Đại Kỷ Nguyên

‘Dĩ hòa vi quý’ có đúng là dễ dãi, xuề xòa, không phân biệt tốt xấu?

Chuyên mục “Chữ và Nghĩa” chủ trương trả lại ý nghĩa đích thực, nghĩa gốc của những từ ngữ mà chúng ta đang dùng trong đời sống hiện đại. Nếu chúng ta hiểu không đúng nghĩa của từ, chúng ta sẽ không thể hiểu được lời nói của ông cha, cũng không đọc được sách vở chính thống, chính là tự cắt đi sự liên hệ với quá khứ. Do vậy, chúng tôi xin giúp độc giả phạt cỏ dọn cành ngõ hầu phát quang lối cũ về với người xưa. Và cũng nhân đó giúp cho độc giả có được dăm ba phút giải trí nhẹ nhàng.

***

Ngày nay, bao che cho cái sai, cái xấu, cái tiêu cực để đạt được sự hoà hảo, yên ổn bề mặt bị coi là “dĩ hoà vi quý”. Trong khi ý nghĩa chân chính của cụm từ này vốn rất tốt đẹp.

Trong cơ quan Nhà nước có người làm ăn tắc trách, có người khai khống hoá đơn biển thủ công quỹ, v.v. nhưng chẳng ai nói ra vì sợ mất lòng. Hỏi ra thì nói: “dĩ hoà vi quý”.

Mỗi một lần hội nghị là một lần “thành công tốt đẹp”, mỗi một nghị quyết đưa ra đều “thông qua”, “nhất trí cao độ”, thế rồi sau lưng thì bàn ra tán vào, chấp hành lỏng lẻo. Hỏi ra lại nói: “dĩ hoà vi quý”.

Điểm sơ sơ vài hoàn cảnh sử dụng cụm từ “dĩ hoà vi quý” trong xã hội hiện đại, mới thấy nó đã bị gán cho hàm nghĩa xấu xí, biến dị.

Muốn hiểu “dĩ hoà vi quý” (lấy hoà làm quý) thực sự nghĩa là gì, trước hết ta cần hiểu cho đúng nghĩa của chữ “Hoà” cái đã.

Dùng bừa chữ “Hoà”, vua cũng bị mắng

Không chỉ con người thế kỷ 21 mới bị nhầm lẫn về ý nghĩa của chữ “Hoà”, mà cách đây khoảng 2500 năm, có một ông vua đã dùng nhầm chữ “Hoà” này, và bị một vị quan đại thần mắng “té tát”.

Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tề Cảnh Công có lần nói Lương Khưu Cứ rất hoà hợp với mình. Yến Tử đáp lời vua rằng:

Ông ấy không phải là “hoà hợp” với bệ hạ, ông ấy rất giống với bệ hạ. Rất hoà hợp là bệ hạ có lỗi lầm thì ông ấy sẽ khuyên bệ hạ, như vậy mới gọi là hoà hợp. Bệ hạ có lỗi lầm, ông ấy cũng theo bệ hạ làm chuyện xấu, đó gọi là giống, không phải gọi là hoà hợp.

Cảnh Công nghe xong thì miệng méo xệch.

Sau khi Yến Tử đáp lời lại, Tề Cảnh Công cảm thấy rất mất mặt. (Ảnh: sohu.com)

Buổi tối hôm đó, vừa nhìn thấy có sao chổi (thông thường có sao chổi là điềm báo không hay), Cảnh Công lập tức sắp xếp người: “Người hãy mau đi cầu Thần linh bảo hộ, cầu nguyện cho sao chổi đó nhanh chóng mất đi”.  Yến Tử nói: “Sao chổi đó là do ông trời muốn nhắc nhở quân vương đã làm những chuyện không tốt.

Cho nên thưa quốc vương, giả như ngài từ bỏ những thú vui chơi, từ bỏ những tên nịnh thần, tiến cử trung thần, chịu nghe lời chân thật, lo cho dân chúng, thì sao chổi đó tự nhiên không còn nữa, không cần đi cầu nguyện thì nó cũng không còn nữa. Giả như hiện giờ bệ hạ chỉ dựa vào việc cầu nguyện để sao chổi đó mất đi, tập quán xấu không chịu sửa, thì “sao bột” còn nguy hiểm hơn sao chổi sẽ xuất hiện”.

Ngày hôm đó, Tề Cảnh Công bị Yến Tử mắng tổng cộng ba lần, trong lòng rất giận. Sau này Yến Tử mất, Tề Cảnh Công lại thương tiếc vô cùng. Có một hôm Cảnh Công khóc lớn: “Nhớ Công Phụ lúc xưa, Yến Tử một ngày khuyên ta ba lần, bây giờ tìm một người khuyên ta một lần cũng tìm không ra”.

Nguồn gốc của chữ Hoà và “dĩ hoà vi quý”

Chữ Hoà trong tiếng Hán (和) có ý chỉ sự hài hoà, hoà hợp, hoà bình. Ý nghĩa của chữ Hoà trong tâm thức cổ nhân có thể được hiểu thông qua cách viết ban sơ của nó: 龢.

Bên trái là chữ 龠 (dược) là một thứ nhạc khí như sáo, có 3 lỗ. Chữ “dược” gồm có 3 phần: chữ 亼 (tập) ở trên cùng nghĩa là tập hợp lại, chữ 品 (phẩm) ở giữa minh hoạ những chiếc lỗ trên cây sáo, và dưới cùng là chữ 冊 (sách) chỉ những thẻ tre được ghép lại thành quyển sách thuở xưa.  

Hơn nữa, kết hợp chữ 亼 (tập) và chữ 冊 (sách) lại với nhau tạo thành chữ 侖 (luân), biểu thị tư duy logic, mạch lạc, theo thứ tự.

Bên phải của chữ 龢 (hoà) là chữ 禾 (hoà) chỉ lúa, mạ, thóc.

Như vậy, các thành phần của chữ 龢 (hoà) đã thể hiện quan niệm truyền thống của người Trung Hoa về sự hoà hợp giữa thiên nhiên và con người.

Người xưa tin rằng con người là sản phẩm của trời đất, vậy nên chữ “hòa” ở đây thể hiện sự hoà hợp giữa thiên nhiên và con người. (Ảnh: kisspng.com)

Khi sang đến địa hạt của quan hệ giữa người với người, Hoà cũng là một trong những giá trị cốt lõi của văn hoá truyền thống phương Đông. Người quân tử trước hết cần tu dưỡng đức hạnh cá nhân thì mới có thể đạt đến sự hoà thuận trong gia đình và hoà bình cho quốc gia: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Trong Luận Ngữ – Học nhi có viết: “Lễ chi dụng, hòa vi quý. Tiên vương chi đạo, tự vi mỹ. Tiểu đại do chi, hữu sở bất hành. Tri hòa nhi hòa, bất dĩ lễ tiết chi, diệc bất khả hành dã”. Nghĩa là:

Sử dụng lễ nghĩa thì hòa là quý. Đạo trị quốc các minh quân thời xưa tốt đẹp đều là như thế. Việc lớn nhỏ đều làm thế này (hòa vi quý) cũng có khi không thành công, vì biết hòa thuận hài hòa là hòa thuận hài hòa mà không dùng lễ nghĩa điều tiết thì cũng không thành công vậy.

Như vậy, muốn đạt đến sự hài hoà tốt đẹp thì trước tiên phải thực thi được “Lễ”. Lễ không chỉ là lễ nghi, nghi thức, mà hiểu rộng ra, còn là quy phạm lễ nghĩa, đạo đức và hành vi mà Thiên thượng chế định cho con người, qua đó mà phân biệt Thiện ác, thị phi, nên và không nên làm.

Trong “Tả truyện” cũng viết: “Thần văn dĩ đức hòa dân, bất văn dĩ loạn”, nghĩa là: Thần nghe nói lấy đức làm cho dân thuận hợp, không nghe nói lấy loạn mà làm.

Vậy nên, “hoà vi quý” trong văn hoá truyền thống phương Đông tuyệt đối không phải là cái xuê xoa, hoà hảo bề mặt, không phân biệt tốt xấu đúng sai như người hiện đại hiểu lầm. Ngược lại, nó là sự hoà thuận, hài hoà chân chính dựa trên nền tảng đức hạnh và lễ nghĩa.

“Hoà vi quý” trong văn hoá truyền thống không phải là cái xuê xoa, hoà hảo bề mặt mà là sự hài hoà chân chính dựa trên nền tảng đức hạnh và lễ nghĩa. (Ảnh: wikipedia.org)

Hài hoà trong sự khác biệt

Người xưa theo đuổi sự hài hoà trong khi vẫn tôn trọng sự khác biệt. Đây là tiêu chuẩn để phân biệt quân tử và tiểu nhân trong Nho giáo. “Hài hoà nhưng khác biệt” là truy cầu sự an hoà nội tâm, chứ không phải là đồng thuận trên bề mặt. Đó là sự thừa nhập, dung nạp những khác biệt phong phú của các sự vật và con người. “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại”, biển vì có thể dung nạp được trăm sông, dung chứa được nên mới thành ra to lớn vĩ đại.

Ngược lại, “đồng nhất mà không hài hoà” lại là sự trấn áp những quan điểm bất đồng và mọi sự chống đối, tiêu diệt sự khác biệt. Theo cách này, có thể đạt được sự thống nhất trên bề mặt tạm thời, tuy nhiên sẽ tích tụ bất mãn trong xã hội và rốt cục dẫn đến đổ vỡ.  

Ở Trung Quốc thời hiện đại, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đề xướng “Xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa”. “Xã hội hài hòa” có vẻ giống lời Thánh hiền xưa, nhưng cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” lại nói lên bản chất của vấn đề. Những ai có tư tưởng khác biệt với nhà cầm quyền xã hội chủ nghĩa vô Thần Trung Quốc thì không được xếp vào trong vùng “hài hòa” này, là đối tượng bị trấn áp, tiêu diệt. Các nhân sỹ dân chủ nhân quyền, các học viên Pháp Luân Công, v.v. đều trở thành mục tiêu công kích và đàn áp của ĐCSTQ.

Một từ, một câu vốn mang hàm nghĩa tốt đẹp, nhân văn, nếu như bị tráo đổi nội hàm, đổi trắng thay đen, thì tinh hoa trí huệ cổ nhân có thể bị coi là rác rưởi, mà rác rưởi thực sự lại khoác áo mỹ miều. Tin rằng, mỗi bạn đọc đều có kiến giải của riêng mình.

Thanh Ngọc

Xem thêm: 8 cảnh giới làm người cao nhất của bậc trí huệ

Exit mobile version