Đại Kỷ Nguyên

Cùng bán nê hoàn, cớ chi người trị khỏi bệnh, kẻ hại chết người?

Cùng bán nê hoàn, cớ sao người trị khỏi bệnh, kẻ hại chết người? Đạo lý nằm tại nhân tâm. Nhân sinh tại thế luôn cần trung hiếu mới có ngày an thân. 

Vào thời cổ đại, ở Hàng Châu có ngôi chùa Bồ Đề, là một danh thắng cổ ở địa phương, thường hay có tiên nhân du lãm. Cách chùa Bồ Đề năm dặm, có một thôn dân tên là Vương Thành, gia cảnh bần cùng, phải đi làm giúp việc sống qua ngày. Mẹ của chàng là Triệu thị, là một quả phụ góa chồng, em trai chàng vẫn còn nhỏ. Vương Thành bản tính hiếu thuận hữu ái, mẹ chàng vì lao động quá sức, lại thêm ưu uất phiền muộn vì chồng sớm qua đời mà lâm bệnh, bán thân bất toại (liệt nửa người). Vương Thành không bao giờ lơ là chăm sóc mẹ, vấn an giấc ngủ, sắc thang hầm thuốc, hãm trà đưa nước, tận tụy phục vụ mẹ.

Ngày thường, Vương Thành đến nhà phú ông họ Phùng để làm cỏ. Phú ông họ Phùng có rất nhiều ruộng đất, phải thuê năm sáu người làm. Có một người làm thuê tên là Vương Lão Yêu, tính cách gian trá, gàn dở thất thường, sau lưng chủ nhân thì lười biếng, chỉ chăm chăm tán tỉnh phụ nữ, trộm cắp đồ, ăn nói bất hảo. Ngày nào không có việc gì làm, hắn sẽ liên thiên kể con gái nhà này xinh thế nào, bà nọ cướp chồng người ta ra sao, cô kia đốt lửa bà kìa gian dâm; mỗi câu đều là dâm từ, mở miệng là hoang ngôn dã thoại.

Đương thời có một vị tăng điên y phục rách rưới đến chùa Bồ Đề, đã qua mấy tháng, mỗi ngày chỉ ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn, hoặc cả ngày đi tứ xứ mà hoàn toàn không ăn uống gì. Chúng tăng trong chùa đều ác cảm với ông, không ai nói chuyện. Một ngày nọ, Vương Thành tay cầm máy xúc phân đi qua chùa, nhìn thấy vị tăng điên, bèn chào hỏi rồi bắt chuyện.

Vị tăng điên biết chàng phụng dưỡng mẹ già, lại chăm sóc em nhỏ, làm công nhật cả ngày mới được năm mươi văn tiền, liền hỏi chàng: “Cậu muốn phát tài không?” Vương Thành trả lời: “Ai mà không thích tiền, nhưng kiếm tiền sao để không phải hổ thẹn, thì mới có thể hưng gia.” 

Vị tăng điên nói: “Ta có ba pháp bảo để phát tài. Cậu có muốn học không?” Vương Thành trả lời: “Nếu có diệu pháp như vậy, sao không học?” 

Vị tăng điên nói: “Thượng pháp: Niệm một chú ngữ của ta, nghĩ muốn bao nhiêu tiền, nó sẽ tự đến; Trung pháp: Dùng một pháp thuật của ta, có thể tùy ý lấy bao nhiêu tiền của người khác; Hạ pháp: Làm theo phương pháp của ta, dễ kiếm tiền mà không hao lực.”  

Vương Thành nói: “Pháp của thiền sư thật là xảo diệu, cực tốt rồi, nhưng không biết nó có làm bại hoại nhân tâm không?” 

Vị tăng điên trả lời: “Thượng pháp tuy hại Thiên lý, nhưng có thể tích kim tích ngọc, giàu địch thiên hạ; Trung pháp tuy tán tận lương tâm, nhưng có thể kim tiền đầy kho, giàu nhất quốc gia; Hạ pháp chỉ như doanh mưu, có thể kiếm được nhiều tiền hơn, hưng gia lập nghiệp; dù có chút gian dối, nhưng có thể lập công cứu người.”

Vương Thành nói: “Thượng pháp thương thiên hại lý mà đắc tài, thực như quỷ dẫn; Trung pháp tán tận lương tâm mà đắc tài, giống như đi ăn cướp; Hạ pháp nhờ doanh mưu đắc tài, lập công cứu người, đệ tử nguyện học.”

Vị tăng điên nói: “Vương Thành quả có kiến thức tốt, duyên pháp tốt. Ta sẽ dạy cậu pháp sau: Cậu về nhà, trộn hai đấu trần tường thổ với 20 cân đại hoàng, xay nhỏ trộn nước nặn thành viên, to bằng viên bi, phơi cho khô, rồi gánh đến huyện Vũ Khang, Hồ Châu. Lúc này ôn dịch đang phát tác, thuốc hiện có đều vô hiệu, người bị nhiễm bệnh cực nhiều. Cậu lấy nê hoàn hòa cùng với canh gừng cho bệnh nhân dùng, có thể trị khỏi. Mỗi người một viên nê hoàn, trăm người phát trăm viên, nhất định không được bán rẻ.”  

Vương Thành nói: “Phương pháp này tuy rằng tốt, nhưng đệ tử nhà nghèo, Võ Khang đường xa, không lộ phí. Hơn nữa nếu tôi đi, trong nhà không có ai kiếm tiền, mẹ tôi làm sao sống qua ngày?”

Vị tăng điên trả lời: “Không thành vấn đề, ta có bốn xâu tiền được đặt trong miếu Thổ địa dưới chân núi, ta xuất gia có mang theo cũng vô dụng, nên tặng cậu lấy đó để an gia và làm lộ phí.” 

Vương Thành nói: “Đệ tử vô công, làm sao dám nhận?” Vị tăng điên đáp: “Ngày sau trả lại ta cũng được, hãy nhanh đi lấy đi.”

Vương Thành xuống núi tìm đến miếu. (Sơ đồ) (Pixabay)

Khi Vương Thành xuống núi đến miếu, quả nhiên nhìn thấy có bốn xâu tiền nằm úp mặt trên mặt đất, liền nhặt tiền mang lên núi, nhưng vị tăng điên đã về lại chùa. Dù trong tâm nghi hoặc, không biết chuyện này là thật hay giả? Chàng lại lần nữa đến chùa tìm vị tăng điên, mà không gặp được. Chàng chợt nghĩ: “Số tiền này để trong miếu, biết bao nhiêu người qua kẻ lại mà chẳng ai lấy đi, không lẽ là thần tiên sao?” 

Chàng lập tức về nhà nói với mẹ. Mẹ chàng vui vẻ nói: “Đây là thần tiên ghi nhớ lòng trung hiếu của con đó.” Vương Thành cũng nghĩ như vậy. Thế là chàng mua một ít hương nến, hai mẹ con bái tạ thần linh, rồi đi làm nê hoàn theo phương pháp của vị tăng điên; Chàng mua dầu muối, củi gạo đủ cho mẹ dùng, giữ 1600 văn tiền làm lộ phí, số tiền còn lại chàng để ở nhà tiêu.

Vương Thành từ biệt mẹ và em trai, gánh nê hoàn đến Võ Khang, trụ tại San Hợp điếm. Lúc này là giữa tháng 5, tứ xứ không có bệnh dịch nào. Đến cuối tháng khi tiền đã dùng hết, chàng còn nợ lữ điếm một ít tiền phòng. Vương Thành nội tâm lo lắng, ngày đêm thở dài. Bỗng nghe nói một người con trai ở tiệm tiền bên cạnh đột nhiên đau bụng, nôn mửa không ngừng, gọi nhiều y sinh đều vô hiệu, sau hai ngày đã chết. Con dâu của ông chủ lữ điếm cũng đột nhiên phát bệnh, triệu chứng giống hệt cậu con trai ở tiệm tiền, mấy lần hỏi y sinh đều không biết là bệnh gì, cô gái sắp chết. Vì vậy, Vương Thành nói với chủ lữ điếm: “Tôi có nê hoàn có thể chữa được tất cả các dịch chứng, tại sao không lấy một viên uống với canh gừng?” Chủ điếm buồn bã đáp: “Bệnh đã đến mức này, còn có thể dùng thuốc nào đây?” Vương Thành nói: “Bệnh đã vô phương, hãy dùng thử thuốc của tôi, không cần lấy tiền của ông.” 

Chủ điếm lấy viên thuốc, trộn với canh gừng, ai ngờ người bệnh đã cứng khẩu, phải dùng lực mở miệng đổ thuốc vào. Chẳng bao lâu, bụng sôi như sấm, người bệnh kêu đau muốn đi tiêu, sau khi đi đại tiện xong, liền có thể đứng dậy, và hồi phục vào ngày hôm sau.

Dịch bệnh lây lan từ nơi sang nơi khác, các gia đình ở bốn thôn trong thành điều không tránh khỏi, các loại thuốc khác đều vô hiệu, nhưng thuốc của Vương Thành một khi đã uống là khỏi bệnh, người tứ xứ kéo nhau đến mua. Lúc đầu, nó được bán với giá bốn mươi văn, sau đó tăng lên một trăm văn, hai phần ba số thuốc đã được bán. Chủ điếm nói: “Cậu thu tiền cần xem giàu nghèo, người nghèo cho tặng, người giàu tăng bội, như vậy tiền vẫn kiếm được, mà vẫn làm được việc công đức.” Vương Thành vui vẻ đồng ý. Vì vậy, chủ điếm làm người trung gian để xem nhà ai giàu nghèo, có thể bán được bao nhiêu tiền. Chuyện này cũng lạ, trước đây dân nghèo đa số, nay đều giàu lên. Thuốc của Vương Thành bán tám lượng, mười lượng, hai mươi lượng, đến cuối tháng đã bán hết, số bạc tính ra được 19.900 lượng.

Đột nhiên, hai cha con chủ tiệm tiền bên cạnh đều phát ốm, nghe nói thuốc đã bán hết, ông ta sẵn sàng trả thêm tiền. Vương Thành đang tìm thuốc, thì chủ điếm nói: “Người đàn ông này dựa vào cho vay nặng lãi mà làm giàu, đã có tài sản trị giá 10 vạn, nhưng vẫn tham lam. Trước đó, một người con trai đã chết, bây giờ hai cha con đều bệnh, đừng bán thuốc rẻ cho họ.” Ông chủ tiệm tiền không còn cách nào khác đành phải lấy năm ngàn lạng bạc mua thuốc, hai cha con chia nhau uống, và được chữa lành.

Vương Thành cảm tạ chủ điếm bằng một ngàn lượng bạc, lấy hai ngàn lượng giúp đỡ người nghèo, mang một ngàn lượng về nhà, còn dư hơn hai mươi ngàn lượng bạc kí gửi tại cửa hàng. Chàng mua mười gánh lồng dầu, mỗi gánh bỏ một trăm lượng bạc, sai người vận chuyển về nhà, dùng số bạc đó đi cảm tạ vị tăng điên, nhưng mọi người nói rằng ông ấy đã rời đi từ lâu. Từ đó chàng càng tận hiếu, mua hai tiểu nữ phục vụ mẹ, từ y phục đến thức ăn, bà muốn gì đều đáp ứng. Sau đó, Vương Thành đến Vũ Khang để kinh doanh, làm một lái buôn lai vãng Vũ Khang, dùng số bạc còn lại để mua đất, giàu có nhất làng. Anh em Vương Thành sau đó đều kết hôn với đại gia tộc, con cháu hưng thịnh, mẹ chàng cũng sống trường thọ, không bệnh tật cho đến khi qua đời.

Lại nói về Vương Lão Yêu, thấy Vương Thành bán nê hoàn phát tài, hắn cũng bắt chước làm theo, rồi gánh đến Vũ Khang để bán lấy tiền. Tuy nhiên, dịch tình ở Vũ Khang năm nay khác với năm trước, năm ngoái là dịch phục tâm, vì nhiệt cực nằm ở tim, bức mà không hạ, do đó mới nôn và đau bụng. Trần thổ thanh nhiệt lợi thủy ích tì, đại hoàng hạ hỏa, uống vào có thể trị khỏi ngay. Bệnh năm nay là chứng hàn, uống thuốc tiêu chảy càng thêm tồi tệ. 

Vương Lão Yêu đang tìm quán nghỉ chân, giả vờ dịu dàng, ngữ khí khác người, nói: “Viên hoàn này của ta có thể chữa được các loại bệnh, còn có năng lực hồi sinh người chết, mỗi viên lấy bốn trăm văn tiền.” Lúc này trong huyện người chết vô số, bởi vì viên hoàn năm trước cực kỳ hiệu quả, sau khi nghe được lời này, rất nhiều người tin mua, kết quả ăn vào đều chết.

Những người đã mua thuốc rất tức giận, đều đến yêu cầu Vương Lão Yêu trả lại tiền. Họ đập vỡ những viên thuốc ra xem, chỉ thấy chúng toàn là bùn. Liền còng tay ông ta đưa đến quan phủ, tố cáo ông ta bán thuốc giả, hại chết cả chục người. Quan phủ đăng đường đánh ông ta hàng chục roi, sau đó giam trong ngục. Vương Lão Yêu trong ngục không tiền không người thân, chịu tận thảm hình, y phục rách nát, vô cùng hối hận. Chỉ biết ngồi bệt xuống đất khóc lóc thảm thiết, khóc suốt mấy ngày, rồi đột tử vì lao dịch. Không ai đến lấy xác, xác bị ném xuống Quan sơn làm mồi cho heo chó.  

Nhân sinh tại thế, luôn cần trung hiếu mới có ngày an thân. Vương Thành vừa hiếu thảo với mẹ, vừa chăm lo cho em, tận trung tận tín, nhờ nê hoàn mà phát tài; Vương Lão Yêu bất hiếu bất trung, thích lười thích sắc, lại vì nê hoàn mà mất mạng. Cùng bán nê hoàn, người có thể trị bệnh, kẻ lại hại chết người, nguyên do là đâu? Thứ nhất là do hai chứng hàn, nhiệt bất đồng; Thứ hai là sự khác biệt giữa tâm tính của hai người bán thuốc. Tóm lại, báo ứng của Thiên thượng tùy người mà đến, “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” là không chút sai chệch, nhìn vào hai người này là có thể thấy rõ. (Tài liệu tham khảo: “Tễ Xuân Đài” 躋春台)

Thái Nguyên chỉnh lý, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version