Mẹ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, ngày đêm chăm bẵm, dưỡng dục, chăm sóc con cái nên người. Cha cũng dốc cạn tâm sức che chở, lèo lái con thuyền gia đình trải qua biết bao sóng gió cuộc đời để con được trưởng thành trong sự bình yên, êm ấm. Từ phút con oa oa cất tiếng khóc chào đời đến khi cha mẹ khép chặt đôi mi, tạ từ thế gian cha mẹ mới thôi không vương vấn bận lòng về những đứa con thân yêu của mình.
Vậy nên, Đạo làm con có bảy điều nhất định phải ghi nhớ:
1. Thuận theo Thiên đạo làm con phải lấy chữ Hiếu làm đầu, con cái phải luôn ghi nhớ và tìm cách báo đáp công ơn dưỡng dục trời biển của cha mẹ. Con cái không hiếu thuận với cha mẹ thì trời đất cũng chẳng dung, phúc báo, bổng lộc cũng theo đó mà tiêu tan, tai ương hoạ hại thi nhau kéo tới. Ngược lại, thuận theo Thiên đạo thì được Trời ban phúc lành, gia đình hạnh phúc, con cháu đời đời hưng vượng.
2. Cha mẹ gọi phải thưa ngay đừng để cha mẹ lo lắng, suốt ruột khi không nhìn thấy con mình. Khi cha mẹ giận dữ cũng không được tỏ thái độ hằn học, vùng vằng hay cãi lại. Lúc này dẫu là con cũng nên nhẫn nhịn, đợi đến khi cha mẹ nguôi giận mới nhẹ nhàng phân giải đúng sai. Đừng bắt cha mẹ phải thay đổi thói quen sinh hoạt theo ý mình hay làm những việc cha mẹ không hứng thú. Hãy học cách tôn trọng và bao dung hơn với cha mẹ.
3. Hiếu thuận không chỉ thể hiện ở việc cung phụng vật chất hay chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu, ốm đau, bệnh tật. Ngay trong cuộc sống thường nhật, ngay khi cha mẹ còn khoẻ, con cái cũng cần thường xuyên quan tâm, vấn an sớm tối. Đừng vì công việc bận rộn hay chỉ biết chăm lo, vui vầy với gia đình nhỏ của riêng mình mà thờ ơ, lạnh nhạt, không quan tâm, hỏi han tới cuộc sống của cha mẹ. Khi gặp mặt cha mẹ cần giữ nét mặt hoà ái, tươi vui để cha mẹ an lòng.
4. Anh em phải biết chung sống thuận hoà và đỡ đần nhau lúc khó khăn hoạn nạn. Anh em như tay với chân, đều từ tinh cha huyết mẹ mà thành thân người, đều là khúc ruột của cha mẹ. Nếu giữa anh em xảy ra bất hoà, mâu thuẫn thì cha mẹ cũng chẳng thể ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc, lại thêm phần xấu hổ với hàng xóm, họ hàng. Chỉ khi con cái hoà thuận, yêu thương nhau cha mẹ mới được thảnh thơi cõi lòng.
5. Phải tu dưỡng bản thân làm một người nhân nghĩa, có ích cho xã hội. Khi ấy cha mẹ mới có thể tự hào, ngẩng cao đầu với bàn dân thiên hạ. Ở nhà hiếu kính với cha mẹ nhưng ra ngoài lại làm điều càn quấy, gây tổn hại đến người khác, thì những lời oán thán, quở quang đến tai cha mẹ sẽ khiến cha mẹ mất mặt và hổ thẹn với thiên hạ. Bởi lẽ từ xưa đã có câu “Con dại cái mang”.
6. Nếu phát hiện cha mẹ làm những việc không đúng với đạo lý, dẫu phận là con cũng không thể nhắm mắt làm ngơ để cha mẹ phạm phải điều xấu, điều ác mà bị báo ứng về sau. Lúc này con cái cũng cần nhẹ nhàng khuyên giải và tìm cách ngăn chặn những hành vi không tốt đó. Như vậy mới thực sự là hiếu thuận và tôn kính cha mẹ.
7. Phải luôn yêu thương và chăm sóc thật tốt cho bản thân để cha mẹ yên lòng, đừng để thân xác gầy mòn, ốm đau bệnh tật mà cha mẹ phải âu sầu, phiền muộn. Thân xác tuy là của bản thân nhưng lại cũng là một phần cơ thể cha mẹ, nên không được tuỳ tiện làm tổn hại tới cơ thể mình. Đặc biệt là trong cuộc sống, dẫu gặp phải trắc trở hay khổ nạn gì cũng không được nghĩ quẩn mà tìm đến cái chết. Bởi lẽ cha mẹ sẽ chẳng thể gánh chịu nổi nỗi đau xé lòng “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”. Nỗi đau ấy dẫu ngàn thu cũng chẳng thể nguôi ngoai.
Hãy luôn nhớ rằng nụ cười của con là niềm hạnh phúc vô bờ của cha mẹ, giọt nước mắt của con là nỗi đau day dứt cứa vào tâm can mẹ cha.
Hiểu Mai