Đại Kỷ Nguyên

Diêm Vương ở địa phủ rốt cuộc là những ai?

Từ những ghi chép trong các tư liệu lịch sử có thể thấy được rằng, Diêm La Vương –  chức quan nơi địa phủ này có thể không phải là “chế độ cả đời”, mà là do những người ngay thẳng có tài có đức đảm nhiệm luân phiên vậy!

Vào thời nhà Đường của Trung Quốc, có cách nói về Thập Điện Diêm Quân. Mười vị Diêm Quân này lần lượt là: Tần Quảng Vương, Sở Giang Vương, Tống Đế Vương, Ngũ Quan Vương, Diêm La Vương, Biện Thành Vương, Thái Sơn Vương, Đô Thị Vương, Chuyển Luân Vương, Bình Đẳng Vương. Những vị Diêm Quân này lần lượt chưởng quản mười điện lớn trong địa phủ.

Truyền thuyết kể rằng Thiên Đế sắc phong Diêm La Vương, Diêm La Vương chưởng quản địa ngục và vệ binh ngũ nhạc. Sau khi người ta chết, trải qua phán quyết của Diêm La Vương, người hành thiện thì được chuyển sinh lại vào cõi người; còn những kẻ thập ác bất xá (phạm vào mười đại tội không thể tha) thì bị đánh vào Vô Gián địa ngục, mãi mãi chịu khổ hình vĩnh viễn không được siêu thoát.

Truyền thuyết kể rằng Thiên Đế sắc phong Diêm La Vương, Diêm La Vương chưởng quản địa ngục và vệ binh ngũ nhạc. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Theo những ghi chép trong sách sử, Diêm La Vương gần như không có “chế độ cả đời”, cứ cách một đoạn thời gian thì sẽ xuất hiện người mới thay thế.

Khi sống thì là “Thượng Trụ quốc”, sau chết được phong Diêm La Vương

Mùa đông năm thứ 8 niên hiệu Khai Hoàng (năm 588), nhà Tùy, chiến tướng Hàn Cầm Hổ dẫn binh đi đầu công đánh nước Trần. Theo chính sử ghi lại, trước khi nước Trần diệt vong, ở vùng Giang Đông lưu truyền một bài ca dao: “Hoàng ban thanh thông mã, phát tự Thọ Dương tự. Lai thời đông khí mạt, khứ nhật xuân phong thủy.” Tạm dịch: Đốm vàng ngựa thanh thông, đến từ bờ nước Thọ Dương. Khi đến thì mùa đông gần hết, ngày về gió xuân bắt đầu thổi.

Lúc đầu, mọi người đều không hiểu được bài cao dao này rốt cuộc ẩn chứa hàm ý gì. Mãi đến khi Hàn Cầm Hổ dẫn quân vượt sông, mọi người nhìn thấy ông cưỡi một con thanh thông mã (con ngựa hoa đốm trắng đốm xanh), bởi tên gốc của ông là “Báo” (con báo), mọi người mới bất ngờ hiểu ra “Hoàng ban thanh thông mã” chính là chỉ Hàn Cầm Hổ.

Hàm Cầm Hổ vượt sông vào ngày đông, sau khi bắt sống Trần Hậu Chủ Trần Thúc Bảo, trở về đã là mùa xuân, chính là đối ứng với dự ngôn trong câu ca dao. Hàn Cầm Hổ bởi chiến công này, được phong là “Thượng Trụ quốc” đại tướng quân.

Hàn Cầm Hổ sau khi trở về kinh sư, một người phụ nữ hàng xóm bỗng nhìn thấy trước cổng nhà Hàn gia có rất nhiều quân hộ vệ đứng đó, người nào người nấy đều mạnh mẽ anh tuấn, giống như hộ vệ hoàng thất vậy.

Người phụ nữ này trước nay chưa từng thấy qua quang cảnh như vậy, trong lòng rất hoảng hốt, bước lên hỏi dò một hộ vệ, hộ vệ đó nói: “Tôi đến nghênh đón đại vương”. Vừa dứt lời, thì cả nhóm người biến mất không thấy đâu nữa.

Một ngày không lâu sau đó, có một bệnh nhân bệnh tình nguy kịch, hơi thở thoi thóp, đột nhiên hồi quang phản chiếu, nói: “Tôi muốn bái kiến đại vương!”. Người nhà họ Hàn nghe không hiểu, hỏi ông: “Gặp đại vương nào vậy?”. Đối phương đáp: “Gặp Diêm La Vương”.

Người nhà họ Hàn nghe thấy nổi cơn thịnh nộ, giận dữ muốn đánh người bệnh này. Hàn Cầm Hổ ngăn họ lại, nói: “Tôi có thể sống là Thượng Trụ quốc, chết làm Diêm La Vương, được thế đã mãn nguyện rồi!”. Mấy ngày sau, Hàn Cầm Hổ bệnh mất. Đại tướng nhà Tùy sau khi chết trở thành Diêm La Vương, cứ thế đã được truyền ra ở nhân gian.

Đại tướng nhà Tùy sau khi chết trở thành Diêm La Vương, cứ thế đã được truyền ra ở nhân gian. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Ngoài Hàn Cầm Hổ – viên đại tướng nhà Tùy này ra, dựa theo những ghi chép trong các sách cổ khác nhau, triều Tống ít nhất có ba người có quan liên quan với Diêm La Vương, lần lượt là: Bao Chửng, Khấu Chuẩn và Phạm Trọng Yêm.

Bao Lão triều Tống cương nghị chính trực

Liên quan đến chủ đề Diêm La Vương, trong truyền thuyết dân gian, người mà mọi người nghe nhiều nhất hẳn là Bao Chửng đời nhà Tống.

“Tống Sử” có viết rằng: “Mấu chốt chưa đến, có Diêm La Bao Lão”. “Diêm La Bao Lão” (ông Diêm La họ Bao) ở đây là chỉ Bao Chửng. Bởi ông là người cương trực, xử án công chính vô tư, giới quyền quý trong triều đều rất kiêng nể ông, vậy nên không dám làm chuyện xấu một cách trắng trợn chẳng kiêng nể gì.

Trong quyển tiểu thuyết cổ điển “Tam Hiệp Ngũ Nghĩa” có nói, Bao Chửng là Văn Khúc Tinh Quân hạ phàm. Bao Chửng có thể ban ngày phán xử ở nhân gian, ban đêm đến âm gian giải quyết sự vụ, là một người siêu thường có thể đi lại cả hai giới.

Học sĩ Long Đồ các, Diêm Quân cõi u minh

Danh thần triều Tống Phạm Trọng Yêm khi còn sống là cả một câu chuyện truyền kỳ, sau khi chết cũng lưu lại một câu chuyện truyền kỳ không kém.

Phạm Trọng Yêm thích nghiên cứu binh pháp, đã từng nhậm chức ở vùng biên giới Tây Bắc, phụ trách điều chỉnh thu xếp chiến lược và cải tiến thể chế quân sự. Vậy nên, chớ chỉ xem Phạm Trọng Yêm là một văn nhân, trong con mắt của người Tây Bắc, ông lại là một nhân vật khiến người ta kinh ngạc sửng sốt, mọi người đều nói “trên ngực lão Phạm có đến 10 vạn binh giáp!”. “Lão Phạm” là cách gọi của người Hạ đối với ông. Vùng biên giới Tây Bắc còn truyền một bài ca dao: “Trong quân có một Phạm, giặc Tây Bắc nghe thấy mà sợ thót cả tim gan”. Bởi Phạm Trọng Yêm là học sĩ Long Đồ các, người Khương Tây Bắc gọi ông là “Long Đồ lão tử”.

Phạm Trọng Yêm khi còn ở Tây Bắc, đã từng dùng vàng đúc một cái ống to như ống thân tre, đặc biệt dùng để đựng chiếu thư sắc mệnh của Hoàng đế. Về sau, cái ống đó bị một người già trộm mất, Phạm Trọng Yêm cũng không có truy cứu trách nhiệm của đối phương.

Tấm lòng độ lượng khảng khái của Phạm Trọng Yêm không phải chỉ một lần này.

Phạm gia có một nền đất, những người giỏi về xem tướng đất đều nói, đây là một miếng đất báu phong thủy, nếu dựng nhà trên miếng đất này, con cháu đời sau của Phạm gia sẽ làm quan to. Phạm Trọng Yêm nói: “Nếu thật sự là như vậy, tôi cũng không dám hưởng dụng một mình”. Ông liền quyên miếng đất này cho triều đình xây dựng trường học, chính là học phủ vùng Tô Châu sau này.

Tấm lòng độ lượng khảng khái của Phạm Trọng Yêm không phải chỉ một lần này. (Ảnh minh họa: theepochtimes.com)

Trong quyển “Trung Ngô Kỷ Văn” có chép, Phạm Trọng Yêm vốn là thiên nhân hạ phàm, bởi ông làm quan thanh liêm chính trực, sau khi qua đời được đến U Minh địa phủ bổ nhiệm làm Diêm La Vương, nắm giữ đại quyền sinh sát.

Ái thiếp lâm chung tiết lộ thiên cơ, Khấu Chuẩn sau khi chết sẽ làm Diêm La

Ngoài ra, triều Tống còn có một vị đại thần là Khấu Chuẩn, là người chính trực tài giỏi, rất được lòng người trong thiên hạ. Theo quyển “Dũng Tràng Tiểu Phẩm” có ghi lại, ái thiếp của Khấu Chuẩn là Xuyến Đào trước lúc mất đã nói với ông rằng: “Ngày trước, thiếp mãi luôn không dám nói, sợ rằng tiết lộ thiên cơ. Hôm nay, thiếp đã sắp phải đi rồi, không phải ngần ngại gì nữa. Sau này, chàng sẽ làm Diêm La Vương”.

Sau khi Khấu Chuẩn qua đời, có tăng nhân ở Tào Châu nhìn thấy Khấu Chuẩn, hỏi ông đi đâu. Ông nói: “Tôi đến chỗ Diêm La Vương, tiếp tục xử lý chính sự”.

Từ những ghi chép trong các tư liệu lịch sử này có thể thấy được rằng, Diêm La Vương –  chức quan nơi địa phủ này có thể không phải là “chế độ cả đời”, mà là do những người ngay thẳng có tài có đức đảm nhiệm luân phiên vậy!

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Tác giả: Hồng Hy

Phi Long biên dịch

Exit mobile version