Nhị bát giai nhân thể tự tô
Yêu gian trượng kiếm trảm phàm phu
Tuy nhiên bất kiến nhân đầu lạc
Ám lý giáo quân cốt tử khô.
Dịch nghĩa: Giai nhân 16 tuổi thân hình mềm mại, thanh kiếm đeo ở eo lưng trảm những kẻ phàm phu tục tử. Dù rằng không thấy đầu bị cắt lìa, nhưng xương tủy đã ngấm ngầm khô kiệt.
Đây là mấy câu trong bài thơ “Cảnh thế” (Cảnh tỉnh thế gian) của Lã Động Tân, một trong Bát Tiên trong lịch sử văn hóa Trung Hoa. Vì cớ gì mà mỹ sắc và dục vọng lại được coi là “tử quan” như vậy?
Đạo dưỡng sinh
Khổng Tử nói: “Vào thời trẻ, khí huyết chưa đủ, thì phải giới cấm sắc dục.”
Người phương Đông từ xưa đến nay đều chú trọng tiết dục, chuyện phòng the không thể quá độ quá nhiều, lại càng không thể lấy ra mà công khai đàm luận và tuyên giảng, ngoại trừ đạo lý nghỉ ngơi dưỡng sức (dưỡng tinh súc nhuệ). Cổ thư « Hoàng Đế Nội Kinh » viết rằng, người cổ đại sống theo quy luật âm dương, ăn uống và sinh hoạt có chừng mực, nên tâm trí và thân thể của họ hài hòa và sống lâu.
Quan niệm xuống dốc của xã hội hiện đại lại cổ súy phóng túng tình dục, coi nó như “cơm ăn, nước uống”, thậm chí là hàng hóa để trao đổi. Chuyện trai gái được đem lên bàn nhậu để tán gẫu và dương oai. Một số người uống rượu như uống nước, xem những hành vi bất lễ là chuyện bình thường, hành động loạn tính khi say rượu. Họ không biết cách bảo tồn năng lượng và sức sống. Họ truy cầu những phấn khích và thú vui nhất thời. Họ coi nhẹ quy luật tự nhiên của vũ trụ, không điều chỉnh lối sống, sinh hoạt hay ngủ nghỉ. Hệ quả là thân thể suy kiệt, nguyên khí tổn hao, thần trí mê muội.
Đạo dưỡng tâm
Mạnh Tử nói: “Để dưỡng tâm, không gì tốt hơn là giảm đi ham muốn.”
Một người dễ động lòng trước mỹ sắc, “tâm viên ý mã”, nội tâm khó có thể đạt trạng thái tĩnh lặng, tường hòa. Một khi thần hồn điên đảo thì hành vi dễ mất kiểm soát, bị nghiệp lực thao túng khiến phạm phải điều ác.
Tương truyền, có một vị tăng nhân trẻ tuổi hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni rằng: “Những phụ nữ ngoài xã hội, chúng ta nên mang thái độ như thế nào để đối đãi với họ?”
Phật Thích Ca Mâu Ni đáp: “Tốt nhất là tránh họ, không nên nhìn họ; nếu không thể tránh họ, thì cần xem như không nhìn thấy họ, không nên nói chuyện với họ; nếu vẫn không thể không nói chuyện, thì khi nói chuyện với họ nhất định phải có tâm thuần khiết; nên nghĩ rằng mình đã xuất gia, giống như hoa sen mọc giữa đám bùn mà không bị ô uế; mà hoa sen thì cần thanh tĩnh không dơ bẩn. Sắc dục là ngọn nguồn tội ác nơi thế gian, người xuất gia cần sống với thân tâm thanh tịnh trong sạch. Gặp phụ nữ lớn tuổi thì coi như mẹ mình, gặp phụ nữ nhiều tuổi hơn thì coi như chị gái mình, gặp phụ nữ ít tuổi hơn thì coi như em gái mình mà đối đãi.”
Với người tu Đạo, sắc dục chính là tử quan mà không ai không phải vượt qua. Phật Thích Ca Mâu Ni cũng dạy rằng:
“Tại nhân gian gây phiền não lớn nhất chính là lực sắc dục, điều đáng sợ nhất cũng chính là lực sắc dục… Nam nhân học Đạo mê muội bởi nữ nhân mỹ lệ; nữ nhân học Đạo say đắm nam tử anh tuấn; dâm dục chính là đóng kín trí tuệ người ta, khiến không dễ tiếp thu chân lý… Hãy cẩn thận quản chế tâm của chính mình, không được để tâm phóng túng.”
Quan hệ vợ chồng
“Hậu Hán Thư – Tào Thúc Thê truyện” có ghi chép:“Đạo vợ chồng, giống như phối hợp âm dương, hiểu rõ ý thần linh, tin vào sự rộng lớn của trời đất, cũng như sự to lớn của đạo lý làm người”.
Con người có quy chuẩn đạo đức mà Thần ban cấp, cho nên mới không giống như cầm thú mà tùy tiện giao phối. Hôn nhân là điều cần thiết để duy trì xã hội nhân loại, cũng là lời hứa đối với thần linh, trời đất, cha mẹ, vợ chồng. Tập tục và lễ nghi trong hôn lễ phương Đông và phương Tây đều là thể hiện ý nghĩa thần thánh này. Nếu mục đích chủ yếu của sinh hoạt vợ chồng không vì sinh con đẻ cái sinh sôi đời sau, thì chính là đang tạo nghiệp và tổn hao phúc đức, cho nên cần cố gắng hết sức tiết chế.
“Anh hùng” chân chính phải vượt qua ải mỹ nhân
Có câu: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Đó là để nói, trận chiến ngoài sa trường cũng không sánh nổi với trận chiến từ trong tâm, nỗ lực chống lại cám dỗ từ sắc dục. Bậc anh hùng chân chính là người đại đức đại dũng, có thể vì lễ nghĩa mà kiềm tỏa dục tính, chứ quyết không phải kẻ hoang dâm vô độ lại lấy đó làm “bản lĩnh đàn ông”.
Liễu Hạ Huệ sống ở Lỗ quốc vào thời Xuân Thu (770-476 trước Công Nguyên). Một phụ nữ vô gia cư đã tìm nơi trú ẩn trong một đêm đông lạnh. Liễu Hạ Huệ lo ngại rằng cô ấy có thể chết vì lạnh, nên ông đã để cô ngồi trên đùi, quấn áo mình quanh người của cô và áp chặt cơ thể của cô vào mình. Họ đã ngồi như vậy suốt đêm và ông đã không làm bất kỳ điều gì không đứng đắn.
Nhờ điều này, ông được xem là một nam tử Hán chính trực, và có một câu tục ngữ về ông: Tọa hoài bất loạn (ngồi mà trong lòng vẫn không loạn).
Các cô nương thực ra trong lòng đều kính phục bậc quân tử có thể giữ vững bản thân. Hán Chung Ly, sư phụ của Lã Động Tân để lại cho hậu thế lời răn bất hủ:
“Tâm như cành cây khô hoàn toàn vô dục, thì quỷ Thần đều cùng kính phục.”
Mã Lương (tổng hợp và biên soạn)
Xem thêm: