Dẫu thân thiết, nhưng giữa người với người vẫn luôn cần sự lễ phép, ý tứ và chừng mực. Chỉ vì muốn tiện cho bản thân, thấy đồ ăn là nhào vô, nhét cho đầy cái bụng mà không để tâm xem có phận, có phần của mình trong đó không, thì có vẻ như hơi “vô tư” quá!
Nồi canh xương thơm ngon không cánh mà bay…
Khói bốc lên từ nồi canh xương thơm phức, có vị cay cay của gừng, có vị ngòn ngọt của hành tây. Nga hít hà theo làn khói bốc lên nghi ngút, thầm nghĩ: “Chà! Chà! Thế là ngày mai mình có thể rảnh rang không phải lo cơm nước rồi. Xem nào! Mai mình sẽ làm gì nhỉ? Đi làm về mình sẽ ăn tối luôn rồi đi học tiếng Anh cho kịp. Để đây cho nguội đã, đi chơi về mình sẽ cho vào tủ lạnh sau”.
Nga yên tâm với kế hoạch của mình, lên lầu tắm táp cho mát mẻ và diện chiếc váy hồng phấn xinh xắn, tô thắm đôi môi, chuẩn bị đi chơi với chàng. Chỉ nghĩ tới những giây phút lãng mạn và ngọt ngào bên người ấy Nga đã thấy lịm cả người, tự cười với mình như một cô bé ngốc.
Tối vừa về đến nhà, liếc nhìn góc bếp Nga đã không thấy bóng dáng nồi canh xương của mình đâu cả. “Không biết bạn nào tốt bụng đã cất giúp mình rồi”. Nga thầm nghĩ và liếc nhìn chiếc đồng hồ trên tường đã điểm 10h tối.
Đúng lúc ấy Ngọc đi từ trên gác xuống, mặt tươi rói, tíu tít khen lấy khen để: “Ui chao! Canh xương cậu nấu ngon đáo để! Hôm nay tớ đi làm về muộn quá, đói hoa cả mắt. Tớ ăn hộ cậu rồi đấy, chén liền mấy bát ngon lành, hết sạch sành sanh rồi!”. Cái mặt tròn xoe mũm mĩm của Ngọc cười không nhìn thấy đôi mắt.
Nga ngơ ngác: “Thế là vỡ hết cả kế hoạch ngày mai của mình rồi. Đành ra ngoài ăn vậy! Dẫu không được như mình tự nấu nhưng tiện lợi. Thức ăn thì cũng ăn rồi, nói ra lại làm bạn ấy ngại”. Nghĩ vậy, Nga cố nặn nụ cười gượng gạo đáp lại: “Ừ, không có gì! Cậu thấy ngon miệng là tốt rồi!” rồi lặng lẽ leo lên tầng 4 trong căn nhà trọ.
Khi ở chung một nhà, dùng chung một căn bếp, mà lịch sinh hoạt của mỗi người lại khác nhau, chúng ta không nên tự ý dùng đồ của người khác, ăn thức ăn của người khác khi chưa hỏi qua họ. Nếu không để ý thì đôi khi “ý tốt” của chúng ta lại vô tình đảo lộn kế hoạch và gây phiền hà cho sinh hoạt của người khác.
Tô bún dành cho hai người và những cô bạn “hồn nhiên”
Mọi người thường bảo: “Thứ Bảy máu chảy về tim”, mà với Nga thì thứ Hai cũng như thứ Bảy, thứ Bảy cũng như thứ Hai. Ngày nào công việc cũng theo một guồng quay mải miết cho tới phút chót rời khỏi công ty. Về đến phòng trọ, bụng đã đói meo, nhưng thấy chân tay rã rời, Nga nằm vật ra giường, tự thưởng cho mình những giây phút thảnh thơi hiếm có. Đến lúc ngóc cái cổ lên nhìn vào chiếc đồng hồ trên giá sách thì đã 6h30 tối. Hèn chi cái bụng cứ réo ầm ầm.
Nga đi từ tầng 4 xuống dưới tầng 1, cũng là phòng bếp chung của mấy cô. Đến tầng 3 Nga nhìn thấy cửa mở, một chòm sáng lờ mờ từ chiếc màn hình laptop và bóng người đang cặm cụi gõ trên bàn phím. “Ăn bún trộn không bé Mai?” “Ui! Có ạ! Em đói meo cả rồi! Bún ở đâu thế chị?” “À, trưa nay, mọi người ăn còn dư ý mà. Tối chẳng ai ăn thì chị em mình ăn nốt vậy. Bỏ nó phí”. “Có đủ không chị?” “Đủ mà, chị xách thêm mấy quả trứng xuống rồi đây!”, Nga giơ túi trứng lên ngang mặt khoe. Bé Mai hồ hởi, gập vội chiếc máy và chạy theo Nga xuống tầng một.
Chỉ còn lại một ít bún chỏn lỏn đựng trong bát tô, một tí xà lách xoăn thái nhỏ, vài miếng dưa chuột và mấy miếng đậu phụ rán. Nga bày ra bệ bếp. Bé Mai nhanh nhảu: “Để em tráng trứng cho. Em tráng ngon lắm đấy!!” “Ừ, hoà thêm chút nước vào cho trứng mềm em ạ. Rán non non thôi nhé! Ăn cho nó ngọt!” “Vâng em cũng thích ăn mềm mà!”. Tiếng mỡ trong chảo kêu xèo xèo, đĩa trứng vàng ươm nằm gọn gàng trên đĩa, thơm lừng.
Bất chợt hai cô bạn Liên và Lan từ trên tầng 2 khoác túi đi xuống. Cả hai dường như đang vội ra ngoài có việc. Lan reo lên: “Ôi bún trộn, ngon quá! Cho em ăn với”. Bé Mai đưa mắt nhìn sang tô bún nói: “Nhưng còn ít bún lắm chị ạ! Thôi chị ra ngoài ăn đi!”. Lan ngúng nguẩy bím tóc. Mắt cô bé bỗng sáng rỡ lên: “A! tào phớ! Em ăn được không?” “Ừ, ăn đi, ăn hộ chị. Chị mang xuống nhờ mọi người ăn giúp ý mà”, Nga vui vẻ nói. Cô bé đổ ra một cái bát tô, ăn được vài thìa, thì quay ra bảo: “Em không ăn nữa đâu!” “Ơ! kìa! Em không đổ ra cái bát nhỏ, mà cho cả vào bát tô, ăn dở thế thì ai ăn giúp em được. Thôi tự chịu trách nhiệm đi nhé!”. Nga cười cười chưa kịp nói hết câu, quay sang thì đã thấy Lan gắp lấy gắp để vài miếng trứng cho vội vào miệng, nhai tóp tép. Như thể sợ hỏi sẽ không ai cho ăn vậy!
Liên với đôi mắt tròn xoe, đen láy, thấy đồ ăn đã bày biện trước mắt cũng reo lên: “Ôi em ăn với!”. Nga quay sang nhìn Liên ái ngại: “Ui, chị mới mời bé Mai ăn bún rồi, sợ không đủ. Hồi trưa em bảo ăn bún chán rồi, tối em ăn mỳ cơ mà”. “Ôi, Giờ mà pha mỳ thì em muộn mất. Bé Mai ăn tạm mỳ tôm vậy nhé. Mắm tép ăn với mỳ tôm cũng ngon lắm đấy?!!” Bỏ ngoài tai lời phân bua của Nga, Liên nhanh tay với lấy chiếc tô nhựa gắp bún, đậu, rau vào bát của mình, trộn đều lên và nhai ngồm ngoàm. “Cho thêm trứng vào trộn sẽ ngon hơn đấy!”, Nga vừa nói tay vừa gắp trứng vào bát cho Liên. “Vâng, em cảm ơn chị!”. Ăn được vài miếng, cô bé lấy chiếc đĩa đậy lên và bảo: “Thôi, em phải đi trước đã, không muộn rồi. Tối về em ăn tiếp”. Nói rồi Liên và Lan lúi húi dắt xe xuống, nổ máy và vội vã rời đi.
Tiếng xe máy xa dần, chỉ còn lại Nga và bé Mai. Hai chị em nhìn nhau, không ai nói với ai lời nào, nhưng dường như trong ánh mắt đều có sự đồng cảm. Nga quay sang bảo bé Mai: “Ngại với em quá! Được bữa rủ em ăn bún lại thành thế này! Thôi chịu khó lên phòng chị lấy mỳ xuống ăn tạm vậy”. “Vâng ạ!”, Bé Mai vẫn cười tươi rói, lăng xăng chạy lên tầng.
Siêu nước kêu ro ro, nước sôi ùng ục, loáng một cái bé Mai đã có một tô mỳ toả khói nghi ngút. Vừa ăn Mai vừa nhăn nhó: “Hình như ăn mỳ trộn kiểu này không hợp chị ạ!” “Ừ! Vẫn còn bún đấy, em trộn thử đi, ngon lắm!” “Hì hì, vẫn còn cơ ạ? Chị lại nhường em chứ gì!”. Cô bé lém lỉnh liếc nhìn Nga. Hai chị em xì xụp ăn hết chỗ đồ ăn, nhìn nhau hạnh phúc vì không để thừa một chút nào. Bà nội vẫn thường dặn Nga rằng: “Đồ ăn, thức uống là phúc phận của mình đấy! Đừng lãng phí con ạ. Ăn không hết mà đổ đi là phải tội đấy, rồi sau này hết phúc, cháo chẳng có mà ăn”.
Đôi khi gặp đúng bữa cơm mà được mời, có lẽ chúng ta cũng cần liếc xem đồ ăn có đủ cho thêm một người nữa không? Nếu đủ thì hãy nhận lời, còn không thì chỉ nên coi đó là một lời mời xã giao mà thôi.
Thiết nghĩ, dẫu thân thiết, nhưng giữa người với người vẫn luôn cần sự lễ phép, ý tứ và chừng mực. Chỉ vì muốn tiện cho bản thân, thấy đồ ăn là nhào vô, nhét cho đầy cái bụng mà không để tâm xem có phận, có phần của mình trong đó không, thì có vẻ như hơi “vô tư” quá! Nếu chẳng may nhỡ nhàng thì còn có thể thông cảm được. Nhưng nếu chỉ vì không sắp xếp tốt lịch trình của bản thân mà gây bất tiện cho người khác, thì có lẽ cũng nên xem lại và điều chỉnh cho tốt hơn. Khi đặt mình vào vị trí của người khác, chúng ta sẽ thấy việc hỏi qua ý kiến của ai đó không chỉ thể hiện sự tôn trọng, mà còn là cách để một người biết quan tâm đến một người khác.
Đào Viên