Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên đối mặt với chuyện thắng – thua. Từ chuyện “nhỏ” như thắng – thua một trận bóng đá, đến chuyện “vừa” như đỗ – trượt trong một cuộc thi tuyển dụng, và chuyện “to” như sự so bì ngấm ngầm về sắc đẹp, con cái, tiền tài… Đôi khi chúng ta giành chiến thắng trước đối thủ, và cũng nhiều khi chúng ta thua. Người thắng thì vui mừng, phấn khởi, hãnh diện; kẻ thua thì buồn rầu, xấu hổ, ủ ê. Nhưng mà, thắng – thua ấy có quan trọng lắm không?
Chuyện kể rằng, có một người Bà-la-môn chuyên hành nghề cờ bạc. Đức Phật muốn hoá độ ông, nên hỏi ông rằng:
– Thế ai được, ông hay người ta?
– Khi thì con, khi thì người ta.
Đức Phật từ bi dạy:
– Bà-la-môn, chiến thắng kẻ khác là một việc tầm thường, chiến thắng như thế đâu có lợi lạc gì. Nhưng người nào chiến thắng dục lạc và tự thắng mình, thì chiến thắng như thế lợi lạc hơn, không ai có thể đánh bại mình”.
Và Phật đọc Pháp Cú:
“Tự thắng, tốt đẹp hơn,
Hơn chiến thắng người khác.
Người khéo điều phục mình,
Thường sống tự chế ngự.
Dầu Thiên Thần, Thát bà,
Dầu Ma vương, Phạm thiên,
Không ai chiến thắng nổi,
Người tự thắng như vậy”.
***
Đã bao giờ bạn muốn dậy sớm tập thể dục nhưng cuối cùng lại tắt chuông đi… ngủ tiếp? Đã bao giờ bạn tự nhủ phải kiềm chế, nhưng rồi cơn giận xông lên lại không tự chủ được bản thân mình?… Nếu bạn đã từng trải qua những điều này, hẳn bạn hiểu rõ rằng, chiến thắng bản thân là việc không hề đơn giản.
Trong cuốn sách: ‘Trai nước Nam làm gì‘, nhà văn hoá Hoàng Đạo Thuý viết:
“Chí khí ta quyết là đã có mầm rồi, hãy bồi bổ lấy nó. Trong đám súng kêu đạn nổ, có cái thủ đoạn anh hùng trong chốc lát, việc vẫn có thể làm được. Nhưng chỗ vắng ngồi một mình, giữ được mình, sai được mình, nếu không có thì có khi phải hàng. Phải gắng gỏi ở lúc ngồi một mình ấy. Những việc nhỏ, cho là nhỏ mà không làm, những cái thắng nhỏ cho là nhỏ mà không thắng, thì làm việc lớn, thắng cuộc lớn sao được. Bởi thế mà mỗi phút, mỗi việc anh phải thắng cả mới được. Trời rét, dậy sớm đi tập thể dục, anh cũng cần gan mới làm nổi. Không đợi người đem nước đến, anh đi múc lấy nước lạnh, cũng phải chí mới làm được. Anh phải bắt, phải bó buộc, phải nghiêm, phải nghiệt với mình anh. Một ngày trăm trận, ở chỗ không một người nào nhìn thấy anh, trận nào anh cũng thắng, ngày nay, ngày mai, ngày nào cũng thế, thế mãi, ấy cái cách luyện chí là thế”.
Kiếm sĩ lừng danh người Nhật Tokiyori cũng nói:
“Trước kia, tôi vẫn tưởng tôi là người đại dũng, lúc mà trong tay cầm mấy vạn tinh binh đánh Nam dẹp Bắc, trước tôi không có một người nào dám cản đường. Thế mà khi bị đánh một bạt tai, tôi trầm tĩnh được ngay, quả tim tôi không đập mạnh, lòng tôi yên lặng như không có việc gì, bấy giờ tôi mới cảm thấy cái khí độ hùng dũng trước kia sánh với bây giờ rất còn nhu nhược, hèn thấp đến bậc nào. Tự chủ được với lòng tự đại của mình mới là đại dũng đó”.
Dưới đây là một số gợi ý về những điều thực tập hàng ngày có thể giúp bạn tăng cường khả năng tự thắng chính mình:
1. Dậy sớm luyện công hoặc tập thể dục. Tuyệt đối không tắt chuông đi, tuyệt đối không ngủ lại.
2. Bị người khác nói xấu, mắng chửi cũng không đấu khẩu lại. Tuyệt đối khoá chắc cái miệng này.
3. Thấy một món đồ giải trí/làm đẹp yêu thích bày bán cũng không mua, dành tiền mua sách bồi dưỡng tư tưởng, kiến thức.
4. Một việc tốt bấy lâu vẫn định làm, nhưng ngần ngừ mãi vì sợ bị dị nghị và ngăn cản; thì nay bắt tay vào làm đi.
5. Một người mà bạn xưa nay vốn ghét, chỉ nghĩ đến thôi là đã thấy “lộn ruột”; thì nay hãy bỏ qua hết, niềm nở cười nói với người ấy đi.
6. Thiền định từ 30 phút trở lên, giữ thân thể ngay ngắn, tâm trí an tĩnh, bất cứ suy nghĩ náo loạn nào xuất hiện hãy dẹp bỏ nó đi.
v.v.
Lão Tử nói: “Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường” (Tạm dịch: Người thắng được kẻ khác chỉ là có sức lực, người tự thắng được mình mới là mạnh mẽ). Chúc bạn trở thành người có nội tâm mạnh mẽ nhé!
Thanh Ngọc