Khi một người bước vào tuổi trung niên chính là cần thực hiện được các phép trừ, nghĩa là cần phải loại bỏ được sự táo bạo và nôn nóng, kiểm soát thật tốt tâm tính của mình, biến mọi lời phàn nàn thành động lực hướng lên.
Khi bạn biết tiếp tục trải nghiệm bản thân ở bốn khía cạnh này, điều đó cũng có nghĩa là bạn đã hiểu được ý nghĩa thực sự của cuộc sống, biết cách đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân, tìm ra con đường và phương pháp tốt nhất để trở nên chín chắn thuần thục.
1. Học được cách im lặng trước những đau khổ
Tân Khí Tật, vị quan thời Nam Tống, và là nhà làm từ nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung Quốc từng nói rằng, người đến tuổi trung niên sẽ nhận biết được mùi vị của nỗi buồn, càng lên lầu cao càng thấy cái lạnh tốt đẹp của mùa thu.
Khi bước vào tuổi trung niên, chúng ta đã đi được nửa đời người và cũng từng trải qua không ít khó khăn. Do đó, đến lúc này chúng ta không nên rên rỉ về những khó khăn và thử thách của bản thân. Bạn biết rồi đấy, mỗi người sống trên đời đều có nỗi khổ khó nói của riêng mình.
Một số người nói rằng bản chất của cuộc sống là đau khổ. Khi chúng ta kể lể về nỗi khổ của mình, rất có thể chúng ta đang khơi dậy cảm xúc đau khổ của người khác, khiến họ có cảm giác bi thương.
Do đó, chúng ta cần học cách im lặng trước những đau khổ trong đời. Nếu làm được vậy, chúng ta sẽ có được sức mạnh của sự im lặng.
Có người nói rằng, khi nỗi thống khổ mà nói ra được thì kỳ thực không phải là khổ, lời ấy quả không sai. Mỗi người sống trên đời đều vác trên lưng cây thập tự giá của riêng mình, đến tuổi trung niên rồi, ai không kể khổ thì người đó đã thực sự trưởng thành.
Sự trưởng thành này chính là một loại thái độ đối với cuộc sống, là sự hiểu biết sâu sắc rằng, thay vì phàn nàn thì nên để tâm xem giải quyết vấn đề như thế nào. Nếu một người biết coi những khổ đau giống như chiếc lồng ấp trứng, như vậy thì nội tâm của người đó sẽ ngày một trở nên mạnh mẽ hơn.
2. Học được cách kiểm soát cảm xúc và hạn chế mất bình tĩnh
Khi một người bước qua tuổi trung niên, chìa khóa để đo lường sự trưởng thành của họ chính là liệu người này có thể kiểm soát được tâm tình của bản thân hay không.
Học được cách kiềm chế cảm xúc nghĩa là chúng ta có thể hiểu được tâm tình của chính mình và càng lý giải được việc bao dung người khác. Khi đối diện với mâu thuẫn, người có thể kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân chính là biết đứng ở vị trí của người khác để suy nghĩ.
Những người này sẽ ít khi cố chấp mà thường nhìn vào những điểm hợp lý trong ký kiến của đối phương. Họ không vội vàng chứng minh chính mình. Đầu tiên họ lắng nghe và tiếp nhận cảm xúc của người khác rồi hóa giải nó, sau đó mới đưa ra quan điểm của bản thân, từ từ khiến người khác tiếp nhận.
Biết cách kiểm soát cảm xúc cũng là một biểu hiện quan trọng của tình yêu thương, khi một người biết được lúc nào nên khống chế cảm xúc, giữ nội tâm bình thản, người này cũng sẽ được người khác yêu mến và tôn trọng.
Trước khi trở thành một bậc thầy thực sự, người đó cần biết cân bằng cảm xúc của bản thân, sau đó mới có thể đàm luận thêm một bước nữa là phát triển. Một người có trái tim mạnh mẽ sẽ chi phối cảm xúc và không để nó vượt quá tầm kiểm soát mà làm tổn thương người khác cũng như những người xung quanh.
3. Học được kiên trì và nhẫn nại hơn
Sự trưởng thành của đời người không phải chuyện dễ dàng, điều đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục rèn luyện chính mình. Mỗi sự việc đều có tiết tấu riêng, tốc độ và nhịp điệu của nó cần chúng ta biết chờ đợi sự phát triển cũng như sự tiến triển của sự việc.
Đặc biệt là, trên con đường trưởng thành không phải chỉ cần thực hiện việc hoàn thiện bản thân một lần là xong. Đời người cũng như vậy, chúng ta cần học được không ngừng hoàn thiện chính mình, trời không tuyệt đường người, chúng ta cần tin tưởng vào con đường phía trước. Chỉ cần chúng ta tiếp tục tinh tiến chính mình thì chúng ta sẽ tìm được lối đi riêng.
Đừng dễ dàng từ bỏ mà hãy tiếp tục kiên trì bước trên con đường hoàn thiện bản thân. Tâm lý học cũng phát hiện ra rằng sự khác biệt giữa người tài giỏi và người bình thường chính là người tài giỏi rèn được phẩm chất kiên trì và nó đã trở thành tố chất quan trọng giúp họ trở thành người tài giỏi.
4. Tôn trọng nhịp điệu của chính mình
Khi đến tuổi trung niên, chúng ta không nên so đo với người khác mà cần biết được tiết tấu của chính mình. Đó là trí tuệ trọng yếu nhất của chúng ta.
Khi một người bước qua tuổi trung niên, họ sẽ học được cách hướng nội, nhìn ra thói quen của chính mình càng giúp bản thân thấy được hướng đi. Khi đến tuổi trung niên, con người ta mới nhận ra rằng bên ngoài không còn ai khác, chỉ có chính mình mà thôi.
Để sở hữu con đường của riêng mình thì một người cần không ngừng hướng nội. Hướng nội không có nghĩa là không làm gì cả mà là biết được thiếu sót của bản thân để hoàn thiện. Chúng ta không còn hoàn toàn ngưỡng mộ người khác mà là nhìn người khác để đề cao chính mình, tìm kiếm điều đáng giá cho mình, nhìn thấy đường đi và không ngừng hướng về phía trước. Cuối cùng chúng ta cũng sẽ trở thành người như bản thân mong muốn.
Khi bạn hiểu được chính mình là suối nguồn năng lượng lớn nhất, chúng ta tập trung vào các mục tiêu phát triển của mình trên suốt chặng đường. Chúng ta không sống vì người khác, cũng không phải để chứng minh sự lợi hại của bản thân, cũng không phải để người khác công nhận, bởi vì nếu chúng ta làm như vậy thì sẽ không ngừng tiêu hao năng lượng của mình.
Chỉ khi chúng ta hướng nội, tập trung vào mục tiêu của mình, rèn luyện khả năng làm việc và năng lực tĩnh tâm, chúng ta mới không bị lạc trên con đường trưởng thành.
Theo Vision Times
San San biên dịch