Đại Kỷ Nguyên

Để lại của cải, bạc vàng đầy kho chẳng bằng dạy con bài học vô giá này

Mẹ của tôi đã rời xa thế giới này, đã tạm biệt chúng tôi để đi tới những miền đất xa xôi khác. Mặc dù mẹ không để lại tiền bạc hay những món đồ thừa kế có giá trị, nhưng điều mẹ lưu lại cho chúng tôi là một tài sản vô giá.

Mẹ tôi có một cái bàn cũ trong đó có một ngăn kéo bàn luôn được khoá. Không ai trong 6 người con biết được có gì trong ngăn kéo đó. Hai tháng sau ngày mẹ mất, chị gái tôi đã mở ngăn kéo này. Không có tài sản giá trị gì trong đó ngoại trừ một cuốn sổ nhỏ ghi tất cả ngày sinh nhật của các con, thậm chí đến cả giờ sinh và phút sinh.

Mẹ tôi thường nói rằng tài sản lớn nhất trong suốt cuộc đời bà chính là 6 người con chúng tôi. Bà dành phần lớn thời gian bà có để dạy chúng tôi về sự chia sẻ, về tinh thần trách nhiệm và sự lạc quan. Khi chúng tôi còn nhỏ, đôi khi mẹ tôi mua rất nhiều loại bánh cho chúng tôi và mẹ thường bảo: “Để mẹ cắn miếng bánh nào”.

Tôi đã từng ước mẹ chỉ cắn miếng nhỏ thôi, hoặc không cắn miếng nào. Nhưng mẹ lại luôn cắn một phần rất to cái bánh của tôi. Dần dần tôi quen với việc đó và bất cứ khi nào có đồ ăn ngon, tôi luôn chạy lại cho mẹ cắn một miếng để thưởng thức.

Có lúc tôi có đồ ăn ngon, tôi đi tìm mẹ quanh nhà nhưng không thấy, tôi hỏi các anh chị: “Mẹ đâu ạ?”. Dường như là đồ ăn trở nên không ngon nữa nếu tôi không được cùng mẹ thưởng thức.

(Ảnh minh họa: w3schools.com)

Khi mẹ phải nằm viện vì ốm, mẹ muốn được uống nước ép đậu và ăn hồng. Tôi đã mua được nước ép đậu nhưng không mua được quả hồng vì trái mùa. Cuối ngày hôm đó, tôi phải mang đồ đến nhà của ngài thị trưởng. Sau khi tôi trao đồ xong và định ra về, vợ ông  tình cờ về đến nhà sau khi đi siêu thị  với một túi hồng tươi.

Tôi đã nhảy lên vui sướng khi vợ ông cho tôi 6 quả hồng. Tôi chạy ngay vào viện với mẹ, mẹ ăn hai quả và nói với tôi rằng: “Hồng thật là ngon”. Thật buồn là ba ngày sau đó thì bà mất.

Ngoài việc nuôi dạy 6 người con, mẹ tôi còn nuôi 3 đứa cháu, tất cả chúng tôi đều biết cách chia sẻ với người khác. Sự chia sẻ là truyền thống gia đình. Tôi thường ăn cùng với con trai khi bé còn nhỏ và bây giờ con tôi luôn nghĩ đến tôi mỗi khi chuẩn bị ăn món gì đó ngon.

Một lần khi lớp học tại nhà trẻ của con trai tôi tổ chức tiệc, giáo viên đưa cho mỗi bé hai miếng sô-cô-la. Khi tôi xuất hiện, con trai chạy lại và nói: “Mẹ ơi, mẹ ăn một miếng sô-cô-la này nhé”. Tôi há miệng ra và bé đút luôn miếng sô-cô-la vào miệng tôi. Khi tôi gật gù khen ngon, bé chạy lại chiếc ghế ngồi của bé với vẻ mặt hớn hở.

Một đôi vợ chồng ở cạnh tôi nhìn thấy vậy đã nói: “Con trai của anh chị thật là biết quan tâm đến người khác, hãy nhìn con trai tôi, nó ăn hết luôn hai miếng sô-cô-la mà chẳng để mắt đến chúng tôi chút nào”.

Tôi mỉm cười: “Chia sẻ là thói quen hoàn toàn có thể học được từ khi còn nhỏ”.

Khi con trai tôi 11 tuổi, có lần bé gọi đến chỗ làm việc của tôi và nói: “Mẹ, hôm nay mẹ có thể về nhà sớm được không? Có mấy món ăn ngon mẹ ạ”. Tôi đồng ý nhưng cuối cùng lại về muộn vì nhiều việc. Đồng hồ điểm 9h khi tôi về đến nhà, lúc đó con trai tôi đã ngủ.

Ngay khi tôi bước vào bếp, mẹ tôi nói: “Con đã dạy dỗ con trai của con thật tốt. Hôm nay thằng bé và bố cùng nhau làm món tôm hùm rang. Con trai con đã ăn những con tôm nhỏ và để phần con các con tôm to”. Hôm đó tôi đã ăn một món tôm ngon nhất thế giới.

Giờ đây con trai tôi đã trưởng thành và có một cu tí. Mỗi khi tôi nói: “Đưa cho bà nào”, cu tí sẽ ngay lập tức đưa tôi bất cứ thứ gì bé đang có trong tay.

Mẹ của tôi đã rời xa thế giới này, đã tạm biệt chúng tôi để đi tới những miền đất xa xôi khác. Mặc dù mẹ không để lại tiền bạc hay những món đồ thừa kế có giá trị, nhưng điều mẹ lưu lại cho chúng tôi là một tài sản vô giá. Mẹ đã dạy chúng tôi cách hành xử đúng đắn, cách sống và cách nhận ra rằng hạnh phúc đến từ việc chia sẻ.

Làm cha mẹ, ai cũng muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con. (Ảnh: vietflower.vn)

Làm cha mẹ, ai cũng muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con. Nhưng có một điều bạn nhất định nên hiểu, rằng điều tuyệt vời nhất bạn dành cho con của mình chính là nền giáo dục tốt đẹp, từ đó mang lại cho con những phẩm chất đạo đức ưu tú.

Một đứa trẻ có lòng biết ơn sẽ luôn trân trọng những gì mình có được. Một đứa trẻ hiểu được giá trị của sự chia sẻ sẽ luôn bao dung và tốt bụng với tất cả mọi người.

Tâm hồn một đứa trẻ nếu được gieo trồng những hạt giống của lòng cảm ân, sự bao dung, sự chân thành, trung thực, thì đứa trẻ mai sau sẽ trở thành một người hữu ích trong xã hội. Những bài học làm người từ thuở đầu đời mà cha mẹ dành cho trẻ sẽ mở ra những cánh cửa rộng lớn của sự thành công và hạnh phúc.

Theo VisionTimes
Nhật Hạ biên dịch

Xem thêm:

 

Exit mobile version