Đại Kỷ Nguyên

Đây là câu thành ngữ có thể giúp bạn phân biệt được người quân tử và kẻ tiểu nhân

Câu thành ngữ “Điểu tận cung tàng” có xuất xứ từ “Sử ký – Việt thế gia”, hàm nghĩa là: khi chim đã chết thì người ta cất cung đi một nơi mà không dùng đến nữa…

Phiên âm Hán văn nguyên câu là: “Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn; địch quốc phá, mưu thần vong”. Ý tứ là: “Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao hết, cung tốt vứt bỏ; nước địch phá xong, mưu thần bị giết”.

Chuyện Việt Vương Câu Tiễn vong ân bội nghĩa, bức hại công thần

Chuyện cũ kể rằng vào đời Xuân Thu (722-479 trước CN), nước Việt và nước Ngô giao tranh. Vua Ngô là Phù Sai thất bại, thế cùng lực tận và bị bao vây uy hiếp nên có ý định xin hàng. Phù Sai biết hai bề tôi có uy quyền dưới trướng của Việt Vương Câu Tiễn là Tướng Quốc Phạm Lãi và Đại Phu Văn Chủng có thể giúp được mình việc này nên bèn viết một bức thư, buộc vào mũi tên, bắn vào thành Việt, mong hai người tâu giúp vua Việt cho hàng. Quân nước Việt lượm được đệ trình lên Phạm Lãi và Văn Chủng. Thư ấy nói:

“Tôi nghe giảo thỏ chết thì chó săn tất bị mổ, địch quốc đã diệt thì mưu thần cũng chẳng còn. Sao quan Đại Phu không lưu cho nước Ngô tôi còn lại một chút để làm cái dư địa sau này”.

Nhưng Phạm Lãi và Văn Chủng không cho hàng. Cuối cùng Phù Sai đành phải tự vẫn.

Việt Vương Câu Tiễn chiếm được nước Ngô, bày tiệc rượu trên Văn Đài nước Ngô. Các quan vui say đánh chén nhưng Câu Tiễn lại có vẻ không vui. Phạm Lãi biết ý nhà vua không muốn nói đến công của kẻ hầu hạ, đã diệt được Ngô mà lòng vua lại mang mối nghi kỵ, nên liền xin từ quan trí sỹ.

Nhưng trước khi bỏ nước đi chu du Ngũ Hồ, Phạm Lãi có viết thư gửi cho bạn là Văn Chủng. Thư nói:

“Vua Ngô có nói: ‘Giảo thỏ đã chết thì chó săn tất bị mổ, địch quốc đã diệt thì mưu thần cũng chẳng còn’. Ngài không nhớ hay sao?Vua Việt môi dài mỏ quạ là người nhẫn nhục mà ghét kẻ có công. Cùng ở lúc hoạn nạn thì được, chứ cùng ở lúc an lạc thì không toàn, nay ngài không đi ắt có tai vạ”.

Văn Chủng xem thư xong phàn nàn về Phạm Lãi, cho rằng họ Phạm xử trí như thế là khí khái quá!

Quả thực như y lời Phạm Lãi nói, sau khi thành đại sự Câu Tiễn không chia cho các quan một thước đất nào, lại có ý khinh rẻ công thần. Văn Chủng buồn bã, cáo ốm không vào triều. Câu Tiễn vốn biết tài của Văn Chủng, nghĩ thầm: Ngô đã diệt, còn dùng hắn chi nữa, một khi hắn làm loạn thì sao trị nổi, nên muốn trừ diệt Văn Chủng đi.

Một hôm, Câu Tiễn lấy cớ đến thăm bệnh tình của Văn Chủng và bảo:

– Ta nghe người chí sỹ không lo cái thân mình chết mà lo cái đạo mình không được thực hành. Nhà ngươi có 7 thuật, ta mới thi hành có 3 mà Ngô đã diệt, còn thừa 4 thuật, nhà ngươi định dùng làm gì?

Văn Chủng đáp:

– Tôi cũng không biết dùng làm gì cho được!

Câu Tiễn nói:

– Nhà ngươi đem hãy đem 4 thuật ấy mà mưu hộ cho tiền nhân nước Ngô ở dưới âm phủ, phỏng có nên chăng?

Nói xong, Câu Tiễn lên xe đi về, bỏ lại thanh kiếm đeo tại chỗ ngồi. Văn Chủng cầm lấy xem thấy vỏ kiếm có đề hai chữ: ‘Chúc Lâu’, đây cũng chính là thanh kiếm mà Ngô Phù Sai đã từng đưa cho Ngũ Viên tự tử. Văn Chủng ngửa mặt lên trời than: “Cổ nhân có nói: Ơn to thì không báo nữa. Ta không nghe lời Phạm Lãi đến nỗi bị giết, chẳng cũng ngu lắm ru!”

Bị Câu Tiễn bức tử, Văn Chủng ân hận vì không sớm nghe lời Phạm Lãi (Ảnh: Youtube)

Văn Chủng nói xong, cầm kiếm tự tử.

Câu nói: “Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn; địch quốc phá, mưu thần vong”, sau này được nhiều người nhắc lại như một bài học lịch sử và được đúc kết thành câu thành ngữ: “Điểu tận cung tàng” hàm chứa nhiều giá trị triết lý nhân sinh sâu sắc.

Lời bàn:

Trong cuộc sống, để chỉ những hiện tượng dùng người mà phụ người, thậm chí đến độ vong ân bội nghĩa lợi dụng người ta xong thì loại bỏ giống như trường hợp Việt Vương Câu Tiễn đối đãi với hai công thần tướng quốc là Văn Chủng và Phạm Lãi thì người ta thường hay nhắc đến câu thành ngữ: “Điểu tận cung tàng” hoặc: “Thố tử cẩu phanh”, ý tứ là:

“Chim hết rồi cung tên xếp xó;
Thỏ chết rồi chó bị phanh thây”…

Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ dân gian Việt Nam có những câu thành ngữ như: “Được chim bẻ ná, được cá quên nơm” hay: “Vắt chanh bỏ vỏ”; “Qua cầu rút ván”… cũng ít nhiều mang nét nghĩa đồng.

Mới hay: biết trọng ân nghĩa, không phụ lòng người cũng là một phẩm đức cao quý, là biểu hiện của bản tính Chân – Thiện – Nhẫn trong mỗi con người, đồng thời cũng là ‘thước đo’ để phân định giữa kẻ tiểu nhân và người quân tử.

Qua cách hành xử và đối đãi tệ bạc với các công thần của Việt Vương Câu Tiễn có lẽ không phải bàn nhiều, mỗi người cũng đều có thể nhìn ra nhân vật này là kẻ tiểu nhân hay người quân tử.

Sự lựa chọn ‘ra đi đúng lúc’ của Phạm Lãi và ‘ở lại muộn màng’ của Văn Chủng cũng để lại cho nhân thế nhiều bài học sâu sắc: Làm sao để không nhìn nhầm người, không nhìn nhầm thời, biết nắm giữ và buông bỏ đúng lúc đúng chỗ… để đưa ra những quyết định thật minh xác, đúng đắn đôi khi cũng chính là sự lựa chọn mang tính chất “mở ra” hay “đóng lại” đối với tương lai và sinh mệnh của mỗi con người.

Đường Phong

Exit mobile version