Điều đáng sợ nhất trong hôn nhân không phải là xung đột, mà là chán ngán vì không còn tình cảm với nhau…
Tôi có cậu bạn thân, mỗi khi tan ca thường mời tôi ở lai cùng trò chuyện. Tôi hỏi cậu ta vì sao không về, cậu ta nói: “Tôi thà tăng ca ở công ty còn hơn về nhà sớm. Về nhà rồi, lại không có gì để nói với vợ, hai người cứ mắt nhắm mắt mở, cảm thấy ngày tháng cứ như đã đến ngõ cụt rồi vậy”.
Điều đáng sợ nhất trong tình cảm không phải là kẻ thứ ba phá hoại, mà là muốn cư xử thật tốt với đối phương, nhưng có làm thế nào cũng không khởi tinh thần lên được.
Trước đây, mỗi lần đi ngủ hai người đều ân ân ái ái, mỗi người chỉ chiếm nửa chiếc giường. Về sau lại là cảnh mỗi người một góc, mặt quay hai hướng, phần giữa chiếc giường trống đến cả một nửa.
Nếu như trước đây, mỗi lần ngồi chung mâm cơm là một loại cảm giác hưởng thụ, san sẻ tình cảm cho nhau, thì bây giờ ai nấy đều chỉ muốn nhét cho đầy cái bụng. Không phải là cơm không ngon, mà là bởi không còn cảm giác ngon miệng như ngày xưa nữa.
Nói ngắn gọn thì, dường như mọi thứ vẫn y nguyên, chỉ là cảm giác giờ đây không còn được như ban đầu.
Cả hai đều mong muốn thay đổi, nhưng lại không cách nào thay đổi, bởi không biết rốt cuộc vấn đề nằm ở đâu. Bạn không cam lòng phải kết thúc như vậy, lại không cam lòng vì cảm giác chán ngấy mà hai người phân ly.
Ngày trước, trong ấn tượng của tôi, bố mẹ thường hay có những trận cãi vã, lời qua tiếng lại. Thậm chí đôi lúc chỉ vì chuyện sáng nay ăn cháo, nấu cơm, hay làm phở, mà hai người giận dỗi nhau cả nửa ngày trời.
Có lần sau trận cãi vã nảy lửa với bố, mẹ đã nói với tôi rằng: “Con hãy xem xem, dì Lan hàng xóm nhà mình thật tốt số biết bao. Mỗi lần thấy cuộc sống bình yên bên ấy, mẹ lại càng thấy tủi thân. Cả dì Lan và chú Lý, trước nay chưa từng lớn tiếng với nhau bao giờ”.
Tôi từng thấy dì ấy đối với chú Lý rất nhẹ nhàng, nếu dùng câu nói “tương kính như tân” thì cũng không phải là nói quá. Nhưng không hiểu sao tôi luôn cảm thấy gia đình dì Lan thiếu thiếu một chút gì đó.
Một năm sau, khi tôi về thăm nhà vô tình thấy dì Lan đang tay trong tay với một người đàn ông xa lạ, trên gương mặt của dì không giấu được niềm hạnh phúc. Nét măt tươi vui này khác một trời một vực so với cái thời mà dì ấy ở bên người chồng cũ của mình.
Mẹ tôi có suy nghĩ cả ngày trời cũng không sao hiểu được, hai người đang bình yên hài hòa như thế, sao lại có chuyên ly hôn được? Có lẽ bởi mẹ thường hay tranh cãi với bố tôi, nên chưa bao giờ nghĩ đến một kết cục này.
Chúng ta đều cho rằng, điều khiến người ta muốn trốn khỏi bức tường hôn nhân là cãi vã. Thật ra điều giày vò nhất trong hôn nhân không phải là xung đột, mà là chán ngán vì không còn tình cảm với nhau.
Thiết nghĩ, so sánh việc hai người nói chưa được vài câu đã to tiếng, với việc ngay cả cảm xúc muốn lớn tiếng cãi vã với nhau cũng đều không có, thì rốt cuộc đâu mới là điều khiến người ta khó chịu đựng nhất? Chắc hẳn bạn đã có câu trả lời của mình.
Trạng thái tốt đẹp nhất trong tình yêu là ở bên nhau nghìn vạn lần mà không chán nản
Nhận được lời mời dự lễ kết hôn của cậu bạn thời đại học, cả lớp tôi từ khắp bốn phương trời đều đến tham dự, trong đó có cả thầy chủ nhiệm của chúng tôi.
Rượu qua ba tuần, thầy giáo có vẻ đã ngà ngà say. Sau một vài câu chuyện phiếm lúc đầu, thầy nói: “Trong hôn nhân mà có sự bất đồng, là điều bình thường không còn gì bình thường hơn nữa. Lớn tiếng với nhau không đáng sợ, mà đáng sợ là khi cả hai đã hoàn toàn chán ngấy, không còn chút cảm xúc gì với nhau nữa. Đây mới là điều giày vò người ta nhất”.
Bạn sẽ cảm thấy những thứ mình từng yêu quý nhất, đột nhiên một ngày không còn bắt mắt chút nào. Những lời hứa hẹn thề thốt ban đầu, giờ cũng thành cơn gió thoảng qua. Trong mắt sẽ chỉ chứa đầy khuyết điểm của đối phương, thì ngay cả chuyện về nhà nghỉ ngơi sau một ngày lao lực, họ cũng không còn muốn về nhà nữa.
Bạn kể chuyện vui với cô ấy, cô ấy chẳng có chút hứng thú. Bạn thổ lộ những chuyện phiền não với anh ấy, anh ấy cũng không chút bận tâm, giữa hai bên với nhau không còn chủ đề chung để trò chuyện. Mới đầu chuyện gì cũng đều hào hứng đáp lại, sau đó vì để đối phương vui lòng mà tỏ ra lắng nghe, cuối cùng thì chỉ còn lại cái cảm giác ngán ngẩm, chán chường.
Bạn biết rất rõ rằng mọi thứ không biến đổi, những lời yêu thương tình tứ vẫn rất đẹp đẽ, nhưng người này thì không muốn nói, người kia lại chẳng muốn nghe. Dần dần giữa hai bên sẽ không truy vấn, không giải thích, trong tâm cũng ngầm hiểu ra rằng, nhiệt tình tự nhiên đã giảm, chỉ còn lại cảm giác hờ hững lạnh lùng.
Cho nên nói, trạng thái tốt đẹp nhất trong tình yêu chính là bên nhau nghìn vạn lần mà không chán nản. Dù đã sống lâu với nhau, cũng cần phải tìm kiếm sự lãng mạn, những thói quen tạo nên gắn kết giữa hai người.
Ví dụ như những lời có cánh, thì dù có nói cả ngày cũng không khiến người ta chán ngán. Nhưng nếu không nói, rất mau chóng sẽ dần dần tạo nên gián cách vô hình giữa đôi bên.
Cũng giống như rèn luyện sức khỏe vậy, mỗi ngày đều phải kiên trì, rất mau chóng liền trở thành một phần của cuộc sống, thậm chí trở thành phương thức sinh hoạt cần thiết như đánh răng, rửa mặt hàng ngày. Còn như nếu không kiên trì, rất mau chóng sẽ không còn hứng thú với rèn luyện sức khỏe nữa.
Thói quen sẽ trở thành tự nhiên, thường hay nói những lời yêu thương, mới có được tình yêu thương.
Hai người ở cùng nhau lâu rồi, cần phải thời khắc tìm lại cảm xúc của tình yêu
Yêu thương là chuyện của hai người, khắc phục cảm giác chán nản thì chính là cần sự cố gắng từ cả hai bên. Kẻ thù lớn nhất trong tình cảm không phải là không còn yêu thương, mà là cảm giác chán nản, ngán ngẩm khi ở bên nhau.
Ở cùng không nhàm chán, mới có thể sống với nhau dài lâu. Ở cùng nhau lâu rồi, thử thách nhiều nhất chính là có thể dung hợp những thói quen nhỏ bất đồng của nhau, sao cho cả hai đều cảm thấy dễ chịu.
Nếu đối phương làm điều mà bạn không thích, lần đầu tiên bạn nói: “Anh không thích, em có thể đừng làm việc ấy nữa không?”. Lần thứ hai bạn vẫn sẽ nhắc nhở đối phương. Nhưng đến lần thứ ba, sẽ cảm thấy ở cùng mới mệt mỏi biết bao, cảm giác chán ghét chính là cứ thế ngày càng tích dồn lại.
Hai người khi ở cùng với nhau lâu rồi, cần phải thời khắc mang đến cảm giác mới lạ.
Cái gọi là cảm giác mới lạ không phải là cùng với người mà mình chưa biết để cùng làm một sự việc giống nhau, mà là cùng với người mà mình đã biết để trải nghiệm những điều mới lạ của đời người.
Tôi có quen biết một vị nhiếp ảnh gia tự do, ông hay cùng với vợ mình du lịch đây đó, dọc đường họ vừa thưởng ngoạn vừa chụp ảnh. Gần đây nhất, cả hai lại mở một quán ăn Mexico, thu hút rất nhiều du khách, phần đông đều là những cặp đôi gắn kết với nhau.
Bạn sẽ cảm thấy họ giống như đôi bạn tri kỷ, cùng nhau tiến bước, cùng nhau khám phá những điều mới lạ, hai bên luôn dành thời gian để chăm sóc và thấu hiểu lẫn nhau.
Có thể cùng với người mà mình yêu thương bước vào cuộc sống hôn nhân, cùng đối diện với các mối quan hệ nhân sinh, quả là niềm hạnh phúc và may mắn.
Nếu như một ngày nào đó hai người cảm thấy chán ghét nhau, mất đi tình cảm mới mẻ ban đầu, thì bạn đừng quên rằng: Cảm xúc ban đầu có thể tìm lại được, nhưng nếu con tim xao động bất an, thì hãy để mỗi người tự thu xếp.
Khi còn chưa gặp được người ấy, một đời rất dài, mỗi ngày đều làm những việc lặp đi lặp lại, cảm thấy đời người quá dài và vô vị. Sau khi gặp được người ấy rồi, cảm thấy một đời này thật sự quá ngắn ngủi, còn có rất nhiều chuyện muốn được cùng sát cánh bên nhau.
Chỉ khi chúng ta muốn cùng với người mà mình cam tâm tình nguyện làm những điều cả hai cam tâm tình nguyện, thì tình cảm mới có thể dài lâu.
Thuận An