Có thể bạn đã từng xem bộ phim “300”, miêu tả cuộc chiến không tưởng giữa 300 chiến binh Sparta và khoảng 1 triệu quân Ba Tư. Những chiến binh quả cảm cuối cùng cũng ngã xuống nhưng câu chuyện huyền thoại đó một lần nữa chứng minh ý chí quật cường, sức mạnh khó tin của người Sparta. Vậy đâu là điểm khởi đầu cho câu chuyện ấy?
Thành bang cổ Sparta của Hy Lạp nổi tiếng là một vùng đất của nghệ thuật chiến tranh, người ta còn gọi đó là “trại lính”. Và nó cũng đúng là một trại lính thực thụ. Ở đây, những công việc không liên quan tới chinh chiến và chính trị thường được giao cho nô lệ, để các công dân có thể tập trung chuyên tâm rèn luyện.
Công dân nam ở Sparta thường bắt đầu được dạy về các kĩ năng giao chiến khi chỉ mới 7 tuổi. Đến năm 20 tuổi, họ sẽ được gia nhập vào quân đội. Vậy điều gì đã khiến người Sparta đầu tư và phát triển thành công một hệ thống quân sự kỉ cương vào dạng bậc nhất Hy Lạp thời đó?
Cuộc sống quân đội
Tất cả mọi công dân nam ở Sparta, dưới 60 tuổi, đều được nhìn nhận với tư cách là một người lính. Một cuộc đời đầy khói lửa của người Sparta bắt đầu ngay từ khi họ được sinh ra. Khi chỉ mới 7 tuổi, những cậu bé Sparta đã bị tách ra khỏi gia đình để đưa vào trại huấn luyện, còn gọi là các “agoge”, và bắt đầu chương trình giáo dục thể chất đầy khắt khe.
Đây sẽ là nơi những đứa trẻ chiến đấu và sinh hoạt theo kỷ luật sắt: Ngủ trên giường cứng lót sậy, chỉ được phát một bộ quần áo để mặc suốt cả năm. Ngoài ra, các cậu bé còn được dạy đọc, viết, văn thơ, và chính trị. Tuy vậy, hầu hết nội dung của chương trình bao gồm các phương pháp nâng cao sự bền bỉ, độ dẻo dai, cũng như các kĩ năng sinh tồn.
Thậm chí, những đứa trẻ còn cố tình bị bỏ đói để tự học cách ăn vụng đồ ăn mà không bị bắt. Nếu bị phát hiện, chúng sẽ bị trừng phạt. Ngoài ra, chịu đòn thường xuyên cũng là một phương pháp huấn luyện để tập chịu đựng đau đớn. Đến năm 18 – 19 tuổi, các thanh niên Sparta sẽ được huấn luyện quân sự kĩ càng hơn. Cho đến năm 20 tuổi, họ chính thức trở thành một người lính, một thành viên trong hệ thống quân đội quốc gia.
Những chiến binh Sparta sinh hoạt như một cộng đồng trong những trại quân sự và ăn uống ở những sảnh ăn gọi là “syssition”. Để tập trung rèn luyện, tránh xao lãng, họ bị cấm không được tích trữ tài sản, không được sống sung túc hay được mặc quần áo đắt tiền, cũng không được tham gia các hoạt động giải trí.
Nhà sử học Plutarch từng mô tả trại quân sự Sparta là một nơi không hề có những vũ nữ biểu diễn mua vui cho binh lính. Vào thời gian rảnh rỗi, họ vẫn tiếp tục rèn luyện các kỹ năng giao chiến. Các chiến binh Sparta phải sống với nhau và không được phép kết hôn cho đến năm 30 tuổi. Chỉ đến lúc đó, họ mới được coi như những người lính dày dạn kinh nghiệm và được quyền lập gia đình, cũng như làm những công việc riêng khác. Tuy vậy, họ chỉ được nghỉ hưu hoàn toàn khi đã tròn 60 tuổi.
Cha đẻ của thành Sparta
Các nhà lịch sử học đều đồng quan điểm rằng những kỉ cương đầy nghiêm khắc trong quân đội đều được sáng lập bởi cha đẻ của thành Sparta, Lycurgus. Plutarch cho rằng ông được sinh ra vào khoảng thời gian trước năm 772 TCN. Theo nhà sử học Hy Lạp Herodotus, Lycurgus là em trai của vua Sparta.
Tuy là người bảo hộ cho cháu trai của mình, ông đã quyết định viễn du đến đảo Crete để học cách xây dựng một xã hội tốt hơn dựa trên nền tảng kỉ cương, luôn sẵn sàng trước mọi hiểm họa. Trước khoảng thời gian đó, Herodotus cho rằng nền cai trị Sparta là một trong những xã hội tệ nhất thời Hy Lạp xưa.
Một điển tích đã kể lại rằng Lycurgus đã áp dụng hệ thống hiến pháp trên quê hương mình thông qua một lời sấm truyền của Pythia, nữ tiên tri ở đền Delphi. Ngoài ra, theo lời kể của Plutarch, trong suốt cuộc hành trình cả mình, ông còn ghé thăm cả vương quốc Ai Cập cổ đại.
Hiện tại, các nhà sử học vẫn đang tranh cãi xem Lycurgus có phải là nhân vật có thật trong lịch sử hay không hay chỉ là một nhân vật trong truyền thuyết. Tuy nhiên, hầu hết đều cho rằng ông chính là người sáng lập ra hệ thống giáo dục agoge, cũng như Hội đồng bô lão Sparta (Gerousia). Sau khi Lycurgus qua đời, một đền thờ đã được dựng lên để tưởng nhớ ông.
Người Helot
Một trong những nguyên nhân khiến người Sparta phải xây dựng một chế độ quân sự nghiêm khắc chính là nguy cơ về một cuộc nổi loạn của các nô lệ luôn chực chờ. Vào thế kỉ thứ 8 TCN, nhà sử học Thucydides viết rằng người Sparta đã đem quân sang xâm lược vùng Messenia và đặt nền đô hộ trên một phần vùng đất này. Sau này, hậu duệ của người Messenia chính là người Helot.
Trong cuốn “Địa lý”, nhà triết học Strabo kể rằng ban đầu người Helot được yêu cầu phải nộp cống vật cho Sparta. Tuy nhiên họ đã từ chối, chiến tranh xảy ra và họ trở thành nô lệ. Tuy vậy, bất chấp nguồn gốc của mình, người Helot vẫn tạo thành một cộng đồng đông đảo và gắn kết hơn so với người Sparta.
Hơn nữa, việc sống chung với gia đình chính là điều làm họ khác biệt so với những vùng khác, nơi nô lệ bị tách ra khỏi cộng đồng của mình. Chính sự gắn kết chặt chẽ này, cùng với dân số áp đảo khiến cho các cuộc bạo động xảy ra rất thường xuyên. Điều này khiến cho người Sparta luôn phải cảnh giác, và luôn sẵn sàng về mặt quân sự để có thể chinh chiến và bảo vệ cuộc sống của họ khi cần thiết.
Vũ khí lợi hại nhất của chiến binh Sparta
Không phải kiếm, thương hay khiên giáp, vũ khí làm nên tên tuổi của các chiến binh Sparta huyền thoại là một loại võ công có tên: Pankration. Người Hy Lạp cho rằng, Pankration là võ công do 2 người anh hùng huyền thoại Hercules và Theseus sáng tạo ra trong những cuộc chiến thần thánh của mình.
Người ta đoán rằng, Pankration có lẽ bắt đầu được sử dụng từ khoảng thế kỷ thứ 7 TCN. Pankration có chiêu thức khá đơn giản, số lượng không nhiều nhưng mỗi đòn tung ra đều có sức sát thương rất lớn, có thể khiến đối phương choáng váng. Ở cự ly gần, sức mạnh của Pankration được phát huy đầy đủ nhất với các đòn: quyền, cước, chỏ gối và khoá cổ. Quyền bao gồm: Đấm thẳng, móc vòng và móc hàm. Cước gồm: Đá thẳng ra trước, đá vòng cầu và đá quét chân.
Trong thực chiến, kỹ năng Pankration giúp các chiến binh có thể mau chóng hạ gục đối phương, giành thế thượng phong trên chiến trường. Điều đó cũng giải thích vì sao các chiến binh Sparta có thể “1 chọi 10” trong các trận chiến.
Ví dụ minh hoạ sinh động nhất cho kỹ năng này chính là trận Thermopylae, nơi 7.000 binh lính (có 300 lính Sparta tinh nhuệ), vua Leonidas đã giữ vững con đường tiến vào Hy Lạp gần 2 ngày trước đạo quân Ba Tư lên tới gần 300.000 người.
Theo Ancient Origins
Minh Quang biên dịch
Xem thêm:
- Từ chuyện ‘Đát Kỷ – Trụ Vương’ chặt xương xem tủy, tới tội ác kinh hoàng đang diễn ra ở Trung Quốc
- 10 danh tướng công cao lấn chủ nhưng vẫn được chết già, họ có kỹ năng gì đặc biệt?
- Có một Tào Tháo hoàn toàn khác trong lịch sử: Nhẫn nại, bao dung, nhiều lần đổ lệ vì người