậy.

Hạ An rất thất vọng, đây đều là hàng thanh lý nên không thể trả lại mà cũng không đổi sang bộ đồ khác được. Có những chiếc tem vẫn chưa bóc xuống, bỏ đi thì tiếc rẻ, không bỏ thì giữ lại cũng chẳng thể ích gì.

Cuối cùng, Hạ An lại phải một lần nữa đến trung tâm thương mại, bỏ tiền ra sắm vài bộ trang phục công sở đắt tiền.

Rất nhiều người luôn muốn mua những thứ rẻ tiền, nghĩ rằng như vậy có thể giúp họ tiết kiệm, nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Bởi vì rẻ nên có thể tùy tiện vứt đi, mua thêm cái mới cũng không cảm thấy tiếc. Nhưng lại không biết được rằng, vứt đi rồi lại mua mới, trái lại càng tiêu tốn nhiều tiền hơn.

Có người nói, rẻ tiền thì không có hàng xịn, hàng xịn thì lại không rẻ tiền. Chúng ta luôn muốn bỏ ra ít tiền nhất mà có thể mua được những món đồ tốt nhất, nhưng lại quên mất đạo lý rằng: “Tiền nào của nấy”.

Tỷ phú Warren Buffett từng nói: “Những gì bạn chi trả chỉ là giá tiền, còn thứ mà bạn nhận được mới là giá trị”. Nếu bạn mua hàng mà chỉ ham giá rẻ, thế thì không thể trông mong vào chất lượng và giá trị của nó.

Trong khả năng tài chính của bản thân, hãy dành ra một khoản tiền mua hàng chất lượng, bởi chúng không chỉ đẹp mắt mà còn bền lâu, đây mới là tiết kiệm thật sự.

Chiếm món hời nhỏ, thiệt hại nặng nề

Có một người phụ nữ trung niên nọ, ngày thường rất thích những món hời nhỏ. Những lúc đi siêu thị, gặp mặt hàng miễn phí bà không chỉ lấy một phần mà còn lấy thêm vài phần nữa. Những lúc mua trái cây, sau khi đã thanh toán xong xuôi bà lại tiện tay lấy thêm một quả cam, hoặc nhặt lấy vài quả táo. Những lúc đi chợ mua rau, bà luôn lấy thêm mấy cọng hành, vài quả ớt. Dưới con mắt của bà, đó đều là những món đồ rẻ tiền chẳng đáng mấy đồng, hơn nữa còn khiến bà yên dạ yên lòng, vui không biết chán, cho rằng như vậy sẽ sống thoải mái hơn.

Mùa hè năm nọ, bà cùng nhóm bạn thân đi du lịch nước ngoài. Khi cả nhóm đang mua đồ ở cửa hàng miễn thuế, bà đã lén đút một thỏi son dùng thử vào trong túi xách, cho rằng dù sao đây cũng là hàng dùng thử, giống như là hàng biếu tặng vậy, lấy rồi thì có sao đâu? Nhưng không ngờ hệ thống an ninh của cửa hàng đã kiểm tra camera, nên kịp thời ngăn lại. Sau đó bà không chỉ bị cảnh sát tạm giữ, mà còn phải nộp thêm một khoản tiền phạt.

Con trai bà hay tin, liền vội vàng xin công ty nghỉ phép rồi mua vé máy bay đến hiện trường giải quyết sự việc này. Anh con trai không ngừng quở trách bà đã làm chuyện mất mặt như vậy, khiến anh vừa phải xin nghỉ phép, bị khấu trừ tiền lương, lại vừa phải chi ra hàng chục triệu tiền vé máy bay chỉ vì để giải quyết hậu quả cho bà. 

Một thỏi son chẳng qua chỉ mấy trăm nghìn đồng, nhưng lại khiến người trong cuộc phải trả một cái giá rất đắt, nó không chỉ đơn giản là câu chuyện phí tổn, mà còn là nhân phẩm và danh dự của bản thân.

Món lợi nhỏ cũng giống như viên thuốc có bọc mật ong, lúc đầu là vị ngọt, nhưng cuối cùng lại là vị đắng.

Người xưa nói: “Chim chóc trên trời chết vì hám ăn, cá dưới đầm sâu chết vì mồi”. Món hời thì đừng nên tranh giành, bởi đằng sau đó rất có thể là hố sâu, chiếm lợi quen rồi, con người cũng dễ chìm sâu vào mà không thể thoát ra được.

Hết thảy bánh nướng đã tính xong giá cả từ sớm rồi

Có người nói: Những thứ rẻ tiền chỉ khiến ta cảm thấy sảng khoái trong khoảnh khắc, sau đó đều là phiền não. Những thứ đắt đỏ chỉ khiến ta cảm thấy đau lòng trong chốc lát, nhưng phía sau đều là tận hưởng.

Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe kể những câu chuyện hám lợi rẻ tiền: Mua đồ chỉ cần rẻ, không cần mua sản phẩm đúng tiêu chuẩn. Gặp phải đợt hạ giá, rõ ràng bản thân không có nhu cầu nhưng lại cứ chọn tới chọn lui giữa những đống hàng hóa, cảm thấy nếu không mua bản thân sẽ bị thiệt. Sau khi mua về nhà rồi, những đồ này hoặc là không dùng đến, hoặc là chẳng đáng để dùng, cuối cùng lại bỏ đi. Đi ra ngoài du lịch, vì để tiết kiệm “được khoản nào hay khoản nấy”, thì nào là mua vé máy bay giá rẻ, nào là sợ hành lý vượt chỉ tiêu phải đóng thêm phí nên chỉ dám mang theo vài ba bộ đồ, nào là chen chúc ở không gian chật hẹp, nhìn thì thấy như là tiết kiệm được khoản tiền, nhưng lại mất đi tâm trạng thoải mái vui vẻ.

Con người vì một món lợi nhỏ, vì muốn chiếm tiện nghi, muốn đi đường tắt mà cậy nhờ ân tình của người khác, nhưng lại quên mất rằng mỗi một sự lựa chọn đều có cái giá riêng. 

Món hời cũng giống như hạt vừng rơi xuống đất, có người vì để nhặt nó mà không tiếc vứt đi quả dưa hấu trên tay.

Chúng ta luôn ảo tưởng dùng số vốn ít nhất để có được thành phẩm lớn nhất, nhưng lại quên mất rằng giao dịch công bằng là chân lý bất biến từ xưa đến nay.

Ở đời vốn không có bánh nướng rơi từ trời xuống, hết thảy bánh nướng đều có giá niêm yết sẵn rồi…

Theo Secret China
Vũ Dương biên dịch

Exit mobile version