Đại Kỷ Nguyên

Điềm báo kỳ lạ trước khi vị Hoàng đế sinh ra, trong đời lại gặp không ít chuyện ly kỳ thú vị

Ông là một vị hoàng đế có tâm cầu Đạo và rất kính ngưỡng Thần Phật. Vậy nên, trước khi ông sinh ra đã có những điềm báo rất kỳ lạ. Chẳng những vậy, trong suốt cuộc đời về sau ông cũng có không ít những cuộc gặp gỡ ly kỳ với người cõi tiên giới. Những câu chuyện này vẫn được người đời sau nhắc đến như một huyền thoại…

Hán Vũ Đế (31/7/156 – 29/3/87 TCN) tên thật là Lưu Triệt, tự là Thông, là Hoàng đế thứ 7 của triều đại nhà Hán thời kỳ Tây Hán. Hán Vũ Đế là người con trai thứ 10 của Hán Cảnh Đế Lưu Khải, là cháu của Hán Văn Đế Lưu Hằng, là chắt của Hán Cao Đế Lưu Bang, là huyền tôn của Thái thượng hoàng Lưu Thái Công.

Theo sách “Thái Bình Quảng Ký”, trước khi Hán Vũ Đế Lưu Triệt sinh ra, cha ông là Hán Cảnh Đế có nằm mộng thấy một con rồng màu đỏ rẽ mây từ trên trời bay xuống, bay thẳng vào Sùng Phương Các. Lúc đó Hán Cảnh Đế có mời thầy tướng số Diêu Ông tới bốc quẻ, Diêu Ông nhắm mắt hồi lâu và trả lời: “Tại Sùng Phương Các này nhất định sẽ xuất sinh một người nắm giữ vận mệnh của đất nước. Người ấy sẽ bình định dị tộc Di, Địch ở phương Bắc, làm cho vận nước hưng thịnh, trở thành một vị minh chủ trong thời kỳ hưng thịnh của vương triều họ Lưu”.

Sau đó Cảnh Đế lại mơ thấy một vị nữ Thần hai tay bưng Mặt Trời trao cho Vương phu nhân. Vương phu nhân liền nuốt Mặt Trời vào bụng. Về sau bà mang thai 14 tháng mới sinh ra Vũ Đế. Cảnh Đế nói: “Ta mơ thấy khói mây màu đỏ hóa thành rồng đỏ. Thầy bói nói là điềm báo cát tường, cho nên đứa con trai này có thể lấy tên là ‘Cát’”.

Hán Vũ Đế (31/7/156 – 29/3/87 TCN) tên thật là Lưu Triệt, tự là Thông, là Hoàng đế thứ 7 của triều đại nhà Hán thời kỳ Tây Hán. Ảnh ĐKN

Lưu Triệt lớn lên đặc biệt yêu thích thuật đạo thần tiên, ông thường xuyên lui tới danh sơn đại xuyên và ngũ nhạc để thỉnh cầu mong có cơ duyên được bái kiến thần tiên. Ngày mùng 1 tháng Giêng năm đầu Vũ Đế, Lưu Triệt xây dựng một đạo quán trên núi cao. Vào một ngày tháng Tư năm Mậu Thìn, khi đang ngồi trong điện Thừa Hoa trò chuyện với hai người bạn là Đông Phương Sóc và Đổng Trọng Quân, bỗng nhiên Lưu Triệt nhìn thấy một mỹ nhân xinh đẹp như tiên nữ xuất hiện tiến về phía ông và nói: “Tôi là ngọc nữ trong vương cung trên trời tên gọi Vương Tử Đăng. Tây Vương Mẫu cử tôi tới thăm và chuyển lời tới ngài. Bắt đầu từ hôm nay xin hãy tĩnh tâm trai giới đến ngày 7/7, Vương Mẫu sẽ xuống thăm ngài”.

Vũ Đế vội vàng rời vị trí tiến tới dập đầu hành lễ và hứa nhất định sẽ làm theo đúng lời căn dặn của Vương Tử Đăng. Lời vừa dứt thì tiên nữ bỗng nhiên biến mất.

Cảnh tượng thù thắng khi Tây Vương Mẫu và Thượng Nguyên phu nhân hạ phàm

Tới ngày 7 tháng 7, trong ngoài hoàng cung được quét dọn sạch sẽ, đại điện xếp đặt vị trí đặc biệt đón chào Tây Vương Mẫu. Hán Vũ Đế áo quần chỉnh tề ngay ngắn trong ngoài nghiêm túc nín chờ Tây Vương Mẫu giáng lâm.

Đến tận canh hai đêm hôm đó, đột nhiên trên bầu trời phía Tây Nam xuất hiện rất nhiều tầng mây trắng từ từ trôi nhẹ tới cung điện, từ trên trời cao một luồng ánh sáng vàng rực chói lóa lấp lánh rọi xuống. Tây Vương Mẫu cùng một số thần tiên đích thân vén mây xe giá xuống cung điện. Những vị thần tiên có người cưỡi rồng có người cưỡi hổ, có người lại có xe giá kỳ lân màu trắng. Lại có người ngồi trên xe giá có những chú ngựa trắng tuyệt đẹp. Khung cảnh vô cùng huyền diệu hoành tráng phi thường, khoảng vài nghìn người làm cho cả cung điện được chiếu rọi bởi một thứ ánh sáng lấp lánh.

Tây Vương Mẫu nhìn như mới hơn 30 tuổi, phong thái nhã nhặn hài hòa, dung mạo tuyệt thế ngồi trên chiếc ghế đặc biệt thiết kế cho bà. Sau khi đợi Hoàng đế Lưu Triệt khấu đầu vấn an bái lạy, bà liền triệu người cùng ngồi xuống.

Vương Mẫu mang theo một đầu bếp trên thiên cung cùng nhiều món ăn hoa quả. Đó đều là những món ăn có hương vị và màu sắc hấp dẫn khác hẳn dưới phàm trần, lại có một loại rượu hương vị thơm nồng quyến rũ mà ở nhân gian hoàn toàn không có. Sau mấy tuần rượu, Vương Mẫu lại sai thị nữ và công tử theo hầu tấu lên những khúc nhạc huyền diệu nơi thiên cung. Những tiết tấu âm nhạc này tao nhã thanh tao đi vào lòng người chấn động tới cửu thiên.

Tây Vương Mẫu lại phái thị nữ đi mời Thượng Nguyên phu nhân, chỉ nghe thấy tiếng sáo văng vẳng trong mây, tiếp đó là Thượng Nguyên phu nhân và hơn ngàn bá quan văn võ xe giá tới cung điện. Thượng Nguyên phu nhân nhìn như mới 20 tuổi, thần thái thuần khiết, hết mực rạng ngời xinh đẹp, vận áo dài màu xanh có thêu ngũ quang thập sắc. Người hầu và những quan viên đi theo đều là nữ độ tuổi chỉ từ mười tám đôi mươi, dung mạo đều vô cùng thanh tú khoáng đạt, người nào người nấy hào quang rực rỡ.

Thượng Nguyên phu nhân cũng đưa tới một đầu bếp đến từ thiên cung và bày xếp nhiều món ăn có hương vị thơm ngon từ trên thiên giới. Lúc này Vương Mẫu nói với Vũ Đế: “Đây là Thượng Nguyên phu nhân, là một vị thần vô cùng tôn quý, ngươi hãy tới bái lạy bà” . Hoàng đế Lưu Triệt lập tức rời khỏi vị trí tiến tới dập đầu vấn an Thượng Nguyên phu nhân.

(Thượng Nguyên phu nhân là một tiên nữ trong thần thoại Trung Quốc, tên gọi A Hoàn. Tương truyền đây là con gái của Tây Vương Mẫu, là mẹ của Tam Thiên chân hoàng. Được bổ nhiệm làm quan thượng nguyên thống lĩnh danh lục ngọc nữ thập phương)

Tiếp đó Tây Vương Mẫu đem “Ngũ Nhạc Chân Hình đồ” truyền thụ cho ông, còn Thượng Nguyên phu nhân cũng truyền cho ông 12 cuốn kinh thư. Hai vị thần tiên sau đó dặn ông luôn phải ghi nhớ thành kính trân trọng những cuốn thiên thư này giống phư cung phụng vua và cha mình.

Cảnh tượng thù thắng khi Hoàng Đế gặp mặt các vị Thần Tiên. Ảnh wikipedia.org

Sau khi hoàng đế khấu đầu bái tạ, đến khi ngẩng đầu lên cũng vừa lúc trời sáng, xe giá của Tây Vương Mẫu và Thượng Nguyên phu nhân cùng đoàn thị vệ người ngựa long hổ mở đường cũng giống như khi họ đến, tất cả cùng bay về hướng Tây Nam biến mất vào trong mây ngũ sắc, chỉ còn lưu lại hương thơm chưa từng có tại nhân gian.

Vốn đã luôn tin tưởng tín ngưỡng Thần Phật, sau khi được đích thân gặp Tây Vương Mẫu và Thượng Nguyên phu nhân, đức tin của Lưu Triệt ngày càng được tăng thêm. Sau đó ông tập hợp những kinh sách, đồ hình chân kinh mà Tây Vương Mẫu cùng Thượng Nguyên phu nhân đã truyền thụ cất vào trong một chiếc hòm bằng vàng đặt ở Bách Lương Đài. Mỗi ngày tự mình tịnh thân trai giới dâng hương quét dọn, sau đó tu luyện theo những điều chỉ dạy trong chân kinh.

“Thái Bình Quảng Ký” còn ghi chép, sau khi Hán Vũ Đế tu luyện có gặp phải rất nhiều chuyện thần kỳ và câu chuyện gặp Thủy Mộc tinh dưới đây chính là một ví dụ.

Cuộc gặp gỡ kỳ lạ với Thủy Mộc tinh

Một lần nọ khi hoàng đế Lưu Triệt đang ở trong cung Vị Ương lập kế hoạch xây dựng, đúng lúc đang muốn đứng dậy ăn cơm bỗng nghe văng vẳng một giọng nói: “Lão thần mạo muội liều chết tự đến can gián”, ông nhìn quanh hồi lâu mãi mà không thấy ai. Tìm một hồi lâu mới nhìn thấy một ông lão ngồi trên xà nhà chỉ cao tầm tám chín tấc (80-90 phân), nét mặt hồng hào phúc hậu với nhiều nếp nhăn, tóc đã bạc trắng, cầm cây quải trượng nhìn hoàng đế.

Hán Vũ Đế hỏi ông lão: “Xin hỏi ông lão tên họ là gì, tôi nên xưng hô như thế nào với ông? Nhà ông ở đâu? Ông có gì thống khổ muốn nói với tôi?”. Ông lão men theo cây cột trụ trong phòng tụt xuống, đặt cây quải trượng xuống dập đầu bái lạy và chỉ thở dài mà không nói một lời. Ông lão ngẩng đầu lên nhìn căn phòng một hồi, sau đó lại cúi người xuống chỉ vào chân của Hán Vũ Đế và đột nhiên biến mất.

Vừa kinh ngạc vừa thấy kỳ lạ, Vũ Đế suy nghĩ hồi lâu mà không biết rốt cuộc ý của ông lão muốn nói là gì. Ngẫm nghĩ mãi cuối cùng ông cho triệu Đông Phương Sóc tới và thuật lại câu chuyện kỳ lạ đó. Đông Phương Sóc nói với ông: “Ông lão đó Thủy Mộc tinh, là tinh hoa của thủy mộc. Mùa hạ thường sống ở trong núi rừng sâu thẳm, mùa đông thường ẩn thân dưới biển sâu. Thưa bệ hạ, mấy ngày gần đây người liên tiếp khởi công xây dựng cung điện, chặt đốn nơi cư ngụ của ông lão nên ông ấy tới can gián. Hy vọng bệ hạ xây dựng cung điện mới đến đây là đủ. Đó chính là ý nghĩa hành động kỳ lạ của ông lão”.

Nghe qua câu chuyện, Vũ Đế trong lòng cảm động khôn nguôi liền hạ lệnh lập tức ngừng công việc xây dựng. Một lần khi đi qua sông Hồ Tử, ông bỗng nghe thấy tiếng đàn tiếng sáo nhạc véo von từ dưới đáy nước. Lấy làm tò mò Vũ Đế cúi xuống nước nhìn thì thấy ông lão ngồi trên xà nhà hôm trước cùng rất nhiều thanh niên quần áo chỉnh tề lưng thắt dải lụa và đeo vòng rất đẹp. Họ đều chỉ cao tám chín tấc, lại có một người cao một thước đập mạnh vào mặt nước tạo thành nhưng quần áo đều không bị ướt, họ đều chơi nhạc.

Vũ Đế nhìn thấy cảnh tượng hoành tráng đó bèn yêu cầu họ ngồi xuống trước bàn rồi hỏi: “Ta có nghe thấy tiếng nhạc tiếng sáo phát ra từ dưới đáy nước, đó có phải của các ngươi không?”. Ông lão râu tóc bạc phơ hôm trước trả lời: “Thưa bệ hạ lần trước thần liều chết mạo muội đến can gián, may mà bệ hạ từ bi đã lập tức ngừng việc xây dựng cung điện, đem đến ân huệ to lớn cho thiên hạ và cho chúng sinh, cũng giúp nơi ở của chúng thần vì thế được bảo tồn nguyên vẹn. Đại ân đại đức của người làm chúng thần cảm thấy vô cùng vui mừng nên tấu nhạc ăn mừng”.

Vũ Đế nói: “Có thể diễn tấu một khúc nhạc cho trẫm nghe được chăng?”. Ông lão vui vẻ cười mà nói: “Chúng thần đều đã mang nhạc cụ tới đây sao không dám diễn tấu chứ! Xin kính thỉnh bệ hạ thưởng thức”.

Đoàn người cùng bắt đầu đàn hát, tiếng đàn tiếng sáo vang lên hòa nhịp với những ca từ như sau:

“Thiên địa đức hề thùy chí nhân, mẫn u phách hề đình phủ cân,
Bảo quật trạch hề tí vi thân, nguyện thiên tử hề thọ vạn xuân”.

Đại ý là: Trời đất nhân đức đã phái tới một người đại nhân đạo thương xót những linh hồn bé nhỏ mà ngừng việc búa rìu; giúp cho những linh hồn bé nhỏ có chốn để dung thân. Cảm tạ thiên tử, nguyện chúc ngài  trường thọ vô cương.

Vũ Để vui mừng vừa mời rượu cảm tạ mọi người vừa nói: “Nhân đức của ta không có gì là đặc biệt, không đáng để mọi người ca ngợi như vậy đâu”. Sau khi lão ông đợi mọi người kính rượu cho Vũ Đế liền dâng tặng cho ông một vỏ ốc biển màu tím, bên trong có một thứ gì đố giống như mỡ bò.
Hoàng đế Lưu Triệt tò mò nhìn chăm chú vào vật đó và nói: “Xin lỗi về sự hồ đồ của ta. Ta không biết đây là vật gì”. Mọi người cười và nói với ông: “Xin bệ hạ hãy hỏi ngài Đông Phương Sóc, ông ấy biết đây là thứ gì”. Vũ Đế hỏi tiếp: “Có thể cho ta xem một vật báu kỳ lạ nữa của các ngươi được không?”.

Thủy Mộc linh liền hạ lệnh cho người đi xuống dưới hang lấy báu vật. Một người trong đoàn nhạc lập tức rẽ nước đi xuống nơi sâu thẳm nhất, chỉ trong nháy mắt đã quay lại tay cầm một viên trân châu rất lớn tên gọi “Động huyệt châu”, đường kính tới mấy tấc phát ra những ánh sáng quang huy đẹp mắt, độc nhất vô nhị trên nhân gian. Vũ Đế nhìn thấy vô cùng bắt mắt liền cầm lên xem thử thì Thủy Mộc tinh cùng đoàn người đột nhiên biến mất.

Vũ Đế mang chiếc vỏ ốc màu tím về hỏi Đông Phương Sóc đó là vật gì, Đông Phương Sóc trả lời: “Đây là tủy xương của con giao long dùng để trang điểm, bôi lên mặt sẽ làm sắc mặt trở tươi đẹp. Không những vậy những phụ nữ khi mang thai dùng nó sẽ sinh nở dễ dàng mẹ tròn con vuông”. Sau này trong hậu cung có vị vương phi khó sinh, chỉ cần thử một chút quả thật hiệu quả vô cùng thần diệu.

Tái hiện hình tượng Hán Vũ Đế trong bộ phim “Vệ Tử Phu”. Ảnh wikipedia.org

Vũ Đế lại dùng dầu trong vỏ ốc màu tím này để bôi mặt, da mặt quả nhiên trơn nhẵn sáng bóng như da trẻ con. Vũ Đế lại hỏi: “Tại sao viên trân châu kia có tên gọi “động huyệt châu”? Đông Phương Sóc trả lời: “Dưới sông có một động huyệt sâu tới mấy trăm thước, trong đó có con trai chuyên làm ngọc màu đỏ, bởi vậy viên ngọc trai này có tên gọi như vậy”. Vũ Đế vừa kinh ngạc với câu chuyện thần kỳ này, lại vừa cảm thấy bội phục về học vấn uyên thâm của Đông Phương Sóc.

Đông Phương Sóc là một vị đại thần chính trực liêm minh ăn nói ngay thẳng trong thời Hán Vũ Đế. Theo ghi chép trong “Thái Bình Quảng Ký”, Đông Phương Sóc là sao mộc trên thiên thượng hạ phàm, bởi vậy không gì là không biết. Ông cũng là người từng nói với Vũ Đế về sự tồn tại của Thần Phật, tuy nhiên trước khi có thể gặp được Thần Phật phải là một người” hữu đạo”, tức có tâm cầu đạo đắc đạo vậy.

Theo NTDTV
Kiên Định biên dịch

 Xem thêm:

Exit mobile version