Đại Kỷ Nguyên

Đạo của thương nhân (P.1): Kiếm nhiều tiền chẳng bằng thanh thản trong tâm

Trong câu chuyện có 2 người Hàn Quốc, một người là tổng giám đốc công ty thế kỷ 21, một người là thương nhân kinh doanh nhân sâm thế kỷ 19, cách nhau 200 năm. Nhưng họ có thói quen chung, đó chính là… thích dựng “lều” ở. 

Khổng Tử nói: “Lễ thất cầu chư dã”, nghĩa là khi lễ nghĩa bị phá hoại thì đến nơi thôn dã mà tìm. Ở những nơi vẫn còn phong tục cổ xưa thì vẫn còn có những người giữ lễ nghĩa. 

Hơn 2000 năm sau, quả nhiên là như vậy. Thời cách mạng văn hóa, các thành phố ở Trung Quốc biểu ngữ rợp trời, tiếng loa vang dội, cờ đỏ mọi nơi, truyền thống phá sạch không còn. 

Trào lưu Hàn Quốc thịnh hành, trong các bộ phim cổ trang Hàn Quốc thấy rất nhiều phim về văn hóa truyền thống Á Đông. Như vậy xem ra, hiện nay lễ nghĩa bị phá hoại thì người Trung Quốc phải ra các nước lân bang cầu tìm thôi.

Một người bạn giới thương gia gần đây có giới thiệu cuốn sách “Thương Đạo” do nhà văn Hàn Quốc Choi In-ho (Thôi Nhân Hạo) viết, rất thú vị và đáng nhớ. Trong sách có vận dụng thành ngữ, điển cố và tư liệu lịch sử, rất đáng đọc. 

Xuyên suốt toàn bộ sách là một câu về Đạo kinh doanh, đó là câu đối: “Tiền tài công bằng như nước, làm người chính trực tựa cân” (Nguyên văn: “Tài thượng bình như thủy, nhân trung trực tự hành”).

Câu chuyện bắt đầu từ công ty ô tô Hàn Quốc đương đại, chủ tịch tập đoàn Kỳ Bình là Kim Khởi Tiếp gặp tai nạn xe hơi trên cao tốc nước Đức và qua đời. Điều thú vị là lúc sinh thời, Kim tiên sinh từng có lần vào nhà vệ sinh công cộng ở Trung Quốc được trả lại tiền lẻ, một tờ tiền giấy 2 hào; ông lấy nó làm bùa hộ thân bởi vì trên đó có in hình gương mặt nhìn nghiêng của cô gái “dân tộc Đại Hàn”. 

Tôi kiểm tra lại các hình vẽ trên các tờ tiền nhân dân tệ, mặt chính tờ bạc 2 hào quả nhiên là như vậy, khiến cho người ta khâm phục khả năng quan sát và lực hướng tâm dân tộc của người Hàn Quốc.

Trong câu chuyện có 2 người Hàn Quốc, một người là tổng giám đốc công ty thế kỷ 21, một người là thương nhân kinh doanh nhân sâm thế kỷ 19, cách nhau 200 năm. Nhưng họ có thói quen chung, đó chính là thích dựng lều ở. Một người làm căn nhà nhỏ ở sân sau công ty, một người dựng nhà tranh ở sau biệt thự. Khi công thành danh toại, họ đều muốn một mình thanh tu. 

Có thể thấy cái tâm hướng Phật cầu Đạo từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều có. Tương hỗ tương ứng với người Hàn Quốc còn có hai câu chuyện về Trung Quốc và nước Mỹ.

Câu chuyện Trung Quốc có lẽ rất nhiều người đã nghe rồi. 

Hỏi em bé chăn cừu trên cao nguyên Hoàng Thổ rằng: “Chăn cừu để làm gì?”.

Em bé chăn cừu đáp: “Chăn cừu để kiếm tiền”.

Hỏi: “Kiếm tiền để làm gì?”.

Đáp: “Kiếm tiền để lấy vợ”.

Hỏi: “Lấy vợ để làm gì”.

Đáp: “Lấy vợ để sinh em bé”.

Hỏi: “Sinh em bé để làm gì?”.

Đáp: “Để tiếp tục chăn cừu”.

Câu chuyện nước Mỹ xảy ra ở Manhattan. Một tài phiệt hỏi một người câu cá quần áo lam lũ rằng: “Tại sao mỗi ngày chỉ câu mấy con cá rồi về nhà? Nếu là tôi thì tôi sẽ câu cả số cá ngày mai, ngày kia, sẽ rất nhanh phát tài. Sau đó có thể nghỉ ngơi”.

Người câu cá hỏi ngược lại: “Nghỉ ngơi rồi thì làm gì?”.

Tài phiệt nói: “Thì có thể hàng ngày tắm nắng, nghỉ mát bên bờ biển”.

Người câu cá nói: “Điều ông muốn đó thì hiện nay tôi đã có rồi, tại sao phải làm phiền phức lên?”.

Từ nhà tranh ở Hàn Quốc, cao nguyên Hoàng Thổ, bến cảng Manhattan, những người các dân tộc khác nhau đều có cái mê và suy nghĩ như nhau. Nhưng có phải nhất định đích thân mình sau khi trải nghiệm, thể nghiệm phú quý vinh hoa rồi mới có thể tỉnh ngộ được chăng? 

Bậc trí giả có thể thông qua quan sát, đọc sách để phát hiện bản thân mình. Những người sống trong nhà tranh, thạch thất hay chung cư hiện nay, nếu tâm thái đặt đúng vị trí, thì thực tế họ cũng có thể đạt được tự do tự tại. Ý thức được điểm này, chúng ta có thể tiếp cận gần đến cốt lõi của Đạo của thương gia và Đạo của cuộc đời.

(Trên đây là bài viết đăng trên Vision Times của tác giả Tạ Điền – Phó giáo sư ngành Marketing Học viện Thương mại thuộc Đại học Drexel thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania. Bài viết đã được Đại Kỷ Nguyên biên tập chỉnh lý)

Thanh Bình

Bạn đang đọc bài viết: “Thương Đạo: Chân Đạo của thương gia (P.1)” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Exit mobile version