Chúng ta hãy cùng nhau theo dõi vài câu chuyện dưới đây. Biết đâu sau khi xem xong lại có thể gợi mở cho bạn điều gì đó.
1. Cô gái mới kết hôn được vài tháng đã ly hôn
Tôi có một người bạn gái, mới kết hôn vài tháng đã thấy ly hôn. Cô ấy nói rằng mình không muốn sống mà cứ phải suốt ngày nhìn sắc mặt của người khác.
Cô ấy kể sau khi kết hôn, chồng cô đi làm. Anh ấy làm quản lý nên thu nhập cũng khá cao. Cô ấy ở nhà nhàn rỗi lại thấy cuộc sống thật vô vị, tẻ nhạt. Thế là cô ấy ra ngoài giải khuây. Cô ghé vào các hiệu thời trang, giày dép trên phố, mua về hết túi to, túi nhỏ. Sẵn thẻ tín dụng của chồng cô quẹt thẻ mua đồ không biết xót. Cô ấy nói: “Cũng chỉ vài ba chục triệu chứ mấy, chẳng bõ bèn gì so với thu nhập của anh ấy!”. Chồng cô ấy nhìn thấy tin nhắn chi tiêu thẻ tín dụng của vợ, anh tỏ ý không vui và nói rằng phải hạn chế cách chi tiêu của cô lại.
Trong cơn nóng giận cô ném thẳng chiếc thẻ tín dụng và mặt chồng, rồi gào lên: “Anh tưởng em ở nhà sung sướng lắm hả? Cả ngày ở nhà đợi anh đi làm về, nấu cơm cho anh ăn, nên em mới phải ra phố mua sắm cho đỡ buồn. Mới tiêu của anh có chừng ấy tiền mà anh đã mặt nặng mày nhẹ với em thế à? Em sẽ tự đi làm kiếm tiền, tự làm thẻ và mua sắm thỏa thích. Em sẽ sống cuộc sống mà em muốn, không phải lo lắng nhìn sắc mặt người khác mà sống thế này nữa”.
Rồi cô tìm giấy bút vừa giận dữ vừa viết lá đơn xin ly hôn chìa cho chồng. Anh chồng lắc đầu ngao ngán và cầm bút ký, giải phóng cho cô.
Tôi hỏi chồng cô ấy lương một tháng bao nhiêu? Cô ấy đắc ý nói rằng không nhiều lắm, gần 50 triệu. Nghe xong câu trả lời, trong tâm tôi bắt đầu thấy tiếc thay cho cô ấy.
Kỳ thực, là một người đàn ông, dẫu rằng làm ở cấp quản lý, mặc dù kiếm không ít tiền nhưng áp lực công việc của anh ấy chắc hẳn là rất lớn. Tôi tin rằng anh ấy cũng sợ rằng vợ mình sẽ phải lo lắng, nên mới không để cô ấy biết được sự khó nhọc, vất vả trong công việc của mình. Vậy nên nếu đứng ở góc độ khách quan mà nói, thì chồng cô ấy không phải là một gã bủn xỉn. Có khi anh ấy còn là một người rất bao dung, và biết thương vợ. Nhưng sự bồng bột của người vợ lại chính là điều quan trọng đặt dấu chấm hết cho mối duyên phận giữa hai người.
Đúng là người vô minh thì có phúc mà không biết hưởng.
2. Sau khi thất nghiệp anh chồng mắc vào thói cờ bạc khiến người vợ phải rớt nước mắt
Một câu chuyện khác mà nhân vật chính là một người hàng xóm của tôi. Anh ấy là một người vô cùng thật thà, nhưng sau khi thất nghiệp vì bị công ty sa thải, thì ý chí của anh ấy cũng bị tiêu trầm. Cả ngày anh ấy chỉ ru rú ở nhà, cũng chẳng buồn động chân động tay giúp vợ việc gì. Toàn bộ chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình, gồm tiền nhà và tiền học phí của các con, đều do một mình vợ anh ấy gánh vác.
Mặc dù mọi người đều rất nhiệt tình giới thiệu cho anh ấy hết việc này đến việc khác. Nhưng chẳng được vài ngày anh ấy lại nghỉ việc không làm nữa. Sau này anh ấy bắt đầu đi đánh bạc. Ban đầu anh ấy cũng kiếm được chút ít, nhưng sau đó lại thua liên tiếp, cái được chẳng bù cho cái mất. Ngay cả tiền học của con và phí sinh hoạt của cả nhà cũng đều bị anh ấy đốt sạch vào chiếu bạc.
Vậy nên tôi thường nghe thấy vợ chồng anh ấy cãi nhau to tiếng lúc nửa đêm. Sau này hai người còn lôi nhau cả ra ngoài cãi vã, kinh động đến cả ông trưởng thôn. Người hàng xóm thất nghiệp này còn mời cả trưởng thôn và những người bạn cùng khu nhà tới phân xử.
Anh ấy nói: “Đấy ông xem, tôi vì muốn tốt cho cái nhà này nên mới phải đi vớt vát lại số tiền thua bạc. Tôi đâu có ham mê gì cái thú bài bạc này. Hơn nữa tôi còn nắm được bí quyết đánh bài, chỉ cần cho tôi thêm một ít tiền nữa là tôi có thể thắng rất nhiều tiền, mang về nuôi cả nhà. Thế mà vợ tôi chẳng biết thiệt hơn, cứ khư khư giữ tiền, nhất quyết không chịu đưa cho tôi thêm một đồng nào. Ông xem nói giúp tôi cho cái đầu bảo thủ của cô ấy mở mang ra một chút!”
Vợ anh ấy nước mắt ngắn, nước mắt dài, phân trần với ông trưởng thôn và hàng xóm láng giềng rằng: “Tiền trong nhà anh ấy đã mang đi hết sạch rồi. Bây giờ trên người cháu cũng chỉ còn một chút tiền cháu mượn của mẹ đẻ. Giờ mà đưa tiếp cho anh ấy thì con cái biết ăn bằng gì?”
Ông trưởng thôn và những người hàng xóm đều nói là anh ấy làm vậy là sai. Anh ấy hầm hầm tức giận, xách va ly bỏ nhà ra đi. Sau này nghe nói anh ấy đã vay mượn rất nhiều tiền của dân xã hội đen. Từ đó anh ấy không bao giờ quay trở lại căn nhà đó nữa.
“Vô minh” là điều rất đáng sợ, nó phong bế và khiến người ta trở nên bảo thủ, cố chấp, không nghe lời khuyên nhủ của người khác, mà cứ làm theo vọng tưởng của mình. Vậy cũng nói, người vô minh là đáng sợ nhất.
3. Ba chị em khiến mọi người đều phải ngưỡng mộ, nhưng kết cục thật buồn
Câu chuyện thứ 3 là một địa chủ giàu có, sinh được ba người con gái. Ba chị em rất tình cảm với nhau. Lúc nào mọi người cũng thấy chúng quấn quýt bên nhau như hình với bóng. Chúng cùng nhau đi học, cùng về nhà, cùng học bài và đi ngủ cùng nhau, như chỉ sợ chia xa. Tình cảm của ba chị em đã trở thành giai thoại nơi quê nhà.
Sau này ba chị em lớn lên và lần lượt lập gia đình. Chị cả và chị hai vẫn ở cùng nhau, tình cảm vẫn hòa hợp như thuở ban đầu. Chỉ có cô út gả đi xa, chồng cô là một thương nhân.
Chỉ được vài năm thì chồng cô út làm ăn thất bát, nợ nần chồng chất. Một hôm cô út về nhà, yêu cầu cha mẹ phân chia gia sản. Cô muốn nhận trước phần của mình. Bố cô nghe xong, không tin vào tai mình, miệng ông há hốc. Từng lời từng lời của cô út như cắt vào lòng dạ ông, khiến ông choáng váng. Ông sa sẩm mặt mày, suýt chút nữa thì ngất xỉu. Chị cả chị hai cũng không hài lòng khi thấy cô út bất hiếu như vậy. Nhưng cô út lại khóc lóc mà rằng: “Một phần gia sản nhà này trước sau gì chẳng thuộc về con. Bây giờ vợ chồng con đang túng thiếu nên con muốn lấy trước, thì có gì sai?”
Cha mẹ cũng không thể khuyên nổi cô út, cũng đành lòng đồng ý chia nhà cửa, đất đai thành 3 phần. Cô út lại khóc lóc kêu gào nói rằng: “Bố mẹ nên chia thành 4 phần, cho con hai phần mới phải. Hai anh rể đều chẳng nợ nần gì, lại giàu có, có của ăn, của để. Chồng con thì đang nợ nần chồng chất. Lẽ nào cả nhà thấy chết mà không cứu anh ấy hay sao? Bố mẹ không sợ con gái mình về già không có nơi dựa ư?”
Chị cả, chị hai nghe xong rất buồn, các cô không hề để tâm tới số gia sản đó, mà phiền lòng vì cô út đã trở nên ích kỷ và thực dụng tự bao giờ. Ngay cả những đạo lý cơ bản về sự hiếu thuận cô cũng không hiểu. Nhưng cô út quen thói được cha mẹ chiều chuộng, nên vừa khóc lóc ăn vạ vừa tuyệt thực phản đối. Cả nhà đành phải bó tay làm theo ý cô.
Sau khi cô út mang số gia sản đi, thì tình cảm của hai cô chị đối với cô cũng bắt đầu nhạt nhòa. Dần dần họ trở thành những người xa lạ. Có thể nói rằng vì sự vô minh, vì số gia sản kia mà cô út đã cắt đứt mối duyên phận bền chặt với người thân ruột thịt của mình.
4. Tốt bụng mua lại hàng hóa của bạn, nhưng đổi lại…
Câu chuyện cuối cùng là về một người bạn học của tôi. Anh ấy kinh doanh thực phẩm chức năng. Một hôm anh ấy tới tìm tôi mượn tiền. Anh ấy nói rằng: “Tôi đang cần gấp một khoản tiền để quay vòng vốn. Đợt trước tôi đầu tư vay mượn cũng nhiều. Giờ chẳng còn biết trông mong vào mối nào nữa. Tôi biết anh là người trọng tình trọng nghĩa. Thôi thì trăm sự nhờ anh”. Vì muốn giảm bớt gánh nặng tâm lý cho anh ấy, tôi dứt khoát đòi mua số thực phẩm chức năng của anh ấy về dùng, để anh ấy có thêm thu nhập.
Nhưng hình như anh ấy cho rằng tôi có rất nhiều tiền. Cứ vài ngày anh ấy lại ôm một đống sản phẩm mới tới, nói rằng ăn vào rất tốt cho sức khỏe, chúng có tác dụng rất tốt.
Tôi nghĩ có thể anh ấy vẫn chưa xoay xở được đủ số tiền nên lại mua giúp anh ấy một lô hàng khác. Đồng thời tôi cũng nói khéo với anh ấy rằng thu nhập của tôi cũng không cao. Hơn nữa số sản phẩm chức năng tôi mua của anh ấy vẫn chất đầy tủ, có khi dùng vài năm nữa cũng không hết, nên có thể tạm thời không cần mang hàng đến cho tôi nữa.
Anh ấy nói rằng anh ấy hiểu điều này. Tôi thầm nghĩ chắc hẳn anh ấy cũng sáng suốt mà tự biết điều đó, nên sau này sẽ không mang đến cho tôi nữa. Nhưng được vài tuần sau, anh ấy lại ôm một lô sản phẩm mới nhất tới, hồ hởi nói với tôi rằng: “Lô hàng này của tôi rất đặc biệt. Đây là hàng xịn nhập khẩu từ nước ngoài về. Tôi giữ riêng cho anh đấy nhé. Thời gian qua anh đã ủng hộ tôi rất nhiều nên lô hàng này tôi sẽ chiết khấu đặc biệt cho anh. Ngoài ra anh không cần thanh toán luôn. Tôi cho anh nợ, khi nào có tiền anh trả tôi cũng được”.
Tôi cảm thấy tiếc cho anh bạn của mình và nói thẳng với anh ấy rằng không nên lợi dụng lòng tốt của bạn bè như vậy. Bạn tôi nghe xong rất tức giận. Mặt anh ấy đỏ gay gắt. Anh ấy lầm bầm vài câu khó nghe rồi bỏ đi. Từ đó chúng tôi không còn liên lạc với nhau nữa.
Thật đúng là, người đáng sợ nhất trên thế gian không phải là tiểu nhân, cũng không phải kẻ xấu mà là người vô minh. Gọi là vô minh bởi người ấy không phát giác được sự vô tri của mình. Thậm chí họ còn tin rằng mình luôn đúng. Họ không chịu lắng nghe người khác khổ tâm khuyên bảo, chỉ một mực vọng tưởng biến nó thành sự thực, làm những việc ngốc nghếch hại mình hại người.
Vô minh quyết định sự còn hay mất của duyên phận, vô minh mới là điều đáng sợ nhất! Có rất nhiều mối nhân duyên tưởng chừng đang tốt đẹp lại vì sự vô minh này mà bị phá hỏng, thậm chí còn hại người và hại chính bản thân mình.
Theo NTDTV
Minh Nguyệt biên dịch
Xem thêm:
- Vì sao con người ngày nay lại lắm bệnh tật như vậy? Nguyên nhân chính bởi điều này…
- Trí huệ giao tiếp của Quỷ Cốc Tử: Bí quyết nói chuyện với 9 kiểu người, nắm được 4 loại bạn đã có thể ung dung tự tại
- Từng thất nghiệp, vỡ nợ chứng khoán, chuyên gia tài chính thay đổi cuộc đời nhờ cuốn sách triệu người đọc