Đại Kỷ Nguyên

Điều gì giúp nhà Đường trở thành vương triều cường thịnh trong lịch sử?

Đường Thái Tông (598 – 649) tên thật là Lý Thế Dân, là vị quân vương đức hạnh, tài năng và sáng suốt nổi danh trong lịch sử Trung Hoa. Ông trị vì từ năm 626 đến năm 649 với niên hiệu duy nhất là Trinh Quán. Ông là một vị hoàng đế tài ba, người đã thiết lập sự cường thịnh của Đại Đường.

Một trong những nguyên nhân khiến triều đại nhà Đường thời kỳ này trở thành vương triều hưng thịnh nhất trong lịch sử chính là cách nhìn người và sử dụng người tài tình, sáng suốt của Hoàng đế Đường Thái Tông. Là một vị quân vương, Đường Thái Tông hiểu rõ từng điểm mạnh yếu của bề tôi, từ đó sắp xếp họ vào những chức vụ phù hợp. Nhờ đó, trong suốt thời gian ông tại vị, các đại thần đều dốc hết tài năng của mình để phục vụ đất nước.

Sử sách ghi chép lại rằng, vào năm Trinh Quán thứ 5, Đường Thái Tông nói với trưởng tôn Vô Kỵ và các đại thần trong triều: “Trẫm nghe nói, quân chủ hiền minh thì các đại thần mới dám nói thẳng. Con người rất khó nhìn rõ bản thân mình. Các khanh hãy nói những chỗ hay và chỗ dở của trẫm xem sao?”

Trưởng tôn Vô Kỵ nói: “Võ công, tài năng văn chương và phẩm hạnh đạo đức của Bệ hạ vượt qua các bậc đế vương từ xưa đến nay. Những quyết sách mà Bệ hạ làm ra và những chỉ lệnh mà Bệ hạ phát ra đều vô cùng chính xác, có lợi cho quốc gia và dân chúng. Là bề tôi, thần bận rộn chấp hành các chỉ lệnh của Bệ hạ, thực sự không phát hiện ra Bệ hạ có khuyết điểm nào cả!”

Chân dung minh họa Hoàng đế Đường Thái Tông

Đường Thái Tông nói: “Trẫm muốn nghe những thiếu sót và khuyết điểm của mình, khanh lại chỉ nói lời hay, tùy tiện nịnh hót. Hôm nay trẫm muốn công khai đàm luận về chỗ hay và chỗ dở của các khanh, để làm tham chiếu cho tương lai. Người nói không có lỗi gì, người nghe cần chú ý sửa chữa là được.”

Đường Thái Tông nói tiếp: “Trưởng tôn Vô Kỵ rất giỏi về trù tính kế hoạch, lại ứng đối nhanh nhạy. Từ xưa tới nay, khôn ai có thể sánh bằng. Nhưng nếu nói về cầm quân đi đánh giặc hay cai trị quốc gia thì đó lại không phải sở trường của khanh.”

Đối với Cao Sĩ Liêm, Đường Thái Tông nói: “Cao Sĩ Liêm, học vấn uyên bác, hơn nữa lại vô cùng thông minh. Đối mặt với khó khăn nhưng khí tiết không đổi, làm quan cũng không kết bè phái. Chỗ thiếu sót của khanh chính là khuyết thiếu dũng khí nói thẳng, khuyên can.”

Ngay sau đó, Trưởng tôn Vô Kỵ được bổ nhiệm làm Lại bộ thượng thư. Cao Sĩ Liêm được bổ nhiệm làm Thị trung. Nhờ cách nhìn người chuẩn xác của Đường Thái Tông mà hai người họ có thể phát huy hết được tài năng của mình.

(Ảnh minh họa)

Tấn xương quận công Đường Kiệm, tự là Mậu Ước, người Tấn Dương, Tịnh Châu. An đức quận công Dương Sư Đạo, tự là Cảnh Du, là người có tài trí nhạy bén.

Khi bình giá về hai người này, Đường Thái Tông nói: “Đường Kiệm nói lời hay, sắc bén, có sở trường thông hiểu ý của người khác, ham thích uống rượu, cũng có dũng khí nói chuyện. Hầu hạ trẫm ba năm nhưng chưa từng nói qua một câu thiệt hơn. Dương Sư Đạo tính cách lương thiện, hiển nhiên là không có khuyết điểm gì nhưng lại quá nhát gan, không thể làm việc lớn, bất luận sự tình cấp bách hay thư thả đều không thể trông cậy vào ông ấy được.”

Sầm Văn Bản có tên tự là Cảnh Nhân, người đất Đặng Châu. Năm Trinh Quán, ông làm quan Bái bí thư lang, Trung thư tỉnh, về sau ông làm quan Thị Lang. Đường Thái Tông bình giá về ông: “Sầm Văn Bản có tính cách đôn hậu, giỏi về văn chương, hiểu biết về đạo lý tự nhiên, luận thuật.”

Chử Toại Lương tên tự là Đăng Thiện, là người học rộng đa tài, giỏi về thư pháp, làm quan Bái thị thư. Khi đàm luận về ông, Đường Thái Tông nói: “Chử Toại Lương có học vấn sâu rộng, tính cách cũng rất kiên định ngay chính, rất thân cận với trẫm, giống như chim theo người, nên tự nhiên cũng sủng ái nhiều hơn.”

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version