Hồi còn nhỏ, đôi khi có những lúc linh hồn tôi rời khỏi thân thể nhìn ngắm thế giới quen thuộc xung quanh, trong lúc mơ mơ màng màng cảm giác thấy vô cùng xa lạ, lại mười phần hiếu kỳ. Khi được hơn 10 tuổi, từ nơi sâu thẳm trong đáy lòng tôi đã khởi lên những câu hỏi giống như người lớn vậy: Ta là ai? Vì sao ta lại đến thế gian này? Ta đến thế gian này rốt cuộc là vì điều gì vậy?

Bố tôi công tác trong bệnh viện, ông đã tận mắt chứng kiến những đau khổ, tuyệt vọng và bất lực của rất nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Ông nhìn thấy người nhà của họ đang khóc lóc bi thương trong một góc phòng. Khi đối diện với cảnh sinh ly tử biệt, mọi người đều gào khóc thảm thiết tựa như cõi lòng tan nát. Từng cảnh từng cảnh tượng này đều đã khắc sâu trong tâm trí tôi, sau này khi dần dần lớn lên, những câu hỏi này vẫn hằn sâu trong tâm, ngày càng trở nên sâu sắc: Vì sao con người thế gian mỗi ngày đều phải đối diện với sinh lão bệnh tử?

Trong kinh điển nhà Phật có một câu chuyện như vậy, nói rằng sau khi nguyên thần của con người ta rời khỏi tấm thân xác thịt, có rất nhiều linh hồn đã rơi vào địa ngục. Một ngày kia, Diêm Vương muốn thẩm phán, ngục tốt nơi địa ngục bèn áp giải tội hồn đến trước mặt Diêm Vương.

Có một tội hồn biết được mọi khó khăn và đau khổ mà bản thân phải chịu đựng khi còn ở trong thai mẹ chật hẹp, cũng biết được sau khi sinh ra cần bú sữa mẹ để cung cấp chất dinh dưỡng cho thân thể. Nhưng tội hồn ấy lại không biết sau khi lớn lên thành người còn có những chuyện quan trọng đang chờ đợi anh ta. Trong cõi hồng trần cuồn cuộn, anh ta dần dần bị mê mờ, không còn nhận biết phân biệt được ranh giới giữa thiện và ác nữa.

Tội hồn này khi sống đã từng thấy người già, người bệnh và người chết, còn từng chứng kiến rất nhiều phạm nhân vì hành hung cướp bóc, giết người hại mệnh đã bị người ta dùng lại các cực hình xử quyết. Nhưng rồi cuối cùng anh ta vẫn giẫm lên vết xe đổ của họ.

Ảnh minh họa: Flipboard.

Diêm Vương đã hỏi anh ta rất nhiều câu hỏi. Hỏi rằng khi còn ở dương gian, mỗi khi tận mắt chứng kiến những người già cả, thân thể tàn tạ, yếu nhược, liệu có nghĩ đến bản thân mình ngày sau cũng sẽ già đi, cũng có thể bị người ghét bỏ, từ đó thấy rằng mình cần phải làm nhiều việc thiện để tích đức hay không? Hỏi rằng, mỗi khi nhìn thấy người bệnh nằm liệt một chỗ, đại tiểu tiện không kiểm soát được, liệu có từng nghĩ bản thân mai này cũng có thể mắc bệnh tương tự, nhân đó mà tự ước thúc bản thân, cố gắng bỏ công phu vào việc tu trì thân, khẩu, ý hay không?

Khi cái chết kéo đến, hồn rời khỏi thân xác. Khi còn sống, dẫu là hưởng trọn vinh hoa phú quý, hoặc hành thiện vô số, hoặc làm ác vô cùng, một khi sinh mệnh kết thúc, tấm thân dù có đẹp đẽ trân quý hơn nữa thì cũng chỉ như một khúc củi khô mà thôi.

Diêm Vương lại hỏi tội hồn rằng, khi nhìn thấy người chết, liệu có từng nghĩ đến một ngày kia cái chết cũng sẽ đến với mình, bất kể là ai thì cũng đều khó tránh khỏi cái chết? Vậy thì sao không nhân lúc mạng sống vẫn còn thì hãy làm nhiều việc thiện để cho thiện đức tốt đẹp bao trọn lấy linh hồn, sau khi chết đi sẽ được lên thiên quốc? Thân xác thịt chỉ là cõi tạm, phản bổn quy chân mới thật sự là vĩnh hằng của sinh mệnh.

Ảnh minh họa: Flick.

Những kẻ trộm cướp đục tường khoét vách đi vào nhà trộm cắp tài sản quý báu của người ta, bị bắt giữ trị tội theo luật, hoặc là lao dịch khổ sai, hoặc bị chặt đứt chân tay để phạt cảnh cáo, hoặc bị tống vào lao ngục. Còn với những kẻ đại ác, hoặc bị loạn tiễn bắn chết, hoặc bị voi giẫm đạp, hoặc bị xử lăng trì. Khi nhìn thấy kết cục của những kẻ đó, liệu tội hồn kia có tự mình khuyên răn, ước thúc tâm trí mình không phạm sai lầm hay không?

Diêm Vương thẩm vấn tội hồn này một hồi lâu. Nói là thẩm vấn nhưng thực ra Diêm Vương đang giáo huấn anh ta. Con mắt của chúng ta mỗi giờ mỗi khắc đều nhìn thấy sinh lão bệnh tử, có người từ đó liễu giải được ý nghĩa chân thật của sinh mệnh, từ trong khổ nạn vẫn có thể thản nhiên ngẩng đầu cất cao tiếng hát, cảm ân hết thảy ân huệ của trời xanh.

Có người thì nhìn thấy vùng trời xám xịt, từ đó từng bước từng bước đi vào vòng xoáy của bóng tối, khó mà vực lên được. Có người từ trong đó nhìn thấy được thế ngoại đào nguyên, dù chân có dẫm phải cát sỏi, cũng có thể vui vẻ dang rộng đôi chân, vừa rộn ràng cất bước vừa vui vẻ hát ca.

Vũ Dương
Theo Epochtimes

Bạn đang đọc bài viết: “Diêm Vương trả lời câu hỏi của tội hồn: ‘Vì sao người ta phải tận mắt chứng kiến sinh lão bệnh tử?'” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! 

videoinfo__video3.dkn.tv||aa66e0b89__