Thương nhân có phải là những người chỉ biết đến lợi, thấy tiền mờ mắt, vì lợi quên nghĩa, mưu kế đa đoan? Kỳ thực, đó chỉ là góc nhìn phiến diện của con người thời nay…
Thời cổ, rất nhiều thương nhân được văn hóa truyền thống hun đúc, đề cao Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín, coi trọng đạo đức, trọng nghĩa khinh lợi, kinh doanh bằng lòng nhân chứ không phải vì lợi ích dẫn đầu.
Quyết không bán gạo vô lương tâm
Xưa kia ở huyện Thiệp vùng Huy Châu, Trung Quốc, có người kinh doanh gạo tên là Hồ Sơn, quanh năm buôn bán ở khu Gia Hòa, Hồ Nam. Một năm nọ khu vực Gia Hòa gặp đại hạn, lương thực vô cùng đắt đỏ, mỗi đấu gạo giá 1000 xu tiền. Đắt đỏ là vậy nhưng trên thị trường không có nhiều lương thực để bán.
Hồ Sơn bèn vận chuyển một lô lương thực từ nơi xa đến. Khi đang chuẩn bị mở cửa bán gạo thì một vài chủ hiệu trong vùng đến tìm ông, nói rằng các hiệu gạo ở đây vẫn bán với giá như trước kia, nhưng sẽ trộn một nửa gạo cũ, gạo mốc và gạo hỗn tạp vào số gạo mới đem về. Họ nói rằng làm như vậy mới có thể kiếm được tiền.
Hồ Sơn nghe xong vô cùng thất kinh: “Lương thực là để đảm bảo sinh mạng, sao có thể trộn thứ giả vào được? Vào năm hạn hán mất mùa, người dân gặp nạn đã rất đáng thương rồi. Chúng ta có ăn có mặc, đáng lẽ cần giúp đỡ họ mới phải. Tôi không thể vì tư lợi mà làm trái lẽ Trời, nhất định sẽ không làm việc vô lương tâm ấy”.
Những chủ hiệu kia vô cùng tức giận. Khi thấy Hồ Sơn mở cửa bán gạo, họ cũng mở cửa cạnh tranh, giá cả mỗi đấu đều rẻ hơn 5 xu. Rất nhiều người nghe được tin này đều bỏ tiệm gạo của Hồ Sơn để đến các cửa hàng khác, họ còn bàn tán cho rằng Hồ Sơn thừa cơ mưu lợi. Mặc dù vậy Hồ Sơn vẫn kiên trì tín niệm của mình, vững vàng không suy chuyển.
Mấy ngày sau, những người mua phải gạo kém chất lượng đều phát hiện rằng trong gạo có lẫn cát, cơm có mùi mốc và có nhiều mọt gạo. Họ tới tấp đến khiếu nại đòi trả hàng. Trong khi đó khách mua của Hồ Sơn đều khen gạo trắng sạch thơm tho, ăn ngon miệng. Lúc đó mọi người mới bừng tỉnh ngộ, tới tấp đến mua hàng của Hồ Sơn, đồng thời khen ngợi tiệm gạo của ông là “cửa hàng lương tâm”.
Đốt hàng có độc
Vào những năm Càn Long đời nhà Thanh, có vị thương nhân tên là Ngô Bằng Tường, là người huyện Hưu Ninh, quanh năm buôn bán ở Hán Dương. Một năm nọ Ngô Bằng Tường buôn hồ tiêu, đã ký hợp đồng mua 800 hộc hồ tiêu, tổng khối lượng lên tới 8000 kg ngày nay.
Khi lô hàng được chuyển đến, thuộc hạ của Ngô Bằng Tường phát hiện trong hồ tiêu có độc. Tin tức truyền đến tai người bán, người bán sợ ảnh hưởng uy tín nên đã xin được nhận lại hàng, đồng thời sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền.
Nhưng bất ngờ là Ngô Bằng Tường từ chối lời thỉnh cầu của người bán, cũng không thu hồi lại tiền hàng. Mặc dù biết bản thân sẽ chịu tổn thất to lớn nhưng ông vẫn kiên quyết thiêu hủy toàn bộ số hồ tiêu có độc.
Ngô Bằng Tường giải thích rằng: Nếu người bán thu hồi lô hàng thì nhất định sẽ đem bán lại, như vậy sẽ có không biết biết bao nhiêu người bị hại. Vậy nên ông quyết định tiêu hủy toàn bộ số hồ tiêu có độc, tránh xảy ra sự cố trúng độc trên quy mô lớn.
Ai nấy nghe xong đều vô cùng kính phục Ngô Bằng Tường. Cách làm của ông đã thể hiện được tinh thần Nho gia thuở ấy: “Sáng suốt công bằng và thành tín” (Minh duẫn đốc thành), “Lấy và cho đi đều có tiết chế” (Thủ dữ hữu tiết).
Vào những năm Càn Long thứ 48 và 49, Hồ Bắc gặp đại hạn, giá gạo tăng cao, đúng lúc ấy Ngô Bằng Tường vận chuyển mấy vạn thạch gạo từ Tứ Xuyên đến. Ông đã không thừa cơ tăng giá mà vẫn bán ra với giá thấp, giúp nhân dân địa phương vượt qua khó khăn. Vì vậy ông không những được người dân ca ngợi mà còn được quan phủ nhiều lần khen ngợi.
Sách “Hưu Ninh huyện chí” miêu tả Ngô Bằng Tường “là người khảng khái, thấy việc nghĩa thì lập tức làm ngay”.
Thà mất lợi chứ không mất nghĩa
Thương nhân kinh doanh trà Chu Văn Sí là người Vụ Nguyên, Huy Châu, sống vào những năm Càn Long và Gia Khánh đời nhà Thanh. Sách “Vụ Nguyên huyện chí” những năm Quang Tự đời Thanh ghi chép:
Chu Văn Sí là người tính tình cổ phác, chính trực, thường bán trà ở Châu Giang. Do đường xá xa xôi khó đi, khi trà mới vận chuyển được đến nơi thì đã quá mùa trà, đã thành trà cũ. Thế là khi đem bán, Sí nhất định viết hai chữ “trà cũ” lên tấm biển để tỏ ý không lừa gạt.
Những người môi giới ra sức khuyên can ông bỏ cái biển “trà cũ” đi. Do giá trà mới và trà cũ chênh nhau lớn nên tiền kiếm được chẳng đáng bao nhiêu, nhưng Chu Văn Sí nhất định không thay đổi. Đối với ông, người làm kinh doanh không thể trái lương tâm kiếm tiền bất nghĩa. Mặc dù bị tổn thất khoản tiền lớn nhưng ông vẫn không oán trách, không hối hận.
Chu Văn Sí kinh doanh trà hơn 20 năm, trước sau luôn kiên trì thực hiện quan điểm: “Kinh doanh tuy vì lợi nhưng quyết không kiếm lợi bất nghĩa”, “thà bị mất lợi chứ không được mất nghĩa”.
Sau này Chu Văn Sí trở thành đại thương nhân có tiền vạn quan, được mọi người gọi là “Chu Triệu Phú”. Cung cách kinh doanh nhân đức của ông vẫn được hậu thế ca ngợi cho đến tận ngày nay.
Kiến Thiện
Theo Vision Times
Bạn đang đọc bài viết: “Đạo của thương nhân xưa: Thà mất lợi chứ không mất nghĩa” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |