Đại Kỷ Nguyên

“Sứ thần thanh liêm” Hiên Nghê danh vang thiên hạ

Sử nhà Minh gọi Hiên Nghê là “Cư quan giai liêm, nhất phương đại trị”. Hiên Nghê thanh liêm, danh truyền sử sách, được người dân rất tôn sùng. Bức tranh của Cố Vận thời Thanh “Sơn thủy sách - Tùng mai thư ốc” (do Bảo tàng Cố cung Quốc gia cung cấp)

Hiên Nghê lấy thân mình làm khuôn phép, nỗ lực thực hành, quanh năm bốn mùa đều mặc trường bào vải bố xanh đầy những mảnh vá. Thức ăn trong nhà đều là rau củ, đều do chính phu nhân tự tay làm, y như nhà người thường. 

Hiên Nghê (mất năm 1464), tự Duy Hành, là người thôn Hiên Trang Lộc Ấp triều Minh. Vào năm Minh Vĩnh Lạc thứ 22 (năm 1424), ông trúng tiến sĩ, được phong chức hành nhân ti phó, sau làm quan lên đến hình bộ thượng thư. Trải qua sáu triều Minh Thành Tổ, Minh Nhân Tông, Minh Tuyên Tông, Minh Anh Tông (Chính Thống), Minh Cảnh Đế, Minh Anh Tông (Thiên Thuận), ông một đời làm quan thanh liêm chính trực, có nhiều chính tích.

Vào thời nhà Minh, Hiên Nghê làm quan liêm khiết, thanh danh vang thiên hạ, ông cũng nổi danh ngang với Cảnh Cửu Trù, Minh sử viết: “Nói về quan liêm khiết phải nói về Hiên, Cảnh.” (phạm vi công cộng)

Một bộ y phục cũ phản ánh sự liêm trực của ông

Hiên Nghê ngay khi bước vào sự nghiệp sĩ đồ đã vang danh liêm chính. Vì chính tích đột xuất, Hiên Nghê từ hành nhân ti phó được thăng chức lên quan ngự sử, đến Hoài Thượng để thúc giục thu thuế ruộng. Vào mùa đông năm đó, Hiên Nghê đang ngồi thuyền thì bất cẩn bị ngã xuống nước, y phục bị ướt hết, nhưng trong hành lý của ông không có một bộ y phục nào để thay, khi đến địa phương, ông chỉ có thể cuốn một cái chăn quanh mình để tiếp kiến quan viên địa phương.

Các quan viên địa phương muốn may gấp y phục cho ông thay, nhưng ông từ chối, đợi đồ cũ khô rồi mặc lại, sự việc đó phản ánh tính liêm trực của ông. Kể từ đó, thanh danh của quan liêm Hiên Nghê đã được nhân thế truyền tụng rộng rãi.

“Cư quan giai liêm, nhất phương đại trị”

Vào năm thứ năm của Minh Anh Tông Chính Thống, Hiên Nghê, người có chính tích xuất sắc, được đề bạt làm án sát sứ Triết Giang, chủ quản an ninh, kiện tụng, tư pháp, kỷ cương, trạm dịch của một tỉnh. Triết Giang xưa nay là vùng đất giàu có, các quan viên đại bộ phận đều phô trương xa xỉ, chú trọng hình thức, chuyện so bì nhau đã thành lề thói. Hiên Nghê biết rõ việc ăn uống trong quan trường là đầu mối của trăm tệ nạn, nên sau khi nhậm chức, ông quyết tâm từ bỏ thói xa xỉ.

Ông lấy thân mình làm khuôn phép, nỗ lực thực hành, quanh năm bốn mùa đều mặc trường bào vải bố xanh đầy những mảnh vá. Thức ăn trong nhà đều là rau củ, đều do chính phu nhân tự tay làm, y như nhà người thường. Phu nhân cũng gánh nước, gánh củi, giặt giũ, nấu nướng chẳng khác gì một bộc nhân. Khi những người bạn cũ đến thăm, một đĩa đậu phụ hoặc thịt gà là món đãi khách quý.

Hiên Nghê ước định với thuộc cấp của mình: phải tự trả tiền cho bữa ăn tại nơi làm việc. Ba ngày mới ăn thịt một lần, thịt mua không được vượt quá một cân. Những quan lại trước đây đã quen ăn uống bằng công quỹ nên kêu khổ không ngớt, nhưng thấy bản thân Hiên Nghê không bao giờ vi phạm quy ước, do đó họ đành nhẫn nhịn.

Đồng thời, Hiên Nghê không bao giờ lai vãng với những người không có đạo đức, chán ghét lề thói ăn uống tiệc tùng. Một lần anh đến nhà một đồng liêu dự tiệc, nhìn thấy trên bàn đầy những món ăn thịnh soạn, trong tâm cảm thấy rất phản cảm. Ông biết những quan viên này tuy trên danh nghĩa là tư nhân đãi khách, nhưng chi phí bữa tiệc này khẳng định không thể chỉ dựa vào tiền lương, nên ông miễn cưỡng ngồi xuống ăn một chút, sau đó cố ý lấy tay che bụng rên rỉ, mọi người lo lắng hỏi chuyện gì vậy, ông nói: “Có tang vật ở đây!” Mọi người dở khóc dở cười, chủ nhân càng thêm xấu hổ.

Vì sự nghiêm túc của Hiên Nghê, nỗ lực cấm tuyệt ăn uống xa xỉ trong quan trường, lề thói so bì ăn uống ở Triết Giang đã cải thiện rất lớn. Những quan viên nghĩ muốn đến Triết Giang để kiếm tiền, biết không thể mua chuộc được Hiên Nghê, thường thường chỉ có thể đi vòng qua ông. “Minh sử” gọi Hiên Nghê là “Cư quan giai liêm, nhất phương đại trị”.

Hiên Nghê làm quan thanh chính liêm minh, mà chẳng quản việc gia đình. Vào năm Minh Anh Tông Thiên Thuận đầu tiên (năm 1457), khi ông rời Triết Giang vì được thăng chức lên hình bộ thượng thư, tất cả hành trang của ông chỉ chứa đầy một chiếc giỏ trúc. Mấy tháng sau, Hiên Nghê vì bị bệnh mà thượng thỉnh cầu cáo bệnh hồi hương. Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn triệu kiến ông và hỏi: “Triết Giang có vị quan thanh liêm, khi mãn kỳ rời đi, hành lý chỉ đựng trong một chiếc giỏ trúc, người đó là ngươi đúng không?” Hiên Nghê cúi đầu xưng dạ. Anh Tông khen thưởng ông và ban tặng bạc, rồi ân chuẩn thỉnh cầu của ông. (Tài liệu tham khảo: “Minh sử”)

Tác giả: Sở Thiên, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version