Lũ lụt ở miền nam Trung Quốc đang khiến 22 tỉnh với dân số 8,5 triệu người bị ảnh hưởng, 148 con sông có mức nước vượt ngưỡng báo động, làm người dân lo sợ việc vỡ đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử.
Sông Dương Tử được coi là Long mạch lớn nhất ở Trung Quốc. Một số bậc thầy phong thủy cho rằng, việc xây dựng con đập của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cắt đứt Long mạch dân tộc Trung Hoa và phá hủy phong thủy đất nước, gây ra thảm họa liên tiếp trong lưu vực Tam Hiệp. Khi bắt đầu xây dựng con đập, có điều kỳ lạ đã gây sốc cho công chúng, người quản đốc được Diêm Vương gọi rời khỏi hiện trường.
Người Trung Quốc cổ đại rất coi trọng phong thủy địa lý, sông Dương Tử luôn được coi Long mạch lớn nhất thế giới, đã mang lại trù phú và nuôi dưỡng dân tộc Trung Hoa hàng ngàn năm. Cửa phía Tây của đập Tam Hiệp giáp huyện Phụng Tiết, Trùng Khánh, cửa phía Đông giáp thành phố Nghi Xương tỉnh Hồ Bắc. Có ba hẻm núi lớn từ tây sang đông: hẻm núi Cù Đường (Qutang), hẻm núi Vu (Wu) và hẻm núi Tây Lăng (Xiling). Những ngọn núi cao hai bên của Tam Hiệp đối nhau, vách đá dốc đứng và đỉnh núi thường cao hơn 1.000 đến 1.500 mét so với mặt nước sông. Điểm thấp nhất là dưới 100 mét.
Các thầy phong thủy tin rằng việc xây dựng đập Tam Hiệp đã cắt đứt Long mạch dân tộc Trung Hoa. Một số lượng lớn trạm thủy điện đã chặn nguồn nước thượng nguồn và ngắt lưu thông giữa sông Dương Tử và sông Hoàng Hà, khiến dân tộc Trung Hoa phải đối mặt với nguy cơ sinh tồn chưa từng thấy.
Điều linh dị ở đập Tam Hiệp
Khi bắt đầu xây dựng đập Tam Hiệp, có tin đồn rằng có một con rắn đã bị chặn bên trong. Thật trùng hợp, một số người thực sự đã phát hiện thấy một con rắn trong Đập Tam Hiệp, điều này cũng đã được đưa tin. NTDTV cho biết, theo bài báo địa phương, có con rắn dài hơn một mét, thân có vằn sọc đã xuất hiện ở đập khiến người dân hoảng loạn. Một người đàn ông đã mạnh dạn dùng thanh gỗ khiêu khích nó, nhưng con rắn không tấn công người.
Trong dư luận lan truyền câu chuyện rằng khi xây dựng đập Tam Hiệp, một quản đốc nhà thầu đã có giấc mơ kỳ lạ. Anh ta mơ thấy một hôm mình ở trong cung điện của Diêm Vương. Phán quan nói với anh ta rằng nếu anh ta dám xả nước, thì sẽ giảm 150 năm dương thọ của anh ấy. Quản đốc sợ hãi vội báo cáo lãnh đạo.
Nhưng lãnh đạo thờ phụng chủ nghĩa vô Thần đã không tin điều này, sau đó liền đi thị sát, tối hôm đó đã mơ thấy mình bị Diêm Vương mời đi uống trà. Phán quan nói nếu là không thể tránh khỏi, thì mong ông có thể di dời tượng Phán quan và tượng Diêm Vương đến nơi khác, nếu không sẽ có báo ứng. Người lãnh đạo đồng ý, Phán quan liền chấm một điểm trên trán anh ta, nói rằng đó là bằng chứng.
Tuy nhiên sau đó, lãnh đạo này chỉ nghĩ là nằm mơ, cũng chẳng lưu tâm tới nữa. Sau này cả quản đốc và vị lãnh đạo kia đều bất ngờ tử vong. Khi ấy mọi người truyền nói, sau khi hai người qua đời, ở bên rìa làng buổi tối thỉnh thoảng có nghe âm thanh của tiếng xiềng xích va vào nhau, có người còn từng nhìn thấy một hàng bóng đen trong đêm.
Công trình Tam Hiệp đã phá hủy phong thủy Trung Quốc
Theo lý thuyết phong thủy, địa hình Trung Quốc cao ở phía Tây Bắc và thấp ở phía Đông Nam nên gọi là “Thiên khuynh tây bắc, địa hãm đông nam”.
Tra Tiên Thiên Bát Quái, Tây Bắc là Cấn, là núi Côn Lôn, thuộc về “Tổ Sơn”. Xét trên góc độ triết học truyền thống Trung Quốc Thiên địa nhân nhất khí, khí dưới mặt đất ngưng kết thành Long mạch, hình thành Sơn mạch và Thuỷ mạch. Do đó, Từ núi Côn Lôn, Trung Quốc có 3 “sơn long” và 2 “thuỷ long”. Long mạch thông, thì vận nước hưng thịnh. Long mạch không thông, thì vận nước sẽ bị ảnh hưởng.
Đại Vận Hà khai thông, 2 con “thuỷ long” Bắc Nam được thông nhau, thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển của nền kinh tế Trung Quốc lúc đó và hàng trăm năm sau. Đại Vận Hà thuận chiều mà chảy, nhưng công trình Tam Hiệp là trái với tự nhiên.
Theo quan điểm học thuyết địa chất của Kỳ môn phong thuỷ, phía Nam sông Dương Tử thuộc về Cảnh Môn, nằm trong dải đất vàng cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Do đó, Long mạch sông Dương Tử quan trọng hơn sông Hoàng Hà và cần được bảo vệ. Đến nay, sông Dương Tử bị chặn ngang lưng, phong thủy bị phá huỷ hoàn toàn, điều này không chỉ ảnh hưởng đến khí hậu tự nhiên và thiên văn, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.
Giới địa lý tin rằng sông Dương Tử là Long mạch lớn nhất của Trung Quốc. Nó mang lại trù phú và nuôi dưỡng dân tộc Trung Hoa. Giờ đây, những người được gọi là học giả, chuyên gia nhưng không hiểu biết gì về phong thủy đã thay đổi Long mạch lớn nhất của Trung Quốc và phá hủy phong thủy Trung Quốc.
Hiện nay, trên Google Maps, mọi người có thể nhìn thấy rõ Đập Tam Hiệp được xây dựng trên đầu rồng, trong khi đuôi rồng thì ở Tứ Xuyên.
Đập Tam Hiệp đã chặn ngang dòng chảy của sông Dương Tử, giống như cơ thể một người bị cắt đứt ngang lưng, hoặc một con rồng bị bức tường đè qua cơ thể và không thể cử động. Lúc đầu, sông núi còn hoà hợp, nay cân bằng âm dương đó đã bị làm hỏng.
Người xưa nói: “Thiên nhiên là bất khả chinh phục, con người chỉ có thể thích nghi và tận dụng”. Phong thuỷ Long mạch cũng không thể bị xáo trộn một cách tùy tiện, nếu không nó sẽ gây ra thảm họa cho nhân loại.
Những rắc rối vô tận sau khi xây dựng đập Tam Hiệp
Trước khi đập Tam Hiệp chưa được ra mắt, nhiều chuyên gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phản đối việc xây dựng đập Tam Hiệp.
Trong số đó, chuyên gia thuỷ lợi nổi tiếng Trung Quốc Hoàng Vạn Lý đã viết thư cho lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ vào thời điểm đó là Giang Trạch Dân và các quan chức cấp cao khác, chứng minh rằng Dự án Tam Hiệp không thể được đưa ra dựa trên khía cạnh địa chất, môi trường, sinh thái, quân sự.
Tuy nhiên, các chuyên gia dũng cảm này đã bị ĐCSTQ gạt bỏ và đàn áp, Dự án Tam Hiệp cuối cùng đã bị ép khởi động. Giang Trạch Dân, người đã đàn áp đẫm máu các sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989 và lên nắm quyền, đã nóng lòng thành lập liên minh với thủ tướng Lý Bằng, để củng cố vị trí của mình, thúc đẩy Dự án Tam Hiệp được thông qua tại Đại hội đại biểu Nhân dân.
Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu dự án Tam Hiệp, vấn đề về chất lượng liên tục được báo cáo. Trước khi hồ chứa Tam Hiệp được xây dựng vào năm 2003, đã tìm thấy trên bề mặt đập Tam Hiệp hơn 80 vết nứt. Từ năm 2008 đến 2012, tổng cộng có 401 nguy cơ địa chất mới trong khu vực hồ chứa Tam Hiệp.
Ở giữa và hạ lưu sông Dương Tử, khí hậu bất thường đã xảy ra từ năm này qua năm khác: những thảm họa như động đất, hạn hán, nhiệt độ cao, lũ lụt và hồ Bà Dương gần như cạn kiệt. Hàng triệu người trong khu vực Hồ chứa Tam Hiệp đã trở thành nhóm “ba thấp, ba không” (thu nhập thấp hơn mức trước khi di dời, thấp hơn mức độ của nông dân địa phương trong khu tái định cư, mức sống của gia đình thấp hơn mức nghèo của địa phương; không có quê hương, không có công việc, không có lối thoát). Đơn khiếu kiện mỗi năm là hơn 80.000, và liên tục không giảm.
Đập Tam Hiệp trở thành nỗi lo của ĐCSTQ
Sau khi hoàn thành, đập Tam Hiệp đã tạo thành một hồ chứa khổng lồ với chiều dài 600 km, điều này rất hiếm trên thế giới. Vào ngày 8/11/1997, mực nước của dòng sông đã tăng cao từ 10 lên đến 75 mét. Tháng 6/2003, sau khi hoàn thành giai đoạn thứ hai của dự án, mực nước đã được nâng lên 135 mét, và đền Trương Phi trong Khu vực danh lam thắng cảnh đã bị ngập lụt. Năm 2006, mức nước cao 156 mét, đền Quy Nguyên bị ngập. Năm 2009, sau khi hoàn thành toàn bộ dự án Tam Hiệp, mực nước đã nâng lên 175 mét.
Năm 2003, Lý Bằng đã xuất bản cuốn Nhật ký Tam Hiệp đẩy trách nhiệm cho Giang Trạch Dân. Ông nói: Sau năm 1989, tất cả các quyết định lớn về Dự án Tam Hiệp đều là do Giang Trạch Dân chủ trì quyết định.
Tại lễ kỷ niệm hoàn thành Dự án Tam Hiệp năm 2009, không có nhà lãnh đạo ĐCSTQ nào đến chúc mừng, điều này thật hiếm thấy.
Ngày 16/9/2013, Quân ủy Trung ương đã triển khai 4.600 binh sĩ để bảo vệ sự an toàn của Tam Hiệp, điều này đã tiết lộ những nguy hiểm tiềm ẩn của Dự án Tam Hiệp.
Sự thật về đập Tam Hiệp hôm nay là gì? Vào tháng 7 năm ngoái, nhà kinh doanh độc lập có tên dùng trên nền tảng mạng xã hội là “Lãnh Sơn thời bình” (bình luận thời sự Lãnh Sơn) đã từng sử dụng các phương pháp so sánh ảnh vệ tinh nói rằng, đập Tam Hiệp đã bị biến dạng và có thể bị vỡ. Ông cũng cảnh báo rằng một khi đập Tam Hiệp bị vỡ, một nửa Trung Quốc sẽ thành tro tàn, và ĐCSTQ cũng sẽ kết thúc.
这个日本專家對三峽大坝變形的实证分析已經說明問題了,坐等強国專家來批駁! pic.twitter.com/XhTFeJHxDn
— 冷山时评 (@lengshanshipin) July 7, 2019
Vào thời điểm đó, Nhật báo Nhân dân, Tân Hoa Xã và CCTV tuyên bố rằng không có biến dạng, nhưng sau đó các chuyên gia của Tập đoàn Tam Hiệp thừa nhận rằng đập Tam Hiệp đã bị dịch chuyển theo chiều ngang.
Đập Tam Hiệp đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội
Ngày 23/3 năm nay, “Lãnh Sơn thời bình” cũng đã phát hành một đoạn video trên Twitter nói rằng, khu vực rộng lớn ở thượng nguồn của đập Tam Hiệp bị lở đất. Sự xê dịch này có thể khiến đập Tam Hiệp hai năm tới sẽ bị vỡ. Vũ Hán sẽ phải chịu gánh nặng tai ương, tiếp đến Nam Kinh và Thượng Hải sẽ không tránh khỏi.
Giờ đây, khu thượng lưu và hạ lưu của đập Tam Hiệp đang có mưa lớn, “Lãnh Sơn thời bình” đã phát hành một video vào ngày 11/6 rằng đập Tam Hiệp không chỉ bị dịch chuyển theo chiều ngang mà còn dịch chuyển theo chiều dọc. Ngoài biến dạng, đập Tam Hiệp còn có hiện tượng nứt bê tông, tất cả đều là những mối nguy hiểm tiềm ẩn.
Thật đáng tiếc khi đập Tam Hiệp hiện tại đã trở thành khu vực kiểm soát quân sự của ĐCSTQ. Hơn nữa, đỉnh của đập Tam Hiệp và các điểm tham quan gần đó bị hạn chế, và không có cơ hội để xác minh thêm.
“Lãnh Sơn thời bình: nói rằng, “Vũ Hán đã đưa ra cảnh báo đỏ về mưa bão. Giữa tháng 6, mưa nhiều sẽ vẫn xảy ra ở giữa và hạ lưu sông Dương Tử, mưa lớn đỉnh điểm sẽ ập vào Vũ Hán, xả nước ở vùng hạ lưu của Tam Hiệp không đáng lo, nhưng xả nước ở thượng nguồn sẽ rắc rối hơn. Việc xả lũ đập Tam Hiệp lại gặp mưa lũ hạ lưu tạo thành một trận lũ toàn lưu vực. Tam Hiệp gặp phải thử nghiệm rồi”.
Chuyên gia thuỷ lợi Vương Duy Lạc cho biết, nếu đập Tam Hiệp bị vỡ, 700.000 người sống ở thành phố Nghi Xương dưới con đập sẽ chết. Ông cho rằng đập Tam Hiệp càng dỡ sớm càng tốt, phá dỡ nó cũng dễ thôi, nghĩa là, mở toàn bộ miệng cống, để nước tự lưu thông. Nhưng ĐCSTQ không muốn làm điều này. Vì nếu đập bị hủy bỏ, những thành tích trước đó cũng sẽ bị trôi theo.
Theo NTDTV
An Hòa biên dịch
Video: 11/12 dự đoán về đập Tam Hiệp đã ứng nghiệm, điều cuối cùng liệu có xảy ra?