Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Năm 1956, cuộc vận động cải tạo Xã hội chủ nghĩa đối với giới công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa do Mao Trạch Đông phát động đã kết thúc, tại Trung Quốc đại lục, giai cấp tư sản đã bị tiêu diệt.

Chỉ trong bốn năm, ĐCSTQ đã bức tử bao nhiêu nhà tư bản? Con số thực sự có lẽ vĩnh viễn không được biết đến. Tuy nhiên, hiện tượng lịch sử này đáng được suy nghĩ sâu sắc.

Dương Khuê Tùng, giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, tiết lộ: “Chưa có số liệu cụ thể về việc có bao nhiêu nhà tư bản vì bị đẩy đến tuyệt lộ mà tự sát trong các cuộc vận động ‘Tam phản’, ‘Ngũ phản’. Nhưng chỉ theo thống kê chưa đầy đủ tại Thượng Hải từ ngày 25/1 đến ngày 1/4/1952, đã có 876 người tự sát do cuộc vận động, số vụ tự sát trung bình mỗi ngày đều trên 10 người, con số khá đáng báo động. Hơn nữa, nhiều nhà tư bản đã chọn cách vợ chồng cùng tự sát, hoặc thậm chí mang theo con cái tự sát.”

“Chiếc bánh lớn” mà ĐCSTQ vẽ ra cho giới tư bản

Trước khi lên nắm quyền vào năm 1949, để giành được sự ủng hộ của các nhà tư bản dân tộc, ĐCSTQ đã vẽ ra cho họ một “chiếc bánh” hấp dẫn.

Tháng 4 năm 1945, Mao Trạch Đông nói trong cuốn “Luận về Chính phủ Liên minh” rằng, sau cách mạng dân chủ, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản là một “kết quả tất yếu không thể tránh khỏi”; Trung Quốc “cần sự phát triển rộng rãi của chủ nghĩa tư bản”; ĐCSTQ sẽ đảm bảo “có thể tự do phát triển kinh tế chủ nghĩa tư bản tư nhân không ‘thao túng sinh kế của người dân’ mà có lợi ích cho sinh kế của người dân, đảm bảo bảo vệ tất cả tài sản tư hữu hợp pháp”.

Tháng 12 năm 1947, Mao Trạch Đông lại nói trong “Hình thế hiện tại và nhiệm vụ của chúng ta” rằng: “Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa được đại diện bởi giai cấp tiểu tư sản thượng tầng rộng lớn và giai cấp tư sản trung lưu sẽ vẫn yếu trong một thời gian dài ngay cả sau khi cách mạng đã giành thắng lợi trên toàn quốc, cần cho phép họ tồn tại.”

Vào tháng 3 năm 1949, Mao Trạch Đông chỉ ra trong báo cáo của mình tại Phiên họp toàn thể lần thứ hai của Trung ương ĐCSTQ lần thứ bảy rằng nền kinh tế dân chủ của Trung Quốc mới sẽ bao gồm năm thành phần kinh tế, một trong số đó là chủ nghĩa tư bản tư nhân.

Ngày 29 tháng 9 năm 1949, “Chương trình chung” do Hội nghị Chính Hiệp Trung Quốc thông qua đã quy định rằng chính sách cơ bản trong xây dựng kinh tế của ĐCSTQ là “cân bằng lợi ích công tư, mang lại lợi ích cho cả lao động và vốn, thành thị và nông thôn tương trợ lẫn nhau, giao lưu trong và ngoài nước”.

Khi đó, có người ngoài đảng hỏi Mao Trạch Đông: Khi nào Trung Quốc thực hiện chủ nghĩa xã hội? Mao trả lời: Quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa xã hội sẽ mất “khoảng 20 hoặc 30 mươi năm”.

ĐCSTQ lật mặt, muốn “cách cái mạng” của giai cấp tư bản

Sau khi ĐCSTQ nắm chính quyền vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, đảng đã thông qua cải cách ruộng đất, đàn áp các phong trào phản cách mạng để tiêu diệt giai cấp địa chủ. Sau đó, việc tiêu diệt giai cấp tư sản được đưa vào chương trình nghị sự.

Theo “Tự truyện của Hoàng Khắc Thành”, ngay từ tháng 5 năm 1949, Mao Trạch Đông đã triệu Hoàng Khắc Thành, bí thư Thành ủy Thiên Tân, đến Bắc Kinh, hai người vừa ăn tối vừa nói chuyện. Mao hỏi: “Cậu nghĩ nhiệm vụ công tác sau này sẽ là cái gì?” Hoàng không chút do dự trả lời: “Đương nhiên là phát triển sản xuất.” Mao nghiêm túc lắc đầu nói: “Không, nhiệm vụ chủ yếu vẫn là đấu tranh giai cấp, cần giải quyết các vấn đề của giai cấp tư sản.”

Năm 1952, Mao Trạch Đông nêu trong “Quyết định công tác của các đảng phái dân chủ (Dự thảo)” của Trung ương ĐCSTQ, rằng: “Sau khi lật đổ giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản quan liêu, mâu thuẫn chủ yếu trong nội bộ Trung Quốc là mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản dân tộc, vì vậy, giai cấp tư sản dân tộc không còn được gọi là giai cấp trung gian nữa.”

Vào giữa tháng 6 năm 1953, Mao Trạch Đông tại cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ đã chỉ trích Lưu Thiếu Kỳ và những người khác về quan điểm “thiết lập một trật tự xã hội chủ nghĩa dân chủ mới”, chỉ ra: “Cái gọi là thời kỳ quá độ chính là một sự biến động rất kịch liệt rất sâu sắc. Chiểu theo tính sâu sắc xã hội của nó mà nói, chủ nghĩa tư bản đến 15 năm sau về cơ bản sẽ bị tuyệt diệt.”

Ngày 15/6/1953, Mao đề xuất đường lối tổng quát quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ: “Trong vòng mười đến mười lăm năm hoặc thời gian lâu hơn nữa, cần cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa quốc gia và cải tạo chủ nghĩa xã hội đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, công thương nghiệp chủ nghĩa tư bản.” Đây là đường lối chung thúc đẩy sự “tuyệt chủng” tại Trung Quốc đại lục của chủ nghĩa tư bản.

Vào tháng 10 năm 1955, Mao Trạch Đông phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ sáu mở rộng của Trung ương khóa VII rằng: “Việc khiến cho giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản tuyệt chủng ở Trung Quốc với dân số 600 triệu người là một việc tốt rất có ý nghĩa.”

Ba vận động lớn nhằm tiêu diệt giai cấp tư sản

Thứ nhất là ‘Tam phản’. Cuối năm 1951, Mao Trạch Đông phát động vận động “Tam phản” gồm 3 chống: chống tham nhũng, chống lãng phí, chống chủ nghĩa quan liêu”, mà đối tượng chủ yếu là các quan viên.

Mao cho rằng một số quan viên tham ô hủ bại là vì bị giai cấp tư sản tấn công bằng “đạn bọc đường”. Mao coi vận động “Tam phản” là “cuộc đại chiến giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản”.

Thứ hai, Ngũ phản. Đầu năm 1952, Mao phát động vận động “Ngũ phản” gồm 5 chống, là “chống hối lộ, chống trốn thuế, chống trộm cắp tài sản nhà nước, chống bớt xén, chống trộm cắp tình báo kinh tế quốc gia”, đối tượng chủ yếu là những nhà tư bản.

Mao chỉ ra: Muốn thông qua vận động, chúng ta phải kiên quyết phản công, giáng một đòn mạnh vào “cuộc tấn công điên cuồng vào ĐCSTQ trong ba năm qua của giai cấp tư sản (cuộc tấn công này nguy hiểm và nghiêm trọng hơn cả chiến tranh)”.

Thứ ba, cải tạo chủ nghĩa xã hội đối với công thương nghiệp chủ nghĩa tư bản. Năm 1953, với việc ban hành “Đường lối chung cho thời kỳ quá độ (sang chủ nghĩa xã hội)”, ĐCSTQ bắt đầu cải tạo quy mô lớn đối với công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa.

Đến năm 1956, công tư hợp doanh trong toàn ngành đã đạt đến cao trào trong phạm vi toàn quốc: 99% trong số 88.000 hộ công nghiệp tư bản ban đầu phải thực hiện cải tạo, tức là chuyển quyền sở hữu; 82% trong số hơn 2,4 triệu hộ gia đình thương mại tư nhân toàn quốc đã thực hiện cải tạo.

