Chuyên mục diễn đàn bình luận Đạo Đức Xưa Và Nay là cái nhìn trực diện của Ban Biên Tập Văn Hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên vào những vấn đề đạo đức và quan niệm sống trong xã hội Việt Nam hiện đại, cùng độc giả suy ngẫm, hy vọng và đề xuất giải pháp…
Tìm lỗi của chính mình và không đổ lỗi cho người khác
Trong xã hội ngày nay, thói quen của con người hiện đại là đẩy trách nhiệm cho người khác mỗi khi gặp vấn đề rắc rối hoặc tai nạn, bất hạnh hay những việc không vui nào đó.
Khi một tai nạn va quệt trên đường, chúng ta thường luôn nghe thấy câu mắng mỏ sừng sộ: “Ông đi đường mà không nhìn à?” Hay những câu nặng hơn như “Không có mắt à?”. Thậm chí, đôi khi người phạm luật lại chính là người nói câu đó.
Hay khi mỗi bất hạnh tới, chúng ta hay oán trách trời đất: “Ông trời ơi, sao để tôi khổ thế này?”.
Tóm lại, trách nhiệm luôn thuộc về người khác, không thuộc về chính mình. Người ta đẩy trách nhiệm mỗi khi có vấn đề rắc rối xảy ra. Hờn trách và oán giận người khác đã trở thành tâm lý phổ biến.
Mỗi chúng ta khi nhìn lại nội tâm mình, thì đều thấy quả đúng là như vậy.
Liệu người ngày xưa có như vậy không? Chúng ta cùng xem gương người xưa hành xử và suy ngẫm nhé.
Đạo đức trị quốc của Vua Nghiêu
Vào thời xưa, một lần vua Nghiêu tới vùng nông thôn và nhìn thấy 2 phạm nhân đang bị áp giải tới nhà tù. Vua Nghiêu đi qua và hỏi, “Tại sao 2 ngươi lại vi phạm luật pháp như vậy? Các ngươi đã phạm tội gì?”. Họ đáp lại, “Hạn hán kéo dài đến nỗi mà chúng tôi chẳng còn gì để ăn, vì thế chúng tôi đã đến nhà của người khác và ăn trộm chút thức ăn”. Khi vua Nghiêu nghe thấy vậy liền nói với quân lính rằng:“Thả họ ra và nhốt ta lại đi!”. Người lính đó đã bị sốc vì làm sao anh ta có thể nhốt một vị vua chứ? Vua Nghiêu nói:
“Ta đã phạm phải 2 tội lớn và 2 người đó đều không có tội tình gì cả. Thứ nhất, ta đã không dạy bảo thần dân của mình được tốt, vì thế mà họ đã đánh cắp thức ăn của người khác. Thứ hai là ta không có đức hạnh cho nên chúng ta mới không có chút mưa nào như thế. Tất cả đều là lỗi của ta.”
Sự chân thành này của ông đã làm cảm động trời đất và trời bắt đầu mưa.
Khi vị vua này nhận ra rằng những thần dân của mình có sai sót và phạm tội, ông liền nhìn vào chính mình để tìm xem ông đã phạm lỗi quản lý ở đâu. Vì ông là một vị vua, việc giáo dục và quản lý họ sao cho tốt là trách nhiệm của ông, và ông phải chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm của họ. Như Khổng Tử đã nói trong Luận Ngữ:“Khắp nơi có tội, tội là ở chính Trẫm. Bách tính có đổ tội thì đổ lên chính ta”. Thực ra họ vốn đã có đạo đức, nhưng chuẩn mực họ tự đặt ra cho mình là vô biên, vì vậy họ lại xét mình một lần nữa, chân thành ăn năn hối cải, tu đức tiến thiện.
Đường Huyền Trang đi thỉnh kinh
Khi Phật tử Huyền Trang đi đến Ấn Độ để tìm kiếm chân kinh Phật giáo, ông ấy đã xuất cảnh bất hợp pháp. Khi Huyền Trang học được những kinh điển Phật giáo, ông trở về quê hương dưới triều đại nhà Đường. Hoàng đế Thái Tông của triều đại nhà Đường rất vui mừng khi nghe tin ông quay về và tiếp kiến ông ở Điện Nghi Loan.
Vua Thái Tông hỏi Huyền Trang, “Tôn sư, tại sao ngài rời khỏi đây mà không báo một tiếng?”. Huyền Trang trả lời,
“Khi tôi rời đi, tôi đã trình tấu chương của mình vài lần, nhưng vì sự chân thành và nỗi khát khao của tôi không đủ mạnh, cho nên tôi đã không được bệ hạ cho phép. Bởi vì tôi mong mỏi để có được chân kinh Phật giáo nên tôi đã rời đất nước này một cách bất hợp pháp. Đây hoàn toàn là hành động cá nhân của tôi khi đã không tôn trọng luật pháp. Tôi rất hổ thẹn và lo sợ.”
Huyền Trang đã không hề có ý phàn nàn nào hết. Ông không thắc mắc về những phán quyết không hợp lý của vua Thái Tông cũng không phàn nàn về các vị quan địa phương đã không chuyển những tấu chương đó lên Hoàng thượng. Ông đã gần như bị bắn hạ bởi một mũi tên khi ông vượt biên và sống sót qua nhiều ma nạn trước khi đến được Ấn Độ để có được chân kinh. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng tất cả những khổ ải này là do sự giả dối của mình, chứ không phải là do sự cản trở của những người khác. Huyền Trang được biết đến là một cao tăng đáng kính vì ông đã luôn nhìn vào bên trong nội tâm chính mình, không hờn trách, cũng không có lòng oán hận.
Nhà bác học Thomas Edison và vụ cháy
Tháng 12 năm 1914, phòng thí nghiệm của nhà bác học Thomas Edison bị thiêu rụi hoàn toàn trong một trận hỏa hoạn. Ngọn lửa đêm hôm đó đã đốt cháy nhiều công trình tâm huyết của cuộc đời Edison.
Khi đám cháy vẫn chưa được dập tắt, Charles, cậu con trai 24 tuổi của Edison, hốt hoảng lùng sục, tìm kiếm cha mình giữa đống đổ nát mịt mù khói. Cuối cùng, cậu cũng tìm thấy Edison, rất bình tĩnh, đang quan sát cảnh tượng chung quanh. Gương mặt ông đỏ bừng phản chiếu hình ảnh đám cháy, mái tóc bạc trắng bay phất phơ trong gió.
“Tôi nhìn cha mà tim đau nhói”, Charles kể. Cha tôi đã 76 tuổi, không còn trẻ để bắt đầu lại khi mọi thứ đều đã cháy theo ngọn lửa. Khi trông thấy tôi, cha hét to: “Charles, mẹ con đâu?”. Khi tôi bảo rằng tôi không biết, ông nói: “Đi tìm và đưa mẹ con đến đây ngay. Mẹ con sẽ không bao giờ có dịp chứng kiến cảnh tượng này một lần nữa đâu”.
Sáng hôm sau, Edison nhìn đống hoang tàn và bảo:
“Tai nạn này đã mang đến cho ta một giá trị vĩ đại. Mọi lỗi lầm chúng ta gây ra đều bị xóa xổ hoàn toàn. Cảm ơn Thượng Đế. Giờ đây, chúng ta có thể bắt đầu lại.”
Thomas Edison, thay vì than trách Thượng Đế, ngược lại còn cảm ơn Thượng Đế một cách chân thành. Qua tai nạn, ông tự nhìn lại thấy những điều mình làm chưa tốt, đã rút ra một giá trị vĩ đại cho bản thân:
Việc xóa bỏ những gì không hoàn hảo, sai lầm sẽ là một bước đệm mới cho một khởi đầu tốt đẹp và có trách nhiệm hơn.
Ba tuần sau đám cháy, Edison cho ra đời chiếc máy hát đĩa đầu tiên.
Chú thích:
Vua Nghiêu (2337 TCN-2258 TCN) là một vị vua huyền thoại của Trung Hoa cổ đại, một trong Ngũ Đế. Ông cùng với các vua Thuấn và Vũ sau này được Khổng Giáo xem là các vị vua kiểu mẫu và các tấm gương đạo đức. Đạo giáo tôn ông là Thiên Quan Đại Đế, thần đản là ngày tiết Thượng Nguyên.
Đường Huyền Trang, sinh năm 602, cũng thường được gọi là Đường Tam Tạng hay Đường Tăng, là một Cao tăng Trung Quốc, một trong bốn dịch giả lớn nhất, chuyên dịch kinh sách Phạn Ngữ ra tiếng Hán.
Mặc dù bị hoàng đế ra lệnh cấm đi du hành qua Ấn Độ, năm 629, ông đã liều mình ra đi đến chiêm bái quê hương Đức Phật, hi vọng sẽ tìm kiếm được kinh điển Phật giáo mà hồi đó Trung Quốc chưa biết tới. Khi ông vinh quang trở về năm 645, ông đã viết Đại Đường Tây Vực Ký để lại cho hậu thế nguồn tài liệu vô song và miệt mài dịch toàn bộ kinh sách tiếng Phạn ra tiếng Hán.
Trong tiểu thuyết Tây Du Ký, ông đã đắc đạo quả vị Phật.
Thomas Alva Edison (ngày sinh 11/2/1847 – ngày mất 18/10/1931) là một nhà phát rất nhiều thiết bị có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống trong thế kỷ 20. Nổi tiếng nhất trong các phát minh của ông là bóng đèn điện, Edison được coi là một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử, ông giữ 1.093 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ và các bằng sáng chế ở Anh, Pháp Đức (tổng cộng 1.500 bằng phát minh trên toàn thế giới).
Xem thêm: Diễn đàn đạo đức xưa và nay kỳ 1: “Anh/Chị đã làm được gì chưa mà nói tôi?”