“Hồng Lâu Mộng” là tác phẩm kinh điển của văn học Trung Hoa, ở đó các yếu tố văn hóa cổ đại được khắc họa trong từng nhân vật. Mỗi nhân vật là một câu chuyện, một tính cách, qua đó cho chúng ta thấy cách xử thế và đạo lý nhân sinh.
Lâm Đại Ngọc: Nhập gia tuỳ tục
Giả mẫu hỏi Đại Ngọc học sách gì, Đại Ngọc thưa: “Mới học tứ thư”. Đại Ngọc hỏi các chị em ở đây học sách gì, Giả mẫu nói: “Đã học được gì đâu, chẳng qua mới biết mặt mấy chữ”.
Bảo Ngọc chạy đến ngồi cạnh Đại Ngọc, ngắm nghía lần nữa, rồi hỏi: “Cô em đã học sách chưa?”. Đại Ngọc thưa: “Em chưa đọc sách, mới học một năm, biết mấy chữ thôi”.
Đạo xử thế: Ngoại cảnh là thiên biến vạn hoá, không thể lường trước điều gì. Vậy nên hãy học cách rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể dùng tâm thái chủ động mà thích ứng.
Vương Hy Phượng: Khéo léo linh hoạt
Hy Phượng cầm tay Đại Ngọc, nhìn kỹ một lúc rồi dắt Đại Ngọc đến cạnh Giả mẫu, cười nói: “Trong thiên hạ lại có người đẹp như thế này! Bây giờ cháu mới được thấy! Trông hình dáng con người, ai cũng cho là cháu nội của bà, chứ không phải là cháu ngoại. Chả trách ngày nào bà cũng nhắc đến, chỉ đáng thương là em tôi vất vả, sao cô tôi lại mất sớm thế!”. Nói xong lấy khăn lau nước mắt.
Đạo xử thế: Nói năng cũng là một nghệ thuật, có thể chúng ta không thích nói chuyện, nhưng phải học cách nói chuyện.
Tập Nhân: Người say ta tỉnh
Tập Nhân theo bờ ao đi ngắm cảnh một lượt, ngẩng đầu lên thấy dưới giàn nho bên kia có người cầm chổi đang vụt cái gì ở đấy, đến nơi hóa ra là già Chúc.
Già Chúc cười nói: “Các quả năm nay tuy bị hư hỏng một ít, nhưng rất ngon. Cô không tin, tôi ngắt một quả cô nếm thử xem”.
Tập Nhân nghiêm nghị nói: “Làm thế sao được, không những quả chưa chín không được ăn, mà dù có chín chăng nữa, thì chưa dâng quả lên bề trên chúng tôi lại ăn trước à. Bà hầu hạ ở trong phủ này đã lâu, chẳng lẽ lại không hiểu cái khuôn phép ấy hay sao?”.
Đạo xử thế: Trong xã hội, chúng ta nên hiểu rõ địa vị của bản thân mình sau đó mới biết bản thân mình nên làm gì và không nên làm gì.
Hồng Ngọc: Nắm bắt thời cơ
Phượng Thư ở bên kia sườn núi vẫy tay gọi, Hồng Ngọc vội vàng bỏ mọi người chạy đến, cười hỏi: “Mợ gọi cháu có việc gì?”.
Phượng Thư ngắm nghía một lúc, thấy Hồng Ngọc sạch sẽ nhanh nhẹn, ăn nói có duyên, liền cười hỏi: “Hôm nay bọn a hoàn của ta không đi theo hầu. Ta nhớ ra một việc, muốn sai mày đi, không biết mày có làm nổi không? Nói năng có được rành mạch không?”.
Hồng Ngọc thưa: “Mợ có việc gì xin cứ bảo, nếu cháu nói không rành mạch, làm hỏng việc, mợ cứ trách phạt”.
Đạo xử thế: Nhiều người cho rằng cơ hội là hiếm có khó tìm, chỉ những ai mang tâm thái sẵn sàng đón nhận mới có thể nhìn ra cơ hội ở mọi lúc mọi nơi.
Tiết Bảo Thoa: Vừa lòng tất cả
Dì Triệu thấy Bảo Thoa đem cho Giả Hoàn một ít đồ vật, rất mừng, nghĩ bụng: “Không trách người ta đều nói con Bảo tốt, biết ăn ở, cư xử rộng rãi. Giờ xem ra thì quả là đúng! Anh nó mang về có được bao nhiêu đồ đạc, thế mà nó đem cho từng nhà, không sót nơi nào. Nó cũng không tỏ ra khinh ai trọng ai. Ngay đến mình, thời vận hẩm hiu, nó cũng nghĩ đến”.
Đạo xử thế: Địa vị xã hội của mỗi người mỗi khác, không phải ai cũng như ai, nếu được thì hãy đối xử bình đẳng với mọi người, chớ nên bên trọng bên khinh.
Tuyết Nhạn: Tùy cơ ứng biến
Dì Triệu muốn viếng tang người anh em, có điều con hầu của bà lại không có lấy một chiếc áo đàng hoàng, mà nơi đến là lại nơi bẩn thỉu. Dì Triệu sợ nếu chẳng may làm bẩn áo mình, bèn hỏi mượn áo Tuyết Nhạn.
Tuyết Nhạn vội thưa: “Đồ của cháu đều là cô Lâm sai chị Tử Quyên cất giữ cho, đi lấy thật có chút bất tiện, một là phải hỏi chị Tử Quyên, còn phải thưa lại cô Lâm. Cháu thì không ngại phiền phức, chỉ là cô Lâm giờ đang nằm dưỡng bệnh, không muốn vì chút chuyện nhỏ này mà phiền cô Lâm nghỉ ngơi. Hơn nữa là cháu sợ rằng nếu đi đi về về như vậy, e sẽ làm lỡ chuyện quan trọng của bà mất!”.
Đạo xử thế: Trong cuộc sống, chuyện nhờ vả là khó tránh khỏi, nếu không giúp được thì cũng nên học cách khéo léo từ chối.
Bình Nhi: Không sai không lệch
Phượng Thư bệnh nặng, chuyện trông coi nhà cửa được giao lại cho Thám Xuân. Thám Xuân muốn đưa ra một số thay đổi, khiến cô hầu lâu năm của Phương Thư là Bình Nhi không khỏi khó xử: nếu phản đối thì đắc tội với Thám Xuân, còn như ủng hộ thì có lỗi với Phượng Thư.
Bảo Thoa chạy lại sờ vào mặt Bình Nhi, cười nói: “Chị há mồm ra cho tôi xem lưỡi răng chị thế nào? Từ sáng đến giờ, cứ mỗi việc chị lại nói một giọng, không nịnh hót cô Ba, cũng không nói là mợ chị vụng tính. Hễ cô Ba nói một câu, chị lại có một câu đỡ ngay. Cứ việc gì cô Ba nghĩ được, là mợ chị cũng đã nghĩ đến rồi, nhưng chỉ vì có một nhẽ riêng không thể làm được thôi”.
Đạo xử thế: Nếu muốn sinh tồn giữa hai tường vách chật hẹp, bí quyết chính là không đụng vào tường bên này, cũng không va phải vách bên kia, sau đó hướng đến nơi có ánh sáng mà sinh trưởng.
Chị Ba Vưu: Trước sau như một
Chị Ba đã biết ý, khi mời rót rượu không để cho chị phải nói, bèn rỏ nước mắt nói trước: “Bây giờ chị đã được chỗ tử tế yên thân, mẹ cũng đã có chỗ nương tựa, em cũng phải tự mình lo liệu lấy cuộc đời mới đúng lẽ. Nhưng việc này quan hệ suốt đời, từ lúc sống đến lúc chết, không phải trò đùa. Chị muốn em sửa chữa tính nết thì phải chọn một người như ý muốn, em mới lấy. Nếu để mẹ và chị chọn cho, dù là người giàu như Thạch Sùng, tài hơn Tử Kiến, đẹp sánh Phan An, em cũng không bằng lòng, đành bỏ qua một đời thôi”.
Đạo xử thế: Kinh Thi có câu: “Mị bất hữu sơ, tiển khắc hữu chung” (Ban đầu không tốt, hiếm mà có hậu), nghĩ cũng thật bi ai!
Già Lưu: Hồ đồ khó được
Uyên Ương và Vương Hy Phượng muốn Giả mẫu vui, liền cố tình trêu chọc già Lưu. Xong chuyện, khi Vương Hy Phượng và Uyên Ương xin lỗi. Già Lưu cười nói: “Cô nói gì thế? Chúng ta đều làm cho cụ vui lòng cả, có điều gì đáng giận? Trước cô dặn tôi, tôi cũng hiểu rồi, chẳng qua làm cho mọi người cùng vui đấy thôi. Nếu giận thì tôi đã chẳng nói”.
Đạo xử thế: Ngẫm kỹ ra, trên đời ngốc nghếch một chút cũng tốt. Sống đơn giản thì thanh thản, không so đo được mất thì nhẹ nhõm tâm thân, tự tại an nhiên.
Giả Bảo Ngọc: Một dạ chân thành
Bảo Ngọc lắc đầu thở dài: “Thôi em đừng giấu anh nữa. Nếu quả thực em không hiểu câu ấy, thì không những uổng cả tấm lòng của anh bấy lâu nay, mà phụ cả tấm lòng của em đối với anh nữa. Chỉ vì em không yên tâm, thành ra đau ốm luôn. Nếu em được khoan khoái một chút, thì bệnh đến nỗi nào ngày càng nặng như thế”.
Đại Ngọc nghe nói vậy, người choáng lên như sấm ran sét đánh, ngẫm nghĩ từng li từng tí, mới biết câu nói ấy rất thấm thía, hơn là moi tự trong gan trong ruột mình ra. Có hàng vạn câu muốn nói, nhưng không nói ra được nửa lời, chỉ cứ trừng trừng nhìn Bảo Ngọc.
Đạo xử thế: Trong tác phẩm “Người đánh cá”, Trang Tử viết: “Chân thành sẽ được trân trọng, không chân không thành, không thể làm người khác cảm động”. Trên thực tế, dù có hàng nghìn hàng vạn cách sống, thì cách đối nhân xử thế tốt nhất là chân thành, như thế mới có thể lay động lòng người. Tấm lòng chân thành xuất phát từ tận đáy lòng, thì khi giao tiếp có ai lại không cảm động?
Chân thật hay giả tạo, người ta có thể cảm nhận được, lúc đầu dù không nhận ra nhưng rất mau cũng sẽ biết được thật giả thế nào. Duy chỉ có chân thành mới có thể giúp tình cảm vượt qua mọi rào cản, lâu dài mãi mãi.