Ngày 3 tháng 2 năm 1956, Đào Chú, lúc đó là Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Quảng Đông, phát biểu tại một hội nghị chuyên đề về cải cách tư bản: “Về phương diện tích cực mà nói, chúng ta chỉ trong thời gian rất ngắn đã chiếm đoạt toàn bộ tài sản của bọn tư bản. Quỹ công thương nghiệp tư doanh toàn tỉnh ước tính lên tới hơn 190 triệu nhân dân tệ, hiện tại chúng tôi đã lấy được, quốc gia đã phát tài, kiếm được hơn 190 triệu nhân dân tệ tương đương với hơn 1,9 tỷ cân gạo mỗi năm, đó là lượng tài sản khổng lồ mà chúng tôi đã tăng thêm trong vài ngày.”

Ba nhà tư bản bị bức tử

Ba cuộc vận động lớn nhằm tiêu diệt giai cấp tư sản nêu trên đều được triển khai dưới hình thức vận động quần chúng bằng bạo lực. Thủ đoạn là hủy hoại thanh danh của nhà tư bản, đồng thời bóp nghẹt kinh tế ở mọi ngã rẽ, khiến bạn khi tuyệt vọng không còn đường nào để đi, đành giơ tay đầu hàng, thì bị ĐCSTQ chiếm đoạt quyền sở hữu. Quá trình này đầy bạo lực và đẫm máu, rất nhiều nhà tư bản bức tự sát.

1. Cái chết của Lô Tác Phu

Trong thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, Lô Tác Phu tay trắng lập nghiệp, sáng lập Công ty Dân Sinh. Chỉ trong hơn mười năm, Công ty Dân Sinh đã phát triển thành công ty vận tải tư nhân lớn nhất Trung Quốc. Đến năm 1949, Công ty Dân Sinh đã phát triển thành tập đoàn doanh nghiệp tư nhân lớn nhất và có ảnh hưởng nhất Trung Quốc.

Vào tháng 1 năm 1950, Lô Tác Phu đang ở Hồng Kông, dưới sự thuyết phục của đại biểu ĐCSTQ, ông quyết định bắc tiến để tham gia kiến thiết “Trung Quốc mới”. Vào tháng 6 cùng năm, Lô Tác Phu liên tiếp đưa toàn bộ tàu của Công ty Dân Sinh đang neo đậu ở Hồng Kông về Trung Quốc đại lục.

Vào tháng 8 năm 1950, Lô Tác Phu ký thỏa thuận công tư hợp doanh với ĐCSTQ, Công ty Dân Sinh trở thành doanh nghiệp công tư hợp doanh đầu tiên sau khi ĐCSTQ lập chính quyền. Lô Tác Phu cũng nhiệt tình hưởng ứng các chính sách khác nhau của ĐCSTQ, còn khuyến khích gia đình, con cái tích cực “tham gia vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại nhất của đất nước”.

Tuy nhiên, thời gian tốt đẹp không kéo dài lâu. Sau khi ĐCSTQ nắm quyền, các vận động chính trị nối tiếp nhau diễn ra. Từ trấn phản, đến tam phản, ngũ phản, Công ty Dân Sinh đều bị ảnh hưởng nặng nề. Những nhân viên quản lý quan trọng của công ty từng gian khổ khởi nghiệp với Lô Tác Phu đều bị coi là phần tử phản cách mạng, bị bắn chết, bị giam giữ, bị sa thải hoặc bị cách chức. Đến đầu năm 1952, Công ty Dân Sinh gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính, thậm chí không thể trả lương cho nhân viên.

Sau khi vận động tam phản, ngũ phản ở Trùng Khánh bắt đầu vào năm 1952, Lô Tác Phu cũng trở thành đối tượng phê đấu. Ông bị phát hiện là đã làm hư hỏng các cán bộ của ĐCSTQ bằng phương thức chiêu đãi họ bữa ăn, tắm rửa, xem kịch v.v.

Chỉ trong ba năm, doanh nghiệp tư nhân tốt nhất một thời của Trung Quốc đã bị phá hủy. Không chỉ vậy, ĐCSTQ còn xúi giục một số người vũ nhục nhân cách của ông. Điều này khiến Lô Tác Phu rơi vào tuyệt vọng.

Vào tối ngày 8 tháng 2 năm 1952, Lô Tác Phu tự sát bằng cách uống thuốc ngủ quá liều.

