Chuyên mục diễn đàn bình luận Đạo Đức Xưa Và Nay là cái nhìn trực diện của Ban Biên Tập Văn Hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên vào những vấn đề đạo đức và quan niệm sống trong xã hội Việt Nam hiện đại, cùng độc giả suy ngẫm, hy vọng và đề xuất giải pháp…
Chúng ta thường nghe câu nói này trong rất nhiều những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống và đôi lúc, chính chúng ta cũng thấy nó xuất hiện trong đầu mình một vài lần. Điều này khiến chúng ta nhận ra rằng, nếu không chú ý, ta sẽ dễ dàng bị những tư tưởng chung đó cuốn đi mà không còn biết phân biệt nó đúng sai thế nào.
Điều đang nói tới là một loại tư tưởng thoạt nghe qua thấy rất hợp lý: “Bạn hãy làm được đi rồi hẵng nói tôi”, “Anh đã làm được gì chưa mà nói tôi”, “Cô có giỏi gì hơn tôi đâu mà nói tôi”. Ngày nay hình như chúng ta ít ai có thể chịu nổi người khác nói giùm những điểm chưa hoàn hảo của mình.
Khi có ai đó “sửa lưng” mình, dẫu biết là khó chịu, nhưng nếu là một người có tinh thần học hỏi và luôn muốn hoàn thiện bản thân, hãy tự hỏi mình xem điều được góp ý đó là tốt hay không tốt cho ta và sửa đổi. Đó là suy nghĩ đúng đắn nhất và tích cực nhất cần làm, chứ không phải là câu hỏi ngược lại “Anh/Chị đã làm được chưa, đã tốt chưa mà dạy đời tôi?”
Cuộc sống là một quá trình liên tục viết nên câu chuyện cuộc đời của mỗi người, là đoạn đường ta cần đi qua để hoàn thiện dần dần tính cách và đặc điểm của bản thân. Dĩ nhiên, có bạn nghĩ rằng “Tôi không muốn nghĩ xa thế. Sống ngày nào biết ngày ấy, vui ngày nào hay ngày ấy là được rồi.”
Kể cả đối với những bạn đặt mục tiêu ngắn hạn theo từng ngày cho mình như vậy, nhưng đời người ngắn ngủi, liệu còn được bao lâu.
Chuyện xưa kể lại rằng, khi Đức Khổng Tử bị học trò của mình là Trọng Do cất giọng bực bội trách rằng:
“Thầy suốt ngày giảng nhân, thuyết nghĩa, nay vì việc nhất thời không được làm quan, lại giúp Công Sơn Bất Nữu làm kẻ bất nhân, bất nghĩa. Thầy không sợ người ta đàm tiếu, lưu tiếng xấu muôn đời sao?”
Khổng Tử không những không buồn bực học trò, trái lại còn bảo rằng:
“Trọng Do ơi, anh thật không thẹn là người học trò yêu của ta. Người có thể nói thẳng cái hay cái dở của ta, chắc đời này cũng chỉ có một mình anh thôi.”
Sau Người lại nói tiếp:
“Nếu có người thường xuyên chỉ rõ sai lầm, khuyết điểm cho ta, thật là điều may mắn, sao còn giận dữ được chứ?”
Thế mới thấy, một bậc thánh nhân đức cao vọng trọng như Khổng Tử, còn biết khiêm nhường học hỏi chính cả học trò của mình. Cũng có lẽ vì thế mà Người mới trở thành bậc thánh nhân chăng?
Vì vậy, chúng ta hãy suy ngẫm xem, tư tưởng trên thoạt nghe thấy rất có lý, nhưng không phải là đúng đâu.
Tất nhiên, ở góc độ người nghe, một lời góp ý nếu là thực sự chân thành, xuất phát hoàn toàn từ thiện tâm mong muốn giúp đỡ người khác, chứ không phải để nâng cao mình lên, sẽ dễ dàng đi vào lòng người nhất và dễ khiến người nghe tiếp nhận tích cực, nhận ra những điểm chưa hoàn hảo của mình để từ đó hoàn thiện bản thân.
Những lời nói “như dao đâm”, hay ẩn giấu mong muốn hạ người xuống để nâng mình lên, xuất phát từ tâm kiêu ngạo, hay lời chỉ trích thiếu thiện tâm, cũng sẽ khó đạt hiệu quả tích cực đối với người tiếp nhận.
Cổ nhân đã từng nói:
“Nếu một lời nói hoàn toàn xuất phát từ thiện tâm mong muốn giúp đỡ người khác, không có chút vị tư vì bản thân mình, sẽ có thể khiến người nghe cảm động rơi lệ!”
Bạn nghĩ sao, hãy cùng chia sẻ với chúng tôi quan điểm của bạn.
Hồng Hoa