Đại Kỷ Nguyên

Đâu mới thực sự là thứ vũ khí nguy hiểm nhất của Gia Cát Lượng? (phần 2)

Gia Cát Lượng là bậc đại chí đại tài. Ông không chỉ nổi tiếng về tài thần cơ diệu toán, mà còn có  khả năng biện luận sắc sảo, ngôn từ có sức mạnh như ngàn vạn gươm đao. Khả năng “tâm lý chiến” của Gia Cát Lượng lưu truyền từ thời Tam Quốc đến ngày nay càng khiến hậu thế thêm khâm phục tài trí con người này. 

Gảy đàn chọc tức Chu Du

Để thực hiện âm mưu chiếm lại Kinh Châu, Chu Du chủ trương kế sách “mượn đường diệt Quắc”, sai Lỗ Túc sang Kinh Châu giả vờ bàn bạc kế sách với Lưu Bị. Theo đó, Chu Du sẽ vờ lên đường đi đánh lấy Tây Xuyên sau đó đổi Tây Xuyên lấy Kinh Châu cho Lưu Bị. Tiếng là đi lấy Tây Xuyên nhưng Chu Du sẽ vờ đi qua Kinh Châu rồi bất ngờ đánh úp. Mượn đường diệt Quắc, lợi dụng hòa hoãn địch để rồi quay lại tấn công bằng lợi thế do chính địch tạo ra cho mình, xuất phát từ điển cố:

Năm 658 TCN – Thời Xuân Thu, Tấn Hiến công (vị quân chủ thứ 29 nước Tần – chư hầu nhà Chu) quyết định phát động chiến dịch đánh nước Quắc. Tuy nhiên nước Quắc và nước Ngu là láng giềng, thường cứu trợ lẫn nhau. Theo kế của Tuân Tức (tướng quốc nước Tấn), vua Tấn sai người lấy ngựa tốt và xe đẹp tặng Ngu công (vua nước Ngu) để mượn đường đánh nước Quắc. Ngu công bằng lòng cho Tấn mượn đường đánh Quắc và cam kết sẽ không cứu viện cho nước Quắc nữa. Tấn Hiến công mang quân đánh Quắc, chiếm đất Dương Hạ.

Vua Ngu vì trúng kế của vua Tấn nên đã mất nước. (Ảnh: Internet)

Năm 654 TCN, Tấn lại mượn đường nước Ngu để đánh Quắc lần thứ hai. Đại phu nước Ngu là Cung Chi Kỳ khuyên vua Ngu không nên đồng ý mà nên liên minh với Quắc vì hai nước ở địa thế che chở cho nhau; nếu cho mượn đường thì Tấn sẽ diệt cả Ngu sau khi diệt Quắc. Tuy nhiên Ngu công không nghe, Cung Chi Kỳ bèn bỏ đi. Kết quả quân Tấn kéo sang đánh, nước Quắc yếu không chống nổi, lại không có cứu viện của nước Ngu nên bị tiêu diệt.

Sau khi diệt Quắc, Tấn Hiến công mang quân quay lại đánh úp nước Ngu, diệt nốt nước Ngu, bắt sống Ngu công. Nước Ngu truyền từ Ngu Trọng được Chu Vũ vương phong tới đó chấm dứt. Việc mượn đường Ngu diệt Quắc của Tấn Hiến công được đời sau gọi là “Giả đạo phạt Quắc” – một trong 36 kế sách lược của quân sự Trung Quốc cổ đại.

Nhưng kế sách này đã sớm bị Gia Cát Lượng dễ dàng đoán ra. Ông bày kế cho Lưu Bị, giả bộ đồng ý với Lỗ Túc rồi chuẩn bị hành động theo sắp đặt của mình. Khi quân Chu Du đến, yêu cầu mở thành, thì tướng giữ thành Kinh Châu, Triệu Tử Long theo dặn dò của Gia Cát Lượng nói rằng kế sách “mượn đường để diệt nước Quắc” đã bị Gia Cát Lượng biết trước. Tiếp theo, Triệu Tử Long cho tấu khúc nhạc “đắc thắng trở về” và cho quân hô: “Bắt sống Chu Du!” liên tục. Chu Du tức tối, điên tiết, vết thương cũ bị vỡ ra và ngã ngựa.

Chu Du không ngờ kế hoạch của mình lại bị bại lộ từ trong trứng nước như vậy, lại càng không ngờ là Gia Cát Lượng lại bày kế phản lại mình một cách đau đớn như thế này. Triệu Tử Long đứng cười Chu Du trên cổng thành Kinh Châu.

Quân Ngô rút quân, khi đến ven núi, thì nghe thấy Gia Cát Lượng tấu “Trường Hà Ngâm” mà Chu Du sáng tác. Gia Cát Lượng hết lời khen ngợi sự tinh tế, chí lớn và sự tài hoa của tác giả khúc nhạc, khuyên Chu Du không nên đòi Kinh Châu mà nên hợp tác để diệt giặc Tào. Chu Du không nghe và nói rằng: “Hôm nay ta bất chấp sinh tử quyết một trận sống mái với ngươi đây.

Quân sĩ Thục lại hô to nhiều lần: “Bắt sống Chu Du!”, “Bắt sống Chu Du!”, các đại tướng quân Thục: Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung… đồng loạt từ 4 phía ùa đến. Chu Du uất ức không chịu được, vết thương cũ tiếp tục bị vỡ ra, rồi ngất trên cáng. Gia Cát Lượng phe phẩy quạt lông vũ, rồi phẩy tay cho quân rẽ ra để đội quân của Đông Ngô an toàn trở về, không chém giết hay truy kích gì. Sau đó không lâu khi trở về Đông Ngô, Chu Du đã không qua khỏi và qua đời.

Việc Gia Cát Lượng bày mưu tính kế một cách rất ôn hoà, chỉ tấu 2 khúc nhạc mà phá hỏng kế sách tưởng vẹn toàn, hiểm độc của Chu Du. Trước sự tỉnh táo và điềm nhiên lạ thường của Gia Cát Lượng, Chu Du thực sự hốt hoảng, bệnh cũ nhân đó mà tái phát nặng nề hơn, đành ngậm đắng nuốt cay mà ra về công cốc.

Chu Du 2 lần tức ngất trong lần sang Kinh Châu lần này, Gia Cát Lượng thì đã đối xử ‘rất nhẹ nhàng’ với vị tướng cứng đầu như thế này rồi, không còn cách nào khác.

Gia Cát Lượng đã hành xử khôn khéo. Nếu động binh giết Chu Du thì 2 nước Thục – Ngô sẽ trở mặt thành thù, từ đó thế liên minh Tôn – Lưu thất bại, quân Tào Nguỵ sẽ lợi dụng diệt dần từng nước. Tại sao không “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân để thay cường bạo”? Đó mới chính là cao kiến vậy! Chỉ cần dùng nghệ thuật tâm lý chiến, đánh thẳng vào tâm lý của đại tướng đối thủ, khiến đối thủ mất đi tinh thần, tự chuốc lấy bại vong cho thấy các dùng binh và cảnh giới tư tưởng của Gia Cát Lượng quả thật đã vượt Chu Du rất xa.

Tào Chân chết chỉ vì “một bức thư”

Đến năm Kiến Hưng thứ bảy nhà Thục Hán, Gia Cát Lượng lại đem quân ra Kỳ Sơn, tiến vào bờ cõi nước Nguỵ. Lần này, vua Nguỵ cử Tào Chân làm đại đô đốc, Tư Mã Ý làm phó đô đốc, đem quân chống nhau với quân Thục. Gia Cát Lượng dùng mưu đánh cho Tào Chân thua một trận liểng xiểng. Sau nhờ có Tư Mã Ý đem quân đến cứu kịp thời, Tào Chân mới toàn mạng nhưng uất quá mà thành bệnh.

Tào Chân suýt mất mạng trong đám loạn binh nếu không nhờ Trọng Đạt đến cứu, quả thật là Trọng Đạt dụng binh vô cùng cẩn trọng, rất đáng làm đối thủ với Gia Cát Lượng.

Sau khi dò biết được Tào Chân đang lâm bệnh nặng, Gia Cát Lượng liền nảy ra một kế, dùng đòn tâm lý để hạ địch. Ông viết một phong thư sai quân mang sang trại Nguỵ đưa cho Tào Chân. Tào Chân gượng dậy mở thư ra xem, thấy viết:

Biết lo biết lưỡng
Biết lui biết tới
Biết nhược biết cường
Vững vàng như núi đá
Biết hóa như âm dương
To tát như trời đất
Đầy đủ như kho tàng
Rộng mênh mang như bốn bể
Sáng vằng vặc như tam quang

Thuộc địa lý, chỗ hiễm chỗ thường
Thế trận khó dễ cần phải hiểu
Tài giặc hay dở cần phải tường
Than ôi!
Bọn bây hậu bối
Trái lẽ khung thương
Giúp quân phản tặc
Chiếm hiệu đế vương
Đem quân thừa ra Tà Cốc
Gặp mưa dầm ở Trần Thương

Quân mã cuống cuồng
Cờ giáp quăng ra đầy nội
Gươm giáo bỏ lại khắp đường
Đô đốc hãi hùng như chó chạy
Tướng quân lẩn núp tựa chuột hang
Mặt nào còn trông thấy phụ lão?
Mặt nào còn vào nơi sảnh đường?
Vết xấu ghi vào sử sách
Tiếng tăm truyền để bẽ bàng
Trọng Đạt trông thấy trận đã hết vía

Tướng ta như rồng như hổ
Quân ta vừa thịnh vừa cường
Quét Tần Xuyên làm nơi đất phẳng
Đạp nước Ngụy làm gò bỏ hoang

Trong thư, Gia Cát Lượng cười nhạo Tào Chân là đồ vô học, không biết dùng binh, liên tiếp thất bại thảm hại, còn mặt mũi nào gặp lại dân chúng Quan Đông, còn mặt mũi nào thăng đường nghị sự? Tào Chân xem xong, uất ức ngất xỉu, ngay đêm đó tắt thở trong trướng.

Tào Chân đã không thể ngờ là chỉ vì một bức thư mà mình lại mất mạng nhanh đến thế!

Chỉ là một bức thư nhưng từng chữ từng chữ sắc bén tựa gươm đao, đâm vào tâm can đối phương, quả là lợi hại lắm thay. Muốn thực hiện được kế này thì kẻ địch nhất định phải đang bị nội thương, thể trạng yếu mệt, sức đề kháng về cả tinh thần lẫn thể xác đều giảm mạnh, giống như một ngọn đèn trước gió, chỉ cần một cơn gió đủ mạnh thổi đến, cũng có thể khiến cho đèn tắt.

Giả ma giả quỷ, gặt hết lúa mỳ, doạ Trọng Đạt thất kinh

Năm Kiến Hưng thứ 9, mùa xuân tháng hai, Khổng Minh lại dẫn 10 vạn đại quân ra đánh Ngụy. Bấy giờ là năm Ngụy Thái Hòa thứ năm. Ngụy chủ Tào Tuấn nghe tin liền cho Tư Mã Ý đi phá địch. Biết trước đại quân của Gia Cát Lượng sẽ gặp vấn đề quân nhu khi tiến sâu vào lãnh thổ quân Nguỵ, Tư Mã Ý một mặt cho Trương Cáp ra dựng trại giữ Kỳ Sơn, một mặt đích thân kéo 10 vạn quân ra Lũng Tây, nơi có rất nhiều lúa mỳ đã đến độ thu hoạch, nhằm kiểm soát khu vực này, không cho Khổng Minh có cơ hội lấy quân nhu ở đây.

Lại một lần nữa Trọng Đạt đã tính toán ra được vấn đề quân nhu của Gia Cát Lượng, và đã đi trước ông một bước.

Quả nhiên, Lý Nghiêm ở Tứ Xuyên vận lương không kịp, nên Gia Cát Lượng bèn sai Vương Bình, Trương Ngực, Ngô Ban, Ngô Ý bốn tướng ở lại giữ Kỳ Sơn. Bản thân dẫn Ngụy Diên, Khương Duy và các tướng đến Lỗ Thành, tất cả hơn 3 vạn. Quan thái thú quận này vốn biết tiếng Khổng Minh, vội vàng mở cửa ra hàng. Đúng lúc này thám quân về báo, Tư Mã Ý đã dẫn 10 vạn đại quân tới Lũng Thượng rồi. Khổng Minh thấy thế, bèn lấy bản đồ khu vực này ra xem, rồi hỏi Thái Thú về một vị trí có tên là “Bãi cây ma”, thì được biết, chỗ đó chẳng hề có ma, nhưng mà khí vẩn u uất, tiếng gió rít nghe rất rợn người, nghe như ma như quỷ. Thấy vậy Khổng Minh bèn cười nói: “Trời cho ta thành công đây“.

Khổng Minh lập tức tắm gội, thay áo rồi sai đem ra ba cỗ xe bốn bánh, trang sức giống y như nhau, xe này chế sẵn ở Thục mang đi. Khi ấy Khổng Minh sai Khương Duy dẫn một nghìn quân hộ xe, năm trăm quân đánh trống, phục sẵn mé sau Thượng Nhai. Sai Mã Đại, Ngụy Diên, mỗi người dẫn một nghìn quân hộ xe, năm trăm quân đánh trống, phục sẵn hai mặt tả hữu. Mỗi mặt có một cái xe, dùng 24 người, mặc áo thâm, đi chân không, xõa tóc, chống gươm, tay cầm cờ phướng thất tinh đen, xúm quanh đẩy xe. Ba tướng nhận lệnh, dẫn quân đẩy xe đi.

Khổng Minh sai 3 vạn quân mang sẵn liềm hái, thừng chạc, chực rình gặt lúa, lại sai 24 tên lính tráng, đều mặc áo thâm, xõa tóc đi chân không, cầm gươm đẩy một cỗ xe bốn bánh, sai Quan Hưng ăn mặc đóng vai thiên bồng, tay cầm ngọn phướng thâm, vẽ thất tinh, đi trước xe. Khổng Minh ngồi chĩnh chện trên xe, nhằm trại Ngụy kéo đến. Quân đi tiểu trông thấy cả kinh, không biết người, hay là quỷ, vội vã về báo với Tư Mã Ý.

Một đám người chẳng ra người, quỷ chẳng ra quỷ, nhảy múa tùm lum trước trại, Ý tức mình sai quân ra bắt hết lại.

Ý ra trại nhìn xem, thấy Khổng Minh đội mũ trâm hoa, mặc áo cánh hạc, tay cầm quạt lông, ngồi trên xe bốn bánh. Tả hửu có 24 người tóc tai rũ rượi, tay cầm thanh kiếm. Trước mặt có một người mang phướng thâm, hình như thần tướng trên trời. Ý nói: “Đây là Khổng Minh bày trò quỷ quái đây!” Bèn gọi hai nghìn quân mã đến dặn rằng: “Chúng mày chạy cho mau, bắt cho kỳ hết lại đây.

Quân Ngụy vâng lệnh, ra đuổi theo. Khổng Minh thấy quân Ngụy kéo đến, sai quay xe thong thả đi về trại Thục. Quân Ngụy quay ngựa cố sức đuổi, chỉ thấy gió lạnh gai gai, mây đen mờ mịt, đuổi hàng thôi đường mà vẫn không kịp. Quân Ngụy lấy làm lạ, dừng ngựa lại bảo nhau rằng: “Quái lạ thay! Chúng ta đuổi miết một hồi, tới ba chục dặm đường mà vẫn thấy lù lù ở trước mặt, không sao kịp, chẳng biết Tư Mã Ý duyên cớ làm sao?

Cứ thế, mỗi lần thúc quân đuổi thêm mấy chục dặm đường đều thấy mãi mà không đuổi kịp, không hiểu chuyện gì. Lúc này Ý kéo binh đến hỏi thì tướng thuật lại y như vậy. Rồi gió lại rít, các tiếng rợn người, khói bay mịt trời, nửa mờ nửa tỏ, đang loay hoay không biết nên tiến tiếp hay nên về thì bỗng nghe thấy, ở mé tả trống trận nổi vang, một toán quân đổ ra. Ý kịp sai quân chống cự, thì thấy trong đội quân Thục, có 24 người, xõa tóc đi chân không, áo đen phướng thâm, xúm xít đẩy một cổ xe. Trên xe Khổng Minh mũ thâm, áo bạc ngồi chễm chệ, tay cầm quạt lông phe phẩy.

Không gian thì ma quái, người ngợm thì xuất quỷ nhập thần, hư hư ảo ảo, không hiểu mình đang phải đuổi theo cái gì luôn.

Ý thất kinh nói: “Vừa mới đàng kia có Khổng Minh ngồi xe, đuổi năm chục dặm không kịp, sao ở đây lại có Khổng Minh? Lạ quá! Lạ quá!“. Nói chưa dứt lời, ở mé hữu lại thấy trống đánh om sòm, một toán quân xô đến, trong bọn này cũng có Khổng Minh ngồi xe bốn bánh, tả hữu 24 người đi hộ vệ, y như đám trước. Ý ngờ vực lắm, quay lại bảo các tướng rằng: “Đây chắc là thần binh rồi.

Quân Ngụy bấy giờ đã xôn xao, không dám đánh nhau, tìm đường tháo chạy. Bỗng lại thấy trống đánh vang lừng, một đội quân kéo ra, cũng có Khổng Minh ngồi xe, hình dạng y như các đám trước. Quân Ngụy kinh hãi vô cùng. Tư Mã Ý không biết là người hay quỷ, và quân Thục nhiều ít thế nào, sợ hết hồn hết vía, dẫn quân chạy miết về Thượng Nhai, đóng chặt cửa thành, không dám ra nữa. Bấy giờ Khổng Minh mới sai 3 vạn quân cắt hết lúa mạch ở Lũng Thượng, vận về Lỗ Thành, đập thóc ra phơi.

Toàn bộ số lúa ở Lũng Tây đã được gặt hết, Gia Cát Lượng vui vẻ nhìn kết quả.

Tư Mã Ý ở trong thành Thượng Nhai, ba ngày không dám ra ngoài. Về sau thấy quân Thục rút hết, mới dám sai quân đi tuần tiễu. Quân tiễu bắt được quân Thục ở dọc đường đem về nộp Tư Mã Ý, nó kể lại sự tình Ý mới ngã ngửa đập bàn khóc: “Khổng Minh thực có tài xuất quỷ nhập thần“.

Ánh Trăng

Hữu Bằng hiệu đính

Xem thêm:

 

Exit mobile version