2. Cái chết của Tiên Quan Sinh

Tiên Quan Sinh, người sáng lập Quan Sinh Viên, là một thiên tài kinh doanh. Ông bắt đầu từ học việc mà khởi nghiệp, sáng lập Quan Sinh Viên vào năm 1915. Đến những năm 1930 và 1940, Quan Sinh Viên đã có 37 chi nhánh trên khắp đất nước, được trang bị hơn 10 nhà máy thực phẩm, bán hơn 2.000 loại thực phẩm. Đây là công ty thực phẩm lớn nhất Trung Quốc vào thời điểm đó.

Tiên Quan Sinh bắt đầu công việc kinh doanh của mình không phải bằng sự gian lận, mà bằng uy tín và chất lượng.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu ĐCSTQ nắm quyền, Quan Sinh Viên gặp khó khăn lớn trong hoạt động do kinh tế suy thoái. Trước khi “Ngũ phản” đến, Quan Sinh Viên đã bắt đầu tích lũy nợ lương chưa trả.

Bắt đầu từ nửa cuối tháng 2 năm 1952, do thị trường bị thu hẹp do Tam phản Ngũ phản, việc kinh doanh càng trở nên èo uột, nguyên liệu và tiêu thụ đều thành vấn đề, thu nhập có được chỉ đủ trang trải chi phí hàng ngày, chứ đừng nói đến tiền lương.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Tam phản Ngũ phản đã tạo thành sự đối lập gay gắt giữa lao động và quản lý. Ngoài ra, dư luận còn miêu tả tư bản thành đồ tham lam, hủ hóa đọa lạc, những người làm công đương nhiên không tin Tiên Quan Sinh không có tiền, họ nhốt ông liên tục hai ngày hai đêm trên lầu xưởng, đấu tranh và ép buộc liên tục.

Khi ông bị bức đến mức không còn đường khác, thì cục thuế vụ đến tận cửa đòi nộp thuế. Người đàn ông 67 tuổi không còn cách nào khác là nhảy từ đại lầu Quan Sinh Viên xuống, ngã chết trên đường Nam Kinh.

3. Cái chết của ông chủ hiệu Đỉnh Phong

Bài báo “Huyết án Ngũ phản phá tan ‘giấc mộng Trung Hoa” của Bùi Nghị Nhiên kể lại một trường hợp điển hình về một nhà tư bản bị bức tử.

Vào cuối tháng 3 năm 1952, ông chủ Trương của hiệu Đỉnh Phong, một nhãn hàng nổi tiếng trên phố Kì Bàn ở Thượng Hải, sau khi vận động “Ngữ phản” bắt đầu, đã ba lần thú tội, nhưng nhân viên bán hàng vẫn buộc ông phải “thú tội triệt để”.

Khi đó, sinh nhật của ông chủ Trương đang đến gần. Ông chuẩn bị hai bàn, ngoài gia đình và hơn mười nhân viên, ông còn mời những cán bộ chủ trì “Ngũ phản”. Khi các quan chức nhìn thấy bữa tiệc, họ muốn rời đi để tránh bị nghi ngờ, nhưng tất cả các nhân viên đều cố gắng thuyết phục họ ở lại. Ông chủ Trương tuyên bố: “Ngày mai nhất định thú nhận triệt để”, nếu không ông sẽ thú tội ngay sau bữa tiệc, vì thế các cán bộ mới ngồi xuống. Sau khi thưởng thức rượu ngon và đồ ăn ngon, ông chủ Trương khóa cửa quán lại. Chẳng bao lâu, âm thanh dần dần nhỏ dần và rơi vào im lặng.

Ngày hôm sau, trước khi Đỉnh Phong mở cửa lúc mười giờ, cửa hàng lân cận đã gọi cảnh sát ập vào, toàn bộ đều đã chết, ông chủ Trương hạ độc tất cả bọn họ. Thảm án này đã chấn động toàn Thượng Hải.

Thời kỳ vận động “Tam phản” “Ngũ phản”, vô số người đã tự sát bằng cách nhảy lầu ở Thượng Hải. Đương thời, thị trưởng Thượng Hải Trần Nghị thường hỏi khi lên văn phòng: “Hôm nay có bao nhiêu lính dù?” Điều này có nghĩa là hôm nay có bao nhiêu nhà tư bản đã tự sát bằng cách nhảy lầu. Người ta kể rằng, ở Thượng Hải thời đó không ai dám đi lại bên hông các tòa nhà cao tầng, vì sợ bị ai đó nhảy từ trên cao xuống bất ngờ giết chết.

Vào thời điểm đó, ĐCSTQ làm cái gọi là “chống trốn thuế lậu thuế” là bắt đầu từ Thượng Hải dưới thời Quang Tự trị vì, những nhà tư bản đang khuynh gia bại sản không thể nào đủ khả năng nộp những khoản thuế khổng lồ như vậy. Muốn chết nhưng không thể nhảy xuống sông Hoàng Phố, vì nếu không tìm được xác, ĐCSTQ sẽ nói thành đã đi Hồng Kông, gia đình thân quyến sẽ tiếp tục bị bức hại, nên chỉ còn cách nhảy lầu mà chết, để cho ĐCSTQ nhìn thấy thi thể nó mới vui lòng.

Vì có quá nhiều người tự sát, nên ĐCSTQ phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn nạn tự sát lây lan: trên nóc các tòa nhà cao tầng ở hai bên đường đều bố trí người canh gác; các khu vực hẻo lánh tại cảng sông Hoàng Phố đều có binh lính canh gác, người đi bộ không được phép đến gần bờ sông sau hoàng hôn.

Nhà tư bản đỏ Vinh Nghị Nhân

Sau khi ĐCSTQ kiến chính, Vinh Nghị Nhân, một nhà tư bản lớn ở Thượng Hải đã gia nhập ĐCSTQ, đã trở thành một trong những đối tượng chính của ĐCSTQ trên mặt trận thống nhất.

Nhưng trong các vận động “Tam phản”, “Ngũ phản”, Vinh Nghị Nhân không thể chịu đựng được, đành phải thú nhận “tội hành” của mình. Ban đầu, ông khai rằng lợi nhuận phi pháp của mình là 28 tỷ, sau đó ông lại tăng lên hơn 30 tỷ, cuối cùng báo cáo con số thiên văn là 209,6 tỷ.

Vì số tiền quá lớn nên ông phải khai sự thật với phó trưởng Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Thượng Hải: Bản thân không có tài sản đứng tên, chỉ có một căn nhà trên đường Maini ở Thượng Hải, đã chuẩn bị áp khoản 1 tỷ đồng để hoàn trả số tiền còn nợ cho công ty Phó Khiếm Trung Lương, các khoản hoàn trả khác, lựa chọn duy nhất là bán Thân Tân và các nhà máy khác cho chính phủ, hoặc trực tiếp thực hành công tư hợp doanh. Nếu vẫn không được, thì “chúng tôi đang bị ép buộc từ mọi phía, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc treo cổ tự tử”.

Khi sản xuất bị đình trệ và các vụ tự sát của tư bản gia tăng, Bộ trưởng Tài chính Bạc Nhất Ba được lệnh tới Thượng Hải để chỉ đạo vận động. Theo đề nghị của ông, Mao Trạch Đông đã thông qua phương án điều chỉnh “Chính sách Ngũ phản” của Thượng Hải. “Có tính đến nhiều yếu tố khác nhau như yêu cầu của mặt trận thống nhất và sản xuất kinh tế”, Vinh Nghị Nhân và các nhà tư bản lớn khác đã được “bảo hộ vượt quan”. Sau nhiều lần thảo luận với Trần Nghị, Bạc Nhất Ba và Trần Nghị xác định Vinh gia về cơ bản là “hộ kinh doanh tuân thủ pháp luật”, ngay lập tức báo cáo việc này với Trung ương. Mao Trạch Đông đã bút phê như sau: Hãy rộng lượng hơn một chút, xếp họ vào loại “hộ kinh doanh hoàn toàn tuân thủ pháp luật”.

Trong các vận động “Tam phản” và “Ngũ phản”, ngay cả những nhà tư bản lớn như Vinh Nghị Nhân cũng bị buộc phải thú nhận khoản lợi nhuận bất chính lên tới 209,6 tỷ đồng, đến mức suýt đã treo cổ tự tử.

Bằng một nét bút, Mao Trạch Đông đã xếp Vinh Nghị Nhân vào loại “hộ kinh doanh hoàn toàn tuân thủ pháp luật”. Sự tùy tiện của Mao khi phát động Tam phản, Ngũ phản, từ đây có thể thấy rõ.

Có bao nhiêu quan chức ĐCSTQ dưới thời Mao đã đưa những người được gọi là tư bản “không tuân thủ luật pháp” này bức đến mức không còn đường lui?

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch