Đại Kỷ Nguyên

Đi tìm sự thật lịch sử về nàng Tiểu Yến Tử trong phim ‘Hoàn Châu cách cách’

Đi tìm sự thật lịch sử về nàng Tiểu Yến Tử trong phim 'Hoàn Châu cách cách'

Ảnh chụp màn hình phim "Hoàn Châu Cách Cách" 1997.

Cuối những năm 90, loạt phim truyền hình cổ trang “Hoàn Châu cách cách” đã gây nên một cơn sốt khắp châu Á. Những Ngũ A Ca, Tiểu Yến Tử, Hạ Tử Vi, Phúc Nhĩ Khang… sau hàng chục năm vẫn còn sống động trong lòng độc giả. Nhưng có một câu hỏi đặt ra là: Người gọi là Hoàn Châu cách cách thực sự là ai trong lịch sử?

Bộ phim “Hoàn Châu cách cách” được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Quỳnh Dao. Tác giả cho biết ban đầu câu chuyện về cách cách Hoàn Châu hoàn toàn được xây dựng trên những tình tiết hư cấu. Tuy nhiên Quỳnh Dao cũng khẳng định cảm hứng sáng tác của mình bắt nguồn từ một ngôi mộ công chúa ở vùng ngoại ô miền Tây Bắc Kinh. 

Vậy câu chuyện xoay quanh ngôi mộ bí ẩn đó là gì?

Trong một lần du lịch tới Bắc Kinh, Quỳnh Dao đã tới thăm lăng mộ của một nàng công chúa không rõ tên tuổi được cho là con nuôi của vua Càn Long. Tuy mang danh nghĩa công chúa nhưng do không cùng dòng máu hoàng thất nên mộ phần của nàng nằm tách biệt khỏi nghĩa trang của hoàng gia.

Rất ấn tượng với câu chuyện đó, Quỳnh Dao quyết định xây dựng tác phẩm của mình xoay quanh nhân vật chính là một “nghĩa nữ” (con nuôi) của vua Càn Long, tức Tiểu Yến Tử.

Ngoài ra, để tăng thêm phần hấp dẫn cho mạch truyện, bà cũng tạo nên một nhân vật nữa là Hạ Tử Vi, con gái thất lạc của hoàng đế. “Bộ tứ” Tiểu Yến Tử, Hạ Tử Vi, Phúc Nhĩ Khang, Ngũ A Ca sau này đã trở thành những hình tượng kinh điển.

Truyền thuyết mộ công chúa

Thành Bắc Kinh với bề dày vài trăm năm lịch sử, có rất nhiều mộ phần của những công chúa, vương tử được chôn cất. Nhưng năm tháng trôi qua, phần lớn mộ phần của họ đã sớm biến mất không còn dấu vết, những thôn làng cũng chỉ còn sót lại vài nơi.

Hiện nay, tại Bắc Kinh vẫn còn khoảng 10 khu vực có tên là “Mộ công chúa” ở Hải Điến, Triều Dương, Phong Đài, Phòng Sơn. Vào thời nhà Thanh, công chúa được gọi là “cách cách”

Trong đó, ngôi mộ nổi tiếng nhất chính là “Mộ công chúa” ngoài Phục Hưng Môn, ngoại ô phía Tây của Bắc Kinh. Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của nó.

Có một thuyết kể về Kim Thái, vốn là một người Hán từ nhỏ đã được người Mãn nuôi dưỡng, vì lập được chiến công hiển hách mà được phong làm nguyên soái. 

Một hôm, Kim Thái đang chơi trong vườn hoa thì bất ngờ gặp được công chúa, hai người như gặp phải tiếng sét ái tình. Các quan đại thần trong triều ra sức ngăn trở, tâu với hoàng đế cho Kim Thái đi đày.

Kim Thái ở trong cảnh nghèo khó, chẳng bao lâu thì qua đời. Cậu đã viết một bức thư cho công chúa, gửi gắm bao nhiêu tâm tư, tình cảm bên trong. 

Khi công chúa đọc được dòng chữ tuyệt mệnh trong thư rằng: “Khi nàng đọc được lá thư này thì ta đã không còn ở trên cõi đời nữa”. Quá đau đớn, nàng bèn uống rượu độc tự tử. 

Hoàng đế không biết phải làm sao, đành mang Kim Thái chôn qua quýt tại Hương Sơn, còn công chúa thì chôn tại một nơi thật xa, chính là “mộ công chúa” ngày nay.

Xung quanh câu chuyện về nàng cách cách vô danh con nuôi vua Càn Long còn có nhiều truyền thuyết khác nữa. Chuyện kể rằng, vua Càn Long trong một lần vi hành dẫn theo hai tùy tùng thân cận, vì đường lạ nên đã bị lạc. 

Vua bèn đi vào một ngôi làng nhỏ tìm nơi nghỉ tạm. Tại đây, vua và hai người tùy tùng đã được một ông già nghèo tốt bụng tiếp đón chu đáo. Ông già mời họ vào nhà và bảo đứa con gái nhỏ dọn bữa cơm đạm bạc cho ba người lạ.

Trong khi tá túc tại nhà ông lão, Càn Long nảy lòng yêu mến bé gái. Ông muốn được trở thành cha đỡ đầu của cô bé và người cha vui vẻ nhận lời. Càn Long còn tặng cô một chiếc khăn tay và dặn: “Nếu gặp khó khăn, hãy cứ đến Kinh thành tìm ta”.

Nạn đói hoành hành, hai cha con phải phiêu bạt bốn bể kiếm ăn. Ông lão ngày một già yếu rồi mắc bệnh nặng. Cô con gái quá tuyệt vọng, đi khắp nơi cầu xin mọi người cứu giúp.

Trong một lần ra bờ sông, cô tình cờ gặp lại một trong hai người tùy tùng của vua Càn Long lúc trước tá túc tại nhà. Cô quỳ xuống cầu xin và được vị này đưa đến gặp nhà vua.

Càn Long nhớ ra lời hứa năm xưa nên đã cưu mang và để cô gái ở lại trong cung. Không lâu sau đó, cha cô gái qua đời. Vua Càn Long đã nhận nuôi và phong cô làm công chúa.

Nhưng cuộc sống trong cung vua không hề đẹp đẽ như mong tưởng. Cô gái phải chịu đựng rất nhiều sự ghẻ lạnh, luôn buồn bã, chán chường, một thời gian sau cũng mắc bệnh qua đời.

Thương tiếc người con gái, vua Càn Long đã hạ lệnh an táng cô theo nghi thức hoàng gia tại một vùng riêng nằm phía Tây thành Bắc Kinh. Nơi này được gọi tên là “Mộ công chúa”, hoàn toàn không ghi danh.

Sự thật lịch sử

Căn cứ theo tài liệu lịch sử ghi chép lại, “Mộ công chúa” quả thực có chôn cất hai vị công chúa thời nhà Thanh, từ đó mà khu đất đó cũng được mang tên này. 

Hai vị công chúa ấy là Hoàng Tam Nữ và Hoàng Tứ Nữ, hai người con gái của hoàng đế Gia Khánh, tức Thanh Nhân Tông. Hoàng Tam Nữ sinh vào ngày 17/12/1781 (năm Càn Long 46), mẫu thân là Gia Thân Vương (Lưu Gia Thị sau này là phi tử của Gia Khánh).

Năm Gia Khánh thứ 6 (Năm 1801) Hoàng Tam Nữ được phong là Trang Kính Hòa Thạc công chúa, tháng 11 cùng năm thì được gả cho Sách Đặc Nạp Mộc Đa Bố Tế, họ Bác Nhĩ Tế Cát Đặc, thuộc bộ tộc Khoa Nhĩ, Mông Cổ. Tới tháng 3 năm Gia Khánh thứ 16 (năm 1811) thì qua đời, năm đó tròn 31 tuổi.

Hoàng Tứ Nữ sinh vào ngày 7/9/1784 (năm Càn Long thứ 49), mẫu thân là hoàng hậu Hiếu Thục Duệ, họ Hỷ Tháp Lạp. Năm Gia Khánh thứ 7 (năm 1802) được phong làm công chúa Trang Tĩnh Cố Luân, tháng 11 năm đó nàng được gả cho quận vương Mã Ni Ba Đạt Lạt, thuộc bộ tộc Thổ Mặc Đặc, Mông cổ. Tháng 5 năm Gia Khánh thứ 16 (năm 1811) thì qua đời ở độ tuổi 28.

Theo phép tắc của tổ tông, thì khi công chúa nhà Thanh lấy chồng, sau khi chết sẽ không được chôn trong lăng tẩm của hoàng cung, cũng không được chôn cùng phần mộ của cha mẹ, mà phải xây riêng một ngôi mộ khác. Cho nên khu vực Bắc Kinh mới xuất hiện rất nhiều vườn lăng công chúa.

Còn công chúa Hoàng Tam Nữ, hiệu là Trang Kính Hòa Thạc và công chúa Hoàng Tứ Nữ, hiệu là Trang Tịnh Cố Luân qua đời cùng năm, chỉ cách nhau 2 tháng, nên được chôn cất cùng nhau, từ đó hình thành nên “Mộ công chúa” ngày nay.

Nhưng “Mộ công chúa” năm đó khác với mộ công chúa bây giờ. Mộ công chúa cổ có tường bao, cửa nghi môn, điện thờ, xung quanh và bên trong mộ phần trồng rất nhiều tùng, bách cổ cũng như các loại cây hòe, hạnh ngân, thể hiện ra sắc cổ hương cổ.

Cung ngầm là kết cấu gạch đá, rất kiên cố. Hai ngôi mộ đều là mộ đôi của vợ chồng, chôn theo binh khí, đao Mông Cổ và châu báu, tơ lụa… Có thể thấy rằng công chúa trong mộ này chính là “cách cách nhà Thanh” thực sự, không phải là Kim Thái, cô gái người Hán xuất thân trong dân gian. Nhưng nhìn lại lịch sử vương triều Đại Thanh, căn cứ theo ghi chép thì quả thực có xuất hiện một vị công chúa người Hán.

Cuối cùng, dù nàng công chúa con vua Càn Long có phải là một sản phẩm hư cấu nghệ thuật hay không thì câu chuyện về Hoàn Châu cách cách cũng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người Á Đông, đặc biệt là khán giả Việt Nam.

Video: Có khiếm khuyết mới là vĩnh cửu, không hoàn mỹ mới gọi kiếp nhân sinh

Exit mobile version