Đại Kỷ Nguyên

Đâu là phương thuốc ngàn vàng chữa dứt ôn dịch?

Ảnh: Shutterstock.

Liệu có tồn tại phương thuốc ngàn vàng trong ôn dịch? Câu chuyện sau đây có thể giúp bạn làm sáng tỏ câu hỏi này, hoặc có thể giúp bạn khởi lên cảm hứng. 

Truyện kể rằng, có một đầu bếp trong cung sau khi cáo lão hồi hương, phú quý danh vọng đều đủ cả. Tuy nhiên, ông vẫn luôn cảm thấy buồn chán, vì không chịu được cảnh an nhàn. Thế là, ông thuê một vài người nhanh nhẹn, hoạt bát và mở một quán rượu. Chẳng bao lâu sau, quán rượu dần trở thành địa điểm mọi người trong làng tiêu khiển, có việc hay không có việc đều đến quán rượu tụ họp, không khí vô cùng náo nhiệt.

Về sau, vùng huyện phủ nơi thị trấn nhỏ này xảy ra một trận ôn dịch lớn. Nơi đây chỉ cách kinh thành có mấy trăm dặm, triều đình đã đặc phái ngự y đến để chữa trị, nhưng một thời gian lâu sau vẫn không tìm ra căn nguyên của bệnh và cho dù thử bao nhiêu thuốc đều không có hiệu quả.

Tình hình dịch bệnh càng ngày càng nghiêm trọng, nhìn thấy xung quanh từng người từng người một chết vì bệnh, ai nấy đều kinh hồn bạt vía. Dù là người giàu cũng không mua được thuốc, bởi căn bản không biết phương thuốc nào mới có thể trị được.

Một người hôm trước còn đang khoẻ mạnh, vậy mà chỉ hôm sau đã lăn đùng ra chết. Con phố phồn hoa náo nhiệt trước kia, giờ trở nên tiêu điều ảm đạm. Những người lang bạt, không nhà để về, thân mang bệnh nặng, đi chẳng được bao xa cũng tắt thở tuyệt mạng, thi thể nằm ngổn ngang la liệt trên khắp các con phố. Trong cơn kinh hoàng, mọi người đều than thở đời người sao mà vô thường như mộng ảo.

Lần này, các quan viên lớn nhỏ trong triều đều bất lực, những người chức cao quan lớn đều bàng hoàng lo sợ. Đối với họ vinh hoa phú quý, công danh lợi lộc lúc này không đáng một xu, có thể giữ được cái mạng mới là quan trọng nhất.

Trông thấy tình cảnh này, người đầu bếp già đã vội vàng đóng cửa quán rượu, đoạn tuyệt mọi liên hệ với thế giới bên ngoài, cả ngày trốn ở trong nhà. Nhưng cho dù căn nhà đã được đóng chốt kỹ lưỡng thế nào, bệnh dịch vẫn vượt qua tường đồng vách sắt mà tìm đến. Ông bắt đầu cảm thấy uể oải không chút sức lực, thỉnh thoảng co giật, chóng mặt nôn mửa và đi ngoài ra máu.

Cảm thấy ngày tháng của mình không còn dài, ông bước lên lầu cao, nhìn ngắm cảnh vật trong ngoài thành. Nhìn một hồi lâu, đột nhiên ông cảm thấy bi thương, xót xa vô cùng. Ông thở dài trong hàng nước mắt: “Hỡi ôi! Công danh nào có ích chi? Cả đời ta làm đầu bếp trong cung, danh khắp thiên hạ, cũng khó tránh khỏi dịch bệnh. Trong hoạ phúc khôn lường, ai có thể giữ được đây?”.

Sau đó, ông nghĩ: “Dù sao ta cũng là người sắp chết, vàng bạc lương thực quần áo đầy kho để làm gì? Chi bằng bố thí cho những gia đình nghèo khó bần hàn kia, để bọn họ được bữa ăn no mặc kín, cũng để không uổng một kiếp người, còn mặt mũi đi gặp tổ tông”. 

Con người khi có thể động chân niệm, thật là đáng trân quý.

Nghĩ ngợi như vậy, nỗi sợ hãi và khiếp đảm trong ông hoàn toàn biến mất. Thay vào đó, một luồng chính khí cuồn cuộn ngập tràn trong tâm, ông cảm thấy thân thể tràn trề sức sống. Ngay sau đó, ông mở cửa quán rượu, dặn dò những người làm hàng ngày hầm cháo nấu canh bố thí cho những người nghèo, cũng căn dặn người hầu mang những bộ quần áo trong kho đem cho những người quần áo rách rưới. Đối với những thi thể lạnh lẽo không mảnh chiếu đắp thân, ông cho người đem đi chôn cất cẩn thận.

Rất nhiều gia đình giàu có thấy ông làm vậy cũng lần lượt làm theo. Họ nghĩ: “Dù sao cũng cùng chết, thì chết làm sao cho có giá trị, có ý nghĩa một chút”. Dần dần, nỗi sợ ôn dịch trong mọi người cũng tan biến. Đường phố ảm đạm cũng dần dần có sinh khí trở lại.

Khắp đường lớn ngõ nhỏ, đâu đâu cũng đầy ắp tình người, mọi người quan tâm, chăm sóc, an ủi lẫn nhau, không còn cảnh đánh nhau, làm loạn, cả trấn đối xử với nhau mười phần lễ độ, lịch sự. Một tháng sau, người đầu bếp ngạc nhiên phát hiện, sức khoẻ của ông hồi phục từ khi nào, khí sắc cũng hồng hào như trước.

Một ngày nọ, người đầu bếp trong mộng nhìn thấy một đạo sĩ ngồi trên tiên hạc bay về phía ông, đến bên cạnh và cất lên bài kệ rằng:

– “Đại đức thiện hóa thiên kim phương, tế thế khởi dụng thảo dược thang? Thiên ngoại huyền công kim đan tố, quan nhữ đức chí cứu ngược ương”. (Tạm dịch: Thiện đức lớn hoá thành phương thuốc ngàn vàng, cứu thế nhân nào cần chi canh thuốc thảo dược? Công huyền diệu ngoài trời xa luyện thành kim đan, cảm phục đức hạnh đến cứu giúp tai ương). Hãy mau nhận lấy tiên đan!

Người đầu bếp vừa dang hai tay đỡ, liền giật mình bừng tỉnh. Nhìn thấy hai tay mình thực sự đang ôm một hộp tiên đan, ông vô cùng mừng rỡ, quay về hướng người đạo sĩ bay đến mà bái lạy.

Ngày hôm sau, ông làm theo chỉ dẫn trong hộp đan, sắc mấy nồi thuốc lớn, rồi phân phát cho bệnh nhân khắp nơi, hiệu quả quả nhiên thần kỳ, người bệnh trong chốc lát đã hồi phục sức khoẻ.

Ông đích thân đem phần đan dược còn lại tới hoàng cung. Nhờ đức hạnh của người đầu bếp, cuối cùng, ôn dịch hoành hành mấy tháng trời cũng bị dập tắt.

Sau khi nghe toàn bộ câu chuyện đã xảy ra, hoàng thượng thay rửa quần áo sạch sẽ, một mình trong tĩnh thất, sám hối những việc đã làm, sau đó thành kính viết lên mấy chữ lớn: “Đức hạnh – Phương thuốc ngàn vàng”.

Theo Minh Huệ Net

Video: Tổ tiên tích đức thay vận mệnh, con cháu vinh hoa lộc mãn đường

Exit mobile version