Từ xưa đến nay, hậu quả thảm khốc mà dịch bệnh mang đến cho nhân loại thật khiến người ta mỗi khi nghĩ đến không rét mà run. Tuy vậy, trong những đại dịch đó vẫn có những người tưởng chừng có nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao lại bình an vô sự.
Dám ở nơi không ai dám ở, dám làm điều không ai dám làm, mà bình an vô sự
Triều Tấn có một người tên Dữ Duyễn. Một năm nọ, quê nhà ông phát sinh dịch bệnh. Hai người anh lớn của ông đều mắc phải dịch bệnh mà qua đời, người anh thứ ba bệnh tình cũng đang trở nặng. Bởi tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, cha mẹ và các em của ông dự tính đi sang nơi khác lánh nạn. Duy chỉ có Dữ Duyễn không vâng theo lời cha mẹ rời đi, một lòng muốn ở lại chăm sóc anh trai mình. Mấy chục ngày sau, dịch bệnh dần dần biến mất. Sau khi người nhà trở về, nhìn thấy anh trai của Dữ Duyễn đã khỏe hơn phân nửa, riêng bản thân ông thì bình an vô sự, hoàn toàn không bị lây nhiễm, mọi người đều rất kinh ngạc.
Những người già cả sau khi biết chuyện này, đều cảm thán rằng: “Thằng bé này dám ở nơi mọi người không dám ở, dám làm điều mà mọi người không ai dám làm, thật đúng là ‘sau ngày đông giá rét mới biết lá tùng bách rụng sau cùng’, nhân cách của cậu thật khiến chúng ta không khỏi kính phục”.
Chủ động ôm thi thể người chết mà không bị lây nhiễm
Năm 541 đến năm 549, đế quốc La Mã xảy ra 4 trận đại dịch đáng sợ. Tình cảnh thảm khốc của nó khiến toàn nhân loại phải khắc ghi vào tận xương tủy. Nhà sử học Ivar Greg Wells đã miêu tả vô cùng tinh tế và sâu sắc về những gì ông đã trải qua trong các cơn đại dịch mang tính lịch sử này:
“Thân thể một số người, bắt đầu từ phần đầu, cặp mắt ứ máu, gương mặt sưng lên, tiếp đó là cổ họng cảm thấy khó thở, không được bao lâu sau thì chết. Một số người nội tạng lòi cả ra ngoài, số khác bị viêm và nhiễm trùng ở phần hông, nước mủ chảy khắp người, đồng thời còn bị sốt cao, những người này sẽ chết trong vòng hai hoặc ba ngày.
Khắp nơi đều là xác chết vì không có người chôn cất mà thối nát, phân hủy ngay trên đường phố, mọi nơi đều có người đột ngột ngã xuống đường rồi chết ngay tại chỗ, khiến cho tất cả người nhìn thấy đều cảm thấy kinh hoàng, sợ hãi.
Bụng họ sưng phù lên, từng cơn từng cơn nước mủ không khác gì những dòng nước lũ từ trong miệng nôn ra, cặp mắt đỏ rực, tay thì giơ lên cao. Xác chết chất chồng lên xác chết, la liệt trong từng con đường, trên từng góc phố, cửa hiên ngoài sân nhà hoặc trong giáo đường”.
Tại thành Constantinople, người chết nhiều không kể xiết, quan lại địa phương tìm không ra chỗ có thể dùng cho việc chôn cất nữa. Bởi vì không có đủ băng ca cũng không có người đào mộ, xác chết đành phải chất thành đống bên đường, cả thành thị đều nồng nặc mùi tử thi.
Có những lúc, khi mọi người đang nhìn nhau nói chuyện, họ bỗng nhiên lắc động một cái, sau đó ngã nhào xuống bên đường hoặc trong nhà. Khi một người tay còn đang cầm công cụ, ngồi ở đó mà làm thủ công mỹ nghệ, ông ta cũng có thể sẽ ngã sang một bên, hồn lìa khỏi xác. Mọi người ra chợ để mua một vài món đồ thiết yếu, nhưng khi họ đứng đó trò chuyện hoặc đếm tiền, cái chết sẽ đột nhiên tập kích hai bên cả người mua lẫn người bán, hàng hóa và tiền mặt vẫn ở đó, nhưng chẳng có ai nhặt nó lên.
Nhưng cũng có những người, dịch bệnh lại hoàn toàn lướt ngang qua họ. Nhà sử học Ivar Greg Wells, người đã đích thân trải qua trận đại dịch đến khi nó kết thúc, đã miêu tả: “Người nhiễm bệnh đều không giống nhau, căn bản không thể nào y như nhau. Có người thậm chí sống trong nhà với người bị bệnh, nhưng vẫn không bị lây nhiễm, hơn nữa còn tiếp xúc với người chết, vậy mà họ hoàn toàn không bị truyền nhiễm. Còn có những người vì mất đi con cái và người thân mà đau đớn tột cùng, nên đã chủ động ôm lấy người chết, thậm chí vì để chết mau hơn còn tựa sát với người bệnh, nhưng dường như bệnh tật không nguyện ý tác thành cho họ, mặc dù hành hạ bản thân đến như thế, nhưng họ vẫn không sao”.
Trực tiếp giúp đỡ người bị dịch mà không bị lây nhiễm
Thời nhà Nguyên, vùng Tề Hà, Đức Châu, Trung Quốc có người tên Tử Nhữ An. Sau khi phụ thân qua đời, ông ở nhà chịu tang, đức hiếu thuận của ông nổi tiếng xa gần. Mẫu thân ông là Cao thị quản lý nhà cửa rất nghiêm. Tử Nhữ Đạo ân cần hầu hạ trước sau, thái độ rất là cung kính.
Một ngày nọ, Cao thị nhân lúc trong nhà chỉ còn hai mẹ con, bà đưa một số vàng bạc châu báu cho Tử Nhữ Đạo, nói rằng: “Trong tất cả anh em, còn là đứa hiếu thuận nhất, bản thân con trước giờ cũng không có tích cóp gì, một mai nếu ta không còn nữa, những thứ này chưa chắc đã thuộc về con. Giờ con hãy mang chúng giấu đi, đừng để bất cứ ai biết”.
Nhữ Đạo nghe vậy, khóc rằng: “Cha mẹ vất vả gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay nhà cao cửa rộng, ruộng vườn vô số, gia súc đầy nhà. Nhữ Đạo chỉ hận mình không thể đáp đền đại ân của mẹ cha, nào dám nhận phần của này mình, làm vậy chỉ tăng thêm tội bất hiếu của con”, bèn kiên quyết từ chối không nhận.
Không lâu sau, mẫu thân ông đã qua đời. Nhữ Đạo vô cùng đau đớn, trong thời gian chịu tang ông không uống rượu cũng không ăn thịt.
Tử Nhữ Đạo hiếu thuận là thế, ông đối với các anh chị em trong nhà cũng vô cùng hòa ái thương yêu. Sau khi mẹ ông qua đời, hai cậu em tính đến việc phân chia gia sản, Nhữ Đạo liền nhường phần ruộng vườn và nhà cửa cho hai em. Hai cậu em mất sớm, Nhữ Đạo liền nuôi dưỡng các con của hai em, yêu thương như chính con đẻ mình. Ông có người họ hàng là Lưu Hiển gia cảnh nghèo khó vô kế sinh nhai, Nhữ Đạo liền chia một phần đất của mình cho họ, để họ có nơi trồng trọt mà sống qua ngày.
Một năm nọ, quê ông xảy ra trận đại dịch, có người vì ăn dưa, đổ mồ hôi mà khỏi hẳn. Tử Nhữ Đạo sau khi nghe nói đã bỏ tiền túi ra mua rất nhiều dưa và gạo gửi tặng cho từng nhà. Có người khuyên ông: “Dịch bệnh sẽ lây nhiễm cho người khác, ông đừng nên đến nhà những người có bệnh là hơn”. Nhữ Đạo không chút động tâm, vẫn một lòng quan tâm đến những gia cảnh khốn khổ chẳng may mắc phải bệnh tật. Nếu có người qua đời, ông còn gửi tặng quan tài đến nhà để họ có cái làm lễ an táng, mọi người đều rất cảm kích ông. Điều khiến người ta kinh ngạc hơn cả chính là dù đã tiếp xúc với nhiều người bệnh như vậy, nhưng ông vẫn không hề bị lây nhiễm.
Vì sao dịch bệnh lại bỏ qua họ?
Vì sao dịch bệnh lại bỏ qua những người này? Sẽ nhiều người nói rằng bởi họ có sức đề kháng cao, nên virus không tấn công được. Cũng lại có những cách giải thích khác cần một niềm tin, có thể bị cho là mơ hồ, nhưng lại mang giá trị đạo đức vô cùng to lớn.
Một câu chuyện thời nhà Tống được ghi chép lại là một trong những cách lý giải của người xưa, để từ đó sống đạo đức thiện lương hơn, âu cũng là một lời nhắc nhở, một niềm tin không phải là thiếu logic để nương theo.
Chuyện rằng, Quản Sư Nhân, người vùng Tấn Vân, tỉnh Chiết Giang khi còn đang đọc sách đã gặp phải một chuyện như vậy. Mùng 1 tết năm nọ, ông dậy sớm đi ra khỏi nhà, đột nhiên trông thấy mấy con quỷ thân hình cao lớn, mặt mày hung dữ, bèn quát hỏi chúng đến đây làm gì. Đại quỷ nói: “Chúng tôi là quỷ ôn dịch, ngày đầu tiên của năm mới sẽ gieo rắc dịch bệnh ở nhân gian”. Quản Sư Nhân hỏi: “Thế nhà chúng tôi có ai bị không?”. Quỷ ôn dịch nói: “Không có”.
Quản Sư Nhân rất lấy làm hiếu kỳ, liền hỏi vì sao lại có thể tránh được? Quỷ ôn dịch nói: “Người có thể tránh được, hoặc là ba đời tổ tiên tích đức hành thiện, hoặc là gia tộc sắp hưng vượng phát đạt, hoặc là trước giờ chưa từng ăn thịt trâu bò. Người thuộc một trong ba điều này thì chúng tôi đều không thể vào cửa, vậy nên trong nhà sẽ không có dịch bệnh”.
Tổ tiên ba đời của Quản Sư Nhân đều tích đức hành thiện, mỗi khi nhìn thấy người khác làm điều ác đều sẽ khuyên ngăn, nhìn thấy người khác hành thiện đều ra sức khích lệ, vậy nên quỷ ôn dịch tự nhiên sẽ không xâm hại. Quả nhiên, năm đó dịch bệnh hoành hành, cả nhà Quản Sư Nhân hoàn toàn bình an vô sự
Lộ Thời Trung – một đạo sĩ nổi tiếng thời Nam Tống khi luận bàn về nguyên nhân dịch bệnh hoành hành có nói rằng: “Nay vào thời mạt thế, đạo đức xuống dốc, thói đời hủ bại, ngũ tình (hỷ, nộ, ai, lạc, oán) tạp loạn”. Do vậy, quỷ ôn dịch tìm đến nhà nào cũng đều có nguyên nhân mục đích cả.
Thánh đồ Ephesus John vì muốn cho những người đời sau biết về trận đại dịch thảm khốc năm nào, qua đó có được bài học thực tiễn đừng theo vết xe đổ phía trước, nên đã viết lại lời khuyên chân thành trong những tháng ngày đau khổ mà mình đã trải qua:
“Mỗi một quốc gia, mỗi một vùng đất, mỗi một khu vực cho đến mỗi một thành thị lớn mạnh, toàn bộ con dân đều không ai có thể thoát khỏi bàn tay bỡn cợt của Thần Chết. Vậy nên, khi tôi (Ephesus John), một con người bất hạnh, khi muốn viết lại sự kiện này để lưu vào sử sách, rất nhiều lần, tư duy của tôi chết lặng tê liệt. Hơn nữa, xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, tôi đã muốn quên đi tất cả mọi thứ: Cả thế giới đều đang biến động, đi đến suy đồi, khi thời gian sinh tồn của một đời người đều bị rút ngắn lại rất nhiều, cứ cho là có thể ghi chép lại một phần nhỏ của muôn vàn sự việc, cũng không thể kể hết được trong đó, lại có tác dụng gì đâu? Mà người ghi chép lại tất cả sự việc này, thì là vì ai mà ghi chép lại đây?
Tuy nhiên, tôi lại nghĩ tiếp, nếu dùng cây bút của tôi, để cho con người đời sau biết được một phần nhỏ của những sự việc nhiều không đếm xuể mà Thượng Đế đã trừng phạt chúng tôi như thế nào, điều đó cũng không có sai gì. Cũng có thể, trong những năm tháng còn lại của thế giới, các thế hệ sau này sẽ vì những tội lỗi mà chúng tôi đã phạm mà chịu sự trừng phạt thảm khốc, mà cảm thấy kinh hoàng, sợ hãi. Đồng thời có thể thông qua sự trừng phạt khiến những người không may mắn như chúng tôi phải gánh chịu, mà trở nên sáng suốt và lí trí hơn, từ đó họ có thể không còn mắc phải lỗi lầm để rồi tự cứu vớt bản thân khỏi cơn thịnh nộ của Thượng Đế và những khổ nạn sẽ xảy đến trong tương lai.
Chỉ mong sao những đau đớn thê thảm mà những người đời trước như chúng tôi đã trải qua có thể cảnh tỉnh thế hệ sau này, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, đây chính là chân lý của toàn vũ trụ này”.
Người xưa đã một lòng nhắn nhủ, người nay sao nỡ vô tình mà coi thường hay chê cười họ lạc hậu. Cuộc sống con người tích lũy được tri thức cũng từ kinh nghiệm và trải nghiệm mà nên, người xưa đã dùng cả đời của mình và bao lớp thế hệ đi trước để lại bài học và lời cảnh tỉnh, chúng ta cũng nên lưu tâm và mở lòng đón nhận.
Trong tình cảnh khốc liệt gấp gáp của đại dịch, có thể nhớ thực hành điều thiện lương, một lòng tin tưởng vào thiện hữu thiện báo, nào có khiến ta mất đi điều gì tốt đẹp, hơn thế còn lan truyền đi những giá trị vĩnh hằng của nhân loại. Năng lượng tích cực sẽ thu hút những điều tươi sáng. Tin hay không là quyền của mỗi người, nhưng chỉ cần có niềm tin, bạn đã mạnh mẽ và chắc chắn hơn vào những quyết định của mình rồi. Đó chính là một loại năng lực, một loại trí tuệ, một lần đạt được chứ nào có thiệt thòi gì.
Theo Lưu Hiểu, NTDTV
Vũ Dương biên dịch
Video: Tổ tiên tích đức thay vận mệnh, con cháu vinh hoa lộc mãn đường