Đậu Vũ Quân sinh ra ở U Châu (nay là khu Kế Châu, thành Thiên Tân) trong thời kỳ Ngũ Đại hậu Tấn. Vì U Châu còn được gọi là phủ Yên Sơn, nên ông còn được gọi là Đậu Yến Sơn, làm quan đến tả gián nghị đại phu. Ông nguyên trong mệnh là đoản mạng không con, sau khi tích đức hành thiện đã cải biến vận mệnh, không chỉ có 5 người con khoa cử đỗ đạt, mà còn được hưởng trường thọ đa phúc. Phạm Trọng Yêm, một đại thần nổi tiếng thời Bắc Tống, trong cuốn “Đậu gián nghị lục”, đã ghi chép lại những sự tích của Đậu Yên Sơn, hy vọng thế nhân hiểu được đạo lý, rằng những người hành thiện hành nghĩa cuối cùng sẽ có được thiện báo.

Điểm hóa trong mộng

Đậu Vũ Quân gia cảnh khá giả, nhưng ông đã ngoài ba mươi mà không có con. Một đêm nọ, ông mơ thấy tổ tiên và người cha quá cố của mình nói với ông: “Con trong mệnh không con, mà thọ mệnh cũng rất đoản, cần phải sớm tu hành!” Đậu Vũ Quân từ đó tuân tòng giáo huấn, nhất tâm hành thiện.

Hành thiện sự

Đậu Vũ Quân thường cư xử rất có phong phạm của một trưởng giả. Trước đó, một người hầu trong nhà đã chiếm dụng hai trăm nghìn tiền của nhà ông, người hầu này rất lo lắng rằng nếu sự việc lộ ra sẽ bị trừng phạt, nên đã viết một tờ khế ước, buộc vào cánh tay của đứa con gái 12, 13 tuổi của mình, trong đó viết: “Bán con gái mãi mãi để trả nợ”, sau đó liền cao chạy xa bay. Đậu Vũ Quân nhìn thấy trên tay bé gái treo một khế ước, đã lập tức tháo và đốt ngay, đưa bé gái vào nhà, nói với vợ mình: “Nàng hãy dưỡng dục tốt bé gái này, đợi đến khi bé trưởng thành, tìm được người nhà tốt thì cho đi lấy chồng.” Sau khi bé gái thành niên, Đậu Vũ Quân chuẩn bị của hồi môn hậu hĩnh, chọn cho cô gái một cuộc hôn nhân tốt. Cha mẹ của cô gái nghe thấy việc này, vô cùng cảm động, lập tức trở về khóc lóc sám hối với chủ nhân về tội ăn trộm tiền của mình, nào ngờ Đậu Vũ Quân không hề truy vấn. Hai cha con họ tìm người vẽ tranh chân dung của Đậu Ngọc Vũ, sớm tối cung dưỡng, mỗi ngày từ sáng sớm đều chúc thọ ông sống lâu trăm tuổi.

Một năm nọ, vào đêm tết Nguyên Tiêu, Đậu Vũ Quân đến chùa Diên Khánh để thắp hương kính Phật. Khi đi vòng ra phía sau điện, ông nhìn thấy một chiếc túi ở bên cạnh bậc thang của điện sau, trong đó có hai trăm lượng bạc, ba trăm lượng vàng. Ngày hôm sau, trước bình minh, ông vội vã đến chùa chờ chủ nhân bị mất đồ đến. Không lâu sau, từ xa đã thấy một người cúi đầu lau nước mắt, đi về phía sau điện. Đậu Vũ Quân tiến lên hỏi, người kia thành thực báo cáo: “Cha tôi phạm đại tội, bị kết án tử hình. Tôi đến từng người thân thích của mình mới gom góp được chút tiền bút, chuẩn bị mang số tiền bút này đi chuộc tội cho cha. Nào ngờ, tối qua một người bạn thân đã chuẩn bị rượu thịt mời tụ hội, hai người uống đến say khướt, hôn đầu trướng não, đánh mất số tiền kia mà không hề hay biết, cũng không rõ là đánh rơi mất ở đâu. Hiện tại tội của cha tôi đã không thể chuộc lại nữa rồi!” Sau khi tra hỏi kỹ lưỡng, Đậu Vũ Quân xác nhận người đàn ông này chính là chủ nhân của số vàng bạc đó, ông đã trả lại toàn bộ tài vật cho anh ta sau khi nói vài lời an ủi.

Trong số họ hàng và gia đình bên vợ của Đậu Vũ Quân, rất nhiều người phải sống trong cảnh nghèo khó. Nếu trong nhà có tang sự mà họ không thể tự lo liệu được, Đậu Vũ Quân sẽ bỏ tiền túi ra lo chi phí mai táng. Đậu Vũ Quân đã chôn cất 27 người như thế. Trong số họ hàng và bạn bè cũ có những đứa trẻ mồ côi, có một cô gái không thể lấy chồng vì nghèo khổ, ông đã chuẩn bị của hồi môn cho cô. Có tổng cộng 28 đứa trẻ mồ côi trưởng thành được kết hôn nhờ sự giúp đỡ của Đậu Vũ Quân. Bất kể là người quen cũ, hay người không có quan hệ thân thiết với mình, khi họ gặp khó khăn về tài chính, Đậu Vũ Quân sẽ đều ra tay tương trợ, từ mỗi gia đình, ông chọn ra một đứa con có khả năng quản lý tiền bạc, căn cứ vào tình huống kinh tế khó khăn của gia đình, ông sẽ cho họ số lượng vàng và lụa khác nhau để tự kinh doanh, duy trì sinh kế của cả nhà. Số gia đình được Đậu Vũ Quân giúp đỡ duy trì sinh kế có tới vài trăm hộ. Về phần những nhân sĩ hiền đức quanh ông dựa vào ông để duy trì cuộc sống thì vô số kể.  

Đậu Vũ Quân đo lường thu nhập hàng năm của mình, ngoại trừ việc cúng tế và các chi phí sinh hoạt cần thiết, phần còn lại đều được dùng để giúp đỡ mọi người trong trường hợp khẩn cấp. Đậu Vũ Quân tuy là quan trong triều đình, nhưng trong nhà không có vàng bạc ngọc quý, vợ ông không mặc váy áo lộng lẫy, gia phong chất phác giản dị. Ông cũng xây dựng một thư viện ở phía nam ngôi nhà của mình, có tổng cộng bốn mươi phòng, mua hàng ngàn cuốn sách và thuê những học giả có văn tài và đức hành cao thượng làm thầy dạy học sinh. Có học sinh có tâm hướng học nhưng gia cảnh bần khốn, bất luận là có quen biết hay không, Đậu Vũ Quân sẽ hỗ trợ tài chính cho họ. Các sĩ tử được Đậu Vũ Quân giúp đỡ mà vinh đăng hiển quý lần lượt đến bái tạ. Khi Đậu Vũ Quân qua đời, một số đệ tử của ông cảm thấy bản thân mang ơn ông sâu nặng, thậm chí đã để “tâm tang” ba năm để báo đáp đại ân đại đức của Đậu Vũ Quân.

Trong mộng gặp lại tiên tổ

Sau khi Đậu Vũ Quân nỗ lực hành thiện suốt mười năm, ông trong mộng được gặp lại ông nội và người cha quá cố, nói với ông: “Con trong mệnh nguyên bản là không con đoản mạng. Mấy năm qua, Thượng Thiên vì con hành thiện tích được âm đức, đã tăng tuổi thọ của con lên thêm 36 năm, lại ban cho con 5 người con trai, mỗi người trong số họ đều địa vị vinh cư hiển quý, và con sẽ phúc thọ câu toàn, sau khi chết có thể thăng thiên.”

Còn dặn đi dặn lại Đậu Vũ Quân: “Đạo lý nhân quả báo ứng không phải là hư ngụy, hoặc được báo ở kiếp này, hoặc được báo ở kiếp sau. Lưới Trời tuy thưa, nhưng khó mà lọt được, không nghi ngờ gì về điều đó.” Từ đó về sau, Đậu Vũ Quân càng tích đức hành thiện gia tăng nỗ lực. 

Đậu Vũ Quân sau này sinh được 5 người con trai: Nghi, Nghiễm, Khản, Xưng và Hi. Dưới sự giáo dưỡng bằng chính thân mình của Đậu Vũ Quân, năm người con trai mỗi ngày được tai nghe mắt thấy, ngày càng trở nên thấu tỏ. Người đời sau nếu muốn khen ngợi ai đó dạy dỗ con tốt, tất nhiên sẽ nhắc đến Đậu Vũ Quân. Nghi phong gia pháp của ông đã trở thành hình mẫu đương thời. 

Con trai cả Đậu Nghi của Đậu Vũ Quân làm quan đến Lễ bộ thượng thư, con trai thứ Đậu Nghiễm làm quan đến Lễ bộ thị lang, hai người đều là học sĩ Hàn lâm viện. Đậu Khản làm tả bổ khuyết đại phu, Đậu Xưng làm tả gián nghị đại phu, tham tri chính sự, Đậu Hi làm khởi cư lang. Cả năm người con trai đều là tiến sĩ đăng đệ.

Ở tuổi 82, Đậu Vũ Quân biết thời gian của mình đã đến, ông gội đầu rửa mình cáo biệt thân tích, nói cười vui vẻ mà qua đời, năm người con trai, tám người cháu trai đều phú quý vinh hiển trong triều đình. 

Phùng Đạo thời kỳ Ngũ Đại đã viết một bài thơ ca ngợi Đậu Vũ Quân: “Yến Sơn đậu thập lang, giáo tử dĩ nghĩa phương. Linh xuân nhất chu lão, tiên quế ngũ chi phương.” Ý tứ là nói, Đậu Yến Sơn dùng nghĩa để dạy con, một gốc cây linh xuân nảy ra năm cành quế tiên, mọi người đều truyền tụng.

Tổ tiên của Phạm Trọng Yêm và Đậu Vũ Quân là bạn cũ. Tổ tiên từng ghi lại những việc làm của Đậu Vũ Quân vào sách để giáo huấn cho con cháu những pháp tắc làm người. Phạm Trọng Yêm sau đó đã mô tả thêm, với hy vọng nó có thể được quảng truyền trong thiên hạ, nói với thiên hạ rằng đạo lý thiện ác hữu báo là chân thực, cũng khiến cho ác nhân biết rằng họ nên trừ bỏ những ác niệm ác hành!

Nguồn: “Phạm văn chính công văn tập – Đậu gián nghị lục”

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch