Tác giả: Nhậm Thải Chân
Người yêu trà cũng yêu sơn thủy, yêu những vùng non nước hữu tình sản sinh ra trà ngon, cũng thích thưởng trà, ngâm thơ đối ẩm giữa khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Từ đó, “trà đình” ra đời. Truy ngược dòng lịch sử của “Đệ nhất trà đình Trung Hoa”, có thể tìm về ngàn năm trước, với một cái tên độc đáo: “đình Tam Quý”. Đình Tam Quý có mối liên hệ sâu sắc với “Thánh trà” Lục Vũ. Lục Vũ đã viết nên bộ “Trà Kinh” vạn cổ, và “Đệ nhất trà đình Trung Hoa – Tam Quý Đình” cũng nhờ ông mà ra đời. Vậy trà đình này ẩn chứa câu chuyện trà thoại nào đằng sau?
Thắng cảnh lịch sử Trữ Sơn
Năm Đại Lịch thứ 8 đời Đường, khi Nhan Lỗ Công Chân Khanh nhậm chức Thứ sử Hồ Châu, ông đã cho xây dựng “Tam Quý Đình” trên núi Trữ Sơn, cách phía tây nam Hồ Châu hơn mười dặm. Trữ Sơn là một thắng cảnh lâu đời, từ đình Tam Quý trên đỉnh núi có thể phóng tầm mắt về phía bắc, ngắm nhìn Thái Hồ, cảnh sắc thanh u tuyệt mỹ. Tuy nhiên, Nhan Lỗ Công xây dựng đình Tam Quý ở đây không chỉ để thưởng ngoạn phong cảnh, mà còn mang một tâm ý sâu sắc hơn, liên quan trực tiếp đến Lục Vũ – người sau này được công nhận là Thánh trà của Trung Hoa.
Hai bậc thánh hiền thời Đường – một vị trung nghĩa can đảm, một vị tận tâm với trà – đã gặp gỡ tại Hồ Châu, khai mở một trang sử ấm áp ngàn năm tại đình Tam Quý trên núi Trữ Sơn. Đó là sự giao hội của ánh sáng và cảnh vật như thế nào? Hãy bắt đầu từ Hồ Châu, nơi họ hội tụ.
Hồ Châu là một thành cổ Giang Nam với lịch sử hơn 2.300 năm, nằm ở bờ nam Thái Hồ, cách Vô Tích và Tô Châu qua hồ, phía tây giáp Tuyên Châu (An Huy), phía đông giáp Gia Hưng, không xa Thượng Hải, phía nam dựa vào Thiên Mục Sơn, láng giềng với Hàng Châu. Vùng đất xung quanh Hồ Châu từ xưa đã nổi tiếng là xứ sở của tơ lụa, vựa lúa gạo, vùng đất văn vật. Thái Hồ, Tô Hàng là nơi địa linh nhân kiệt, sản sinh ra nhiều văn nhân nổi tiếng, văn phong hưng thịnh. Trữ Sơn, nằm ở ngoại ô Hồ Châu, có lịch sử lâu đời, thường được các văn nhân lui tới, để lại dấu chân ở khắp nơi. Bào Chiếu, Giang Yêm và nhiều danh gia văn học khác đã từng du lãm Trữ Sơn và làm thơ tại đây. Nhà văn Bào Chiếu thời Nam triều Tống (khoảng 415-470 CN) ca ngợi Trữ Sơn “kỳ sơn thắng tuyệt, du khách quên lối về”. “Bi ký chùa Diệu Hỷ ở Trữ Sơn, huyện Ô Trình, Hồ Châu” ghi: “Núi cao ba trăm thước, chu vi một ngàn hai trăm bước, xưa kia là nơi vua Trữ (vị vua thứ bảy của nhà Hạ) tuần du về phía nam, nay trên núi có thôn Hạ Vương, phía tây bắc núi có Hạ Giá Sơn.”
Nhân văn hội tụ dưới màn trướng của Nhan Lỗ Công, chiếu sáng đình Tam Quý
Phía nam núi Trữ có một ngôi chùa tên là “Diệu Hỷ Tự”, danh tiếng lẫy lừng. Theo bi ký chùa Diệu Hỷ do Nhan Lỗ Công soạn, chùa Diệu Hỷ khởi nguồn từ thời Lương Vũ Đế thế kỷ thứ 6, địa điểm cũ ở núi Kim Đẩu phía tây châu, đến tháng 2 năm Trinh Quán thứ 6 đời Đường Thái Tông mới dời đến Trữ Sơn. Cao tăng Giảo Nhiên nổi tiếng thời Đường đã tu hành tại chùa Diệu Hỷ. Tam Quý Đình được xây dựng gần chùa Diệu Hỷ. Trà đình đệ nhất Trung Quốc này ghi lại tình bạn vong niên giữa ba danh sĩ lịch sử: Nhan Lỗ Công, Lục Vũ và Giảo Nhiên, làm rạng danh Hồ Châu.
Năm Thiên Bảo thứ 14 đời Đường (755 CN), khi An Lộc Sơn gây loạn, Lục Vũ 24 tuổi đã rời khỏi quê hương Thiên Môn (Hồ Bắc) đến Hồ Châu – vùng đất non nước hữu tình nổi tiếng về trà. Lục Vũ ở chùa Diệu Hỷ trên núi Trữ Sơn, kết bạn vong niên với trà tăng Giảo Nhiên. Thơ của Giảo Nhiên “Tặng Vi Tảo Lục Vũ” có câu: “Chỉ tương đào dữ tạ, Chung nhật khả vong tình. Bất dục đa tương thức, phùng nhân lãn đạo danh.” (Chỉ cần Đào với Tạ, cả ngày khả quên tình. Chẳng muốn nhiều quen biết, gặp người ngại nói tên.) Thể hiện sự thanh cao, thoát tục và tình cảm đặc biệt mà ông dành cho Lục Vũ.
Lục Vũ đắm mình trong nghiên cứu về trà tại Hồ Châu, hoàn thành “Trà Kinh” – bộ sách chuyên khảo về trà đầu tiên của Trung Quốc và thế giới. Có lẽ nhiều người không biết rằng, việc hoàn thành “Trà Kinh” cũng có sự giúp sức của Nhan Lỗ Công (tức Nhan Chân Khanh).

Nhan Lỗ Công sinh ra ở Kinh Triệu Trường An, quê gốc ở Lang Nha, trong niên hiệu Đại Lịch đời Đường Đại Tông được thăng từ tư mã Cát Châu lên thứ sử Hồ Châu, từ năm Đại Lịch thứ 7 đến thứ 12. Ông cũng thúc đẩy văn phong và các hội thơ ca địa phương ở Hồ Châu ngày càng hưng thịnh. Sự kiện lịch sử trọng đại này lấy việc hoàn thành “Vận Hải Kính Nguyên”[1] làm trung tâm, và đình Tam Quý có thể nói là chứng kiến kinh vĩ của thời khắc lịch sử này.
Nhan Lỗ Công biên soạn “Vận Hải Kính Nguyên”, trải qua hơn ba mươi năm, cuối cùng hoàn thành khi đang giữ chức Thứ sử Hồ Châu vào năm Đại Lịch thứ 9 (774 CN). Từ mùa thu năm Đại Lịch thứ 8 đến mùa xuân năm thứ 9, ông đã triệu tập hàng chục tân khách, văn sĩ hậu học cùng nhau tiến hành hiệu chỉnh, bổ sung giai đoạn cuối của từ điển vần “Vận Hải Kính Nguyên”, tinh giản bộ sách đồ sộ 500 quyển thành 360 quyển. “Vận Hải Kính Nguyên” là bộ công cụ đầu tiên được sắp xếp theo âm vận, thu thập gần hai vạn bảy ngàn chữ, vừa có chức năng từ điển vừa có chức năng bách khoa thư, trong hơn hai trăm năm sau đó, “Vận Hải Kính Nguyên” do Nhan Lỗ Công biên soạn vẫn là bộ từ điển Hán ngữ thu thập nhiều chữ nhất. Cách sắp xếp của các từ điển đời sau cũng chịu ảnh hưởng từ thể lệ của nó.
Trong khoảng thời gian này, Lục Vũ, người không màng quan trường, đã gia nhập Mạc Phủ của Nhan Lỗ Công, tham gia vào giai đoạn cuối của việc biên soạn “Vận Hải Kính Nguyên”. Lục Vũ cũng nhân cơ hội biên soạn này để thu thập các sự kiện trà đạo qua các thời đại, bổ sung vào phần hạ “Thất Chi Sự” của bản nháp “Trà Kinh” mà ông đã viết, từ đó hoàn thành toàn bộ tác phẩm “Trà Kinh”.
Công việc chỉnh lý “Vận Hải Kính Nguyên” ban đầu được thực hiện tại châu học, đến mùa đông năm Đại Lịch thứ 8, địa điểm làm việc được chuyển đến Trữ Sơn cho đến khi hoàn thành vào mùa xuân năm sau. Trong thời gian này, dưới sự dẫn dắt của Nhan Lỗ Công, những văn sĩ tuấn kiệt này cũng thường cùng nhau thưởng trà ngâm thơ, tự nhiên có mối liên hệ sâu sắc với Lục Vũ và Giảo Nhiên. “Bi ký chùa Diệu Hỷ” thuật lại chi tiết quá trình biên soạn “Vận Hải Kính Nguyên”, ghi lại tổng cộng hơn tám mươi môn khách, hậu tiến của Hồ Châu, trong đó Nhan Lỗ Công đặc biệt kính trọng Giảo Nhiên và Lục Vũ. Thời đó, người ta gọi Lục Vũ là Tiếp Dư cuồng sĩ đương thời, ông thành tín, trọng lời hứa, theo đuổi sự thật đến cùng, yêu cầu rất cao với bản thân, được Nhan Lỗ Công tôn làm người đứng đầu quần anh. Trong thời gian biên soạn, Nhan Lỗ Công, Lục Vũ, Giảo Nhiên và những người khác thường du ngoạn, tụ họp tao nhã, uống trà ngâm vịnh trên núi Trữ Sơn. Tam Quý Đình được xây dựng trong khoảng thời gian này, trở thành nơi họ thưởng trà, tụ họp tao nhã.
Đình Tam Quý do Lục Vũ đặt tên. Nhan Lỗ Công ghi trong “Bi ký chùa Diệu Hỷ”: “Xử sĩ Lục dựng vào ngày Quý Hợi, tháng Mười mùa đông năm Quý Sửu, nhân đó đặt tên là Tam Quý Đình.” Ngày Tam Quý Đình hoàn thành trùng với ngày có ba chữ “Quý” trong thập can, nên Lục Vũ đã đặt tên cho đình là “Tam Quý Đình”, Nhan Lỗ Công đề chữ. Trong bài thơ “Phụng Hòa Nhan Sứ Quân Chân Khanh Dữ Lục Xử Sĩ Vũ Đăng Diệu Hỷ Tự Tam Quý Đình” của thi tăng Giảo Nhiên cũng có câu “Thiện đình lịch tam quý”:
士羽登妙喜寺三癸亭》中也有「繕亭曆三癸」的記述:
秋意西山多,列岑縈左次。繕亭曆三癸,疏趾鄰什寺。
元化隱靈蹤,始君啟高誄。誅榛養翹楚,鞭草理芳穗。
俯砌披水容,逼天掃峰翠。境新耳目換,物遠風煙異。
倚石忘世情,援雲得真意。嘉林幸勿剪,禪侶欣可庇。
衛法大臣過,佐游群英萃。龍池護清澈,虎節到深邃。
Thu ý tây sơn đa, Liệt sầm oanh tả thứ. Thiện đình lịch tam quý, Sơ chỉ lân thập tự.
Nguyên hóa ẩn linh tung, Thủy quân khải cao lỗi. Tru chu dưỡng kiều sở, Tiên thảo lý phương tuệ.
Phủ thế phi thủy dung, Bức thiên tảo phong thúy. Cảnh tân nhĩ mục hoán, Vật viễn phong yên dị.
Ỷ thạch vong thế tình, Viện vân đắc chân ý. Gia lâm hạnh vật tiễn,
Thiền lữ hân khả tí. Vệ pháp đại thần quá,
Tá du quần anh tụy. Long trì hộ thanh triệt, Hổ tiết đáo thâm thúy. Đồ tưởng Sân Đỉnh kỳ, Ư kim một di ký.
Đề tự đình Tam Quý: Tình trong cảnh
Việc Nhan Lỗ Công xây dựng Tam Quý Đình không chỉ để ngắm cảnh. Ông nói: “Quan sát phán quan Chiết Giang Tây, Điện Trung Thị Ngự Sử Viên Quân Cao tuần bộ đến châu, hội họp tại đất này (Trữ Sơn), Chân Khanh bèn dựng đình ở phía đông nam.” (Bi ký chùa Diệu Hỷ). Đoạn văn này chỉ là ghi lại một ngoại nhân, ông đã bày tỏ “lời trong lòng” trong bài thơ “Đề Trữ Sơn Quý Đình Đắc Mộ Tự”: “Thốt cấu Tam Quý Đình, thật vì Lục Sinh cố.” Nhan Lỗ Công xây dựng Tam Quý Đình vì Lục Vũ, rõ ràng trong quá trình làm việc cùng nhau, ông rất ngưỡng mộ tinh thần theo đuổi sự thật đến cùng, thái độ cầu thị và khổ tâm sáng tác “Trà Kinh” của Lục Vũ.
Bài thơ “Đề Trữ Sơn Quý Đình Đắc Mộ Tự” của Nhan Lỗ Công ký thác tình cảm vào cảnh vật, tình và cảnh đều thịnh, ca ngợi cảnh sắc Trữ Sơn u tuyệt, dấu chân tiền nhân điểm xuyết khắp nơi, sinh thái tràn đầy sức sống, đẹp không sao tả xiết; Đình Tam Quý sừng sững trên núi Trữ Sơn, vươn tới tận mây xanh, tầm nhìn rộng mở, thu trọn Thái Hồ vào lòng, bến đò cổ mênh mông, cảnh sắc tươi đẹp hiện ra trước mắt. Bên đình lát đá rêu, cành quế lay động, gần đó khỉ trong rừng đùa giỡn với người, cây trái xum xuê, chim đến làm tổ. Nhìn từ đình xuống, đài câu cá của thái thú Ngô Hưng Hà Giai hiện ra trước mắt.
Bài thơ “Đề Trữ Sơn Quý Đình Đắc Mộ Tự” viết:
杼山多幽絕,勝事盈跬步。
前者雖登攀,淹留恨晨暮。
及茲紆勝引,曾是美無度。
欻構三癸亭,實為陸生故。
高賢能剏物,疏鑿皆有趣。
不越方丈間,居然雲霄遇。
巍峨倚修岫,曠望臨古渡。
左右苔石攢,低昂桂枝蠹。
山僧狎猿狖,巢鳥來枳椇。
俯視何楷台,傍瞻戴顒路。
遲回未能下,夕照明村樹。
Trữ Sơn đa u tuyệt, Thắng sự doanh khuể bộ.
Tiền giả tuy đăng phàn, Yêm lưu hận thần mộ.
Cập tư vu thắng dẫn, Tằng thị mỹ vô độ.
Thốt cấu Tam Quý Đình, Thật vì Lục Sinh cố.
Cao hiền năng sảng vật, Sơ tạc giai hữu thú.
Bất việt phương trượng gian, Cư nhiên vân tiêu ngộ.
Nguy nga ỷ tu tú, Khoáng vọng lâm cổ độ.
Tả hữu đài thạch toàn, Đê ngang quế chi đỗ.
Sơn tăng áp viên hựu, Sào điểu lai chỉ cự.
Phủ thị Hà Giai đài, Bàng chiêm Đới Ngung lộ.
Trì hồi vị năng hạ, Tịch chiếu minh thôn thụ.
Trà thoại trong lịch sử có vô số, nhưng trà thoại lịch sử được tạo nên từ “Tam Quý Đình” này, rõ ràng là khó phai mờ trong văn hóa trà Trung Quốc.
Chú [1]: Nội dung của “Vận Hải Kính Nguyên”, “Bi ký chùa Diệu Hỷ ở Trữ Sơn huyện Ô Trình Hồ Châu” của Đường Nhan Lỗ Công có thuật lại: “Xét Ngũ đại tổ Tùy Ngoại Sử phủ quân cùng Thiết Vận do Pháp Ngôn định, dẫn “Thuyết Văn”, “Thương Nhã” và các sách chữ khác, tìm tòi huấn giải, sau đó trích dẫn các câu có từ hai chữ trở lên trong Kinh, Sử, Tử, Tập, mở rộng và biên soạn, vì vậy gọi là “Vận Hải”. Lấy đó làm gương soi chiếu bản gốc, không gì không thấy, vì vậy gọi là “Kính Nguyên”.” Đáng tiếc bộ sách này đã bị thất lạc.
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch