Đại Kỷ Nguyên

Đệ nhất cao thủ giấu mặt trong ‘Thiên Long Bát Bộ’ của Kim Dung rốt cuộc là ai?

Trong “Thiên Long bát bộ”, Kim Dung miêu tả một nhân vật vô cùng bí ẩn. Chỉ xuất hiện chốc lát nhưng thân phận, võ công của ông quả thực khiến người khác phải kinh ngạc. Ông chính là: Tảo Địa Tăng còn gọi là Vô Danh Thần Tăng. 

Trong tiểu thuyết Kim Dung, hình ảnh các lão tăng thường gây ấn tượng mạnh với người đọc. Bởi họ là những người đức cao vọng trọng, xuất gia tu hành, luôn lấy Thiện đãi người, có cảnh giới tinh thần rất cao. Bởi thế, họ cũng được rất nhiều cao thủ võ lâm kính trọng, ngưỡng mộ. Trong tiểu thuyết Kim Dung, có một cao tăng vô danh xuất hiện đột ngột như sao chổi quét ngang bầu trời, như chim hồng hốt hoảng vút qua, khiến người ta cảm thán khôn nguôi. 

Trong tiểu thuyết Kim Dung, có một cao tăng vô danh, xuất gia tu hành, luôn lấy Thiện đãi người, có cảnh giới tinh thần rất cao. Ảnh dẫn theo newsweek.com

Đọc “Thiên long bát bộ” hồi thứ 43: “Vương Bá hùng đồ, huyết hải thâm thù, tận tảo trần thổ” (Vương Bá mưu đồ lớn, biển máu thâm thù, quét sạch bụi trần), người ta có cảm giác kinh ngạc không diễn tả được, đó thực sự là một trải nghiệm đọc sách hiếm có. Điều khiến người ta cảm thấy ấn tượng không dứt chính là hình ảnh lão tăng vô danh đột nhiên vụt xuất hiện ngay lúc cao trào nhất. 

Trước hồi này, tình tiết câu chuyện phát triển rất nhanh. Kim Dung đã đẩy tốc độ lên rất nhanh. Quần hùng hội tụ Thiếu Lâm Tự, tất cả những nhân vật quan trọng nhất đều xuất hiện đủ cả. Về tình tiết, tất cả những nút thắt trước đó đều được khai mở khá rõ ràng, ví như Hư Trúc, Huyền Từ, gia đình Diệp Nhị Nương nhận ra nhau. Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác đổi đời, tưởng chết mà sống lại. Mớ bòng bong dần dần được gỡ ra, chân tướng cuối cùng lộ rõ.

Chính lúc Tiêu gia và Mộ Dung gia chuẩn bị kết thúc ân oán ở Tàng Kinh Các Thiếu Lâm Tự thì lão tăng vô danh xuất hiện. Chương hồi này là vai diễn cá nhân của lão tăng. Trước đó, tình tiết được đẩy lên cao trào thì đến đây bắt đầu chậm lại, tiết tấu kể chuyện bỗng chậm hẳn xuống, như dòng chảy xiết qua chỗ hiểm vào con sông bình lặng. Từ đó trở đi, toàn bộ câu chuyện đi dần về kết thúc. Dù là hồi quan trọng và xem ra khá “nặng ký” nhưng giọng của Kim Dung cứ như nhẹ nhàng, nhởn nhơ như không. Ở Tàng Kinh Các, Tiêu Phong nghiêm giọng phản bác Mộ Dung Bác, lời vừa dứt thì lão tăng xuất hiện. 

Thiện tai, thiện tai, Tiêu cư sỹ có lòng nhân hậu, nghĩ cho sinh linh thiên hạ như thế này, thật đúng là tâm Bồ Tát”.

Người ta nghe thấy lời của lão tăng trước rồi mới thấy mặt sau. Khi lão tăng xuất hiện, chẳng có ai nhận ra, thậm chí hòa thượng Thiếu Lâm Tự cũng không gọi ra được tên lão, chỉ biết đó là lão tăng phục vụ ở vào địa vị thấp nhất, quét chùa, làm việc tạp vụ, “chỉ cạo đầu mà không bái sư, không truyền võ công, không tu thiền định, không xếp thứ bậc trong Huyền, Huệ, Hư, Không”. 

Vô Danh Thần Tăng lão tăng trông coi Tàng Kinh Các xuất hiện dạy cho 2 cao thủ võ lâm bài học sâu sắc. Ảnh dẫn theo youtube.com

Lão tăng bèn nói với Tiêu Viễn Sơn: 

Nhớ lúc cư sỹ đêm đầu tiên đến Tàng Kinh Các mượn sách đọc, là cuốn “Vô tướng kiếp phổ”. Chao ôi, từ tối hôm đó, cư sỹ đã vào ma đạo, đáng tiếc thay, tiếc thay… Lần thứ hai cư sỹ đến mượn sách là cuốn “Bát Nhã chưởng pháp”. Lúc đó lão tăng thầm than thở, biết cư sỹ do đó nhập ma, càng rơi vào càng sâu, trong lòng bất nhẫn, nên ở chỗ cư sỹ quen lấy sách, lão để một cuốn “Pháp Hoa kinh”, chỉ mong cư sỹ có thể mượn về, đọc khai ngộ. Chẳng ngờ cư sỹ trầm mê võ học, Phật Pháp chính tông thì để đó chẳng để ý, bỏ hai bộ kinh thư này sang một bên, tìm cuốn “Phục ma trượng pháp”, rồi hớn hở ra đi. Chao ôi, trầm mê biển khổ, không biết ngày nào mới được quay đầu”.

Sau đó lão nói với Mộ Dung Bác: 

Mộ Dung cư sỹ tuy là người tộc Tiên Ti, nhưng đã ở Giang Nam được mấy đời rồi. Lão tăng ban đầu liệu rằng cư sỹ tất đã có được văn thái phong lưu ở Nam Triều, đâu biết cư sỹ đến Tàng Kinh Các, đem vi ngôn pháp ngữ của sư tổ ta, ngữ lục tâm đắc của nhiều đời cao tăng, tất cả đều vứt đi như giẻ rách, rồi chọn quyển “Niêm hoa chỉ pháp”, cứ như là được báu vật. Người xưa mua hộp trả lại ngọc, để ngàn năm chê cười. Hai vị cư sỹ đều là cao nhân đời nay, lại đều làm những việc ngu xuẩn như thế này. Chao ôi, đối với người, đối với mình, đều có hại mà chẳng có ích lợi gì”. 

Lời lẽ và thái độ ấy của lão tăng thật khiến cho hai gã cao thủ Tiêu, Mộ kia kinh hồn thất đảm. Cả hai ngơ ngác nghe như nuốt từng lời. Lão tăng lại nói về Huyền Trừng đại sư chùa Thiếu Lâm: 

Năm đó Huyền Trừng đại sư đến Tàng Kinh Các chọn lấy điển tịch võ học, lão nạp đã ba lần nhắc nhở ông ta, nhưng ông ta cứ trước sau chấp mê bất ngộ. Nay gân mạch đều đứt, làm sao có thể nối lại đây? Thực ra ngũ uẩn giai không, sắc thân bị thương, từ đó không thể luyện võ được nữa. Ông ta cần mẫn tu Phật Pháp, do đó mà khai ngộ, thật đúng là vì họa mà đắc phúc”. 

Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác đột nhiên gặp nhau trên chùa Thiếu Lâm, thực là một chuyện được ý Trời an bài. Sau khi nhảy xuống vực tự vẫn, Tiêu Viễn Sơn không chết. Trong suốt 30 năm, ông ẩn náu trong chùa Thiếu Lâm để học hết võ công Trung Nguyên. Ông cũng giả dạng Tiêu Phong, sát hại nhiều cao thủ trong giang hồ.

Mộ Dung Bác cũng thừa nhận là chỉ giả vờ chết để lẻn vào chùa Thiếu Lâm lén học bí kíp võ công thiên hạ. Ba mươi năm trước, ông cũng chính là người tung tin đồn để Huyền Từ đại sư lãnh đạo cao thủ võ lâm Trung Nguyên ám hại Tiêu Viễn Sơn. Ngoài ra, Mộ Dung Bác còn lợi dụng thời cơ này để khôi phục nước Yên, hoàn thành ước mơ lớn nhất đời mình.

Nhà sư quét rác trong Tàng Kinh Các xuất hiện giữa lúc ấy chính là một loại “Chân nhân bất lộ tướng”, là một loại “Cao thủ không bao giờ rút kiếm”. Không ai biết tên ông, cũng chẳng bao giờ để ý. Ông lão ấy cứ lặng lẽ quét lá suốt hơn 40 năm ở chùa Thiếu Lâm, bề ngoài cứ như là bỏ mặc thế sự nhưng lại nắm được hết thảy bí mật lớn nhỏ.

Vô Danh đại sư đã thực sự cảm hóa được hai ông già Tiêu, Mộ bỏ qua oán thù, quy y Phật Pháp, giải khai nút thắt lớn nhất của câu chuyện. Ảnh dẫn theo blogspot.com

Ông đã theo dõi cả Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn kể từ lúc hai người vào xem trộm kinh thư trong Tàng Kinh Các mà họ không hề hay biết. Vô Danh đại sư giảng giải cho Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn nhận ra cái sai khi luyện võ. Hai người đã luyện quá nhanh nên bị tổn thương ngũ tạng. Để chữa trị, ông đã đánh chết cả hai người để rồi lại cứu sống họ, dùng cách “đưa vào chỗ chết để tìm ra đường sống”.

Vô Danh đại sư đã thực sự cảm hóa được hai ông già Tiêu, Mộ bỏ qua oán thù, quy y Phật Pháp, giải khai nút thắt lớn nhất của câu chuyện, giúp đào sâu chôn chặt mưu đồ bá vương của Mộ Dung Bác và mối huyết hải thâm thù của Tiêu Viễn Sơn. Trí huệ, tấm lòng, kiến thức, tu luyện, cầu đạo vô vi, tồn tại vô danh của lão tăng vô danh này chính là cảnh giới cao nhất mà Kim Dung muốn bày tỏ. Cầu đạo tu viễn, không chỉ vì sinh tồn, cũng không chỉ vì vinh quang mà là tìm đến cảnh giới tinh thần cao hơn, xa hơn.

Kim Dung mô tả về lão tăng vô danh này thực là có ẩn ý rất sâu xa. Trong nét nút xuất thần này, ông đã thấy được bí mật của nhân sinh. Mọi duyên nợ trong đời chỉ là mây khói bay qua tầm mắt, tìm được đường trở về với bản tính thuần thiện, sự thanh cao của tâm hồn mới là điều quan trọng nhất. 

Trong “Thiên Long Bát Bộ”, vô danh lão tăng chính là người có võ công siêu phàm nhất. Ảnh dẫn theo ĐKN

Trong “Thiên Long Bát Bộ”, vô danh lão tăng chính là người có võ công siêu phàm nhất. Ông chỉ cần nhìn qua là biết được loại võ công mà Cưu Ma Trí (một cao thủ khác) dùng là gì. Cưu Ma Trí muốn dùng chiêu Vô Tướng Kiếp Chỉ để đánh lén ông. Nhưng vô danh đại sư vẫn như không hề hay biết, chẳng cần động thủ, tự khắc chiêu pháp của Cưu Ma Trí bị chặn đứng lại.

Ngay cả anh hùng cái thế Tiêu Phong dùng “Giáng Long Thập Bát Chưởng” đả xuất, lão tăng cũng không hề hấn gì, dù bị trúng vào giữa lồng ngực nhưng bất quá chỉ khiến ông lùi lại mấy bước mà thôi. Cả Mộ Dung Bác lẫn Tiêu Viễn Sơn cũng không địch lại nổi lão tăng này, đủ biết ông có bản lĩnh cao cường ra sao.

Với tài trí của mình, lão tăng vô danh nọ thậm chí xứng đáng làm được phương trượng Thiếu Lâm hay thậm chí là minh chủ võ lâm nữa. Nhưng ông lại chỉ hứng thú với việc… quét chùa, trông coi sách vở, kinh thư. Trong lòng ông, căn bản hai chuyện ấy là không có gì khác nhau lắm. Ở cõi hồng trần, công danh lợi lộc thường khiến ta phải lao tâm khổ lực như Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác mà “mua hộp trả lại ngọc”, đánh mất đi những gì quý báu nhất.

Hải Sơn

Exit mobile version