Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!
Vào tháng 7 năm 2004, Nhậm Trọng Di đã viết một bài báo lớn “Nhậm Trọng Di bàn về Đặng Tiểu Bình và Cải cách Mở cửa của Quảng Đông”, đồng thời gọi điện cho Đỗ Đạo Chính, chủ tịch tạp chí “Viêm Hoàng xuân thu” nói rằng:
“Đây là bài viết đặc biệt dành cho ‘Viêm Hoàng xuân thu’ của các bạn. Những gì tôi viết cũng có thể coi là ‘di ngôn chính trị’ của tôi. Tôi hy vọng các bạn không sửa một chữ, xuất bản toàn văn.”
“Di ngôn” này đã được đăng trên tạp chí “Viêm Hoàng xuân thu” số 8 năm 2004.
Nhậm Trọng Di là ai? Ông được coi là một trong những đại diện cho phái khai minh của ĐCSTQ. Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, Nhậm Trọng Di công tác ở tỉnh Hắc Long Giang trong 26 năm, sau đó ông lần lượt giữ chức bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Liêu Ninh (1978-1980), bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Quảng Đông (1980-1985), và ủy viên Ủy ban Cố vấn Trung ương (1985-1992). Ngày 15 tháng 11 năm 2005, Nhậm Trọng Di qua đời vì bạo bệnh tại Quảng Châu, hưởng thọ 91 tuổi.
Cuối đời, tại sao ông lại đăng “di ngôn chính trị” của mình trên “Viêm Hoàng xuân thu”? Nó đã có tác dụng gì?
Trong tập này, chúng ta sẽ nói về sự kiện này dựa trên bài viết “Những cuộc vận động chính trị mà tôi đã trải qua” của Nhậm Trọng Di và các tài liệu khác.
“Di chúc chính trị” như thế nào?
Tóm lại, “Di ngôn chính trị” của Nhậm Trọng Di là hy vọng rằng ĐCSTQ có thể vượt qua thử thách cải cách thể chế chính trị.
Ông nói: “Nếu chính trị và kinh tế trường kỳ không tương thích, tôi nghĩ đó là tình trạng rối loạn nghiêm trọng nhất… Kinh tế dù có nhất thời đi lên, thì rồi cũng sẽ suy thoái. Nếu cải cách chính trị không theo kịp, cuối cùng sẽ xuất hiện những vấn đề lớn. Đây là điều không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người.”
“Mục tiêu cuối cùng của cải cách chính trị là thiết lập một thể chế chính trị dân chủ.” “Một xã hội bị cai trị bởi nòng súng và cây bút không phải là một xã hội dân chủ, cũng sẽ không tồn tại lâu dài.”
Bây giờ xem ra lời nói của Nhậm Trọng Di đã trở thành sự thật. Vậy tại sao ông để lại “Di ngôn chính trị” như vậy? Có hai lý do chính:
Chứng kiến sự đàn áp của các cuộc vận động chính trị
Đầu tiên, ông đích thân trải qua nhiều cuộc vận động chính trị do Mao Trạch Đông phát động.
Lần đầu tiên là trong vận động Chỉnh phong Diên An năm 1943, kéo dài một năm rưỡi; lần thứ hai là sau khi Cách mạng Văn hóa nổ ra năm 1966, kéo dài hơn 5 năm.
Trong vận động Chỉnh phong Diên An, Nhậm Trọng Di làm việc tại Văn phòng Hành chính Tế Nam của ĐCSTQ. Ông kể lại: Tháng 11 năm 1943, ông được điều động về Trường Đảng Cục Bắc Bộ để tham gia nghiên cứu cải chính. Chẳng bao lâu sau, cuộc “cứu thương người lạc lối” bắt đầu. Mỗi cá nhân đều phải viết về lịch sử của chính mình, khai ra những vấn đề của mình, yêu cầu “Đối đảng một trái tim, không phải nửa trái tim, càng không thể hai trái tim”. Người thẩm tra sẽ tiến hành thẩm tra chất vấn về mọi khía cạnh trong lịch sử mỗi cá nhân, nếu câu trả lời của người bị thẩm tra không vừa ý, sẽ bị nghi hoặc thậm chí bị khẳng định có vấn đề, và tiến hành cái gọi là “cứu thương”. Kết quả, đã “cứu thương” ra rất nhiều “đặc vụ”, “nội gián”, tất cả đều bị đánh đập bức cung, buộc phải nhận tội.
Nhậm Trọng Di nói: “Trong thời tôi bị ‘cứu thương’, những ‘phần tử tích cực’ đã dùng chiến thuật ‘chiến xa luân’ chống lại tôi (tức là luân phiên thẩm vấn cả ngày lẫn đêm để bức cung). Từng trong một tháng, chỉ cho tôi ngủ ngắt quãng trong vài giờ (tức là mỗi lần chỉ vài phút).”
“Dương Hiến Trân, người phụ trách trường đảng, khuyên tôi nên ‘thú nhận’ triệt để. Tôi kiến nghị: ‘Hy vọng đảng sẽ thận trọng, thận trọng và thận trọng hơn nữa.’ Ông ta nói: ‘Đảng muốn cậu thú nhận, thú nhận, thú nhân hơn nữa!’ Tôi nói: ‘Tôi tin tưởng đảng.’ Ông ta nói: ‘Đảng tin rằng cậu có vấn đề!’ Tôi nói: ‘Tôi tin Chủ tịch Mao.’ Ông ta nói: ‘Mao chủ tịch tin cậu có vấn đề.’ Ông ta còn hỏi tôi: ‘Cậu có biết điều cậu chờ là ở đâu không?’ Tôi nói: ‘Là trường đảng Bắc bộ.’ Ông ta nói: ‘Trường đảng gì chứ, là GPU (mật vụ Liên xô, sau này được dịch là KGB’! Tôi nghe được điều này, cảm thấy mười phần kinh hãi, đầu óc như muốn nổ tung.”
Sau khi Nhậm Trọng Di được “cứu thương” và “quản thúc tại gia” trong một năm rưỡi, không có bằng chứng nào cho thấy ông là “đặc vụ” hay “nội gián”, cuối cùng ông được thả.
Khi Cách mạng Văn hóa nổ ra vào năm 1966, Nhậm Trọng Di giữ chức bí thư thứ nhất Thành ủy Cáp Nhĩ Tân. Ông lại bị đả đảo là “phái đương quyền đi theo con đường tư bản” lớn nhất ở Cáp Nhĩ Tân.
Nhậm Trọng Di từng nói với thư ký Phan Đông Sinh rằng ông đã bị phê đấu hơn 2.300 lần trong các hội nghị phê đấu lớn nhỏ trong Cách mạng Văn hóa, tập trung trong ba năm đầu, các hội phê đấu quy mô nhỏ có hàng trăm người tham gia, các hội phê đấu quy mô lớn có hơn 10 vạn người tham gia. Phan Đông Sinh rất ngạc nhiên khi ông có thể nhớ rõ ràng như vậy. Nhậm Trọng Di tiết lộ, mỗi khi bị phê đấu, ông đều dùng bút điểm một hình tròn vào sổ tay.
Tại một hội nghị phê đấu, giữa trùng trùng những âm thanh tố cáo của phái tạo phản, Nhậm Trọng Di được lệnh đứng trên ghế gỗ, đội chiếc mũ cao ba thước, trên đó viết dòng chữ lớn “Đả đảo phần tử hắc bang Nhậm Trọng Di”. Hai tay ông bị trói quặt sau lưng, ông cúi đầu trong khi Hồng vệ binh đổ một chậu nước đen như mực từ sau gáy, chảy xuống chân ông.
Lý Chấn Thịnh, phóng viên ảnh của Nhật báo Hắc Long Giang đương thời, đã ghi lại cảnh tượng điên rồ này bằng máy ảnh của mình. Sau đó, vào năm 2000, khi tờ “Times” của Mỹ tổng hợp 80 sự kiện lớn xảy ra trong thế kỷ trước, “Cách mạng Văn hóa” của Trung Quốc đã được thể hiện bằng bức ảnh này của Nhậm Trọng Nghĩa. Khi Lý Chấn Thịnh gặp Nhậm Trọng Di vào năm 1998, ông ấy đã đưa cho ông bức ảnh này. Ông viết một dòng chữ đằng sau bức ảnh: “Bi kịch của Cách mạng Văn hóa không thể lặp lại.”
Mọi cuộc vận động chính trị do ĐCSTQ phát động đều là kết quả của đấu tranh giai cấp. Tất cả những vụ án giả oan sai lớn đều bị nói thành đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Rất nhiều “kẻ thù” đều là do người ta chế tạo ra. Nhậm Trọng Di đã đích thân trải qua những vận động chính trị tàn bạo này, và việc ông hy vong rằng ĐCSTQ thực hiện cải cách thể chế chính trị là điều hợp lý.
Sau này ông phản tỉnh: “Quá khứ chúng ta đánh đồng chính trị với đấu tranh giai cấp, luôn cường điệu tính giai cấp của nó, cứ nói đến chính trị là nói đến đấu tranh giai cấp. Điều này không đúng. Kỳ thực, công dụng căn bản nhất của chính trị chính là quản lý… và vì là quản lý, nên nó có tính cộng đồng, tính công cụ và tính phổ biến. Các quốc gia phương Tây phát triển hiện tại xã hội ổn định, kinh tế phát đạt, cuộc sống thịnh vượng, là do tổng kết rất nhiều những giáo huấn thành bại của họ mới có được những thành tựu này trong phương diện quản lý quốc gia. Đây là văn minh của nhân loại, khẳng định có những thứ tốt đẹp để chúng ta học tập.”
Từng trải qua trở lực của cải cách kinh tế
Lý do thứ hai khiến Nhậm Trọng Di kêu gọi cải cách thể chế chính trị là vì cá nhân ông đã trải qua những mưa mưa gió gió của cuộc cải cách mở cửa do Đặng Tiểu Bình khởi xướng.
Cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài mười năm đã đưa ĐCSTQ đến điểm gần như vong đảng. Sau Cách mạng Văn hóa, để cứu đảng, Đặng Tiểu Bình bắt đầu cái gọi là “chấn chỉnh hỗn loạn”, thực hành cải cách mở cửa.
Năm 1978, Nhậm Trọng Nghĩa được điều động giữ chức bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Liêu Ninh. Mùa thu cùng năm, khi Đặng Tiểu Bình đi thị sát Liêu Ninh, ông ta nói: “Trước tiên chúng ta phải cải thiện cuộc sống của một bộ phận người dân.” Nhậm Trọng Di hiểu rằng điều này là để một bộ phận người làm giàu trước.
Khi đó, nhiều người bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực tả, nói đến “giàu có” liền biến sắc. Kết quả là ông đã phát động một cuộc thảo luận lớn về cách làm giàu trên toàn tỉnh về việc “Có dám làm giàu không, có làm giàu được không, có để cho làm giàu không, có giàu được không?” và đạt được kết quả rất tốt. Khi nắm quyền ở Liêu Ninh, ông đã khôi phục thị trường tự do ở nông thôn và thành thị vốn từ lâu được coi là “cái đuôi của chủ nghĩa tư bản”, cho phép các doanh nghiệp cá nhân tự kinh doanh, nới lỏng các hạn chế đối với doanh nghiệp nhà nước, và thậm chí còn đề xuất thành lập đặc khu kinh tế ở Đại Liên.
Năm 1980, Nhậm Trọng Nghĩa được điều động làm bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Quảng Đông.
Vào thời điểm đó, các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ với hạt nhân là Đặng Tiểu Bình đã ban cho Quảng Đông những chính sách đặc biệt. Đặng hy vọng rằng ông sẽ điều hành thành công Đặc khu kinh tế Thâm Quyến ở Quảng Đông, mở ra một con đường.
Sau khi Nhậm Trọng Di đến Quảng Đông, ông đã tận dụng tối đa các chính sách và thực hiện một số thực nghiệm táo bạo trong cải cách thể chế kinh tế.
Tuy nhiên, một số biện pháp của ông đã bị các thế lực bảo thủ trong ĐCSTQ phản đối mạnh mẽ. Thậm chí có người còn cho rằng: “Ngoài quốc kỳ màu đỏ, đặc khu hành chính không còn mang hương vị của chủ nghĩa xã hội nữa”. May mắn thay, được sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa cải cách như Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, ông mới có thể vượt qua được những quan nạn này.
Cá nhân Nhậm Trọng Di đã trải qua nhiều trở ngại trong việc cải cách thể chế kinh tế. Ông nhận ra rằng, nếu không cải cách thể chế chính trị, thì cải cách thể chế kinh tế không thể thâm nhập, thành quả cách mạng cũng khó bảo toàn.
“Di ngôn chính trị” lạc vào hư không
Tuy nhiên, cho đến ngày nay, chính sách của ĐCSTQ vẫn chưa hướng tới dân chủ tự do, mà trái lại hướng tới chế độ độc tài cực quyền, “Di ngôn chính trị” của Nhậm Trọng Di đã lạc vào hư không. Tại sao xảy ra chuyện này?
Thứ nhất, đích thân Đặng Tiểu Bình bóp chết cải cách thể chế chính trị.
Năm 1986, Đặng Tiểu Bình ý thức được rằng “không cải cách thể chế chính trị, thì cải cách thể chế kinh tế làm không thông”. Ông ta giao nhiệm vụ cho Triệu Tử Dương, lúc đó là thủ tướng Quốc vụ viện, nghiên cứu vấn đề cải cách thể chế chính trị. Năm 1987, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của ĐCSTQ đã đề ra nhiệm vụ cải cách thể chế chính trị.
Tuy nhiên, phong trào dân chủ sinh viên nổ ra vào mùa xuân hè năm 1989 “Đòi dân chủ, đòi tự do, chống quan tham, chống tham nhũng” khiến Đặng cảm thấy sự thống trị của ĐCSTQ đang bị uy hiếp. Đặng đã hạ lệnh đưa 20 vạn quân tiến vào Bắc Kinh, tạo ra vụ đại thảm sát hàng ngàn sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn ngày 6/4/1989. Từ đó trở đi, Đặng không bao giờ nhắc đến cải cách thể chế chính trị nữa.
Ngày nay, công cuộc cải cách thể chế chính trị của ĐCSTQ chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào, ngược lại, nó đã thụt lùi trở về thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Việc phân khai đảng và chính quyền, phóng hạ quyền lực, nới lỏng doanh nghiệp nhà nước, v.v. do Đặng đề xuất và Nhậm Trọng Di thực thi ở Quảng Đông giờ đây đã được thay thế bằng đảng lãnh đạo hết thảy, không ngừng tập trung quyền lực, tăng cường quyền lực nhà nước, tước đoạt quyền tự do của người dân v.v.
Nguyên nhân thứ hai khiến “di ngôn chính trị” của Nhậm Trọng Di thất bại là do ý thức hệ khống chế các lãnh đạo ĐCSTQ.
Từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình, họ đều tuân theo sự chỉ đạo của cùng một ý thức hệ. Ví dụ, Tập Cận Bình, cha, mẹ ông, ông và các thành viên khác trong gia đình đều bị bức hại trong Cách mạng Văn hóa. Theo suy nghĩ của người bình thường, Tập nên phải căm ghét Cách mạng Văn hóa sâu sắc và không bao giờ nên quay lại Cách mạng Văn hóa. Tuy nhiên, ngày nay, Tập đang từng bước quay trở lại Cách mạng Văn hóa, quay trở lại chế độ độc tài, chuyên chế và toàn trị. Nguyên nhân căn bản là tư tưởng của ông ta thực chất bị “ý thức hệ” điều khiển.
“Tuyên ngôn Cộng sản” chủ trương bạo lực. Ngày nay, ĐCSTQ vẫn dựa vào “nòng súng” (quân đội) và “cán dao” (cỗ máy độc tài) để duy trì quyền lực, nó cách xa chính trị dân chủ mười vạn tám ngàn dặm.
- Trọn bộ Trăm năm chân tướng
Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch